Bị các trường từ chối, nữ sinh khiếm thị ‘đi đường vòng’ tới học bổng 1,5 tỷ
Dù đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng nhưng bằng nghị lực của bản thân, nữ sinh Nghiêm Vũ Thu Loan (SN 1998) – tác giả của cuốn sách Giấc mơ nơi thiên đường đang tiếp tục chinh phục giấc mơ trở thành nhà văn.
Người ta thường nói, người khuyết tật là những người bất hạnh nhưng đối với Nghiêm Vũ Thu Loan điều đó chưa hẳn đã đúng.
Thu Loan chia sẻ, chị gái chỉ có 10% thị lực nên khi sinh Loan mẹ lo nhất là em cũng vĩnh viễn sống trong bóng tối. Và đúng như những gì mà bố mẹ lo sợ, Loan bị khiếm thị bẩm sinh. Lúc sinh ra, đôi mắt em chỉ thấy rất lờ mờ nên ngay khi mới nửa tháng đã phải lên bàn mổ.
Trải qua hơn 10 ca phẫu thuật mắt, hiện tại cả hai mắt của em đều là mắt giả. Tuy nhiên, từ nhỏ tới lớn, chưa bao giờ Loan thôi ước mơ được đến trường, được học hành cùng các bạn, được chinh phục những tri thức mới dù em và gia đình đều biết hành trình đó là không hề dễ dàng.
Nữ sinh Nghiêm Vũ Thu Loan diễn thuyết trước mọi người.
“Khi lên 9 tuổi, mắt em chỉ đủ nhìn để phân biệt được trời sáng hay trời tối. Lúc này, em đi học ở Hội người mù TP. Hà Nội. Em bắt đầu học chữ nổi, thành thạo các trang thiết bị với học sinh khiếm thị. Sau đó, em đi học hòa nhập trường Tiểu học Lê Lợi từ năm lớp 3.
Em bỏ qua giai đoạn học lớp 1, lớp 2 vì thời điểm đó em đi chữa trị liên tục, trường ở quê cũng không biết dạy một người như em thế nào nên thi thoảng chị gái cũng có dạy em ở nhà.
Hơn nữa, em cũng muốn học nhảy như vậy để tuổi mình với các bạn không cách nhau quá xa. Sau đó em chuyển lên trường Nguyễn Đình Chiểu từ lớp 4 đến hết cấp 2.
Đau đớn hơn, hồi em 11 tuổi, em bị dây phơi quần áo đâm vào mắt khiến em chính thức không nhìn thấy gì cả, sáng tối cũng không thể phân biệt”, Loan kể lại.
Thời đi học ở quê, Loan cũng bị các bạn khác phân biệt, đối xử, nói lời miệt thị và gần như không ai muốn chơi cùng em.
Sau khi tốt nghiệp THCS, lên đến THPT thì Loan bị các trường từ chối vì đúng là họ không biết nên dạy người khuyết tật thế nào.
Video đang HOT
Cô gái khiếm thị có nghị lực phi thường, vượt lên số phận.
Đứng trước nguy cơ phải bỏ học giữa chừng, Loan cảm thấy bất lực vì em đã cố hết sức rồi. Học sinh khuyết tật không được tham gia kỳ thi chuyển cấp nên Loan cũng đã tìm cách đi đường vòng.
“Em ý thức được mình không trong danh sách thi chuyển cấp như các bạn nên chọn tham gia cuộc thi khác như thi tiếng Anh, và em đã trở thành học sinh giỏi quốc gia nhưng các trường vẫn không nhận vì họ không biết dạy em thế nào.
Em mang hồ sơ đi 7-8 trường họ không nhận và cho đến khi em gặp cô hiệu trường trường THPT Yên Hòa. Sau khi xem hồ sơ thì cô đã quyết định nhận em vào học.
Sau khi em học xong cấp 3 thì lại tiếp tục câu chuyện không có trường nào muốn nhận em. Vậy nên em nghĩ là sẽ trau dồi kiến thức để tìm đến trường quốc tế hoặc đi du học”, Loan chia sẻ.
