Bệnh viện Mỹ báo động ca tử vong vì Covid-19
Bệnh viện ở bang Michigan, Mỹ đang đối mặt với số bệnh nhân Covid-19 cao chưa từng thấy, trong đó có nhiều người chưa tiêm vaccine.
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Mỹ (Ảnh: AP).
Y tá Katie Sefton không bao giờ nghĩ rằng dịch Covid-19 có thể trở nên tồi tệ như vậy.
“Tôi thực sự hy vọng rằng tất cả chúng tôi sẽ được tiêm phòng và mọi thứ sẽ trở lại bình thường”, Sefton, trợ lý quản lý tại Bệnh viện Sparrow ở Lansing, bang Michigan, Mỹ cho biết.
Tuần này, số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 tại Michigan cao chưa từng có. Theo Hiệp hội Y tế và Bệnh viện Michigan, số ca nhập viện của bệnh nhân Covid-19 đã tăng 88% trong tháng qua.
“Chúng tôi đang tiếp nhận số lượng bệnh nhân nhiều chưa từng có và chứng kiến nhiều người chết hơn với tốc độ mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”, Jim Dover, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hệ thống bệnh viện Sparrow, cho biết.
“Kể từ tháng 1, chúng tôi đã có khoảng 289 ca tử vong, trong đó 75% là những người chưa được tiêm chủng. Một số rất ít (những người đã được tiêm chủng) đã qua đời sau hơn 6 tháng kể từ ngày tiêm. Chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào chết vì Covid-19 sau khi tiêm mũi tăng cường”, Dover nói.
Trong số các bệnh nhân Covid-19, Sefton nhận thấy một xu hướng đáng lo ngại.
“Chúng tôi đang thấy rất nhiều bệnh nhân trẻ hơn. Tôi nghĩ đó là một thách thức”, Sefton, y tá 20 năm kinh nghiệm, cho biết.
Video đang HOT
Sefton nhớ lại khoảnh khắc cô từng giúp gia đình của một thanh niên nói lời tạm biệt với người thân trước khi qua đời vì Covid-19.
“Đó là một đêm kinh hoàng. Đó là một trong những ngày tôi về nhà và chỉ biết khóc”, nữ y tá chia sẻ.
Dịch vẫn chưa lên đến đỉnh?
Theo CNN, không chỉ Michigan đang phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt vì Covid-19. Trên toàn nước Mỹ, số ca Covid-19 nhập viện đã tăng 40% so với một tháng trước, theo dữ liệu từ Bộ Y tế Mỹ.
Đây là kỳ nghỉ đông đầu tiên mà người Mỹ phải chứng kiến sự lây nhiễm liên tục của Delta – một chủng virus dễ lây lan hơn nhiều so với các biến chủng mà người Mỹ từng phải đối mặt vào mùa đông năm ngoái.
“Chúng tôi vẫn luôn nói với nhau về việc dịch vẫn chưa lên đến đỉnh”, Sefton cho biết.
Các chuyên gia y tế cho biết cách phòng vệ tốt nhất trước biến chủng Delta là tiêm phòng và tiêm mũi vaccine tăng cường. Nhưng tính đến ngày 9/12, chỉ có khoảng 64,3% người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ và chưa đến 1/3 trong số những người đủ điều kiện tiêm mũi vaccine tăng cường thực sự đi tiêm mũi này.
Y tá Danielle Williams của Bệnh viện Sparrow cho biết, phần lớn bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện của cô là những người chưa được tiêm chủng. Bản thân họ cũng không biết rằng họ có thể bị Covid-19 tấn công mạnh đến vậy.
“Trước khi bước vào cửa (phòng bệnh), họ có một cuộc sống bình thường. Họ là những người khỏe mạnh. Họ ra ngoài ăn mừng Lễ Tạ ơn. Còn bây giờ họ đang ở đây, với một chiếc khẩu trang trên mặt, đôi mắt đẫm nước, nhìn chằm chằm vào tôi và hỏi tôi rằng liệu họ có thể tiếp tục sống hay không”, Williams nói.
Dover cho biết anh rất buồn nhưng không ngạc nhiên khi bang Michigan đang phải vật lộn với Covid-19. Hầu hết các bệnh viện và hệ thống y tế ở Michigan đã chuyển sang chế độ mã đỏ, có nghĩa là họ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân chuyển viện.
“Michigan không phải là một trong những bang có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên cả nước. Vài tuần tới có vẻ khó khăn. Hiện tại, chúng tôi đã vượt quá 100% công suất”, Dover nói.
Y tá Leah Rasch đã kiệt sức, khi số lượng bệnh nhân Covid-19 quá đông khiến sức khỏe của cô bị ảnh hưởng. Rasch đã làm việc với các bệnh nhân Covid-19 kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch và rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người vẫn chưa được tiêm chủng trước khi bước vào phòng điều trị Covid-19.
Dover cho biết nhiều người đã hỏi ông làm thế nào họ có thể hỗ trợ các nhân viên y tế.
“Nếu bạn thực sự muốn hỗ trợ nhân viên y tế, và bạn thực sự muốn hỗ trợ những người hùng chăm sóc sức khỏe, hãy tiêm phòng. Chúng tôi cần mọi người đi tiêm phòng”, Dover nhấn mạnh.
