“Bệnh” copy-paste của sinh viên vào mùa
Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa thi tình trạng “ copy – paste” lại nở rộ trong hình thức thi làm tiểu luận, bài tập lớn. Tình trạng này đang được coi là một căn bệnh nan y của ngành giáo dục được nhiều sinh viên cổ súy.
Chợ online sôi động
Kết thúc môn học bằng hình thức làm bài tập lớn, tiểu luận là điều mà bất cứ sinh viên nào cũng “hoan hô”. Không phải vì đề tài mở, chủ động tìm tài liệu, phát huy hết khả năng sáng tạo và năng lực của sinh viên mà hơn hết là “làm nhanh – dài- điểm cao” và đặc biệt được cắt – dán thoải mái.
Internet chính là một kho tài liệu vô tận, nơi sinh viên thể hiện kỹ năng cắt – dán siêu hạng. Trên các web, chợ online việc mua bán, sao chép luận văn, tiểu luận diễn ra rất sôi động. Nhiều sinh viên vỗ ngực tự hào chỉ cần mất vài giờ đồng hồ có thể làm được tiểu luận dài cả trăm trang.
Với sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Hành Chính, Trường ĐH Văn hóa, Trường ĐH Công đoàn…việc cắt – dán càng trở nên phổ biến với các môn học lí thuyết và thực hành. Cụ thể, các môn: Nhập môn báo in, Báo mạng, Cơ sở lí luận báo chí, lLao động nhà báo, Tác phẩm báo chí đại cương…(Học viện Báo chí và Tuyên truyền) không thể tránh khỏi tình trạng cắt dán.
Chứng kiến cảnh Quyết, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã Hội và Nhân văn Hà Nội làm luận văn mới thấy hết được nỗi “vất vả” của sinh viên cuối khóa. Quả thực, chỉ trong khoảng chưa đầy hai tiếng Quyết đã viết được trên 60 trang giấy A4, cỡ chữ 12. Khi tôi tỏ vẻ thán phục, Quyết thản nhiên đáp “tớ vừa copy từ một luận văn khác nên mới nhanh thế chứ, có đầu óc thiên tài cũng chả nghĩ ra được từng đấy trong hai giờ”. Khi được hỏi về điểm thì Quyết thật thà chia sẻ “nghĩ làm gì cho to đầu, nát óc ra điểm tớ vẫn cao như thường”. Quyết còn tỏ ra am hiểu “chỉ cần trình bày sạch đẹp, dài, mục lục rõ rang là ăn điểm 8, 9 thôi”.
Nghi ngờ về chiêu thức của Quyết, phóng viên đã thực hiện một cuộc phỏng vấn nhỏ đối với sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì nhận được khái quát “sinh viên bây giờ đứa nào chả cắt – dán”, “mình vẫn thường xuyên như vậy và thấy không ảnh hưởng gì”, “tớ copy khá nhiều trong bài tập lớn cuối khóa vừa rồi nhưng hình như cô không biết thì phải, vẫn được 8 điểm”, “sinh viên bây giờ 90% cắt – dán”….
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như các tiểu luận, bài tập lớn trên bị cho điểm thấp, hoặc điểm trung bình. Tuy nhiên, các tiểu luận “đạo” đến 90% vẫn lần lượt được điểm khá, giỏi. Đây là một điều bất hợp lí?
Video đang HOT
“Copy của copy”
Cắt dán đã biến học sinh dốt, học hành làng nhàng thành những sinh viên ưu tú, điểm cao chót vót. Tình trạng này là có thật trong đời sống giáo dục Việt Nam. Nhiều giảng viên khi chấm bài cho biết, có những sinh viên copy đến 99%, thậm chí bê nguyên văn tiểu luận của các khóa trước thành bài của mình.
