“Bí quyết” đạt điểm cao môn Ngữ văn thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm 2021
Theo các giáo viên, đối với môn Ngữ văn, thí sinh cần áp dụng tư duy làm Văn như làm Toán, trình bày khoa học, viết đủ ý, đúng trọng tâm đề bài, tránh tình trạng phân tích suy diễn.
Viết văn không phải là “chém gió”
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, các sĩ tử tại Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2021. Đây cũng là giai đoạn nước rút để tập trung ôn luyện các môn, thí sinh cần tránh những sai sót không đáng có để không bị mất điểm oan.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên bộ môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục Học Mãi.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục Học Mãi cho biết, có nhiều học sinh lầm tưởng rằng viết văn là “chém gió” hay chỉ cần học thuộc, khi làm bài thi thì viết càng dài càng tốt, kiểu gì cũng trúng nên sinh ra tâm lí nước đến chân mới nhảy.
Tuy nhiên, đối với môn Ngữ văn, thí sinh cần áp dụng tư duy làm Văn như làm Toán, trình bày khoa học, viết đủ ý, đúng trọng tâm đề bài, tránh tình trạng phân tích suy diễn. Để làm được điều này, các em cần tăng cường luyện viết và rèn luyện kỹ năng diễn đạt.
Ở giai đoạn gần kề ngày thi, thí sinh cần có phương pháp ghi nhớ nhanh kiến thức cơ bản theo đặc trưng thể loại và theo chuyên đề/chủ đề. Cụ thể, đối với thơ, học sinh cần nắm rõ hoàn cảnh sáng tác, mạch cảm xúc, bố cục và hình ảnh bài thơ cùng các biện pháp nghệ thuật mà tác giả thể hiện. Đối với thể loại truyện, các em cần nắm được hoàn cảnh sáng tác, ngôi kể, tình huống, nhân vật, chi tiết nghệ thuật…
Thí sinh nên gom các tác phẩm cùng thể loại để ôn tập theo chuyên đề (như truyện thơ Nôm, thơ hiện đại, truyện ngắn…) hoặc gộp các vấn đề để ôn theo chủ đề (như tình cảm gia đình, tình yêu quê hương…).
Cô giáo Thu Trang cũng nhấn mạnh ở kĩ năng viết đoạn văn nghị luận văn học, thí sinh cần xác định rõ kiểu đoạn văn là quy nạp, diễn dịch hay tổng – phân – hợp? Sau đó thí sinh xác định câu chủ đề của đoạn văn từ việc khai thác tối đa vấn đề nghị luận được nêu ở đề bài và triển khai dàn ý ra nháp trước khi viết.
Lưu ý rằng khi phân tích nên đi từ nghệ thuật đến nội dung, từ tổng hợp khái quát đến đi sâu chi tiết. Đặc biệt, cần lưu ý đến các đặc trưng thể loại. Về kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội, ngoài việc xác định câu chủ đề cho đoạn văn và lập dàn ý triển khai, thí sinh cần lưu ý trả lời được các câu hỏi sau để diễn đạt mạch lạc, đủ ý:
Video đang HOT
Vấn đề xã hội cần nghị luận là gì? Vấn đề đó được biểu hiện như thế nào? Tại sao lại cần có vấn đề đó? (Hoặc tại sao vấn đề đó lại xảy ra?) Ý nghĩa, vai trò của vấn đề nghị luận đối với cá nhân và cộng đồng là gì? Ngoài ra, các em cần đưa ra các dẫn chứng và liên hệ thực tế để thể hiện vốn hiểu biết xã hội.
Còn theo cô giáo Đỗ Khánh Phượng, giáo viên bộ môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục Học Mãi, các thí sinh nên chọn những dẫn chứng mới, tiêu biểu, mang tính thời sự thay vì những dẫn chứng quá cũ kĩ, lặp lại quá nhiều sẽ gây nhàm chán.
Cùng với việc trang bị nền tảng kiến thức vững chắc và rèn luyện kĩ năng làm bài thi để đạt điểm cao, sĩ tử cần giữ tâm lí thoải mái, tránh căng thẳng, lo lắng quá mức, gây ảnh hưởng tới quá trình làm bài thi, dẫn đến kết quả thi không như mong muốn.
Kiến thức nền bị “hổng” dễ mất điểm oan
Học sinh trường THCS Nguyễn Trãi, quận Hà Đông đang ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2021.