Vậy là Loan quyết định nghỉ học 1 năm để chuẩn bị cho mình những kỹ năng mà một sinh viên quốc tế cần là tiếng Anh và tin học. Sau đó em thi tiếng Anh, nhận được học bổng 1,5 tỷ miễn phí hoàn toàn trong 4 năm tại trường ĐH quốc tế Rmit.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Loan cho biết uớc mơ của em là trở thành diễn giả và nhà văn.
Thời gian tới Loan dự định ra mắt thêm một cuốn sách nữa vào giữa năm sau chủ yếu nói về cách phát triển bản thân gồm 2 phần: Phần 1 là các kỹ năng thực hiện ước mơ như kiên trì, tự tin và hành động. Phần 2 là làm sao có cuộc sống hạnh phúc như lạc quan, chân thành,…
“Sau khi học xong ĐH em định đi làm hoặc sang nước ngoài học thạc sĩ chuyên ngành phát triển quốc tế và ngành học về nhân quyền.
Em may mắn vì bố mẹ luôn tôn trọng các quyết định của em và ủng hộ em. Em cũng chịu ảnh hưởng khá lớn từ chị gái ruột, chị cũng một cô gái khiếm thị nhưng may mắn hơn em là có thể nhìn 10%. Hiện chị em là giáo viên dạy tiếng Anh.
Đi qua một chặn đường tuy không quá dài nhưng nó đã mang đến cho em nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Nhờ đó mà em có thể thực hiện được ước mơ của mình. Với em, con đường này không hề dễ dàng nhưng em tin với sự cố gắng và kiên trì của bản thân em sẽ làm được.
Và giờ đây, em có thể tự tin nói rằng bị khiếm thị cũng là một sự trải nghiệm, vì khiếm thị nên thế giới quan của em trở nên sâu sắc hơn, em không còn nhìn nhận cuộc sống qua vẻ ngoài của nó nữa mà em cảm nhận chúng thông qua tất cả các giác quan còn lại, nhờ vậy mà em cảm nhận cuộc sống này đẹp hơn qua ánh sáng của tâm hồn”, Loan khẳng định.
Số phận nghiệt ngã và hành trình cô gái khiếm thị băng qua bóng tối
Ngày bé, Thu Loan ước mình trở thành họa sĩ, thế nhưng số phận nghiệt ngã đã cướp đi ánh sáng của đời em. Không cam lòng, cô gái khiếm thị đã quyết tâm bước ra khỏi bóng tối để vẽ cuộc đời bằng đôi mắt "thiên thần"! "Nếu nhìn mọi thứ bằng đôi mắt của thiên thần, ta sẽ thấy cuộc đời đẹp như thiên đường mình mơ ước", Loan nói.
Loan cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi có mẹ ở bên cạnh.
Hàng chục năm coi bệnh viện là nhà
"Nếu nhìn mọi thứ bằng đôi mắt của thiên thần, ta sẽ thấy cuộc đời đẹp như thiên đường mình mơ ước", Loan nói với PV ĐS&PL trong cuộc gặp giữa trưa hè oi ả.
Có câu "đôi mắt là cửa sổ tâm hồn" nhưng cô gái Nghiêm Vũ Thu Loan (sinh năm 1998 ở xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) không may mắn có được điều đó. Em sinh ra trong một gia đình thuần nông có ba chị em, nhưng trớ trêu thay Loan lại bị khiếm thị bẩm sinh.
Số phận nghiệt ngã đã lấy đi ánh sáng của đời Loan, nhưng không thể bôi đen tinh thần lạc quan và khát khao cháy bỏng được học tập trong em. Ngay từ nhỏ, Loan đã bộc lộ tố chất thông minh, lanh lợi. Hiểu được thiệt thòi và nỗi khao khát đến trường của con, mẹ Loan đã năn nỉ một trường tiểu học nhận em vào lớp, nhưng phải chấp nhận ngồi bàn cuối.
Dù học "chạy" để theo kịp các bạn song cô bé 7 tuổi ghi nhớ rất nhanh, thuộc nhiều bài thơ văn dài, biết tính toán, nhưng em không biết viết vì không ai dạy.
