Bên trong “thành phố chết” phiến quân IS vừa tháo chạy
Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thừa nhận thất thủ và tháo chạy khỏi tại thành phố Kobani của Syria. Song thành phố sầm uất một thời giờ chỉ còn là đống đổ nát, hoang tàn sau nhiều tháng giao tranh ác liệt.
Những cuộc giao tranh ác liệt kéo dài nhiều tháng không chỉ cướp đi mạng sống của hàng trăm người dân Kobani (Syria), gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn hủy diệt hoàn toàn cơ sở hạ tầng bên trong thành phố. Kobani giờ đây không khác một “thành phố chết” dù các chiến binh IS đã rút đi.
Theo BBC, khu vực phía Đông Kobani bị tàn phá nặng nề nhất. Các tòa nhà chỉ còn là đống gạch đá vụn vỡ. Cơ sở hạ tầng điện, nước hoàn toàn bị phá hủy.
Một khu dân cư ở Kobani một thời sầm uất giờ đây đã bị hủy diệt.
Dù chiến sự đẫm máu đã chấm dứt, Kobani không chìm trong cảnh bom rơi đạn nổ, song hiện vẫn còn rất nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng ở đây. Khắp thành phố, các tòa nhà hư hại nặng tiếp tục sụp đổ
Những quả lựu đạn chưa nổ nằm lăn lóc đầy rẫy trên đường
Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo (IS) hôm 1.2 vừa công bố video thừa nhận thất thủ tại thành phố chiến lược Kobani của Syria. Đây được cho là thất bại đau đớn nhất của IS kể từ năm 2013. Hai kẻ tự xưng là chiến binh IS trong video thừa nhận, những cuộc không kích của liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo khiến nhóm này chịu những tổn thất nặng nề là nguyên nhân chính khiến tổ chức này phải rút lui khỏi thành phố chiến lược Kobani. Tuy nhiên, IS thề sẽ tiếp tục tấn công.
Video đang HOT
Hiện thành phố Kobani nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng chiến binh người Kurd. Trong ảnh là một chiến binh người Kurd đứng cạnh khu dân cư bị tàn phá tan nát bên trong Kobani.
Hai nữ chiến binh người Kurd đi tuần xung quanh “thành phố chết”.
Một chiến binh người Kurd đi bộ ở trung tâm thành phố Kobani ngày 28.1. Thành phố Kobani, trước đây có 200.000 dân giờ đây chỉ còn là đống đổ nát sau nhiều tháng giao tranh ác liệt. Kể từ giữa tháng 9 năm ngoái, cuộc chiến tại Kobani đã khiến khoảng 1.600 người thiệt mạng, trong đó có 1.075 chiến binh IS, 459 chiến binh người Kurd và 32 thường dân.
Cuộc tiến công nhằm giải phóng thành phố chiến lược Kobani khỏi tay IS bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái sau khi các chiến binh thánh chiến đánh chiếm thành phố này vào tháng 7. Các lực lượng người Kurd ban đầu được trang bị yếu kém, xong sau đó được sự hỗ trợ của không quân liên quân quốc tế, do Mỹ lãnh đạo.
Trong ảnh là một nghĩa trang dành cho các chiến binh người Kurd đã tham chiến chống lại các chiến binh IS tại Kobani. Theo ước tính, IS đã mất hơn 1.000 tay súng tại chiến trường Kobani. Thất bại tại Kobani được xem là một thất bại đau đớn của IS, vốn chỉ trong vài tháng ngắn ngủi đã đánh chiếm được một phần lãnh thổ rộng lớn của Syria và Iraq.
Theo Phương Đăng (Danviet.vn)
Mỹ và bài toán triển khai bộ binh chống IS
Các cuộc không kích của liên quân quốc tế nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo không đủ để giữ được thành phố Kobani.
"Liệu Mỹ có thay đổi chiến lược chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria hay không?". Đó là câu hỏi được giới chuyên gia nhắc tới nhiều trong những ngày qua.
Các chiến dịch không kích kéo dài hơn nửa tháng qua của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Iraq và Syria vẫn chưa mang lại kết quả. Nhóm nổi dậy vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động và đang tiến gần tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia được xem là cửa ngõ vào châu Âu.
