Bí quyết săn học bổng du học Mỹ
Đại học Mỹ luôn nhìn hồ sơ ở hai phần, phần cứng (điểm GPA, SAT, giải thưởng) và phần mềm ( bài luận, hoạt động ngoại khóa, kê khai tài chính).
Tại triển lãm các trường đại học Mỹ và Canada ngày 30/6, các cố vấn đến từ tổ chức giáo dục Summit đã giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh về cách thức săn học bổng, chọn ngành và chọn trường đại học Mỹ phù hợp.
Theo bà Trần Phương Hoa, Giám đốc điều hành Summit, số lượng học bổng dành cho sinh viên quốc tế du học Mỹ ngày càng hạn chế, tính cạnh tranh cao, vì thế phụ huynh và học sinh nên chuẩn bị hồ sơ du học càng sớm càng tốt. Nhiều học sinh đến năm lớp 9-10 gia đình mới bắt đầu định hướng du học và cho con học tiếng Anh. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho các em vì khả năng nghe nói và tư duy tiếng Anh cần được trau dồi từ nhỏ và trong thời gian dài.
Đề thi chuẩn hóa trải dài ở đa lĩnh vực như văn học, ngôn ngữ nên nếu các em chỉ học chương trình tiếng Anh trên lớp hoặc học các môn khoa học bằng tiếng Anh là chưa đủ. Với điểm chuẩn hóa như SAT, TOEFL, IELTS, giám đốc Summit khuyên học sinh nên ôn tập từ năm lớp 10.Bên cạnh việc định hướng sớm, việc chuẩn bị hồ sơ xin học bổng cũng là yếu tố quan trọng.
Ông Myo Min, Giám đốc học thuật của Summit, cho biết từ góc độ của hội đồng tuyển sinh, các trường đại học Mỹ luôn nhìn tổng thể hồ sơ ở hai phần, phần cứng (điểm GPA, SAT, giải thưởng) và phần mềm (bài luận, hoạt động ngoại khóa, kê khai tài chính).
Đầu tiên, hội đồng tuyển sinh sẽ đánh giá điểm số, trong đó điểm trung bình học tập GPA là quan trọng nhất, rồi đến điểm SAT, giải thưởng nếu có. Phần này sẽ được chấm theo thang điểm thấp dần từ 1 đến 5, sau đó tiếp tục đến phần mềm. “Các em cần trau dồi tích lũy ở cả hai phần, không nên chỉ chú trọng một phần mà bỏ qua phần còn lại”, ông kết luận.
Bà Trần Phương Hoa và ông Myo Min chia sẻ cách săn học bổng Mỹ.
Có nhiều năm kinh nghiệm hướng dẫn học sinh chuẩn bị hồ sơ du học, ông Daniel Friesen, cố vấn học thuật của Summit, nhận xét điểm yếu của học sinh Việt Nam là viết bài luận xin học bổng. Học sinh thường không nắm rõ và không tìm hiểu kỹ mong muốn của bản thân, dẫn tới nhiều bạn hồ sơ đẹp nhưng không có mục tiêu tương lai.
“Điều này sẽ thể hiện rất rõ trong bài luận vì nếu không thể hiện được các giá trị bản thân thì hội đồng tuyển sinh không thể biết về tính cách, mục tiêu và mong muốn của thí sinh”, thầy Daniel nói.
Lấy ví dụ về bài luận “Vì sao thí sinh muốn đăng ký vào trường?”, ông nhận xét nhiều bạn chỉ nêu được những điểm thích ở trường nhưng điều hội đồng tuyển sinh muốn biết là sinh viên mong muốn đạt được điều gì trong tương lai và với điều kiện và nguồn lực của mình, nhà trường có thể giúp đỡ như thế nào.
Trả lời câu hỏi về cách chọn trường đại học Mỹ, bà Trần Phương Hoa đưa ra năm tiêu chí quan trọng phụ huynh học sinh nên áp dụng. Trước khi đăng ký, học sinh cần xem xét điều kiện để vào trường như tiêu chí điểm số, thành tích và đánh giá liệu gia đình có thể đáp ứng được hay không.
“Sai lầm của nhiều người khi vào website trường là chỉ xem điều kiện dành cho học sinh Mỹ và học sinh quốc tế nói chung. Các em hãy so sánh mình và những người trong nước từng đỗ để đánh giá chính xác nhất”, bà Hoa nói.