Cô Khánh Phượng lưu ý, trong quá trình làm bài, những lỗi sai phổ biến mà không ít các thí sinh mắc phải dẫn đến “mất điểm oan” thường nằm ở phần trình bày và do “hổng” kiến thức nền tảng.
Việc “hổng” kiến thức có thể dẫn đến một số hệ lụy khi làm bài thi như sai kiến thức tác giả, tác phẩm, trả lời lan man không đúng trọng tâm, nhầm lẫn, mơ hồ giữa các khối kiến thức, không phân biệt được các thuật ngữ Tiếng Việt, Tập làm văn…
Khi làm bài thi, các em cần trình bày bài thi một cách khoa học, chữ viết rõ ràng, ghi rõ câu, phần trả lời trong bài làm. Nếu đã viết xong và muốn bổ sung thêm ý thì ghi bổ sung xuống bên dưới, ghi rõ là bổ sung cho câu nào, phần nào.
“Các em không được sử dụng bút xóa để tẩy xóa, không viết bằng bút chì hay bút đỏ, không viết tràn ra phần rọc phách hay viết sát mép giấy thi. Khi trích dẫn nguyên văn câu thơ, câu văn hay trích dẫn tên tác phẩm thì phải dùng dấu ngoặc kép.
Dù đề bài là nêu cảm nhận, suy nghĩ hay phân tích, thì khi làm bài, các em vẫn phải bắt đầu từ việc phân tích. Tuyệt đối không tự suy diễn mà phải đọc kĩ đề bài, xác định đúng nội dung, chủ đề văn bản, xem đề bài hỏi bao nhiêu vấn đề, từ đó lấy cơ sở để hoàn thành bài thi, trả lời đúng trọng tâm, không bỏ sót ý.
Khi viết bài các em không nên viết chi chít các ý vào nhau mà cần tách ra thành các đoạn văn, đồng thời, cũng cần chú ý việc liên kết các câu, đoạn văn để phục vụ chủ đề chung của bài. Ngoài ra, cần tránh việc sử dụng những từ ngữ sáo rỗng, không phù hợp sắc thái nghĩa, mơ hồ, khó hiểu hoặc dùng văn nói khi viết”, cô Thu Trang chia sẻ.
Có đoạn trích trong bài thơ Miền Trung, đề Ngữ văn mang tính giáo dục cao
Nhìn chung đề thi tham khảo môn Ngữ văn không thay đổi so với đề thi tham khảo lần 2 và đề thi chính thức kì thi tốt nghiệp năm học 2019 - 2020.
Ảnh minh họa
Ngày 31/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp năm trung học phổ thông 2021 của 7 môn: Toán, Ngữ văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.
Đánh giá về đề thi tham khảo môn Ngữ văn, cô Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Ngữ văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, nhìn chung đề thi không thay đổi so với đề thi tham khảo lần 2 và đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2019 - 2020.
Vẫn trong thời lượng 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi trung học phổ thông quốc gia từ năm 2017 tới nay: phần Đọc hiểu (3,0 điểm), phần Làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học trò.
Có đoạn trích trong bài thơ Miền Trung, nhiều thầy cô đánh giá đề tham khảo môn Ngữ văn mang tính giáo dục cao (ảnh chụp màn hình)
Cụ thể, phần Đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ 16 câu, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông, sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại khá rõ ranh giới của các cấp độ nhận thức.
Cũng như đề tham khảo và đề chính thức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2019 - 2020, hai câu hỏi 1 và 2 cho phần Đọc hiểu của đề minh họa môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2020 - 2021 đều dừng lại ở mức độ câu hỏi nhận biết với những tín hiệu khá rõ ràng.
Câu hỏi số 1 yêu cầu nhận biết về một yếu tố hình thức của ngữ liệu, đó là thể thơ; câu hỏi số 2 yêu cầu nhận biết về một yếu tố nội dung của ngữ liệu, đó là yêu cầu "Chỉ ra hai hình ảnh trong đoạn trích diễn tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung". Với yêu cầu nhận biết, đây sẽ là những câu hỏi giúp học trò dễ dàng đạt mức điểm tuyệt đối dành cho mỗi câu hỏi, thường có thể từ 0,5 tới 0,75 điểm.
Câu hỏi số 3 hướng tới mức độ vận dụng và thông hiểu khi yêu cầu thí sinh lí giải cách hiểu về các hình ảnh trong ba dòng thơ trích từ ngữ liệu đọc hiểu: "Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật" - các em phải "vận dụng" kiến thức về tu từ nghệ thuật, kiến thức địa lí, văn hóa... để "thông hiểu" ý thơ, nhận ra mối liên tưởng khá thú vị từ hình dạng của dải đất miền Trung tới tình người sâu đậm, ngọt ngào...
