BBC: Chơi game có phải là một loại hình thể thao?
Như thể thao truyền thống, eSports cũng bao gồm rất nhiều tựa game khác nhau. Nhưng phần lớn trong số đó không nhất thiết phải đi theo con đường truyền thống.
BBC – British Broadcasting Corporation – là thông tấn xã quốc gia của Vương Quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, là hãng truyền thông lớn nhất trên thế giới với 23000 nhân viên đang hoạt động. Trong một bài viết mới nhất của mình, BBC đã đưa ra một chủ đề tranh luận rất đáng chú ý:”Liệu chơi game có thực sự là một loại hình thể thao?”.
IEM San Jose
Tên gốc của bài viết từ chuyên mục BBC iWonder là “Is computer gaming really sport?”, TTĐT xin dịch nguyên văn là “Chơi game liệu có phải là một loại hình thể thao?”. Bài viết được viện dẫn thêm nội dung của bài “Gaming: The Rise of The Cyber Athlete” được viết bởi tác giả Ben Dirs thuộc kênh BBC Sport làm chủ đề đánh giá, đồng thời gồm nhiều quan điểm của giới chuyên môn phương Tây về chủ đề này.
Một môn thể thao mới
Tại sự kiện Winter X Games 2015 diễn ra tại Aspen, Colorado, Mỹ, chúng ta sẽ được chứng kiến các vận động viên thuộc bộ môn trượt ván, trượt ván nghệ thuật và đua xe trượt tuyết thi đấu. Tất cả sẽ cùng tranh tài với nhau với tinh thần thể thao truyền thống, sức mạnh, sự tinh tế và khéo léo.
Nhưng hơn hết, chúng ta cũng sẽ thấy nhiều người “ôm lấy” máy tính, thổi bay những nhân vật tưởng tượng với những khẩu súng máy tưởng tượng dưới sự cỗ vũ và chứng kiến của hàng ngàn khán giả. Nhưng cái điên rồ hơn cả, họ sẽ trao huy chương cho toàn bộ thứ được cho là “ảo” và “tưởng tượng” đó. Điều này dẫn đến một câu hỏi: “Liệu chơi game có thật sự là một môn thể thao?”.
Thể Thao Điện Tử là gì?
eSports (Thể Thao Điện Tử) – tên viết tắt của Electronic Sports – là một cụm từ được dùng để chỉ những tựa game thi đấu chuyên nghiệp. Thi đấu game chuyên nghiệp đã bắt đầu xuất hiện với trò Pong ở thập niên 70. Nhưng giờ đây, thế hệ thanh thiếu niên vây quanh hệ tay cầm Atari đó đã được thay thế bằng hơn 40.000 người hâm mộ tại một sân vận động bóng đá, và tất cả đều “dán mắt” vào những hành động được hiển thị trên các màn hình lớn.
Đội Ninjas In Pyjamas tại Dreamhack Winter 2014
Như thể thao truyền thống, eSports cũng bao gồm rất nhiều tựa game khác nhau. Nhưng phần lớn trong số đó không nhất thiết phải đi theo con đường truyền thống. Ví dụ, tại Aspen, tựa game được lựa chọn là Counter-Strike, đây là trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất mà bạn có thể chọn một trong 2 phe, khủng bố (terrorist) hay đặc nhiệm chống khủng bố (counter-terrorist).
Không, bạn không thể là Lionel Messi. Nhưng tựa game phổ biến nhất chính là Liên Minh Huyền Thoại ( League of Legends), một trò chơi chiến thuật mà miêu tả trên Wikipedia làm chúng ta liên tưởng đến những cuốn tiểu thuyết The Hobbit (Anh Chàng Hobbit), The Lord of The Rings (Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn) và The Silmarillion (Huyền Sử Silmarils) của tác giả John Ronald Reuel Tolkien (JRR Tolkien). Đối với những người không quen, điều này nghe khó hiểu như khi bạn đang tìm hiểu luật chơi của môn Cricket vậy.
Lợi nhuận lớn
Nhưng có rất nhiều người dấn thân vào eSports, bằng nhiều cách khác nhau. Trong năm 2014, theo Newzoo, có đến 205 triệu người xem eSports. Chung Kết Thế Giới Liên Minh Huyền Thoại năm 2013 thu hút 32 triệu lượt xem online, nhiều hơn cả số lượng xem của 2 giải đấu bóng chày Thế Giới gộp lại và thậm chí còn vượt qua cả ván đấu thứ bảy của trận Chung Kết giải bóng rổ nhà nghề NBA. Không dừng lại tại đó, Chung Kết Thế Giới Liên Minh Huyền Thoại năm 2014 có 40.000 người hâm mộ đến sân vận động Sangam ở Seoul.