Video đang HOT
Tiếp theo, phụ huynh nên cân nhắc câu hỏi “liệu trường đại học đó có khả năng chi trả học bổng và hỗ trợ tài chính theo nguyện vọng của thí sinh hay không?”. Tuy nhiên, các trường đại học thường không công bố chính xác mức tài chính nhà trường có thể giúp đỡ nên học sinh có thể tìm đến nhà tư vấn hoặc những người đi trước.
Điểm lưu ý tiếp theo là xem xét vị trí thứ hạng của trường và ngành học trong trường trong các bảng xếp hạng uy tín. Bà Hoa lấy ví dụ trường A có vị trí xếp hạng cao hơn trường B, nhưng ngành học mà học sinh lựa chọn ở trường A lại đứng thấp hơn ngành đó ở trường B thì nên chọn học trường B.
Ông Daniel Friesen tư vấn cho thí sinh chọn trường đại học Mỹ.
Tiêu chí cuối cùng là vị trí địa lý. Giám đốc Summit cho hay giữa trường cách xa thành phố và trường gần trung tâm thành phố thì nên ưu tiên trường gần vì sẽ có nhiều doanh nghiệp thực tập hoặc những trường ở xa nhưng giao thông thuận lợi.
Đinh Nho Minh, cựu sinh viên đại học Tufts, đánh giá việc chọn ngành ở trường đại học Mỹ tương đối linh hoạt và nhiều cơ hội. Bởi vì tại một số trường đại học, sinh viên chọn ngành vào năm ba. Hai năm đầu, các bạn có thể đăng ký ngành học, môn học tuỳ thích nhằm tìm kiếm ngành phù hợp. Ngoài ra, sinh viên có thể tìm đến sự tư vấn của cố vấn học tập, giảng viên nhà trường.
Về việc tìm kiếm cơ hội thực tập hoặc làm đề tài nghiên cứu, Nho Minh khuyên học sinh hãy mở rộng mối quan hệ khi học tập tại nước Mỹ. “Các bạn không nên chỉ lên lớp nghe giảng mà cần làm quen giáo sư và bạn bè trong trường để có cơ hội tham gia trợ giảng hoặc làm đề tài nghiên cứu khoa học”, Minh nói và cho hay nên bắt đầu tìm hiểu vị trí thực tập từ năm nhất, năm hai để tạo dựng hồ sơ và mối quan hệ hữu ích.
Tú Anh
Theo VNE
Nam sinh 10X giành học bổng 9 trường đại học Mỹ
Lê Quang Đạt (18 tuổi, nam sinh lớp 12 chuyên lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa-Vũng Tàu) đã xuất sắc giành học bổng 9 trường đại học Mỹ.
Lê Quang Đạt được 9 trường ĐH ở Mỹ cấp học bổng - NVCC
Bài luận từ đam mê bóng bàn
Trước khi bắt đầu học THPT, Quang Đạt đã được truyền cảm hứng du học từ chị gái - Lê Thu Uyên - người đã từng giành học bổng du học tại trường Mount Holyoke College (Mỹ). Từ những chia sẻ của chị gái, Đạt cảm thấy yêu thích môi trường học tập có nhiều bạn bè quốc tế và quyết định chuẩn bị hồ sơ lên đường du học.
Bài luận đưa Quang Đạt tới nền giáo dục Mỹ nói về niềm đam mê với bóng bàn và tình yêu vật lý. Môn thể thao tưởng chừng như là chơi giải trí nhưng nó chứa nhiều bài học giúp Đạt rèn kỹ năng chịu khó quan sát, tìm tòi học hỏi để tập luyện tốt hơn. Đạt viết trong bài luận rằng: "Từ tình yêu dành cho môn bóng bàn, mình đã yêu vật lý. Vật lý là cái nôi sản sinh ra các ngành kỹ thuật. Và các ngành kỹ thuật là mảnh đất màu mỡ để ứng dụng các kiến thức về vật lý. Và giờ đây, mình cũng yêu mảnh đất màu mỡ - nơi các kiến thức vật lý được ứng dụng - đó là kỹ thuật".
Chia sẻ về lựa chọn về ngôi trường du học, Quang Đạt cho biết sẽ chọn học tại trường Depauw University (Mỹ), với chương trình học văn bằng kép. Thời gian học 3 năm tại trường đầu vào, cộng thêm 2 năm đào tạo tại ĐH Columbia. Cậu chia sẻ thêm sẽ chọn chuyên ngành học về kỹ thuật hàng không. Đạt mong muốn sẽ được tìm hiểu chuyên sâu những thứ liên quan đến kỹ thuật công nghệ và triển vọng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Đặc biệt, cậu bạn chia sẻ là mình rất may mắn vì luôn được bố mẹ động viên, đồng hành về mọi mặt. Từ đó, Đạt chủ động tìm hiểu bản thân và tin tưởng vào lựa chọn con đường du học của mình.