Câu hỏi số 4 có thể coi là câu hỏi mang tính chất tổng hợp khi xuất phát từ nền tảng của sự thông hiểu mà hướng tới mức độ vận dụng và vận dụng cao, xác định đúng mạch ý tình trong đoạn trích, đồng thời vận dụng những kiến thức xã hội, lịch sử, địa lí... để có cái nhìn chân thực, chính xác về tình cảm tác giả dành cho miền Trung, nỗi xót thương cho mảnh đất đói nghèo, khắc nghiệt, khô cằn..., tình yêu tha thiết với vùng đất có những con người cơ cực, nhọc nhằn mà tài hoa, tình nghĩa!
Nhìn chung, với cấu trúc quen thuộc, mức độ các câu hỏi vừa sức, có xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết so với các kì thi trung học phổ thông quốc gia trước đây, phần Đọc hiểu sẽ là phần kiến thức và kĩ năng hứa hẹn khả quan cho quĩ điểm của thí sinh trong quá trình thực hiện các yêu cầu của đề bài.
Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất, 5 điểm, theo đề minh họa năm nay, vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kĩ năng trong câu nghị luận văn học khá rành mạch khi yêu cầu "phân tích hình ảnh sông Hương" trong một trích đoạn ngữ liệu ngắn gọn - đoạn văn miêu tả thủy trình của sông Hương khi đã ra khỏi những cánh rừng đại ngàn, trôi chảy giữa ngoại vi thành Huế - sau đó là yêu cầu nhận xét về tính trữ tình trong bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Với cấu trúc của câu nghị luận văn học, thí sinh sẽ xác định rất rõ ràng các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, có ý thức gắn kết giữa nội dung và nghệ thuật trong quá trình phân tích. Một trích đoạn ngắn làm ngữ liệu nghị luận, hai câu lệnh với hai yêu cầu về nội dung nghị luận vừa hòa kết, vừa tách bạch, câu nghị luận văn học cũng không làm khó cho học sinh trong quá trình làm bài.
"Nhìn chung, nếu đề tham khảo đúng với tính chất minh họa cho cấu trúc, kiểu dạng, mức độ các câu hỏi của đề thi chính thức trong kì thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2020 - 2021, đó sẽ là những định hướng đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới", cô Tuyết nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm này, cô Nguyễn Thị Dịu, Giáo viên Ngữ văn, Trường trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh khẳng định, đề tham khảo không chỉ kiểm tra kiến thức văn học mà còn đề cập đến các vấn đề thời sự.
Ngữ liệu trong phần Đọc hiểu là một đoạn trích trong bài thơ Miền Trung của tác giả Hoàng Trần Cương. Hệ thống câu hỏi ở phần Đọc hiểu dẫn dắt học sinh tìm hiểu về mảnh đất và con người miền Trung- vùng đất vừa trải qua thiên tai bão lũ. Chủ đề của đoạn văn nghị luận xã hội là sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách.
"Đây là vấn đề giàu nghĩa, có tính giáo dục cao. Bằng chính trải nghiệm cuộc sống, đặc biệt là những hiểu biết, trải nghiệm về tình người trong hoàn cảnh dịch bệnh, thiên tai vừa qua, học sinh có thể bàn luận sâu sắc về vấn đề này", cô Dịu nhận định.
Câu 2 của phần Làm văn chiếm tỉ lệ điểm cao nhất trong bài thi (5,0 điểm) yêu cầu: phân tích hình tượng sông Hương trong một đoạn trích của tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông và nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây là tác giả, tác phẩm mà học sinh được học trong chương trình Ngữ văn lớp 12, tập một.
Như vậy, phạm vi kiến thức của đề thi bám sát kiến thức lớp 12, không đánh đố học sinh. Tính phân hóa của đề thi tham khảo thể hiện rõ ở yêu cầu nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Như vậy, trong một cấu trúc quen thuộc, đề thi tham khảo năm nay vẫn tạo được nét tươi mới, mang hơi thở cuộc sống. Dựa vào đề thi này, học sinh sẽ biết định hướng ôn tập và tự tin chuẩn bị tâm thế, kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp 2021.
Hải Phòng: Phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và tuyển sinh vào 10 Chiều 22/4, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022. Quang cảnh Hội nghị Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng đã đánh giá về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, kỳ thi...