Bệnh viện Việt Đức lên tiếng về tình trạng ‘cò máu’ lộng hành
Giám đốc bệnh viện khẳng định không có trường hợp bệnh nhân nào không được phẫu thuật nếu người nhà không hiến máu tình nguyện.
Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc các “cò máu” hoạt động ngang nhiên tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và có thông tin bệnh viện không cho bệnh nhân phẫu thuật nếu người nhà không hiến máu tình nguyện.
Trước thông tin trên, Bộ Y tế đã có công văn gửi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về việc “Xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến hiện tượng cò máu”. Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – GS.TS Trần Bình Giang vừa có công văn trả lời Bộ Y tế, lên tiếng về sự việc.
Theo đó, bệnh viện khẳng định không có trường hợp bệnh nhân nào không được phẫu thuật nếu người nhà không hiến máu tình nguyện, không có chủ trương, quy định nào về việc người nhà bệnh nhân phải cho máu mới được phẫu thuật, không có cá nhân hay tổ chức nào trong bệnh viện mưu lợi hay tiếp tay cho những trường hợp “cò máu”. Theo GS Giang, khi bệnh viện phát hiện các đối tượng này đều tiến hành giao cho cơ quan công an để xử lý theo pháp luật.
Người nhà bệnh nhân chỉ cho máu trong trường hợp cần nhóm máu hiếm đòi hỏi phải cùng huyết thống hoặc người nhà tình nguyện hiến khi nguồn cung không đủ.
Đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết Trung tâm Truyền máu là một trong số ít đơn vị trong cả nước thực hiện đồng thời các nhiệm vụ lấy, chiết tách các thành phần máu, lưu trữ bảo quản và cung cấp máu, các chế phẩm máu phục vụ kịp thời điều trị bệnh nhân. Với đặc điểm thường xuyên phải tiến hành các ca mổ cần cung cấp lượng máu lớn ngay tức thì, cơ sở này đã góp phần cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo.
Video đang HOT
Hiến máu là nghĩa cử tốt đẹp. Ảnh: VH.
Tại cơ sở y tế này nguồn máu đến từ 3 nguồn chính là tiếp nhận máu từ những người hiến máu trong cộng đồng, từ Viện huyết học truyền máu Trung ương và tại điểm hiến máu cố định trong bệnh viện bao gồm cán bộ y tế, nhân dân quanh khu vực và người nhà bệnh nhân.
Bệnh viện Việt Đức đặc thù là bệnh viện ngoại khoa, hàng năm số lượng ca mổ tăng lên khoảng 10% (năm 2017 tổng số phẫu thuật trên 65.000 ca). Hơn nữa, bệnh viện đảm nhận nhiệm vụ điều trị cấp cứu tuyến cuối của cả nước với những trường hợp tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông hay tai nạn lao động rất phức tạp và nặng nề.
Hàng ngày, bệnh viện này mổ trung bình 150 ca mổ phiên, khoảng trên 30 ca mổ cấp cứu, hầu hết cần truyền máu. GS Giang khẳng định nhu cầu cung cấp đủ máu cho điều trị bệnh nhân rất lớn, chủ yếu từ nguồn hiến máu lưu động. Việc duy trì điểm hiến máu cố định tại bệnh viện chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội về vai trò hiến máu tình nguyện, giải quyết nguồn khan hiếm máu vào những thời điểm thiếu máu cục bộ, vận động tiếp nhận máu trong những trường hợp người bệnh có nhóm máu hiếm Rh(-) hay nhóm máu AB mà không có được sự hỗ trợ từ Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
Theo Zing
Nhiều cặp cho - ghép thận ở viện Việt Đức không cùng huyết thống
Bệnh viện Việt Đức phát hiện 5 đôi cho - nhận thận không cùng huyết thống và cách xa về địa lý, tuy nhiên hồ sơ pháp lý đúng luật.
Ngày 18/10, giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết Công an Hà Nội đã đề nghị bệnh viện phối hợp điều tra đường dây mua bán thận. Tình trạng mua bán thận nghi ngờ diễn ra tại bệnh viện với giá hàng trăm triệu đồng mỗi quả thận.
Theo giáo sư Giang, luật pháp quy định mọi người dân trưởng thành đều có quyền hiến thận, không yêu cầu cùng huyết thống và tự nguyện. "Đây cũng là kẽ hở để nhiều trường hợp lợi dụng mua bán thận", ông Giang nói.
