Bí ẩn hơn 500 năm của Tử Cấm Thành: Có 1 cung điện không ai dám đến ở, thường xảy ra bi kịch
Dưới nhà Thanh, cung điện đặc biệt này được dùng làm nơi tế tự và phòng tân hôn của hoàng đế.
Khôn Ninh cung trong Tử Cấm Thành là tẩm cung của hoàng hậu dưới các triều Minh-Thanh, đồng thời cũng là phòng tân hôn của hoàng đế và hoàng hậu.
Với vai trò là chính cung của hoàng hậu, trong hơn 500 năm lịch sử của hai triều đại Minh-Thanh nhưng hoàng đế và hoàng hậu thành hôn ở Khôn Ninh cung lại đều không có được cuộc hôn nhân viên mãn. Khôn Ninh cung – ngụ ý bình yên an khang – tại sao lại không có nấy một ngày yên ổn?
Cung điện ‘chôn vùi’ thanh xuân của các hoàng hậu triều Minh
Vị hoàng hậu đầu tiên thành hôn ở Khôn Ninh cung là hoàng hậu của hoàng đế thứ sáu triều Minh – Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn, tức Tiền hoàng hậu. Chu Kỳ Trấn bắt đầu kế thừa hoàng vị năm lên 8 tuổi, Thái Hoàng thái hậu cũng vì thế mà sớm tuyển một thiếu nữ họ Tiền, trở thành hoàng hậu của Chu Kỳ Trấn.
7 năm sau, tức năm 1442, Tiền thị được sắc phong hoàng hậu. Minh Anh Tông và Tiền hoàng hậu chính là đôi phu thê đầu tiên tổ chức hôn lễ ở Khôn Ninh cung trong lịch sử triều Minh.
Cuộc sống sau hôn nhân của hoàng đế Minh Anh Tông được coi là viên mãn nhưng cùng lúc đó là các cuộc nổi dậy ở ngoài biên cương. Hơn 20 tuổi, Minh Anh Tông đích thân cầm quân ra trận. Nhưng điều không ngờ nhất chính là, Minh Anh Tông cầm quân Bắc phạt chưa được bao lâu thì Tiền hoàng hậu ở kinh thành đã nhận được tin dữ.
Vào một ngày, vài đại thần hoảng hốt chạy vào cung, tấu với Tiền hoàng hậu rằng, hoàng đế đã bị quân địch bắt giữ. Hóa ra, Minh Anh Tông trúng kế của đối phương trên chiến trường và bị bắt làm tù binh.
Minh sử hậu phi truyện kể rằng, trong thời gian Minh Anh Tông bị bắt giữ làm tù binh, Tiền hoàng hậu ngày đêm gào khóc thương tâm khiến một bên mắt bị hỏng, lại vì ngồi lâu trên đất lạnh trong Khôn Ninh cung khiến một bên xương đùi bị tổn thương dẫn đến việc đi lại vô cùng khó khăn.
Khôn Ninh cung vốn là tẩm cung của hoàng hậu nhưng sau đó nó chỉ có chức năng là phòng tân hôn của hoàng đế và hoàng hậu. Ảnh tư liệu
“Minh Anh Tông sau khi bị bắt làm tù binh, Tiền hoàng hậu vô cùng lo lắng. Bà cho rằng, có thể dùng tiền bạc để chuộc hoàng đế về nên đã đưa hết số bạc vàng mà bà có thể thu thập được trong cung cho Ngõa Lạt nhờ ông này chuyển cho Dã Tiên. Nhưng thực tế Dã Tiên lại coi Minh Anh Tông là quân bài chính trị nên không vì chút đỉnh vàng bạc mà cho chuộc về.
Nhưng trong cung cũng không thể một ngày không có vua, sau khi Minh Anh Tông bị bắt làm tù binh, rất nhanh dưới sự hỗ trợ của nhóm Vu Khiêm, em trai ông đã lên kế vị, tức Minh Đại Tông – Cảnh Thái hoàng đế.
