Bị cấm, giáo viên vẫn giao bài tập về nhà
Nhiều năm nay Bộ GD&ĐT nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh học 2 buổi/ngày nhằm giảm áp lực. Trên thực tế, nhiều giáo viên vẫn “vượt rào” giao thêm bài tập ngay từ lớp 1 khiến nhiều học sinh căng thẳng, phụ huynh lo lắng.
Học sinh học 2 buổi/ngày, về nhà chỉ nên ôn lại bài cũ
Học 2 buổi/ngày, học cả thứ bảy
Nguyễn Gia Hân học lớp 1 một trường ở huyện Thanh Trì, Hà Nội không học tiền lớp 1. Mỗi tối bố mẹ không kèm bé học bài. “Con phải thức dậy từ 6 giờ 30 ăn sáng, đến trường. Buổi chiều, bố mẹ đón con lúc 6 giờ, về ăn cơm nên nếu bắt con tiếp tục học bài, cả ngày con căng thẳng, áp lực”, anh Đức Minh, phụ huynh bé Hân, nói. Đến tuần thứ 2, gia đình liên tục nhận được tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm yêu cầu nhắc nhở con hoàn thành bài tập. Dù quy định không chấm điểm nhưng cô giáo dùng hình thức con dấu “cô khen”, “con cần cố gắng”, “con viết chậm” hay thưởng hoa và không được thưởng để đánh giá cũng khiến con không muốn thua kém bạn trên lớp.Những tin nhắn đó khiến bố mẹ bé Hân không thể ngồi yên mà buộc phải bố trí thời gian kèm con học.
Nhiều phụ huynh nói rằng, học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đều được giao bài tập về nhà với mức độ giao khác nhau. Có giáo viên chỉ giao 1 tờ phiếu ôn lại kiến thức đã học nhưng cũng có giáo viên giao bài quá nặng. Ví dụ ở lớp 1, có cô giáo giao học sinh viết 2 tờ, đọc thuộc 1 bài thơ, làm bài tập Toán 1-2 trang vào buổi tối, khiến các em mất nhiều thời gian mới hoàn thành.
Một phụ huynh có con học khối 1-2 ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, ngay trong buổi họp đầu năm lớp 1, một phụ huynh đề xuất giáo viên tổ chức dạy thêm cho các con vào 1 ngày cuối tuần. Ở cuối lớp, nhiều phụ huynh khác không đồng tình nhưng khi đại diện hội cha mẹ học sinh đưa tờ danh sách đăng ký cho con học thêm cuối tuần, những phụ huynh xì xào lúc trước vẫn lẳng lặng ký tên vào tờ giấy.
Gây áp lực cho học sinh?
Bà Hà Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông, Hà Nội), nói: “Về nguyên tắc, giáo viên không nên giao thêm bài tập về nhà nhưng để tạo thói quen, nề nếp cho học sinh mỗi tối, các con vẫn nên ngồi vào bàn học một thời gian nhất định. Ví dụ lớp 1 chỉ cần ngồi học 30 phút, lớp 2,3,4,5 tăng dần lên, trong đó các em ôn lại bài cũ và chuẩn bị bài cho ngày mai. Nếu học xong trên lớp cả ngày rồi tối chơi hoàn toàn là không nên”.
Video đang HOT
Theo bà Yến, Bộ GD&ĐT quy định không giao bài tập về nhà sẽ rất khó cho các trường, mà chính xác nên dùng cụm từ giáo viên không nên giao thêm bài tập về nhà cho học sinh, bởi vì, việc cho con ôn lại bài cũ, chuẩn bị bài mới, những bài nào con làm sai trên lớp về nhà hoàn thiện nốt sẽ rất tốt. Hoặc ở lớp 1, con chưa biết cầm bút, về nhà nên luyện thêm nội dung bài cũ một chút.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ban Mai (quận Hà Đông, Hà Nội), cho rằng, buổi tối, học sinh cần làm bài tập đơn giản ở nhà nhằm hình thành tinh thần, trách nhiệm, rèn khả năng tự học. Qua đó giúp phụ huynh biết hôm nay trên lớp con học gì, đồng thời học sinh ôn lại kiến thức đã học. “Tuy nhiên, bài tập giao cho học sinh chỉ nên là những bài cơ bản trong chương trình, không nên giao bài nâng cao, giao nhiều để học sinh phải áp lực”, bà Nương nói.
Một hiệu trưởng khác cũng cho rằng, đa số phụ huynh đều đồng tình với việc giao thêm bài để con học tối. Nhiều giáo viên hiện giao bài nhiều do họ được giao quyền tự chủ phương pháp giảng dạy, nhưng nhà trường quản lý chất lượng đầu ra học sinh. Cụ thể, cuối năm học, trường đánh giá học sinh bằng đề kiểm tra chất lượng chung, giáo viên chấm chéo bài học sinh của nhau. Do đó, việc giao học sinh viết nhiều chữ đẹp, giao nhiều bài tập hay học thêm, dạy thêm cũng một phần đáp ứng kỳ vọng của giáo viên, phụ huynh.