Bệnh viện đã rà soát phát hiện 5 cặp cho - nhận không cùng huyết thống, được phẫu thuật ghép tại Bệnh viện Việt Đức. Tuy nhiên khi kiểm tra kỹ cả 5 trường hợp đều đủ yêu cầu hiến và ghép thận.
Cặp đầu tiên, người nhận là nam bệnh nhân 36 tuổi ở Phú Thọ đã lọc máu chu kỳ 5 năm, người hiến là một phụ nữ 30 tuổi sống An Giang. Khi đăng ký hiến thận, bố và chồng của người phụ nữ này cùng đến Bệnh viện Việt Đức ký cam kết.
Cặp thứ hai, người nhận là nữ bệnh nhân 43 tuổi ở Hải Dương, đã lọc máu chu kỳ 10 năm. Người cho là một người đàn ông 30 tuổi tại Quảng Trị. Khi ký giấy cam kết, cả mẹ cùng vợ anh này đều có mặt để ký.
Cặp 3 là bệnh nhân 43 tuổi ở Hà Nội, nhận tạng từ người hiến là nam thanh niên 25 tuổi tại Lạng Sơn. Mẹ đẻ và vợ của thanh niên này cũng đến viện ký cam kết.
Cặp 4 là bệnh nhân 26 tuổi (Bắc Ninh), nhận tạng hiến từ người đàn ông 27 tuổi ở Lạng Sơn, có vợ và mẹ đẻ đến ký cam kết.
Cặp thứ 5, người nhận thận là nam giới 40 tuổi ở Hà Nội bị suy thận mãn và đã cắt cả 2 thận, lọc máu chu kỳ 4 năm. Người hiến thận sống tại Lạng Sơn, có vợ và mẹ đẻ đến viện ký cam kết.
"Bệnh viện đã tiến hành các thủ tục cho nhận thận theo quy trình rất chặt chẽ, tuyệt đối không có chuyện nhân viên y tế móc nối để làm giả hồ sơ. Nếu phát hiện cán bộ y tế có liên quan, bệnh viện chắc chắn sẽ đuổi việc", bác sĩ Giang cho biết.
Những người đang phải chạy thận nhân tạo và mong chờ được ghép thận, trọ tại Hà Nội. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường.
Phó giáo sư Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, bản thân ông đã từ chối nhiều ca ghép thận ngay trước giờ phẫu thuật do nghi ngờ có khuất tất. Trong đó nhiều trường hợp "khất" 1-2 loại giấy tờ còn thiếu đến sát ngày phẫu thuật mới nộp, có trường hợp không có người thân đi cùng.
Bác sĩ Nghĩa cho biết hiện mỗi tuần Bệnh viện Việt Đức thực hiện 4-6 ca ghép thận. Người hiến phải làm hàng loạt xét nghiệm sàng lọc như viêm gan B, C, HIV... với chi phí khoảng 20 triệu đồng. Chi phí này bảo hiểm y tế không chi trả. Sau đó bác sĩ sẽ tư vấn, giải thích về nguy cơ của việc hiến tạng cho người hiến và gia đình. Nếu cả người hiến và gia đình đều đồng ý, bệnh viện sẽ tiến hành xác minh pháp lý.
Để chặt chẽ, bệnh viện yêu cầu người hiến khi đăng ký phải có ít nhất 2 người ruột thịt trong gia đình (bố, mẹ hoặc vợ, chồng) cùng có mặt và cùng đồng ý ký vào giấy cam kết. Các mối quan hệ này phải được địa phương chứng nhận. Sau khi hoàn tất các thủ tục hành chính, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ hòa hợp miễn dịch của người cho và người nhận trước khi hội chẩn ghép tạng.
Ngày 15/10, Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội đã khởi tố bị can với Trần Văn Phương (29 tuổi) để điều tra về tội Mua bán mô và bộ phận cơ thể người, theo điều 154 Bộ luật Hình sự 2015. Bị can được cho là làm môi giới, giao dịch mua bán thận với giá từ 250 triệu đồng đến 320 triệu đồng, song "báo giá" với người cần ghép thận là 340-360 triệu đồng để hưởng chênh lệch. Hoạt động mua bán ghép thận này nghi xảy ra ở Bệnh viện Việt Đức và một số viện khác.
Lê Nga
Theo VNE
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm vụ bé 2 tuổi tử vong sau truyền dịch tại phòng khám tư Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) trong vụ việc cháu bé 2 tuổi tử vong sau khi được truyền dịch điều trị tiêu chảy tại phòng khám như phản ánh của Báo Gia đình & Xã hội. Theo công văn do Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ký, ngày 17/10,...