Bảo mẫu được đào tạo như thế nào?
Những vụ bạo hành trẻ mầm non từ trước đến nay mà báo chí phanh phui, đa phần đều do bảo mẫu gây ra. Thực tế, bảo mẫu được học hành như thế nào?
Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại quận Tân Bình (TP HCM) khẳng định, bây giờ mà học ngành mầm non (giáo viên, bảo mẫu), đảm bảo ra trường là có việc làm ngay vì các trường luôn trong tình trạng thiếu người. Một mặt do đào tạo không đủ nhu cầu, mặt khác do nghề chăm trẻ con quá cực, không phải ai cũng gắn bó được lâu.
Theo nhiều hiệu trưởng, đội ngũ này trong các cơ sở mầm non tư thục không phép thường là những người tay ngang, không được đào tạo hoặc chỉ có trình độ sơ cấp. Việc “có lửa với nghề” hay không phụ thuộc cả vào lãnh đạo nhà trường và môi trường làm việc
Quần quật gần 11 tiếng mỗi ngày
Cô hiệu trưởng nói trên kể, mỗi lớp học ở trường cô đều có một bảo mẫu. Là chủ trường và cũng là hiệu trưởng, nhưng cô thừa nhận: “Làm bảo mẫu quá cực đi. Công việc thì không đếm xuể, lương thì không cao”.
Cụ thể, mỗi ngày, các bảo mẫu phải đến trường từ 6h30 phút và rời trường vào lúc 17h. Họ phải làm rất nhiều việc, như: dọn dẹp vệ sinh trong lớp, cọ toilet, chăm sóc cho bé ăn, uống, vệ sinh; chơi với trẻ, can thiệp không cho trẻ đánh nhau, dành giật đồ chơi với nhau.
Trong các trường mầm non tư thục, số lượng trẻ/lớp không nhiều như ở mầm non công lập (chỉ khoảng 20 trẻ), nên mỗi lớp thường chỉ có một giáo viên và một bảo mẫu.
Theo lịch, giờ nghỉ của giáo viên, bảo mẫu và học sinh thường được ghi từ 11h đến 14h nhưng “nếu trong thời gian đó, có trẻ ho, ói, khóc, buồn đi vệ sinh…, thì bảo mẫu cũng không được nghỉ gì hết. Và ngay cả những lúc không có “sự vụ” gì xảy ra, thực tế họ cũng không được ngủ, vì họ vẫn phải dõi theo, quan sát các bé mầm non đang ngủ kia.”
Cô Đỗ Quỳnh Châu, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Ánh Dương (quận 3, TP HCM) cho biết, công việc chính của bảo mẫu ở trường là vệ sinh lớp, cho trẻ ăn, trẻ ngủ, tắm và chăm sóc, dỗ dành, chơi với trẻ.
Bảo mẫu chăm sóc trẻ bằng tình yêu thương như thế này là những tình cảm đầu đời quan trọng của trẻ. Ảnh: Tuổi Trẻ.
“Giờ nghỉ trưa của cô bảo mẫu ở trường từ 11h30 đến 14h, nhưng các cô vẫn phải luân phiên trực. Nghề chăm trẻ con không giống như nhân viên văn phòng, một người nghỉ ngơi thì có một người trực, phải nhìn trẻ ngủ, xem trẻ có khó ngủ không, có lăn qua trở lại hay không, có trẻ nào khóc, trẻ nào tè dầm… Vì vậy, đòi hỏi quan trọng nhất của nghề bảo mẫu là “biết lấy con trẻ làm niềm vui”.
Coi trẻ ở trường như con, cháu mình và họ phải trở thành những người mẹ, người dì trong mắt trẻ thơ. Riêng tại trường này, do số lượng trẻ nhỏ nhiều, trường thực hiện chăm lo trọn gói nên công việc của bảo mẫu còn yêu cầu nhiều hơn và tuân thủ nhiều quy trình hơn.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó phòng GD&ĐT quận Thủ Đức – TP HCM, cho biết, tại các trường mầm non công lập hiện không có đội ngũ bảo mẫu nhưng lực lượng này tồn tại ở các trường tư thục, nhóm trẻ tư thục và nhóm trẻ gia đình.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trong khi các trường mầm non tư thục có thể tuyển được lực lượng bảo mẫu có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản thì ở các nhóm trẻ gia đình (chỉ 4-6 trẻ), bảo mẫu chủ yếu là những người “tay ngang”, những người không qua trường lớp, nên “nghề” đã cực, lại thêm một số áp lực sẽ có thể xảy ra trường hợp bạo hành trẻ.