Lúc này, Dã Tiên nhận thấy, triều Minh đã có hoàng đế mới, ý nghĩa chính trị của Minh Anh Tông trong tay ông ta không còn nữa nên mới thả cho về”, ông Tề Cát Tường, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện bảo tàng quốc gia Trung Quốc nói.
Chu Kỳ Trấn trở về Tử Cấm Thành không những không được chào đón mà còn bị Minh Đại Tông giam lỏng. Lúc này bên cạnh ông chỉ còn hoàng hậu tàn tật nhưng trung thành, ngày ngày nhờ người đưa đồ bà tự thêu ra ngoài bán đổi chút sinh hoạt phí. Vợ chồng cựu hoàng đế nhà Minh trải qua 7 năm nhẫn nhịn như thế.
Video đang HOT
Bất ngờ, sau 7 năm này, cựu hoàng giành lại hoàng vị nhưng ông cũng chỉ ở ngôi được 8 năm thì mất, để lại Tiền hoàng hậu cô quạnh suốt quãng đời còn lại.
Tiền hoàng hậu là chính cung hoàng hậu đầu tiên được rước bằng kiệu hoa vào Khôn Ninh cung nhưng cuộc đời bà lại liên tiếp gặp nhiều bất hạnh.
Sóng gió theo sát vị hoàng hậu đầu tiên thành hôn ở Khôn Ninh cho đến vị hoàng hậu cuối cùng triều Minh Chu hoàng hậu. Chu hoàng hậu sau này đã tự sát ở chính Khôn Ninh Cung khi Lý Tự Thành tiếp cận kinh thành, yêu cầu hoàng đế Sùng Trinh đầu hàng.
Bi kịch “tứ bất” tiêu biểu nhất của hoàng hậu triều Thanh
Số phận các hoàng hậu triều Minh đều vô cùng bi thảm, vậy cuộc sống của các hoàng hậu triều Thanh ở Khôn Ninh cung thì như thế nào?
Khôn Ninh cung là chính cung của hoàng hậu, nhưng thực tế chỉ có hoàng hậu nhà Minh mới thực sự sống ở Khôn Ninh cung, trong khi phần lớn các hoàng hậu nhà Thanh đều sống ở khu vực Đông Tây lục cung.
Hoàng đế và hoàng hậu triều Thanh chỉ ở Khôn Ninh cung đúng một đêm vào hôm động phòng hoa chúc.
Vậy hôn lễ hoàng gia được tiến hành cụ thể như thế nào? Theo Sách điển lễ đại hôn hoàng đế Quang Tự, quy trình tổ chức hôn lễ cho hoàng đế Đại Thanh thực ra không quá cầu kỳ. Hôn nhân của hoàng đế Quang Tự là cuộc hôn nhân bất hạnh tiêu biểu nhất của các hoàng đế Minh-Thanh.
“Hoàng đế nhà Thanh thường kết hôn bắt đầu từ 14 tuổi nhưng hôn sự của hoàng đế Quang Tự lại liên tục bị trì hoãn đến năm ông 19 tuổi. Chính thất của ông chính là (Diệp Hách) Na Lạp thị, lớn hơn ông ba tuổi.
Na Lạp thị vốn không phải ý trung nhân của ông nhưng dưới sức ép của Từ Hy Thái Hậu, ông đã lập Na Lạp thị làm hoàng hậu”, chuyên gia Tề Cát Tường cho biết.
Theo lịch sử Trung Quốc, lễ đại hôn của Quang Tự suýt không thành vì một vụ hỏa hoạn bất ngờ phát sinh.
Vào đêm 15/12 năm Quang Tự thứ 14, tức đêm 16/1/1889, Tử Cấm Thành đột nhiên xảy ra vụ hỏa hoạn lớn khiến Thái Hòa Môn trước điện Thái Hòa bị bén lửa và bị thiêu rụi.