Dover cũng kêu gọi những người trước đây từng mắc Covid-19 đi tiêm vaccine, vì một số người có thể bị tái nhiễm.
“Con gái tôi là một ví dụ điển hình. Con bé đã mắc Covid-19 2 lần trước khi đủ điều kiện tiêm vaccine. Nhưng con bé vẫn tiêm vaccine vì chúng tôi biết nếu bạn không tiêm vaccine, mà chỉ đơn thuần mắc Covid-19 thì không đủ để bảo vệ bạn khỏi nhiễm bệnh lần nữa”, Dover chia sẻ.
Theo Dover, những người chưa được tiêm phòng không nên đánh giá thấp đại dịch.
“Vấn đề là, dịch vẫn chưa kết thúc. Tôi không biết liệu mọi người có nhận ra dịch vẫn còn nghiêm trọng đến mức nào không. Nhưng họ chỉ thực sự nhận ra điều đó khi vào phòng cấp cứu, và họ phải đợi 3 ngày mới có một chiếc giường. Khi đó, họ mới nhận ra dịch nghiêm trọng thế nào”, Dover nói thêm.
Các "ông lớn" dược phẩm thế giới tăng tốc phát triển thuốc trị Covid-19
Theo Nikkei, các hãng dược lớn trên toàn cầu như Pfizer, Merck, Shionogi,... đang tăng tốc phát triển thuốc điều trị Covid-19 với mong muốn sẽ sớm dập tắt đại dịch chết chóc này.
Khu chữa trị Covid-19 tại một bệnh viện Mỹ (Ảnh: New York Times).
Nikkei đưa tin, các thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 đã và đang được tiến hành trên thế giới, trong bối cảnh các hãng dược đang nỗ lực tìm ra cách thức đơn giản và giá cả phải chăng hơn nhằm điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 và hướng tới sớm kiểm soát đại dịch.
Công ty Merck trụ sở tại Mỹ đang hợp tác với công ty khởi nghiệp Ridgeback Biotherapeutics nhằm nghiên cứu một phương pháp điều trị kháng virus SARS-CoV-2 thông qua đường uống có tên là molnupiravir. Thử nghiệm giai đoạn cuối cùng của thuốc này đang được tiến hành. Merck đặt ra mục tiêu sẽ xin cấp phép khẩn cấp molnupiravir vào cuối năm nay tại Mỹ, và 1-2 tháng sau đó ở Nhật Bản.
Trong khi đó, hãng dược Pfizer đang phát triển 2 loại thuốc chống SARS-CoV-2, một qua đường uống và một qua tiêm tĩnh mạch, dựa trên phác đồ điều trị dịch SARS hồi năm 2002. Các loại thuốc này được điều chế cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và trung bình, không cần phải nhập viện.
Dữ liệu ban đầu từ các thử nghiệm lâm sàng của Pfizer dự kiến sẽ được công bố trong khoảng thời gian từ tháng 10-12 và hãng đặt ra mục tiêu là các phương pháp điều trị có thể được cấp phép vào đầu năm sau.
Hãng dược Nhật Bản Shionogi đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn một thuốc kháng SARS-CoV-2 dạng viên và dự kiến sẽ mở rộng quy mô thử nghiệm lâm sàng trong năm nay. Công ty dược Chugai của Nhật Bản cũng đang đẩy nhanh tốc độ sản xuất một loại thuốc kháng virus đường uống, dự kiến có mặt trên thị trường vào năm sau.
Hiện một trong những phương pháp chống lại SARS-CoV-2 đang được ứng dụng là dùng hỗn hợp kháng thể. Chúng cần được truyền qua tĩnh mạch và một đợt điều trị kéo dài từ 3-4 giờ. Ngoài ra, chi phí cũng là một vấn đề.
Chính vì vậy, các phương pháp điều trị theo đường uống được xem có thể là yếu tố "thay đổi cuộc chơi" để chống dịch vì chúng có thể dễ dàng được kê đơn và sử dụng cho những người trị bệnh tại nhà.
Vì thuốc kháng virus hoạt động bằng cách ngăn chặn mầm bệnh sinh sôi, chúng được kỳ vọng sẽ có hiệu quả đối với các biến thể khác nhau. Thuốc cũng có thể được bào chế bằng công thức hóa học, có nghĩa là có thể được sản xuất tại các nhà máy dược và với chi phí bằng 1/10 hoặc ít hơn so với phương pháp điều trị bằng kháng thể.
Thế giới cho tới nay đã ghi nhận 230 triệu người mắc Covid-19 và trên 4,7 triệu người tử vong vì dịch bệnh. Các nỗ lực tiêm chủng đang được đẩy nhanh ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, để giảm thiểu thiệt hại gây ra bởi dịch, cả vắc xin và thuốc điều trị đường uống đều đang được xem là chìa khóa để kiểm soát Covid-19, theo Nikkei .
Mỹ có thể phải chọn điều trị bệnh nhân Covid-19 Ca Covid-19 tăng mạnh đang gây quá tải các bệnh viện Mỹ, khiến một số bang phải tính đến ban hành tiêu chuẩn chọn bệnh nhân điều trị trong trường hợp khủng hoảng. Việc kích hoạt "tiêu chuẩn chăm sóc khủng hoảng" đối với bệnh nhân là dấu hiệu báo động cho thấy mức độ nguy hiểm và lây lan nhanh chóng của...