Chung Kết Thế Giới Liên Minh Huyền Thoại mùa 4 tại sân vận động Sangam
Dù Hàn Quốc được xem như là “cái nôi” của eSports, nhưng lợi nhuận chính lại đến từ Châu Âu và Bắc Mỹ. Tháng 7 năm 2014, 11.000 người đến theo dõi một sự kiện eSports (The International – Dota 2) tại KeyArena, Seattle. Sự kiện này có mức tiền thưởng cao nhất trong toàn giới eSports với 10.9 triệu đô la Mỹ, nhiều hơn giải Vô địch Golf USPGA và còn được tường thuật trên kênh thể thao giải trí nổi tiếng của Mỹ – ESPN.
Video đang HOT
Mức lương một triệu Euro cho những tuyển thủ hàng đầu
Nhưng eSports chỉ thường được lên sóng trên những kênh đặc biệt như Twitch. Kênh này vừa được Amazon mua lại với giá 1 tỷ đô la Mỹ. Trong năm 2013, Twitch có 55 triệu lượt xem trong một tháng và 600.000 streamers sản xuất nội dung. Không quá bất ngờ khi có nhiều công ty lớn trên Thế Giới đã bắt đầu nhảy vào ngành công nghiệp mới này. Lợi nhuận của eSports sẽ tăng từ 130 triệu đô trong năm 2012 lên đến 465 triệu đô ở cuối năm 2017, theo những số liệu thống kê từ Newzoo.
Những tuyển thủ eSports hàng đầu như Carlos “Ocelote” Rodriguez có thể kiếm được đến một triệu Euro trong một năm. Nhưng họ cũng như những vận động viên thể thao truyền thống vậy. Vẫn thi đấu trong đội, vẫn thi đấu trong những giải đấu khu vực. Họ tập luyện 14 tiếng một ngày. Họ học hỏi chiến thuật, kỹ thuật và vị trí. Họ chứng tỏ phản xạ tuyệt vời và sự nhanh trí. Họ cũng phải chịu đựng áp lực lớn, cũng trải qua những đỉnh cao và sự thất vọng.
Ocelote đã xây dựng được một thương hiệu riêng cho bản thân – OceloteWorld
Gặp gỡ những con người có ảnh hưởng
Jack “C9.Jack” Etienne – CEO/Quản lý của Cloud9
Etienne có 35 tuyển thủ trong đội Cloud9 đang thi đấu rất nhiều tựa game eSports khác nhau. Nhiệm vụ chính của anh là nói chuyện với các nhà tài trợ để đảm bảo mức lương cho các tuyển thủ và thuê những huấn luyện viên giỏi. Bằng cách này, các nhà tài trợ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, không những vậy còn cả danh tiếng và được mọi người biết đến.
Etienne nói Cloud9 là một gia đình mà anh ấy là trưởng nhà. Anh phải chắc chắn mọi tuyển thủ ngủ đủ giấc, tập luyện đầy đủ, đánh thức họ vào buổi sáng, sắp xếp các chuyến đi và giúp họ hoàn toàn tập trung.
Jack Etienne (phải) cùng giám đốc điều hành của Valve – ông Gabe Newell – tại The International 4
Anh cũng tham gia vào các cuộc chuyển nhượng thay thế thành viên, lôi kéo tuyển thủ từ các đội khác, làm mọi cách có thể để tạo ra một đội hoàn hảo. Ở lĩnh vực này, Etienne giống như các huấn luyện viên ở giải Ngoại Hạng Anh vậy.
Alberto “Crumbzz” Rengifo – Tuyển thủ đi rừng của Dignitas
Rengifo là đội trưởng của Dignitas, một tổ chức eSports tại Vương Quốc Anh. Đội hiện đang sống và tập luyện tại một cơ ngơi đồ sộ có thể nhìn thấy đồi Hollywood và thậm chí họ còn có cả…. giúp việc.
Crumbzz mới chỉ 21 tuổi nhưng được mọi người biết đến như một “cựu binh”. Anh tập luyện cơ thể mỗi ngày và có chế độ ăn uống đều đặn nhưng anh thừa nhận sức khỏe của anh đang suy giảm khi phải tiếp xúc với màn hình máy tính quá lâu. Crumbzz mơ một ngày được bước lên đỉnh cao nhất của Liên Minh Huyền Thoại nhưng anh cũng biết được thời điểm từ giã sự nghiệp đã gần kề.
Crumbzz cùng đội Dignitas mới ở IEM Cologne 2015
Anh đã hy sinh rất nhiều để theo đuổi giấc mơ. Nghỉ học đại học, chỉ gặp gia đình mình ở Vancouver 2 lần một năm và có rất ít bạn bè. Nhưng thông qua eSports, anh đã được đi vòng quanh Thế Giới và kiếm đủ tiền.