Phòng GD&ĐT, UBND phường, xã đều thực hiện các buổi nói chuyện, bồi dưỡng thêm kiến thức chăm trẻ, chống bạo hành để “giảm áp lực” của nghề.
Bảo mẫu rửa tay cho bé. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tốt, xấu phụ thuộc phần lớn vào… hiệu trưởng
Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại quận 2, TP HCM tiết lộ, nghề bảo mẫu rất cực nhưng thu nhập bình quân hiện nay của nghề này tại TP HCM chỉ ở mức 3,5 – 5 triệu đồng/tháng. Ở một vài trường thu nhập từ nghề này khá hơn, đỉnh có thể lên đến 8,9 triệu đồng/tháng nhưng phải làm lâu năm và rất lành nghề.
Hiện nay, các trường rất khó khăn trong công tác tuyển chọn bảo mẫu. Tại trường mầm non với tổng số học sinh khoảng 150 trẻ này, lực lượng bảo mẫu vẫn “nghỉ” việc thường xuyên và nhu cầu tuyển mới luôn luôn có những không phải bao giờ cũng có thể tuyển kịp thời.
Ngoài quy định phải được đào tạo bảo mẫu 6 tháng, trường phải chọn bảo mẫu có kinh nghiệm, sau đó mới đến công tác đào tạo lại.
“Chúng tôi phải tập huấn cho bảo mẫu các nội quy, quy định của trường và thông thường sẽ tuyển những cô bảo mẫu đã làm mẹ. Rồi tập huấn về an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm”, vị hiệu trưởng này cho biết.
Tại Trường mầm non tư thục Ánh Dương, công tác đào tạo bảo mẫu cực hơn và thường xuyên hơn.
Cô Đỗ Quỳnh Châu cho biết, họ chỉ tuyển những bảo mẫu qua đào tạo 6 tháng lớp “cô nuôi dạy trẻ” ở trường ĐH Sài Gòn hoặc CĐ Trung ương 3 (vì ở đây có đi kiến tập, thi cử và đào tạo bài bản). Sau đó sẽ xét hồ sơ về thân nhân rõ ràng, kinh nghiệm rồi yêu cầu phải có “thẻ xanh” về sức khỏe (yêu cầu sức khỏe của những người tiếp xúc với trẻ).
Khi thử việc trường sẽ tập huấn từ từ thao tác lau mặt, rửa tay, ẵm bé, đút ăn…, tập huấn bên cạnh việc cho học về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhưng không chỉ vậy là “xong”. Trong quá trình công tác, trường sẽ sắp xếp một bảo mẫu cũ, bảo mẫu có kinh nghiệm bên cạnh những bảo mẫu ít kinh nghiệm hơn để vừa kèm cặp, vừa giám sát lẫn nhau.
Cũng theo cô Quỳnh, công tác “khó” nhất đối với lực lượng bảo mẫu tại trường là “thực hiện” theo quy trình nên ba tháng một lần trường lại “tập huấn” lại các quy trình (rửa mặt, tắm bé, đút ăn).
Nhưng, bảo mẫu là một nghề cũng cần sự “tế nhị” để tránh gây căng thẳng không đáng có cho cô (sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc trẻ) đó là trường vẫn dám sát, vẫn nhắc nhở nhưng… không tạo thành tích, không ép thành tích đối với bất cứ cô giáo nào.
“Trường không ép bảo mẫu phải đút trẻ ăn cho bằng được. Nếu trẻ không ăn thì bảo mẫu có thể bù sữa. Trường cũng yêu cầu bảo mẫu phải đút từ từ và cũng nói với phụ huynh: có tháng trẻ sẽ lên cân, có tháng ít, có tháng nhiều và có tháng không lên cân, không coi sự lên cân là thành tích để tránh gây căng thẳng cho bảo mẫu, cho cô giáo, cho bé và cả phụ huynh”, cô Quỳnh nói.