Bà Nguyễn Thị Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương, cho rằng, với chương trình mới, xác định phát triển năng lực học sinh, giáo viên tự xây dựng kế hoạch dạy học, do đó, thực tế lớp học em nào giỏi, đã biết mặt chữ thì yêu cầu khác, em nàotiếp thu chậm hơn thì yêu cầu nhẹ hơn. Không nên có những nhận xét như: con học chậm, viết chậm, viết xấu…để phụ huynh lo lắng. Bà Tiến cũng cho rằng, cần xử lý nghiêm chuyện giáo viên kéo học sinh ra trung tâm dạy thêm, tránh gây áp lực cho học sinh.
“Học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường, không nên giao thêm bài tập về nhà. Buổi tối, bố mẹ chỉ cần cho con ôn lại nội dung kiến thức đã học trên lớp, chuẩn bị bài ngày mai”.
Cô giáo Nguyễn Thị Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A8, Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông, Hà Nội)
TP.HCM: Không sử dụng hình thức nhắn tin nhận xét gây áp lực tâm lý cho phụ huynh, học sinh
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi các trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện trên địa bàn về tăng cường tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Quận 3, TP.HCM trong giờ học. Ảnh minh hoạ
Theo Sở GD-ĐT, năm học 2020 - 2021, chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới đã được thực hiện đối với lớp 1. Ngay sau khai giảng năm học mới, Sở GD-ĐT TP đã đi nắm tình hình thực tế tại một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố và nhận thấy hầu hết các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường;
Giáo viên lớp 1 bước đầu đã áp dụng được các phương pháp, kĩ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nề nếp dạy học bước đầu đã ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh lớp 1 đối với hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình, SGK mới.
Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai chương trình, SGK lớp 1 còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, theo phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh, chương trình, SGK môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học.
Để có thể hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, đặc biệt là học sinh khắc phục và vượt qua giai đoạn khó khăn, Sở yêu cầu trưởng phòng GD-ĐT triển khai cho các trường tiểu học trên địa bàn căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, thực tế đối tượng học sinh lớp 1 để chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp.
Đối với giáo viên lớp 1, chú ý tận dụng tối đa các tiết thực hành, ôn tập, ôn luyện để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh hình thành các kĩ năng cơ bản, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của từng môn học/hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT 2018, linh hoạt xác định yêu cầu cần đạt theo từng "chặng" (GHKI, CHKI, GHKII, CN hoặc CHKI, CN) để giúp học sinh nắm vững các kiến thức, kĩ năng của môn học/hoạt động giáo dục.
Trên cơ sở xác định yêu cầu cần đạt theo từng "chặng", linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học sao cho gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng học sinh.
Chú trọng đổi mới phương pháp, kĩ thuật, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học, sử dụng linh hoạt các thiết bị dạy học, thiết kế một số trò chơi học tập nhằm kích thích hứng thú học tập của học sinh.
Chú trọng dạy học phân hoá đối tượng, không đặt ra yêu cầu cần đạt chung đối với các đối tượng học sinh khác nhau trong lớp ở giai đoạn đầu năm học, tránh gây áp lực với một số em tiếp thu bài chưa tốt, chưa nhớ bài. Nắm kĩ đặc điểm từng học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp.
Sở GD-ĐT cũng lấy ví dụ, đối với môn Tiếng Việt lớp 1, giai đoạn đầu năm học, giáo viên có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kĩ năng.
Đối với kĩ năng đọc đoạn, những học sinh đọc chưa tốt chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn.
Những học sinh này có thể vừa đánh vần vừa đọc. Đối với kĩ năng viết, với những học sinh viết chưa tốt chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ.
Yêu cầu về các kĩ năng này sẽ được nâng cao dần qua từng "chặng" học tập tiếp sau.
Ghi nhận sự tiến bộ, cố gắng cho dù nhỏ của từng học sinh. Có biện pháp động viên, khen ngợi kịp thời để khuyến khích học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Tuyệt đối không chê bai hay phê bình học sinh.
Làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh bằng nhiều hình thức. Thông qua cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm, giáo viên giải thích, hướng dẫn để phụ huynh hiểu những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện CTGDPT 2018, tạo niềm tin và tâm lí sẵn sàng hỗ trợ con em ở nhà cho phụ huynh.
Tạo điều kiện cho phụ huynh gặp gỡ giáo viên sau các buổi học nếu phụ huynh có như cầu. Với những học sinh tiếp thu bài chưa như mong muốn, giáo viên cần chủ động mời phụ huynh đến để trao đổi, tư vấn, hướng dẫn, bàn biện pháp phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên để giúp các em tiến bộ.
Không giao bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường.
Không sử dụng hình thức nhắn tin (hoặc các hình thức tương tự) nhận xét về những em học sinh học tập chưa như mong muốn, tránh gây áp lực tâm lí cho phụ huynh, học sinh.
Không gây áp lực cho học sinh lớp 1 Ngày 5/10, Bộ GD&T có văn bản gửi các Sở GD&T về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học. Nhiều người cho rằng, nội dung SGK Tiếng Việt 1 năm nay quá tải đối với học sinh Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2020-2021, chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới đã được...