Rachel “Seltzer” Quirico – Phóng viên và nhà tổ chức sự kiện
Quirico là một nữ tuyển thủ chuyên nghiệp thuộc đội Frag Dolls. Mục tiêu của họ là khuyến khích phái nữ tham gia vào eSports và chứng minh rằng phái yếu hoàn toàn có thể thi đấu giỏi như những người đồng nghiệp khác phái. “Phụ nữ phải đẹp và thi đấu game chuyên nghiệp đạt đến mức độ hoàn hảo”, Seltzer nói. Tuy nhiên, cô tin cộng đồng game thủ không hề phân biệt giới tính.
Rachel “Seltzer” Quirico
Nghề nghiệp khác của Quirico là viết và tổ chức các sự kiện Thể Thao Điện Tử. “Một vài năm trước, dấn thân vào con đường eSports là một quyết định mạo hiểm”, cô nói. “Nhưng điều đó không còn nữa, cha mẹ thường muốn con cái mình theo một nghề nghiệp có tương lai. Và cộng đồng eSports lại rất tuyệt vời, không hề có bạo lực hay ma túy – đơn giản chỉ là những đứa trẻ thông minh đang cố gắng giành lấy chiến thắng mà thôi.”
Steven “Snoopeh” Ellis – Tuyển thủ đã nghỉ hưu của đội Evil Geniuses
Ellis là một tuyển thủ Liên Minh Huyền Thoại giỏi trong quá khứ. Vào năm 19 tuổi, tuyển thủ người Scotland này đã thi đấu trước 30.000 khán giả. Anh đi du đấu ở Trung Quốc, Đài Loan và New York và anh cảm thấy như ca sĩ nhạc pop Justin Bieber.
Stephen “Snoopeh” Ellis
Nhưng vào năm ngoái, Snoopeh đã quyết định nghỉ hưu ở độ tuổi 22. Bây giờ anh ấy đang lên kế hoạch thành lập một hiệp hội, nhằm bảo vệ các tuyển thủ khỏi sự soi mói và áp lực quá lớn từ các công ty và nhà tài trợ.
Ellis tin eSports đang phát triển theo con đường của Thể thao truyền thống. Chủ sở hữu, quản lý, huấn luyện viên, phân tích viên, bác sĩ tâm lý, thậm chí cả nhân viên mát-xa – những thứ kể trên biến việc thành lập một hiệp hội các tuyển thủ eSports trở thành một bước đi đúng đắn.
Vận động viên eSports khác gì với vận động viên của các môn thể thao truyền thống?
Chiến thuật
Đối với vận động viên eSports, những tựa game như Liên Minh Huyền Thoại và Starcraft cực kỳ phức tạp và liên tục thay đổi lối chơi. Thật ra, các nhà khoa học tin chơi một vài game có thể giúp tăng cường trí thông minh tốt hơn là Cờ Vua. Rất nhiều đội thi đấu Thể Thao Điện Tử dành ra rất nhiều thời gian để cải thiện chiến thuật, một trong những nhân tố chính quyết định thành công hay thất bại.
Các tuyển thủ Starcraft phải dự trù rất nhiều chiến thuật trong một trận đấu (trong hình – Lee “Jaedong” Jaedong)
Ở một vận động viên Thể thao truyền thống, liên tục phát triển chiến thuật là thứ tách biệt những vận động viên ưu tứu khỏi số vận động viên giỏi còn lại. Các vận động viên luôn phải đối mặt trước vô số những sự lựa chọn trong trận đấu, trong khi vẫn phải biết được ưu và nhược điểm của đối thủ. Những tình trạng cơ thể khác nhau cũng cần những chiến thuật phù hợp khác nhau.
Thể lực
Các tuyển thủ eSports không cần rèn dũa thể lực như vận động viên truyền thống. Thật ra, một tuyển thủ eSports có thể phải ngồi trước màn hình máy tính 14 tiếng một ngày. Tuy nhiên, quan niệm “một cơ thể khỏe khoắn đi đôi với một cái đầu minh mẫn” đã được rất nhiều người nhìn nhận, vì thế những tuyển thủ hàng đầu luôn phải chắc chắn có một chế độ ăn uống đầy đủ và tập luyện thân thể đều đặn.
Hầu hết các vận động viên thể thao truyền thống đều có một thân hình cân đối. Họ thường rất nhanh nhạy, mạnh mẽ và sở hữu một nguồn thể lực sung mãn. Novak Djokovic dành ra 20 tiếng đồng hồ trên sân Tennis trong suốt quá trình thi đấu và giành chiến thắng giải Wimbledon năm 2014.