Ngoài ra, hiệu trưởng, chủ trường phải thường xuyên đi hỗ trợ vào các giờ cao điểm. “Mình đi để hỗ trợ, có gì vướng mắc thì gỡ, có gì thấy chưa đúng thì nhắc nhở vì nhiều khi “cực” quá họ cũng khó làm chủ được cảm xúc, dễ xảy ra sai sót”, Hiệu trưởng nhóm tư thục Thiên Thần Nhỏ (TP HCM) cho biết.
Bảo mẫu cần phải được đào tạo bài bản hơn
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó phòng GD&ĐT Quận Thủ Đức (TP HCM) cho biết, từ thực tế chăm sóc nuôi dưỡng trẻ ở trường mầm non, các bảo mẫu rất cần được đào tạo thêm về… công tác y tế.
“Nếu bảo mẫu, ngoài việc chăm sóc trẻ con có thể được học thêm các công tác về sơ cấp cứu, về điều dưỡng thì sẽ đảm bảo được việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tốt hơn”, bà Nga nói.
Trong khi đó, cô Đỗ Quỳnh Châu cho rằng, trường mong muốn bảo mẫu sẽ được đào tạo thêm về thực hành các thao tác chăm trẻ con qua từng lứa tuổi, được đào tạo thêm về tâm lý lứa tuổi, có thể thấu hiểu tâm lý trẻ từ từ 4 tháng đến 6 tuổi, để ngoài việc chăm con, bảo mẫu cũng biết cách tiếp xúc, chơi với trẻ theo từng lứa tuổi.
Theo Mỹ Dung/Tuổi Trẻ
Trẻ 13 tháng tuổi bị chấn thương sọ não ở nhà trẻ: Hy vọng mong manh
"Nhìn thấy con nằm bất động, chỉ muốn ôm nó vào lòng, nhưng sợ con bị nhiễm trùng nên chỉ dám đứng nhìn rồi lại đi ra. Mỗi lần vậy lại đau đớn vô cùng", chị Lê Thúy Oanh (29 tuổi, mẹ bé Phát) nói trong tiếng thở dài.
Chị Oanh vô vọng chờ tin con - Ảnh: Vũ Phượng
Đã một tuần kể từ ngày bé Bùi Hoàng Phát (13 tháng tuổi) nhập viện vì chấn thương sọ não ở nhà trẻ, chuyển qua nhiều bệnh viện, hiện nay Phát vẫn trong tình trạng hôn mê bất tỉnh, cũng là chừng đó thời gian, người mẹ trẻ thấp thỏm chờ tin con trong hy vọng mong manh.
Giờ đây, mỗi ngày đối với chị Oanh đều dài lê thê, chị gầy đi trông thấy sau 1 tuần lê lết ở hành lang bệnh viện cùng nỗi lo sợ tử thần sẽ cướp đi đứa con trai bé bỏng của chị.
Chị Oanh tâm sự: "Thà như trời cho mình tai nạn thay con, ít ra mình cũng đã trải qua mấy chục năm cuộc sống rồi. Còn nó mới 13 tháng, đã biết gì đâu mà lại phải gánh chịu nỗi đau quá lớn này".
Mỗi lần thăm con ra, chị Oanh lại ngồi thẫn thờ - Ảnh: Vũ Phượng
Nói đến đây chị Oanh lại nghẹn ngào, kéo tay áo khoác lên lau những giọt nước mắt vừa rơi vội, chị nói tiếp: "Cháu nằm trong phòng cách ly nên mỗi ngày chỉ được vào thăm 5 phút. Nhìn thấy con nằm im bất động mà chỉ muốn ôm con vào lòng, nhưng sợ bé bị nhiễm trùng nên chỉ dám đứng nhìn rồi lại đi ra. Mỗi lần vậy là đau đớn vô cùng".
