Bí quyết đạt điểm cao môn Lịch sử: Chắt lọc, xâu chuỗi kiến thức giai đoạn 1939 – 1945
Cô Hồ Thị Minh Sang, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu, Thừa Thiên – Huế đưa ra những lưu ý quan trọng, giúp thí sinh học, ôn tập và làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử.
Giờ học Lịch sử Trường THPT Phan Đăng Lưu (Thừa Thiên – Huế).
Lưu ý từ đề thi tham khảo
Cô Hồ Thị Minh Sang cho biết: Trong đề thi tham khảo Lịch sử thi tốt nghiệp THPT năm nay, nội dung về phong trào giải phóng dân tộc giai đoạn 1939 – 1945 trong chương trình Lịch sử lớp 12 có 2 câu hỏi; gồm câu hỏi số 12 và câu hỏi số 34. So với đề thi chính thức của năm 2020, số câu hỏi thuộc nội dung này giảm 2 câu.
Cụ thể, câu hỏi số 12 về Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5/1941) quyết định thành lập là câu hỏi dễ, ở mức độ nhận biết. Yêu cầu của câu hỏi chỉ để kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức đã học của học sinh, không yêu cầu các em phải tiến hành các thao tác tư duy khác.
Ở câu hỏi này, học sinh nếu học bài đầy đủ sẽ nhớ được từ ngày 10 – 19/5/1941, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Pác Bó (Hà Quảng – Cao Bằng).
Hội nghị đã khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc, tiếp tục tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất. Hội nghị chỉ rõ sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp – Nhật sẽ thành lập Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh thay cho Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương… (SGK Lịch sử lớp 12, trang 108 -109).
Như vậy, với việc nhớ được nội dung trên, học sinh dễ dàng chọn được đáp án đúng là “Mặt trận Việt Minh”. Ba phương án còn lại đều là những kiến thức của giai đoạn 1930 – 1931 và 1936 – 1939, hoàn toàn không được đề cập trong nội dung của Hội nghị Trung ương 8 (5/1941). Do vậy, đây là các phương án nhiễu quá rõ ràng để học sinh loại trừ.
Câu hỏi số 34: Vấn đề nào sau đây được đặt lên hàng đầu trong các hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương giai đoạn 1939 – 1945: Giải phóng dân tộc; Cải cách ruộng đất; Giải phóng giai cấp; Thành lập Mặt trận. Theo cô Sang, đây là câu hỏi khó, ở mức độ vận dụng. Dạng câu hỏi này yêu cầu học sinh phải trải qua 3 lần thao tác tư duy gồm biết – hiểu – vận dụng.
Cụ thể, các em phải biết được nội dung các hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn 1939 – 1945 (trọng tâm là Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 8). Từ việc biết nội dung các hội nghị, học sinh phải hiểu được nội dung trọng tâm hàng đầu được các hội nghị nhấn mạnh là gì.
Video đang HOT
Cuối cùng, phải xâu chuỗi liên hệ kiến thức của các hội nghị để rút ra điểm chung quan trọng nhất về nội dung mà các hội nghị đó đã đề cập. Khi đã nắm chắc và tiến hành suy luận đầy đủ theo các thao tác tư duy đó, các em sẽ biết được phương án “Giải phóng dân tộc” là đáp án đúng duy nhất của câu hỏi này.
Cô Hồ Thị Minh Sang trong giờ dạy môn Lịch sử. Ảnh: TG
Kiến thức cần ghi nhớ
Theo cô Hồ Thị Minh Sang, để tránh việc học tủ, học lệch của học sinh, những năm gần đây, Bộ GD&ĐT chủ trương kiểm tra toàn diện kiến thức đã học. Các trường phải bảo đảm dạy hết chương trình mới tiến hành kiểm tra đánh giá học sinh. Từ năm học 2020 – 2021, việc kiểm tra định kì phải được tiến hành theo ma trận thống nhất chung trên cả nước theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Khẳng định đối với môn Lịch sử lớp 12, nội dung về phong trào giải phóng dân tộc giai đoạn 1939 – 1945 rất quan trọng, cô Sang cho rằng, với nội dung này học sinh phải ghi nhớ đầy đủ kiến thức lịch sử của giai đoạn, trong đó đặc biệt chú ý các nội dung sau:
Những thay đổi của tình hình thế giới có tác động đến Việt Nam; Những biến chuyển về chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam giai đoạn này; Các hội nghị Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương (Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, chú trọng Hội nghị 6 và 8); Vai trò của Mặt trận Việt Minh; Công cuộc chuẩn bị lực lượng (chính trị, vũ trang, căn cứ địa cách mạng) và những biện pháp gấp rút chuẩn bị để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền từ năm 1941 – 1944.