Nhiều sinh viên lên các diễn đàn mách nước cho nhau. Theo nickname nguyenha28 chia sẻ “copy là bệnh rồi ai SV cũng mắc thôi”. Bạn này còn cho biết thêm “việc cắt – dán cũng phải có kỹ thuật, phần đầu với kết luận thì nên tự viết còn phần thân cứ thoải mái vẫy vùng”. Như vậy, nhằm che mắt các thầy cô giáo các sinh viên “mắc bệnh” cắt dán này sẽ làm mới phần đầu và kết luận, còn phần thân sẽ copy toàn diện.
Trao đổi về vấn đề này, thầy Đức Dũng, giảng viên Khoa Phát thanh – Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, trong quá trình dạy và chấm thi của mình thầy đã đọc rất nhiều các tiểu luận và khóa luận được làm ra bằng chiêu thức “copy – paste”, thậm chí còn là “copy của copy”.
“Bản thân tôi đánh giá thấp và sẵn sàng loại bỏ các khóa luận có dấu hiệu copy – paste” – lời thầy Dũng. Cắt – dán đã thành bệnh của sinh viên Việt Nam nên các nhà giáo cần phải nghiêm khắc hơn đối với các sinh viên sử dụng chiêu thức này để làm bài thi.
Kể về chiêu thức “copy của copy” thầy Dũng nói “khi tôi phản bác bài luận văn của một em sinh viên là copy sách của một giáo sư thì em sinh viên nhất định không chịu nhận, khi tôi đưa ra bằng chứng em vẫn ngây ngô không hiểu. Chẳng là em sinh viên này copy lại bài của một sinh viên ở trên mạng mà không biết nguồn gốc của bài viết đó cùng là copy”.
Làm tiểu luận, bài tập lớn là để mở mang kiến thức, phát huy năng lực sáng tạo của bản thân. Tuy nhiên, không ít sinh viên ngày nay làm theo hình thức “copy – paste” theo kiểu chống đối nên đã làm mất đi những ưu điểm vượt trội của hình thức thi cuối kỳ này.
Theo VNN
Sinh viên và nạn 'cắt, dán' mùa thi
Mùa thi, tình trạng sinh viên dùng chiêu thức "cắt" và "dán" trong các bài thi làm tiểu luận, bài tập lớn ngày càng nở rộ.
Mùa thi thành mùa luyện "cắt" và "dán"
Xu hướng kết thúc môn học bằng cách làm tiểu luận hay bài tập lớn đang ngày càng phổ biến. Cách làm này được các giảng viên ủng hộ và sinh viên hưởng ứng nhiệt tình vì tính chất mở của đề tài và cách chấm điểm.
Ngoài việc làm tiểu luận hay bài tập lớn sẽ giúp sinh viên có thể phát huy tối đa lượng kiến thức và kĩ năng tư duy của mình thì hình thức thi này đã vô tình làm cho mùa thi trở thành mùa "cắt" và "dán".
Kho tài liệu khổng lồ trên Internet trở thành nơi các sinh viên thực hiện kĩ năng "cắt" "dán" chuyên nghiệp. Nhiều sinh viên chỉ mất mấy giờ để làm xong một tiểu luận dài tới cả mấy chục trang. Tất cả là nhờ những thủ thuật biến của người thành của mình để che mắt các thầy cô giáo.
Điều này sẽ không có gì đáng nói nếu như những tiểu luận hay bài tập lớn làm theo kiểu này được điểm thấp hoặc trung bình. Thế nhưng hàng loạt tiểu luận vẫn cứ đạt điểm khá, điểm giỏi mặc dù hoàn toàn mang tính chất "đạo"...
Chúng tôi đã thực hiện cuộc khảo sát nhỏ sinh viên nhiều trường đại học ở Hà Nội: Đại học Sư Phạm, Đại học Bách Khoa, Học viện Báo chí tuyên truyền, Đại học Quốc gia... Hầu hết các bạn đều cho rằng "Sinh viên bây giờ coi chuyện cắt, dán đã trở thành chuyện thường. Cắt dán mà điểm cao thì việc gì phải động não đến nát đầu để làm gì".