Tỉ mỉ xếp gọn mấy cái tã và gói khăn ướt để gửi bác sĩ vệ sinh cho con, chị kể lại câu chuyện ngày đầu vào thăm khi bé Phát ở phòng cách ly: "Vì bác sĩ quy định mỗi ngày chỉ được một người vô thăm, mà cũng chỉ thăm được 5 phút thôi. Mà giờ hai vợ chồng đều nhớ con quá nên ảnh tranh thủ vô trước, được khoảng 2 phút ảnh chạy ra rồi tui vô. Bác sĩ phát hiện la quá trời la. Nhưng thôi kệ, gặp con là được rồi. Chỉ có điều hôm sau hết ăn gian được".
Đến chiều 21.10, sau giây phút ngắn ngủi vào thăm con trai, nước mắt lại lưng tròng, chị khóc. Tranh thủ lúc người nhà ra ghế đá ăn cơm, chị Oanh ngấn nước mắt tâm sự rằng tình hình Phát lúc này sao chị hiểu rất rõ, nhưng cũng không dám nói nhiều với gia đình, sợ mọi người lại lo lắng. Vừa gồng để vượt lên nỗi đau đứt ruột, lại phải tìm lời động viên gia đình yên tâm, chị Oanh đã quá kiên cường với những điều tưởng chừng một người mẹ trẻ như chị không thể...
Trước khi xảy ra tai nạn, bé Phát rất bụ bẫm và đáng yêu - Ảnh gia đình cung cấp
Chị Oanh bùi ngùi: "Hôm qua bé sốt, lúc tui vô thăm mà nó sốt run bần bật, nhìn thương lắm, mình lại không cầm được nước mắt. Hỏi bác sĩ thì biết nó sốt do nhiễm trùng từ những ống cắm vô người. Nay thì đỡ rồi, tui vô thăm kêu 'Phát ơi mẹ vẫn luôn ở bên con nè', kêu quá trời kêu mà nó vẫn nằm im. Nhưng thôi, cứ kêu cho nó biết rằng ba mẹ vẫn luôn ở bên cạnh nó".
Hướng về những bước đi khập khiễng của một bé trai tầm hơn 1 tuổi, chị Oanh cười: "Trời! Y chang cái tướng đi của thằng Phát, nhưng Phát bụ bẫm hơn nhiều". Tới đây, chị khựng lại rồi nhìn xa xăm, có lẽ không cần chị nói tiếp, người ngồi bên cũng hiểu chị đang nghĩ gì.
Chiều tối, tiếng khóc của trẻ em trong bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn cứ vang ra từ nhiều phía, nhưng chẳng có tiếng khóc nào phát ra từ phía bé Phát đang nằm. Chị Oanh lại co ro một góc, dựa lưng vào tường, lâu lâu lại lau vội những giọt nước mắt trên gò má.
Cô Kiều (bảo mẫu của cháu Phát) luôn túc trực cùng gia đình từ khi xảy ra tai nạn đến nay - Ảnh: Vũ Phượng
Bất chợt có người ngang qua hỏi thăm bé Phát, chị chưa kịp trả lời thì họ lại tiếp lời: "Bé nhà tui nay nó tỉnh rồi, thấy tui nó khóc đòi theo quá trời, vậy là phải dỗ cho nó thiu thiu ngủ rồi đi ra, chắc 1 - 2 ngày nữa là chuyển ra ngoài được rồi". Chị cười chúc mừng, rồi quay mặt đi lấy tay quệt nước mắt.
Chứng kiến cảnh này, ai cũng không khỏi xót xa, nỗi đau của người mẹ trẻ như những vết thương còn đang rỉ máu bị xát thêm muối vào, cứ thế dai dẳng...
Vũ Phượng
Theo Thanhnien
Chuyển gấp bé 13 tháng bị chấn thương sọ não lên TP.HCM Bé trai 13 tháng tuổi nghi bị đánh chấn thương sọ não tại nhóm giữ trẻ tư thục Kiều Ngân, phường Lê Bình (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) đã được chuyển khẩn cấp lên Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM vào trưa nay, 16/10. BS Nguyễn Minh Nghiêm - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ...