‘Bạo lực: Tôi cảm thấy bất lực’
Một giáo viên dạy môn Giáo dục công dân ở TP.HCM chia sẻ rằng thầy là người chứng kiến và trung gian hòa giải nhiều vụ học sinh đánh nhau.
Năm ngoái, khi xem clip một học sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị những người bạn cùng lớp, tôi rất sốc. Tôi bị ám ảnh khi hình ảnh một học sinh nữ ngồi im, chống chọi lại 7 học sinh khác đang cầm ghế phang vào đầu em.
Tôi cảm thấy sợ hãi
Hôm qua, nam học sinh lớp 7 ở Hải Dương lại bị một nhóm bạn túm tóc, dùng dép tát vào mặt và đạp thẳng chân vào đầu. Thậm chí, nhóm bạn còn bắt em quỳ xuống, vái lạy để xin lỗi và tè bậy trước mặt em. Mặc dù em đã khóc lóc, van xin, nhóm bạn vẫn không dừng lại.
Đây không phải vụ bạo lực học đường duy nhất trong thời gian gần đây. Những clip đánh hội đồng bạn xuất hiện trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Chưa kể ở tuổi này, các em không chỉ đánh nhau mà còn yêu đương, quan hệ tình dục, phá thai…
Tôi không dám nói mình đã chai lỳ cảm xúc khi sự việc lặp tới lặp lui mà không có hướng giải quyết. Tôi chỉ buồn và sợ cái buồn này đến một lúc sẽ thấy là bình thường thì nguy hiểm hơn. Đó là sự vô cảm. Tôi cũng thấy bất lực trước những hình ảnh này.
Chúng tôi đang dạy chữ nhiều hơn dạy người
Câu hỏi đầu tiên về bạo lực học đường là do nguyên nhân nào. Tất nhiên, không thể thiếu các yếu tố như game online, gia đình thiếu quan tâm, những hình ảnh trên mạng khiến các em bắt chước nhau…
Năm ngoái, ở lớp tôi chủ nhiệm, một học sinh đi học mang theo thanh sắt bên người. Giám thị nhà trường phát hiện và báo cho tôi. Khi tìm hiểu, tôi được biết em bị một bạn ở ngoài trường dọa dẫm. Bạn ấy kéo theo mấy bạn khác nói sẽ đánh em. Em sợ nên “thủ” thanh sắt đề phòng. Tôi khuyên em đừng hận thù, đánh nhau và em nghe lời.
Nhưng bất ngờ hai tuần sau đó, em lên gặp tôi với một bịch quần áo trên tay. Em bảo “Thầy ơi, đây là quần áo của em đi học. Nói thiệt với thầy, em nghe lời thầy nên không quậy phá. Nhưng bây giờ vào lớp, em cũng không hiểu bài, bị đúp lớp thì tốn tiền cha mẹ, để em đi làm kiếm tiền cho mẹ”.
Nhìn em, tôi bật khóc. Tôi có thể uốn nắn em về mặt đạo đức, nhưng hơn mười môn học còn lại thì sao. Em muốn học nhưng học không được. Đây là một bi kịch!
Một sự thật đang diễn ra ở các lớp học hiện nay, khi bị mất căn bản, không hiểu bài, học sinh sẽ bị thầy cô mắng. Về nhà thấy điểm con bị thấp, phụ huynh cũng la mắng. Bạn bè học giỏi không chơi chung. Điều này vô hình đẩy những em cùng cảnh ngộ chơi với nhau. Các em sa sút, nếu có băng nhóm sẽ càng quậy phá hơn
Giá như, chương trình hiện nay nhẹ đi một chút. Các em học hiểu một chút, hôm trước được 2-3 điểm thì hôm sau lên 5-6 điểm, thầy cô, bố mẹ khuyến khích, bạn bè chơi chung. Mỗi ngày đến trường đúng nghĩa là là một ngày vui.
Ngày xưa, một trong những yêu cầu bắt buộc của giáo viên chủ nhiệm là phải đi thực tế tới nhà học sinh. Hiện nay, chúng tôi cũng muốn làm vậy. Ngoài giờ học có thể tới nhà các em, thấu hiểu hoàn cảnh các em, tình cảm thầy trò thêm gắn bó.
Video đang HOT
Sau những bài giảng, chúng tôi muốn thời gian còn lại sẽ dành cho các em. Nhưng ngoài thời gian lên lớp, là hồ sơ, sổ sách, họp hành, sáng kiến, phấn đấu, thi đua…chưa kể cơm áo, gạo, tiền cho gia đình. Chúng tôi đang phải dạy chữ nhiều hơn dạy người.
Nhiều nữ sinh đánh bạn vì những lý do như “nhìn đểu”, ghen tuông. Ảnh: VietNamNet.