“Hoàng hậu vào ngày đại hôn sẽ được đưa từ phía Nam sang phía Bắc và lần lượt đi qua năm cửa lớn. Đó chính là Đại Thanh Môn, Thiên An Môn, Đoan Môn, Ngọ Môn và cuối cùng là Thái Hòa Môn.
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào đêm 15/12 âm lịch trong khi hôn lễ của Quang Tự được định vào ngày 27 tháng giêng, tức chỉ còn cách hơn 40 ngày. Muốn tu sửa một cửa lớn như thế thì dù đẩy nhanh tiến độ như thế nào cũng không thể kịp ngày hôn lễ. Nhưng kiệu hoa lại không thể không đi qua cửa này.
Người trong cung lúc này rơi vào tình huống cái khó ló cái khôn nên đã dùng giấy dựng lên một cửa lớn ngay tại nền đất Thái Hòa Môn – vốn bị thiêu rụi, cho nên cửa được dùng giấy đắp có thể đại diện cho kiến trúc cũ”, ông Tề nói.
Hôn lễ của hoàng đế Quang Tự là hôn lễ long trọng nhất, danh tiếng vang dội nhất trong các hôn lễ của hoàng đế hai triều Minh-Thanh. Tuy nhiên, hôn lễ của Quang Tự lại được coi là bi kịch “tứ bất” (bốn không) nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Trong tứ bất thì có tới ba điều liên quan tới Khôn Ninh cung. Điều này có nghĩa là gì?
Tứ bất này chính là ăn mỳ trường thọ nhưng không trường thọ, dùng cơm đoàn viên nhưng không đoàn viên, bức màn trăm trẻ nhưng không sinh con, tặng vàng như ý nhưng không như ý.
Ba trong bốn điều trên lại là nghi thức được thực hiện trong lễ đại hôn của hoàng đế ở Khôn Ninh cung.
Dưới thời Thanh, ngoài chức năng là phòng tân hôn của hoàng đế, Khôn Ninh cung trở thành nơi tế tự và không ai dám đến ở. Ảnh tư liệu
Ăn mỳ trường thọ nhưng không trường thọ tức trong ngày đại hôn, hoàng đế và hoàng hậu khi thực hiện nghi thức hợp cẩn ở Khôn Ninh cung sẽ cùng ăn một bát mỳ tượng trưng cho sự trường thọ an khang. Tuy nhiên, hoàng đế Quang Tự chỉ sống được 38 tuổi, hoàng hậu của ông cũng chỉ sống được đến năm 46 tuổi.
Dùng cơm đoàn viên nhưng không đoàn viên tức vào ngày thứ hai sau lễ thành hôn, hoàng đế và hậu dùng bữa cơm đầu tiên ở Khôn Ninh cung, tượng trưng cuộc sống vợ chồng hạnh phúc viên mãn.
Tuy nhiên, do Quang Tự vốn không bằng lòng với vị hoàng hậu bị ép cưới này nên cuộc sống hôn nhân của ông cũng không thể thuận chèo xuôi mái.
Bức màn trăm trẻ nhưng không sinh con tức trên giường tân hôn ở Khôn Ninh cung treo bức tranh thêu 100 bé trai hoạt bát, đáng yêu với nhiều dáng vẻ khác nhau, ngụ ý hoàng thất nhà Thanh nhiều con nhiều phúc. Tuy nhiên, Quang Tự cho đến lúc qua đời vẫn không để lại một tử tôn nào.
“Khôn Ninh cung vốn được kỳ vọng là nơi yên ổn thái bình nhưng kể từ khi nhà Thanh tiến vào Bắc Kinh thì 10 vị hoàng hậu đầu tiên của triều này đều phải trải qua cuộc đời sóng gió. Có người thì mất sớm, có người do xúc phạm hoàng đế nên bị phế truất, có người thì sống cô quạnh do hoàng đế qua đời sớm, có người bị đẩy vào lãnh cung, thậm chí tự sát. Có thể nói, hoàng hậu của Quang Tự chỉ là một đại diện tiêu biểu nhất trong số các hoàng hậu có chung số phận bi kịch ở Khôn Ninh cung”, chuyên gia Trung Quốc nhận định.
