Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ: Thông điệp của sự hòa giải
Đối với các nhà ngoại giao, hội nghị có thể không thành công trong văn bản, nhưng lại được đánh giá là hội nghị của sự hòa giải giữa các quốc gia.
Sáng 12/4, Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7 tại Panama kết thúc muộn hơn kế hoạch 5 tiếng. Mặc dù không đưa ra được tuyên bố chung cùng nhiều vấn đề khu vực chưa được giải quyết, nhưng hội nghị lần thứ 7 này được coi là thành công khi chứng kiến những tuyên bố tích cực hướng đến sự hòa giải giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo hai nước Mỹ và Cuba.
Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ với chủ đề: “Thịnh vượng với công bằng: Sự thách thức trong hợp tác tại châu Mỹ” đã tạo cho các nhà lãnh đạo khu vực một diễn đàn để thảo luận các vấn đề cùng quan tâm. Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận những thách thức mới nổi trong các lĩnh vực như giáo dục, năng lượng, nhập cư và an ninh.
Một phiên họp của hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ (Ảnh: AP)
Một vài vấn đề gây tranh cãi được đưa ra bàn thảo như quan hệ Mỹ-Venezuela, tranh chấp lãnh thổ giữa Argentina và Anh, biến đổi khí hậu, hòa bình tại Colombia… Sau các cuộc đàm phán Maraton và kéo dài muộn hơn 5 tiếng so với dự kiến, hội nghị kết thúc nhưng không đưa ra được tuyên bố chung.
Nhiều nhà lãnh đạo cho rằng, hội nghị kết thúc không có tuyên bố chung do những chia rẽ vẫn tồn tại. Tuy vậy, đối với nhiều nhà ngoại giao, hội nghị lần này có thể không thành công trong văn bản, nhưng lại được đánh giá là hội nghị của sự hòa giải giữa các quốc gia có nhiều bất đồng.
Hội nghị lần này chứng kiến sự tham dự đầu tiên của nhà lãnh đạo Cuba kể từ năm 1994. Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2012 diễn ra tại Colombia, tất cả các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh và Caribe đã nhất trí mời Cuba tham dự hội nghị thượng đỉnh nhưng đã vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ và Canada.
Phát biểu tại hội nghị lần này, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đánh giá ý nghĩa sự tham dự của Cuba: “Đây là một hội nghị có sự tham dự của tất cả các nước tại bán cầu Tây mà không có ngoại lệ. Cách đây 3 năm, tôi đã từng khẳng định rằng sẽ là điều không chấp nhận được một hội nghị thượng đỉnh khác nếu không có sự tham dự của Cuba. Hôm nay, chúng tôi hoan nghênh sự hiện diện của Chủ tịch Cuba và con đường bắt đầu hướng đến việc tái khởi động những mối quan hệ ngoại giao”.
Video đang HOT
Sự thành công tại hội nghị lần này cũng không nằm ở những vấn đề chính đưa ra bàn thảo, mà ở các cuộc gặp bên lề. Cuộc hội đàm lịch sử của Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Obama nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, mở ra trang sử mới trong mối quan hệ phức tạp giữa hai nước hơn 50 năm qua.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Obama tiếp xúc trực tiếp với người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro. Những căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Venezuela gần đây khi Mỹ gọi Venezuela là “mối đe dọa an ninh”.
Mặc dù không có những chuyến biến rõ rệt như cuộc gặp Mỹ-Cuba, nhưng cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Venezuela diễn ra trong bầu không khí “tôn trọng và chân thành”. Tổng thống Obama bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đối thoại hòa bình tại Venezuela và mong muốn nền dân chủ, sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Venezuela cũng khẳng định sẵn sàng thảo luận với sự tôn trọng và chân thành vào bất kỳ thời điểm nào. Vốn bị nhiều nước Mỹ Latinh chỉ trích can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, trong một thông điệp tại hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ tại Panama lần này, Tổng thống Obama nhấn mạnh, thời kì mà Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Mỹ Latinh đã qua.
“Chúng tôi tôn trọng sự khác biệt giữa các nước. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng các nước tham gia hội nghị cũng sẽ ủng hộ chúng ta có thể nói sự thật và thẳng thắng thay mặt những nhóm người dễ bị tổn thương, những người không có quyền và không có tiếng nói”, ông Obama cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh các nước Châu Mỹ vốn ít được sự quan tâm của giới truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, hàng loạt các hãng truyền thông lớn, đặc biệt là truyền thông Mỹ liên tục cập nhật những diễn biến của hội nghị hai ngày qua với những bình luận tích cực, cũng được coi là thành công của hội nghị lần này./.
Phạm Hà Tổng hợp
Theo_VOV
Hội nghị cấp cao Tổ chức các nước châu Mỹ - hội nghị của sự hòa giải
Ngày 10/4 tại Panama diễn ra Hội nghị cấp cao lần thứ 7 Tổ chức các nước châu Mỹ, với sự tham gia lần đầu tiên của Cuba.