Nói về mốt "copy" "paste" vào mùa thi lại nở rộ, bạn Bạch Văn Viên, sinh viên năm 3 trường ĐH Bách khoa Hà Nội có chia sẻ thế này "thời đại bùng nổ thông tin, chỉ cần một từ khóa gõ trên google ra hàng triệu kết quả mà chọn lựa cắt dán vào tiểu luận. Sinh viên bây giờ ai cũng thế chứ không phải riêng mình".
Với sinh viên trường Học viện Báo chí tuyên truyền thì các môn chủ nghĩa xã hội, văn học, nhập môn báo in, truyền hình, lịch sử báo chí...chủ yếu thi với hình thức tiểu luận mà việc cắt dán đã quá trở thành truyền thống "xưa như trời đất".
Chia sẻ về điều này Vũ Kiều Linh, sinh viên năm 3, HV Báo chí tuyên truyền có nói "chẳng biết các thầy cô có đọc hay không chứ có cắt dán thoải mái vẫn được 7, 8 điểm. Đôi khi chỉ cần đẹp và dài là được điểm cao".
Biến của người thành của mình
Đó là câu chuyện của rất nhiều các giáo viên, giảng viên kể lại khi chấm bài của các học sinh, sinh viên. Tình trạng copy đến 99% còn 1 % thêm mắm, thêm muối cho khỏi đụng hàng rất phổ biến. Có sinh viên còn bạo gan lấy cả bài luận của các nhà khoa học lớn rồi đề tên vào. Học hành làng nhàng, bỏ bê mà điểm các tiểu luận vẫn cao "7, 8 là chuyện thường" là có thật trong đời sống giáo dục hiện nay.
Internet giúp sinh viên cắt dán tiểu luận nhanh hơn
Thạc sĩ Nguyễn Bích Điệp, một cô giáo dạy văn của trường Yên Hòa (Cầu Giấy, HN) người mà rất hay ra đề tài làm bài luận cho học sinh có nhận xét "tình trạng học sinh dùng chiêu thức cắt, dán để làm bài khá phổ biến. Có những bài trùng nhau đến 99% mà không biết phân xử thế nào. Hỏi ra mới biết các em ấy chép từ cùng một nguồn trên Internet...".
Cùng một đề tài mà có tới 4, 5 "bộ óc" làm bài giống nhau không còn là chuyện hiếm thấy thậm chí khi hỏi các giáo viên các bộ môn thì tình trạng này "môn nào, kì thi nào cũng có". Hầu hết sinh viên làm tiểu luận chỉ mang tính chất để cho có bài, ý tưởng nghèo nàn, copy của người này một ít, người kia một đoạn thế là có một "tiểu luận hỗn hợp".
Bạn Nguyễn Thị Thủy, sinh viên năm cuối ĐH Kinh tế quốc dân có chia sẻ: "mình rất thích thú với việc làm tiểu luận và bài tập lớn vì có nhiều thời gian chuẩn bị và có thể đào sâu tìm tòi, mổ xẻ vấn đề. Nếu thực sự làm bằng công sức mình bỏ ra thì sẽ được đánh giá rất cao".
Tuy nhiên, cũng theo Thủy tâm sự "thật đáng buồn vì có những tiểu luận, bài tập lớn ngay cả là luận văn đạo đến 99% nhưng điểm vẫn khá, giỏi. Mình rất buồn vì tâm lí các thầy cô đều thương tình các sinh viên mất công nên vô tình đã làm cho việc ăn cắp ý tưởng trở thành phong trào của mùa thi "Và như vậy, các sinh viên cứ vô tư cắt, dán, biến cái của người khác thành của mình mà vẫn cứ điểm cao và tự hào...
Theo Vietnamnet
Khóa học hè tạo dấu ấn về niềm tin, sáng tạo và bản sắc cá nhân Sau chín tháng căng thẳng học tập, mùa hè luôn mang đến nhiều háo hức và mong chờ cho lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, nếu chỉ tận dụng những tháng hè để "thư giãn" quá mức thì các em sẽ dễ thấy nhàm chán, còn chỉ chăm chăm theo học những lớp bồi dưỡng văn hóa cũng lại làm mất hết nghĩa...