Trên thực tế, 28 vị hoàng hậu đầu tiên của hai triều Minh-Thanh đều không có cuộc sống bình yên khi sống ở Khôn Ninh cung. Sự an khang bình yên họ mong muốn khi ở Khôn Ninh cung đều không trở thành hiện thực.
Điều này giải thích cho lý do vì sao trong hơn 900 cung điện ở Cố Cung (theo thống kê của Nhà xuất bản du lịch Trung Quốc) nhưng chỉ có Khôn Ninh cung là không ai dám ở.
Sau này, ngoài để bố trí phòng tân hôn của hoàng đế thì Khôn Ninh cung chính là một trong những nơi có tần sần suất diễn ra các sự kiến tế lễ thần linh, tổ tiên nhiều nhất trong Cố Cung.
Theo phong tục của người Mãn, hoàng thất nhà Thanh đã tổ chức hàng trăm lễ tế lớn nhỏ hàng năm, đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng do hoàng hậu đảm nhiệm và rất nhiều lễ tế này được tiến hành ở Khôn Ninh cung.
Nguồn: Phim tài liệu Đi tìm bí mật Tử Cấm Thành, Đài truyền hình trung ương TQ
Theo Helino
Phát hiện người đàn ông sở hữu "Trung hoa đệ nhất sàng" gây chấn động giới đồ cổ
" Trung hoa đệ nhất sàng" nặng 3 tấn, hiện được xem là chiếc giường hoàng cung ngự dụng duy nhất ở Trung Quốc, có nguồn gốc từ cuối triều đại nhà Thanh.
Trong cuộc sống thường ngày, mối quan hệ giữa giường ngủ và người chủ sở hữu rất gần gũi. Từ hình dạng, phong cách chạm khắc, chất liêu của chiếc giường, chúng ta có thể nhìn ra phẩm vị và đẳng cấp cuộc sống của người sở hữu.
Vào thời Trung Quốc cổ đại, hoàng đế là chủ nhân của một quốc gia, thân phận vô cùng tôn quý. Tất nhiên, giường ngủ cũng phải là một trong những thứ tốt nhất. Giường của hoàng đế cổ đại được gọi là long sàng, tức là giường rồng hoặc sập rồng. Chất liệu làm giường của các vị hoàng đế ở các thời đại là khác nhau. Có giường làm từ gỗ sưa, có giường làm từ gỗ trầm hương, hoặc gỗ cẩm lai.
Vào cuối triều đại nhà Thanh, dưới sự tấn công vũ bão của các thế lực phương Tây, chính quyền nhà Thanh đã sụp đổ. Thành phố Từ Khê ( ở Ninh Ba, Triết Giang) thất thủ. Quan thần triều đình tháo chạy mang theo một lượng lớn kho báu bằng vàng và bạc.Phổ Nghi trước khi bị đuổi ra khỏi cung cũng đã âm thầm chuyển ra ngoài rất nhiều cổ vật, các di sản văn hóa quý hiếm. Nhưng với một vật thể có kích thước lớn như long sàng của vua thì khó có thể chuyển đi trong thời buổi loạn lạc đó. Vậy chiếc long sàng quý giá của nhà Thanh rốt cuộc đã được mang đi đâu?
Cho đến thế kỷ này, vào năm 2007, khi một nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng ở Trung Quốc trưng bày các tác phẩm yêu thích của mình, một chiếc giường rồng đã gây chấn động trong giới sưu tập đồ cổ! Các chuyên gia đồ cổ từ khắp cả nước đã đến tìm hiểu và nghiên cứu, sau đó đưa ra tuyên bố đây là "kho báu vô giá cấp quốc gia" .