Cân bằng việc học và hoạt động ngoại khóa
Trong thời gian học tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quang Đạt từng giành giải ba học sinh giỏi môn vật lý cấp tỉnh (2017-2018); giải nhì học sinh giỏi môn vật lý cấp tỉnh (2018-2019)... Đặc biệt, cậu bạn giữ vững thành tích học sinh giỏi trong 12 năm liền. Bên cạnh, trong ba năm học, cậu bạn theo đuổi đam mê bộ môn bóng bàn và đã xuất sắc đạt nhiều thành tích: 6 huy chương vàng, 8 huy chương bạc và 5 huy chương đồng... trong các cuộc thi đấu bóng bàn cấp tỉnh, thành phố.
Theo Đạt, quá trình chuẩn bị hồ sơ là một giai đoạn đầy vất vả. Quỹ thời gian có hạn nên cậu phải chia thời gian biểu mỗi ngày.
"Để hoàn thành một khối lượng công việc cùng lúc, mình phải tranh thủ buổi tối để giải quyết bài vở. Giờ học, mình tập trung hiểu bài giảng của thầy cô ngay trên lớp. Những kiến thức còn vướng mắc thì mình sẽ trực tiếp trao đổi ngay với giáo viên để nắm chắc nội dung. Thời gian còn lại, mình ôn thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, ôn thi các bài thi chuẩn hóa đầu vào, tập viết luận và tham gia hoạt động ngoại khóa", Đạt nói.
Quang Đạt cùng chị gái tập bóng bàn
Quang Đạt (ở giữa) và hai cô giáo luôn hỗ trợ cậu trong học tập
Sở hữu bảng thành tích học tập ấn tượng nhưng Quang Đạt khẳng định cậu không dành hết thời gian vùi đầu vào sách vở mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Đạt là thành viên tham gia dạy văn hóa cho trẻ em mồ côi tại Tịnh Xá Ngọc Đức (Vũng Tàu) từ năm 2016-2018; tham gia tổ chức giáo dục phi lợi nhuận PINK và thực hiện nhiều chuyến đi thiện nguyện hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...
"Hoạt động xã hội giúp em có thêm nhiều trải nghiệm, tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người. Đây cũng là những hoạt động em tâm đắc nhất vì mình đã thực sự giúp ích được cho cộng đồng", Đạt nói.
Theo Đạt, để có thể cân bằng được cuộc sống và học tập, gia đình là điểm tựa vô cùng quan trọng. "Bố mẹ mình luôn chú trọng đến việc phát triển toàn diện cho con cái về trí lực và thể lực nên đã tạo điều kiện cho mình rèn luyện thể thao từ rất sớm. Và mình đam mê nhất là bộ môn bóng bàn, giúp mình rèn luyện thể chất, thư giãn tinh thần sau những giờ học căng thẳng...", cậu bạn tâm sự.
Về dự định trong tương lai, Đạt sẽ nỗ lực lấy bằng thạc sĩ về kỹ thuật hàng không (Master of Aerospace Engineering) tại Đại học Columbia. Đạt nghĩ, việc du học sẽ giúp bản thân trưởng thành hơn, sống độc lập hơn và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để có thể đi làm việc khắp nơi trên thế giới.
Các trường ĐH Mỹ mà Quang Đạt trúng tuyển:
- Depauw University - học bổng 168.000 USD
- Kalamazoo College - học bổng 168.000 USD
- Miami University - học bổng 140.000 USD
- Drexel University- học bổng 148.800 USD
- Ohio Wesleyan University- học bổng 152.000 USD
- Gustavus Aldophus College - học bổng 144.000 USD
- Truman State University - học bổng 32.000 USD
- Fairfield University - học bổng 168.400 USD
- Wabash College - học bổng 120.000 USD
Theo thanhnien
New Zealand - điểm đến của nhiều du học sinh Người học được trang bị những kỹ năng cần thiết để hội nhập toàn cầu, cơ hội việc làm rộng mở, nhiều học bổng giá trị cao. Theo Tổ chức Giáo dục New Zealand (Education New Zealand), số lượng visa cấp mới cho du học sinh Việt Nam trong năm 2018 tăng hơn 7% so với năm 2017 (trong đó khối trung học...