Cùng với đó là các nội dung: Khởi nghĩa từng phần (từ giữa tháng 3 – tháng 8/1945), tác dụng ý nghĩa của phong trào đối với Cách mạng tháng Tám năm 1945; Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945: Vấn đề thời cơ và nắm bắt thời cơ, sự chuẩn bị cuối cùng cho Tổng khởi nghĩa trong năm 1945; Tổng khởi nghĩa thắng lợi và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945); Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Học sinh khối 12 Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình).
Ôn tập, làm bài thi hiệu quả
Để học và ôn tập có hiệu quả bộ môn Lịch sử nói chung và nội dung về phong trào giải phóng dân tộc giai đoạn 1939 – 1945, cô Hồ Thị Minh Sang cho rằng: Học sinh trước hết tạo cho mình tâm thế học bình tĩnh, không nóng vội đối phó theo kiểu học cho xong, học vẹt. Các em phải bình tĩnh tư duy, học có liên hệ, so sánh đối chiếu phân tích với đề các năm đã ra để chắt lọc kiến thức cô đọng nhất cần học.
Đồng thời, đọc và ghi nhớ kiến thức cơ bản. Sau đó vẽ sơ đồ liên kết xâu chuỗi kiến thức để ôn tập sẽ giúp nhớ lâu và tránh nhầm lẫn giữa các sự kiện, giai đoạn. Kẻ bảng so sánh nội dung các kiến thức cần học (ví dụ Hội nghị Trung ương 6, 8) để thấy được điểm giống, điểm khác. Thí sinh cũng nên viết lại những gì đã học và đối chiếu, kiểm tra lại kiến thức sẽ giúp nhớ lâu, nhớ chắc hơn bài học. Tăng cường luyện đề thường xuyên vừa để ôn tập kiến thức một cách hiệu quả, vừa làm quen để chuẩn bị sẵn sàng tâm thế khi bước vào phòng thi.
“Khi làm bài thi, các em cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái. Đọc đề nhanh, đọc lướt đủ 40 câu trong 5 phút đầu tiên để kiểm tra đề. Khi làm bài, cần phân bố thời gian hợp lí, tránh bị sa đà. Đọc kĩ đề, xác định cụm từ khóa của câu hỏi. Câu dễ làm trước, khó làm sau, câu nào chưa giải được nên ghi chú lại và chuyển qua câu tiếp theo, cuối giờ sẽ quay lại làm tiếp. Chú ý những câu hỏi phủ định, tránh bị hiểu nhầm.
Với những câu đã làm lại vẫn phân vân giữa các phương án, học sinh cần tư duy theo hướng loại trừ để chọn đáp án đúng. Các em cũng cần nhớ, không ra khỏi phòng thi (trừ khi có tình huống khẩn cấp). Tận dụng đủ 50 phút để làm và kiểm tra lại bài thật kĩ trước khi nộp, tuyệt đối không để sót câu nào” – cô Hồ Thị Minh Sang lưu ý.
Để việc học dễ dàng hơn, học sinh cần đi theo trình tự các vấn đề như: Vì sao có các sự kiện đó? Nội dung sự kiện là gì? Kết quả và ý nghĩa của sự kiện. Trên cơ sở đó tiến hành so sánh, phân tích, tổng hợp, đánh giá, liên hệ để hiểu sâu và ghi nhớ kĩ kiến thức.
Học sinh tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng sa bàn
Nhóm học sinh Trường THCS Cổ Phúc, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có sáng kiến làm sa bàn các trận đánh để việc học lịch sử hấp dẫn và hiệu quả hơn.
Em Vũ Hoài Thương - tác giả của sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sáng tạo trong học tập
Em Vũ Hoài Thương, học sinh lớp 8A, Trường THCS Cổ Phúc, huyện Trấn Yên - tác giả của sa bàn tâm sự: Sự khích lệ của thầy cô, lắng nghe, chia sẻ của bạn bè đã giúp thành viên trong nhóm thêm tự tin, hoàn thành sơ đồ học tập môn Lịch sử. Mục đích của nhóm là làm sao để các bạn yêu thích môn học này, mỗi giờ học thêm hấp dẫn.
"Ở trường em, học sinh luôn được thầy cô tôn trọng và đánh giá cao những hoạt động, tư duy sáng tạo. Điều này thúc đẩy, kích thích niềm say mê học tập. Thầy cô luôn tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện với học sinh nên dễ dàng phát hiện những tố chất riêng. Đây là động lực lớn cho em và các bạn hình thành ý tưởng thiết kế sa bàn một trận đánh cụ thể, để học sử không khô khan và nhàm chán" - em Vũ Hoài Thương cho biết.
Trực tiếp hướng dẫn học sinh làm dự án, cô Đỗ Thị Minh Nguyệt - giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Cổ Phúc cho biết: Dạy lịch sử trong nhà trường chưa thực sự giúp học sinh dễ nhớ, dễ hiểu. Phần lớn các tiết dạy chủ yếu sử dụng trình chiếu sơ đồ, biểu bảng, lược đồ nên chưa giúp học sinh thực sự cảm nhận hết các trận đánh tiêu biểu.