Khói bốc lên từ thành phố Kobani (Ảnh AP)
Ngày 7/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, thành phố Kobani của Syria sắp rơi vào tay nhóm nổi dậy Nhà nước Hồi giáo.
Theo ông, các cuộc không kích do liên minh quốc tế tiến hành để hỗ trợ các chiến binh người Kurd chống Nhà nước Hồi giáo là không đủ để giữ được thành phố Kobani và biện pháp hiệu quả nhất lúc này là triển khai bộ binh.
Ông Recep Tayyip Erdogan nói: "Mối đe dọa sẽ không chấm dứt chừng nào chúng ta không hợp tác nhằm triển khai một chiến dịch trên bộ. Hàng tháng đã trôi qua song chúng ta không đạt được bất kỳ kết quả nào. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ để mất Kobani vào tay nhóm Nhà nước Hồi giáo".
Các tay súng người Kurd tại Kobani cũng khẳng định các cuộc tấn công trên không chẳng giúp gì cho họ do nhóm Nhà nước Hồi giáo đã biết cách đối phó với không kích. Khi thấy máy bay chiến đấu của Mỹ và đồng minh xuất hiện, phiến quân nhanh chóng rời khỏi các vị trí lộ thiên, phân tán đội hình và tìm nơi ẩn náu.
Ngày 7/10, Liên Hợp Quốc cũng đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức nhằm bảo vệ thành phố biên giới Kobani.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura nói: "Tất cả chúng ta đều thấy lo ngại khi nhóm Nhà nước Hồi giáo đang mở rộng hoạt động và có thể sẽ chiếm quyền kiểm soát một thành phố. Chúng ta phải hành động ngay lập tức. Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ phải bảo vệ Kobani. Chúng ta không thể để cho thành phố này rơi vào tay nhóm nổi dậy. Nếu không thì đây sẽ là một điều khủng khiếp".
Thành phố Kobani, một thành phố có đông người Kurd sinh sống, đã trở thành điểm nóng bạo lực trong suốt hai tuần qua khi các tay súng Nhà nước Hồi giáo đẩy mạnh các chiến dịch tấn công tại đây.
Các nguồn tin tại chỗ cho biết, nhóm Nhà nước Hồi giáo đã chiếm quyền kiểm soát hàng trăm ngôi làng và án ngữ 3 khu vực ngoại ô dẫn vào thị trấn này.
Đây là một diễn biến đáng lo ngại. Bởi chiếm được Kobani cũng đồng nghĩa với việc nhóm Nhà nước Hồi giáo sẽ kiểm soát một dải đất rộng lớn tại khu vực biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cửa ngõ vào châu Âu.
Một báo cáo tình báo của Mỹ cho biết các tay súng Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách thâm nhập vào châu Âu dưới vỏ bọc người tị nạn, cụ thể là vào Đức từ Thổ Nhĩ Kỳ để vươn tới các nước châu Âu khác.
Trong bối cảnh này, giới quan sát bắt đầu đặt câu hỏi về một sự can thiệp sâu hơn của Mỹ và các đồng minh trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria, cụ thể là việc đưa bộ binh tới khu vực.
Dù Tổng thống Obama đã bác bỏ mọi khả năng đưa quân vào chiến trường Trung Đông nhưng theo Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, để tiêu diệt tận gốc tổ chức Nhà nước Hồi giáo này, một chiến dịch trên bộ là cần thiết.
Tuy nhiên cái khó hiện nay với Mỹ là liệu người dân Mỹ có chấp nhận một cuộc chiến hao người tốn của nữa hay không. Bên cạnh đó là những ý kiến lo ngại về động cơ thực sự của Mỹ và các đồng minh trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo.
Nhiều chuyên gia phân tích Iran cho rằng, mục đích chính của Mỹ là can thiệp vào cuộc nội chiến Syria. Thậm chí một số ý kiến còn cho rằng Mỹ đang đẩy mối đe dọa Nhà nước Hồi giáo lên cao quá mức để tập hợp lực lượng và kiểm soát Trung Đông.
Chính vì thế, dù Mỹ có thay đổi chiến lược hay có giành chiến thắng trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo hay không, thì một điều chắc chắn rằng, nước Mỹ cũng sẽ khó tránh khỏi việc một lần nữa bị sa lầy tại Trung Đông./.
Theo VOV