Tuy nhiên, học được khoảng vài tháng thì Loan phải bỏ dở để đi chữa mắt. 3-4 năm liên tục không được đến trường, em sống khép mình và u buồn, dè dặt hơn. Tuy nhiên em vẫn không nguôi giấc mơ chạm tay đến từng vần chữ, con số. Từ những mẩu chuyện, bài văn, bài toán mà chị gái - Thu Trang đọc, dạy cho em nghe hàng ngày, Loan bắt đầu "bước chân" ra thế giới bên ngoài.
Cuộc đời của cô gái khiếm thị được khai sáng khi em tham gia lớp tiền hòa nhập do hội Người mù tỉnh Hà Tây cũ tổ chức. Ở đây, Loan được học chữ nổi và những kỹ năng sống cơ bản. Dù ban đầu gặp khá nhiều trở ngại, khó khăn nhưng bằng nỗ lực không ngừng của bản thân, cùng sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè, Loan đã vượt qua tất cả và gặt hái được nhiều thành tích học tập trong cả hai cấp học đầu đời.
Khi cánh cửa vào lớp 10 vừa mở ra là lúc Loan phải đối mặt với thử thách mới. Mong muốn được học cấp 3 như bạn bè cùng trang lứa, hai mẹ con Loan rong ruổi khắp nơi nộp đơn vào những trường bình thường, nhưng chẳng nơi nào nhận, chỉ vì "không có chương trình dạy riêng cho người khiếm thị". Giữa lúc tuyệt vọng nhất, Loan "vỡ òa" khi được Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Cầu Giấy nhận vào học. Chính nhờ có kết quả học tập tốt và hai lần đạt giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU dành cho trẻ khiếm thị đã giúp em có được cơ hội đó.
Suốt thời gian theo học ở đây, Loan được thầy cô và bạn bè quý mến, hỗ trợ nhiệt tình cả trong học tập lẫn cuộc sống. Tổng kết ba năm học, năm nào Loan cũng trên 8,5, luôn đứng top 3 của lớp. Tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi, nhưng Loan lại gặp khó khăn khi đăng ký vào các trường đại học. Hành trình vác đơn khắp nơi tìm trường của mẹ con Loan một lần nữa bị từ chối. Nhưng, cô gái ấy vẫn không ngừng hy vọng! Em xin mẹ ở nhà một năm học tiếng Anh, viết sách, dạy ngoại ngữ cho người khiếm thị để "săn" học bổng du học. Song, một năm là quá ngắn ngủi để cô gái khiếm thị kịp chuẩn bị mọi thứ, vậy nên em đã chuyển hướng - du học tại chỗ.
Mong đợi rất nhiều và nếm trải không ít thất bại, nhưng một lần nữa may mắn lại mỉm cười với Loan. Năm 2019, em được một trường đại học quốc tế danh tiếng có cơ sở ở Việt Nam trao học bổng toàn phần trị giá 1,5 tỷ đồng. Khởi đầu, Loan đã minh chứng khả năng của mình với kết quả tiếng Anh thi đầu vào 6,5 theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau gần một năm theo học, cô sinh viên năm nhất nhận ra một điều còn hạnh phúc hơn nữa: "Em vẫn được học trong môi trường giáo dục quốc tế, được phát huy hết khả năng mà không bị phân biệt đối xử, được tạo điều kiện hết mức để học tập. Nhưng, quan trọng nhất là em vẫn được ở gần gia đình, thầy cô, bạn bè. Mẹ vẫn có thể đồng hành, sát cánh cùng em. Còn điều gì hạnh phúc hơn nữa!".
Giọt nước mắt số phận và lòng mẹ bao la
Hành trình chạm tay tới "cầu vồng" của Loan dẫu nhiều chông gai và nước mắt, song cô gái khiếm thị vẫn vững tin để bước tiếp. Bởi phía sau em luôn có bóng dáng của người mẹ sớm khuya tảo tần lo lắng, đồng hành cùng em trên mọi chặng đường.