Hiện nay, chủ sở hữu của chiếc giường rồng này là ông Lâm Nhân Quý, chủ tịch danh dự của Hiệp hội sưu tập đồ cổ Phúc Kiến. Ông là một người chơi đồ cổ khá khó tính. Ông Lâm có hai nhà máy giày thể thao nổi tiếng khắp cả nước. Ngoại trừ vốn lưu động của hai nhà máy, toàn bộ số tiền ông có đều đổ vào thị trường đồ cổ.
Bộ sưu tập giường rồng đã gây chấn động giới đồ cổ khi đó. Được biết, chiếc long sàng này được ông vô tình tìm thấy từ năm 1993. Lúc đó một người bạn của ông Lâm nói với ông rằng, một hậu duệ hoàng thất ở Sơn Đông đang sưu tầm một chiếc long sàng. Khi đó, chiếc giường phủ một lớp bụi dày khiến ít người chú ý.
Khi ông Lâm tới xem lần đầu tiên, ông không hề biết chiếc giường làm từ gỗ trầm hương, một loại gỗ vô cùng quý giá.
Ông Lâm cho biết, ông không dám nghĩ nó làm từ gỗ trầm hương, cho rằng nó được làm từ gỗ cẩm lai. Ngoài ra những hình trạm chổ rồng phượng vô cùng tinh xảo sinh động, cho thấy nó xuất thân từ hoàng thất, vô cùng có giá trị. Lúc đó, trong gia đình của người sở hữu chiếc giường cũng có hơn chục người , có người muốn bán, có người không muốn bán.
Họ ra giá cũng không đồng nhất. Sau hơn mười lần ngã giá, thấy được sự thành tâm muốn mua của ông Lâm, cuối cùng họ cũng đồng ý bán cho ông với mức giá 20 triệu nhân dân tệ, tương ứng với giá trị của mấy chục món đồ sứ cổ.
Thời điểm đó, Lâm Nhân Quý cũng tìm hiểu được biết, gia tộc này đúng là hậu duệ của hoàng thất nhà Thanh. Được biết, một viên thái giám thời đó đã lấy trộm trong cung mang ra ngoài rất nhiều bức họa quý và chiếc long sàng, một số mang đi, một số để lại cho gia tộc này. Theo thời gian, các bức họa quý sớm đã bị bán, chỉ còn lại chiếc giường này.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, chiếc giường rồng này có màu đen sáng bóng, cho thấy tay nghề tinh xảo. Hầu như tất cả các chi tiết gỗ đều được chạm khắc hình rồng, toát ra khí chất uy nghiêm thần bí. Cụ thể, sáu cột giường, bao gồm chân giường, chắn giường...được khắc tổng cộng 55 con rồng sống động uốn lượn trên mây.
Chiếc giường này được coi là " Trung hoa đệ nhất sàng", hiện được xem là chiếc giường hoàng cung ngự dụng duy nhất ở Trung Quốc. Chất liệu làm nên chiếc giường này cũng được coi là loại gỗ quý hiếm trong ngoài nước, chế khắc tinh xảo bậc nhất, dự đoán được tạo ra từ khoảng 100 năm trước. Hơn nữa , loại gỗ quý này có nguồn gốc từ Indonesia, và đã phát triển ít nhất vài nghìn năm. Nhiều chuyên gia cho rằng kho báu vô giá như thế này nên được nộp cho quốc gia, nhưng ông Lâm bày tỏ sự không đồng ý. Ông cho biết, nếu có người mua, ông cũng chỉ bán cho người Trung Quốc, và giá của nó là 500 triệu nhân dân tệ. (~ 74.6 triệu đô la mỹ) .
Theo S.S (NewQQ Trung Quốc)
Vũ khí mới để ông Trump trị TQ là món nợ 1.000 tỷ USD thời nhà Thanh? Chiến tranh thương mại leo thang, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ ra đòn mới. Đó là đòi món nợ lên đến 1.000 tỷ USD mà Trung Quốc chưa trả từ đời nhà Thanh. Theo Bloomberg, những người sưu tập trái phiếu Trung Quốc thời nhà Thanh đang kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump đòi Bắc Kinh trả...