Để tăng tính hấp dẫn cho môn học, học sinh luôn được khuyến khích phát huy tính sáng tạo. Sa bàn quân sự cung cấp cho mọi người về những chiến tích lịch sử, tái hiện lại diễn biến trận đánh một cách sinh động nhất. Chính vì thế, ý tưởng làm sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ của em Vũ Hoài Thương được các thầy cô đánh giá cao và hỗ trợ em thực hiện.
Lĩnh hội được quan điểm, ý nghĩa và nội dung truyền tải kiến thức lịch sử qua sa bàn của thầy cô, Vũ Hoài Thương cùng các bạn đã hiện thực hóa ý tưởng của mình. Hoài Thương đã lựa chọn xây dựng "Sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954" với mục đích tạo ra một sản phẩm có giá trị sử dụng lâu dài; tận dụng được những vật liệu có sẵn, đơn giản, dễ kiếm.
Bằng việc sử dụng phương pháp trực quan, sinh động, sa bàn là mô hình học tập giúp người học ghi nhớ sự kiện lịch sử nhanh, dễ, và để lại ấn tượng, cảm xúc mạnh sau bài học, từ đó có hứng thú hơn với môn học vốn nhiều sự kiện và khá khô khan này.
Sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ được làm chủ yếu từ vật liệu tái chế.
Sức hấp dẫn từ sa bàn
Sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ được làm từ những nguyên vật liệu tái chế: Bộ nguồn từ máy tính thanh lý, những mảnh xốp lót hàng, bóng led từ biển quảng cáo cháy nguồn, thân cây khô. Chỉ có số ít tấm nền lót và khung viền, đinh vít, keo gắn, màu, len sợi phải mua với số tiền ít ỏi.
Sau khi có nguyên vật liệu, tác giả tiến hành làm khung, phóng to lược đồ chiến dịch theo tỉ lệ đã định, phác đường nét bằng chì lên mặt nền, cắt xếp xốp, gắn keo, tạo các đường rãnh, đường giao thông chính, độ nghiêng, dốc của sườn núi; cắt gọt tạo lòng chảo và các vị trí quan trọng và vẽ màu; lắp bóng led thể hiện các kí hiệu biểu diễn đường tấn công, hệ mạch điều khiển từng đợt tiến công.
Hoài Thương chia sẻ: Để thực hiện đề tài, em tìm đọc tài liệu liên quan trên mạng Internet, quan sát, trải nghiệm thực tế tại bảo tàng. Đặc biệt là quan sát các cô hướng dẫn viên tại Bảo tàng Lịch sử quân sự. Sau đó, em tiến hành thu thập số liệu: Tính toán tỉ lệ tương ứng trên sa bàn với tỉ lệ thực. Từ địa hình lòng chảo, vị trí các cứ điểm đều được mô phỏng lại với tỉ lệ gần đúng với thực tế. Cả màu sắc đồi núi, độ nghiêng dốc, đường giao thông chính cũng được chú ý tái hiện.
Đặc biệt, với việc bố trí đường mũi tên, các cứ điểm, vị trí trọng điểm bằng màu sắc tươi sáng cùng màu vàng sáng nơi lòng chảo và màu xanh tối trên đồi núi sẽ thuận lợi khi tiết dạy có sự cố về điện. Sự tương phản màu vẫn giúp người học hình dung rõ địa thế lòng chảo và thung lũng rộng lớn cũng như các hướng tiến công và vị trí trọng yếu.
Theo thầy Đỗ Thành Long, Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Phúc, những ngày thực hiện sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ, HS háo hức đến xem và vô cùng hứng khởi khi được khám phá, thể hiện, được giao lưu, học hỏi, ứng dụng những kiến thức trong sách vở vào thực tiễn cuộc sống. Sử dụng sa bàn vào giảng dạy, giáo viên cảm nhận học sinh có thái độ học tập tích cực, hứng thú hơn.
Đánh giá về đề tài sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vũ Quốc Long - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên cho biết: Mô hình được các em tái hiện rất rõ, giúp người học hứng thú, dễ nhớ, dễ thuộc bài với việc tái hiện chi tiết các trận đánh hết sức sinh động. Với hình thức học tập bằng mô hình này, tôi cho rằng có thể sử dụng trong nhiều môn học khác nhau như Lịch sử, Vật lý, Địa lý, Công nghệ, Mỹ thuật, Tiếng Anh.
Đề thi Lịch sử vào lớp 10 tại Hà Nội vừa sức với học sinh Theo nhận định của nhiều giáo viên, đề thi Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội vừa sức với học sinh, nhiều em dễ dàng đạt điểm cao. Sáng nay (13/6), hơn 93.000 thí sinh Hà Nội hoàn thành bài thi môn Lịch sử, kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập của thành phố...