Nhắc về đấng sinh thành, Loan đã khóc! Cuộc trò chuyện phải ngưng lại một lúc... Em nói trong nghẹn ngào: "Nuôi một đứa con khỏe mạnh, bình thường đã vất vả rồi, còn bố mẹ em lại phải nuôi hai đứa con khiếm khuyết, gánh nặng đè lên vai quá lớn. Bố mẹ đã dành hết cả tuổi thanh xuân cho các con. Sự hy sinh đó không gì có thể đong đếm được".
Loan nhớ lại, hồi em và chị gái còn bé, để có chi phí phẫu thuật mắt cho hai con, bố mẹ em đã phải chắt chiu, vay mượn từng đồng.
Trong nhà có gì giá trị một chút là mang bán đi hết. Cuộc sống thuần nông lam lũ bán mặt cho đất bán lưng cho trời vẫn không đủ ăn, bố mẹ phải tất tả ngược xuôi làm đủ nghề để có tiền chạy chữa, thuốc thang cho hai chị em.
Sau này, khi Loan ra Hà Nội học, mẹ em (cô Vũ Thị Hương - PV) cũng phải bỏ công ăn việc làm ở quê, khăn gói ra ở cùng con gái khiếm thị để tiện chăm sóc.
Hàng ngày, mẹ vẫn đưa đón Loan đi học rồi cùng con tham gia các dự án cộng đồng. Năm năm lên thành phố thuê nhà, ngoài thời gian đồng hành cùng con gái, người mẹ ấy phải thức khuya dậy sớm bán nước vỉa hè, buôn rau,...để có tiền trang trải cuộc sống cho hai mẹ con.
Nói đến đây, Loan khoe với chúng tôi, dù không nhìn thấy nhưng em vẫn có thể làm được việc đơn giản như nấu ăn, giặt giũ... Nhờ có mẹ, Loan đã làm được những điều...không tưởng!
"Mẹ vẫn thường nói rất tự hào về hai chị em. Nhưng chính chúng em mới phải là người tự hào, hạnh phúc khi được là con của bố mẹ. Chứng kiến bố mẹ vất vả, nhiều lúc em rất muốn làm gì đó để đỡ đần, nhưng bản thân lại phụ thuộc và không thể làm được gì. Lúc đó, em cảm thấy rất bất lực! Em chỉ mong những năm tháng về sau bố mẹ sẽ được sống an nhàn và hạnh phúc", giọng Loan trầm xuống.
Vì lẽ đó mà Loan quyết tâm phải thay đổi bản thân để thích nghi với mọi hoàn cảnh. Em không cam lòng phó mặc cuộc đời mình cho số phận! Với cô gái khiếm thị: "Giấc mơ sẽ không nói lời từ chối với những người có quyết tâm".
"Nhắc đến hoàn cảnh của gia đình cô Vũ Thị Hương có hai con gái khiếm thị, anh Vũ Văn Thi - nguyên cán bộ phòng Lao động - Thương binh và xã hội xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội bày tỏ sự ngưỡng mộ. Anh cho biết: "Hai con gái của cô Hương là Trang và Loan dù khiếm thị bẩm sinh nhưng rất nghị lực và học giỏi. Cả hai em đều dành được học bổng của những trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế. Hiện, cả Trang và Loan vẫn đang được hưởng chế độ trợ cấp khuyết tật. Xúc động hơn khi hai chị em đã quyết định chuyển số tiền đó cho bố để nuôi em út đang học cấp 2. Chúng tôi rất cảm phục trước những tấm gương sáng vượt qua bệnh tật để học tập và đạt được thành công như Trang và Loan".
Cô gái khiếm thị với ước mơ trở thành Nhà báo Gia đình khó khăn, một mình lên Hà Nội để đi học, cô gái khiếm thị Hải Anh đã sớm phải tự lập và làm mọi việc trong bóng tối. Em phải cảm nhận mọi vật bằng các giác quan khác của mình nhưng không vì thế mà cô bé ấy từ bỏ ước mơ trở thành một Nhà báo. Bà Nguyễn Thị...