Hội nghị lần này được xem là hội nghị của sự hòa giải khi dự kiến lần đầu tiên sẽ chứng kiến cái bắt tay của Mỹ và Cuba sau hàng thập kỷ căng thẳng, cũng như dấu hiện cải thiện trong quan hệ Mỹ và Venezuela sau nhiều tháng gia tăng bất đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những khác biệt lớn mà các nước châu Mỹ sẽ cần nhiều thời gian để xóa bỏ.
Tổng thống Panama (áo vàng) chào đón người đồng cấp Mỹ Barack Obama (Ảnh AP)
Hội nghị năm nay diễn ra với chủ đề "Thịnh vượng và công bằng: Thách thức hợp tác ở khu vực châu Mỹ" và được dư luận đặc biệt quan tâm nhất là do sự tham gia lần đầu tiên của Cuba, cũng như sự cải thiện trong quan hệ Mỹ-Cuba. Sau những nỗ lực bền bỉ từ hai phía, với sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Mỹ và Cuba đang nỗ lực hướng tới việc bình thường hóa quan hệ.
Vấn đề Cuba từng là biểu tượng của sự chia rẽ, mất đoàn kết tại khu vực, song hội nghị lần này chứng kiến hai quốc gia cựu thù có thể ngồi cạnh nhau. Ngay trước thềm hội nghị, Chính phủ Mỹ cho biết đang xem xét đề xuất của Bộ Ngoại giao nước này đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước hỗ trợ khủng bố, một trong những lý do khiến Cuba ngần ngại chưa quyết định mở cửa trở lại Đại sứ quán tại Washington.
Ông Manuel Yepes, chuyên gia phân tích chính trị quốc tế nói: "Tôi cho rằng, cuộc gặp có thể giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba sẽ không có ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ hai nước. Song cuộc gặp có thể làm dịu bầu không khí và có thể thúc đẩy quan hệ Mỹ- Cuba".
Cùng với đó là quan hệ giữa Mỹ và Venezuela. Trong một động thái đảo ngược lập trường, Chính phủ Mỹ mới đây bất ngờ tuyên bố Venezuela không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ và thậm chí còn tuyên bố, quyết định trừng phạt Venezuela "hoàn toàn mang tính chiếu lệ", do phe Cộng hòa chi phối Quốc hội Mỹ khởi xướng, và chính quyền Obama không nhắm tới bất kỳ thay đổi nào ở Venezuela.
Những tuyên bố này cho thấy nỗ lực của Mỹ "làm hòa" với các nước Mỹ Latin và xoa dịu bầu không khí chống Mỹ tại sự kiện lớn nhất bán cầu phía Tây.
Ngay sau những tuyên bố này, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng thể hiện sự mềm dẻo khi khẳng định, nước này quan tâm tới mối quan hệ hữu nghị với Mỹ.
Ngay trong phát biểu ngày 9/4, ông Maduro cũng một lần nữa nhắc lại lập trường này khi nhấn mạnh, ông nhìn thấy cơ hội cải thiện quan hệ với Mỹ.
"Những tuyên bố của Tổng thống Obama tạm thời có thể mở ra con đường hướng tới một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Venezuela, một quốc gia Mỹ Latin tự do và có chủ quyền với Mỹ", ông Maduro nói.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những dấu hiệu hòa giải này sẽ chỉ làm cho hội nghị bớt sóng gió hơn mà thôi, bởi những bất đồng sâu sắc tồn tại hàng thập kỷ sẽ chưa thể được tháo gỡ trong một sớm một chiều. Chính phủ Venezuela vẫn quyết tâm gửi tới hội nghị bản kiến nghị, với chữ ký của 10 triệu người dân nước này buộc Mỹ phải hủy bỏ sắc lệnh coi Venezuela là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Và quyết tâm của ông Maduro nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia Mỹ Latin như Paragoay, Urugoay, Argentina, Peru và đặc biệt là Cuba. Nước này cũng sẽ không vì các cuộc đàm phán đang diễn ra với Mỹ mà bỏ rơi một trong những đồng minh quan trọng của mình tại châu lục.
Trong bối cảnh Mỹ Latin ngày càng trở nên độc lập với Mỹ cả về chính trị và kinh tế, thì chắc chắn các quốc gia Mỹ Latin sẽ không từ bỏ mục tiêu hướng tới một mô hình hợp tác không chịu định hướng của lợi ích Mỹ.
Chính vì thế, dư luận rất chờ đợi hội nghị lần này để xem Mỹ sẽ thể hiện vai trò và xử lý các mâu thuẫn trong khu vực như thế nào./.
Thu Hoài Tổng hợp
Theo_VOV
Không đội khăn trùm đầu, bà Michelle Obama muốn nói gì với Ả Rập Xê Út? Giống như những đệ nhất phu nhân khác, trang phục của bà Michelle Obama cũng được chú ý rất kỹ để giải mã những thông điệp ẩn chứa bên trong. Bà Michelle Obama đứng cạnh tân Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman (phải) ngày 27.1 - Ảnh: Reuters Bà Michelle nhận được sự đánh giá cao nhờ "tài ngoại giao thời trang"...