Phản xạ
Phản xạ của các tuyển thủ eSports rất nhanh và uyển chuyển. Họ có thể đạt đến hơn 300 APM (hành động mỗi phút) trong một trận đấu, điều này còn giúp họ multi-task (làm nhiều việc cùng lúc) trong trận đấu một cách “điên cuồng”. Những khảo sát đã cho thấy các tuyển thủ eSports chuyên nghiệp có phản xạ và sự nhanh nhạy đầu óc vượt hơn mức người thường.
Rất nhiều các vận động viên Thể thao truyền thống phải ra quyết định trong phần trăm giây. Điều này đòi hỏi sự kết hợp mắt và tay, suy nghĩ nhanh chóng, tầm nhìn và nhận thức không gian, đặc biệt trong môi trường đội tuyển. Muốn đỡ được những quả giao bóng lên đến 120 mph (dặm trên giờ) của Serena Williams, bạn chỉ có ít hơn nửa giây để phản ứng.
Những ý kiến đồng tình
Michal “Carmac” Blicharz, xuất thân từ Ba Lan, là một cựu vận động viên Judo, và hiện tại anh đang là quản lý tổ chức giải đấu Intel Extreme Masters (IEM) nổi tiếng thuộc công tyTurtle Entertainment.
Chỉ những nhà vô địch IEM mới được Carmac vác qua vai để chúc mừng kiểu này (trong hình – Lee “Flash” Young Ho)
Blicharz tin rằng eSports chính là một môn thể thao. “Tôi đã đổ mồ hôi trên thảm Judo đủ để có một cái nhìn hoàn thiện về điều này,” anh nói. “Judo và eSports không hề khác nhau. Có nhiều giải đấu, bạn phải leo thứ hạng để được thi đấu với những người giỏi nhất. Thời gian luyện tập là như nhau, nhưng các tuyển thủ eSports có khi phải dành nhiều thời gian hơn. Bạn phải tìm hiểu chiến thuật, kỹ năng và cả đối thủ. Mọi yếu tố đều có ở eSports – hào hứng, kích thích và có cả vinh quanh xen lẫn thất vọng.”
Anh thừa nhận thể lực không phải là vấn đề chính trong eSports, mặc dù các tuyển thủ vẫn thường gặp vấn đề về tâm lý. Nhưng sự thật rằng 2 bộ môn Bida Snooker và ném phi tiêu (Darts) vẫn được liệt kê vào danh sách những môn thể thao được thi đấu tại các sự kiện thể thao là một minh chứng rõ ràng nhất.
Tuy nhiên, Blicharz không thực sự quan tâm đến việc mọi người có nhìn nhận eSports là một môn thể thao hay không. “eSports đang bước trên một con đường riêng biệt – và những môn thể thao truyền thống nên noi theo điều này.”
Những ý kiến không đồng tình
Chính phủ Mỹ đã bắt đầu công nhận các vận động viên eSports và nới lỏng hơn trong vấn đề visa. Nhưng không phải ai cũng đồng tình. Mặc dù ESPN đang “nhúng tay” vào eSports, chủ tịch của kênh thể thao nổi tiếng này – ông John Skipper – vẫn không công nhận: “eSports không phải là thể thao. Đó chỉ là cuộc so tài giữa các cá nhân với nhau. Và nói thẳng, tôi thích chơi những bộ môn thể thao thật hơn.”
Tim Warwood là bình luận viên cho kênh BBC, trước đây là nhà vô địch Thế vận hội mùa đông bộ môn trượt tuyết của Vương Quốc Anh. Anh tin rằng eSports không nên được thêm vào tại Winter X Games diễn ra từ ngày 21 đến 25 tháng 1 tới đây.
Tim Warwood
“Tôi cảm thấy có vẻ không hay ho cho lắm nếu bạn có con ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính mà không tham gia vào những môn thể thao như trượt tuyết hay trượt tuyết nghệ thuật,” anh nói. “Khi tôi còn nhỏ, chơi thể thao là phải ra ngoài, đổ mồ hôi, thân thể lấm lem bùn đất và thậm chí hết cả hơi – bạn không thể cứ ngồi đó bấm nút liên tục được. Tôi nghĩ điều đó thật kỳ quái – nhưng có lẽ tôi đang không bắt kịp với lớp trẻ.”
Tuy nhiên, Warwood nhớ một lần – không lâu trước đây – khi trượt tuyết không được công nhận là một môn thể thao và các vận động viên trượt tuyết vẫn chỉ là những kẻ “đứng ngoài lề”. “Khi tôi bắt đầu chơi môn này,” anh nói, “bà của tôi đã nghĩ tôi nên chơi ném tuyết thì tốt hơn.”
Warwood tin các vận động viên thể thao truyền thống sẽ cảm thấy khó chịu bởi Winter X Games quyết định cho eSports vào thi đấu, nhưng anh nghĩ các vận động viên trượt tuyết sẽ cảm thấy các vận động viên eSports như “họ hàng” vậy.
Theo Gamek