Làm thế nào để đưa học trò tránh xa bạo lực
Lớp tôi chủ nhiệm, một số bạn đánh nhau ngoài đường. Hôm sau vào lớp, tôi quyết định giảng bài học Yêu thương con người. Tôi dán lên bảng hình ba con chim. Hình đầu tiên vẽ một con chim bị thương rơi xuống đất. Hình thứ hai vẽ con chim khác bay tới con chim bị thương. Hình thứ ba, con chim bay tới kêu đồng loại giúp đỡ nhưng không được, cuối cùng nó dang đôi cánh ôm lấy xác chết của bạn.
Tôi đã nói với các em “chim là loài vật nhưng biết yêu thương bạn, tại sao con người có trái tim, khối óc nhưng không biết yêu thương bạn”. Có học sinh biết rằng thầy đang dùng hình ảnh để nói điều gì. Còn học sinh đánh bạn hôm trước thì phát biểu “con chim thương bạn vì bạn sống tốt với nó. Còn bạn em không sống tốt với em, tại sao em phải tốt với bạn”.
Những clip học sinh đánh nhau trên mạng, tôi không không ngần ngại mở cho cả lớp cùng xem, vì chắc chắn không cho các em cũng lên mạng xem. Chỉ còn cách đối diện trực tiếp. Nhiều câu hỏi lại được đưa ra thảo luận như tại sao khi bị bạn đánh không chạy; chạy thoát hay để bị đánh tới chết; tại sao không về báo với bố mẹ; không mách bố mẹ có bị đánh tiếp không…
Tôi cho rằng đó là kỹ năng của bất kỳ giáo viên nào khi đứng vào trường hợp của mình. Tôi không phủ nhận giáo viên dạy Giáo dục công dân thì sẽ dễ diễn đạt hơn, nhưng qua những bài giảng tôi muốn “tỉ tê” với các em nhiều hơn.
Với các bậc phụ huynh, không xúi con đánh bạn nhưng phải dạy con cách tự vệ đó là tìm cách thoát. Không nên im lặng và có chăng việc phạt, đuổi học, đình chỉ các em đánh nhau đã giải quyết hết vấn đề.
Ai là hình mẫu cho các em
Cách đây khá lâu, một học sinh nữ tâm sự với tôi rằng hàng ngày, em ăn cơm ngon, có đồ trang sức đắt tiền, có quần áo tốt nhưng em muốn đánh đổi tất cả để có được bữa cơm tràn ngập tiếng cười. Em bảo thầy giảng bài mẹ nào cũng thương con, nhưng sao mẹ lại bỏ em, hay cả chuyện tuần sau ba mẹ ra tòa ly hôn, em nên đi theo ai.
Tôi không phủ nhận nhiều phụ huynh là lá chắn cho những việc làm sai của con. Nhưng có phụ huynh dường như không biết con đang làm gì, tức là không quan tâm tới con. Có những học sinh trước mặt bố mẹ rất ngoan, không biết hút thuốc nhưng ra đường lại hút thuốc, đánh nhau, ăn cắp…
Mấy hôm nay, thông tin về cô giáo làm xước má học sinh, thầy giáo đánh học trò bầm mông dù ít nhiều đã trở thành tấm gương xấu cho học trò. Nhiều em đã hỏi tôi tại sao giáo viên lại như vậy. Tôi không phủ nhận đồng nghiệp của mình sai, nhưng tôi cũng nhìn thầy đồng nghiệp mình đang chịu áp lực về thành tích, công việc…
Tôi cho rằng, câu nói “thương cho roi cho vọt” vẫn còn giá trị. Nhưng giá trị ở chỗ khi thầy phạt học trò bằng roi, phải làm sao để học trò thấy được tâm của người thầy. Thầy đánh trò, trò chưa đau mà thầy là người đau trước tiên.
* Ghi theo lời kể của một giáo viên THCS ở quận 3, TP.HCM.
Theo Lê Huyền / VietNamNet
'Một số trường che giấu việc học sinh đánh nhau'
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết một số trường còn che giấu việc học sinh đánh nhau vì cho rằng đó là chuyện nhỏ và sợ tai tiếng.
Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt với học sinh nữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Cuối tháng 8, mạng xã hội lan truyền clip nhóm 3 cô gái đánh hội đồng, lột áo nữ sinh lớp 10 ở thị xã Sầm Sơn vì mâu thuẫn nhỏ. Trung tuần tháng 9, cư dân mạng lại dậy sóng về clip ghi hình ảnh nhóm nữ sinh Thanh Hóa dùng gậy đánh, chửi bới một nam sinh....
Mới đây, ngày 23/9, cư dân mạng xôn xao về clip quay cảnh nhóm nữ sinh hai trường THPT trên địa bàn huyện Thiệu Hóa mâu thuẫn trên Facebook, hẹn nói chuyện rồi lao vào đánh nhau.
Trao đổi với Zing.vn sáng 30/9, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Pháp chế và Công tác học sinh, sinh viên (Sở GD&ĐT Thanh Hóa) - nói ông cảm thấy buồn vì sở đã có động thái quyết liệt, nhưng những vụ việc vẫn liên tiếp xảy ra.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng pháp chế và công tác học sinh, sinh viên (Sở GD&ĐT Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Dương.
- Nguyên nhân chính của các vụ học sinh đánh nhau gần đây là gì?
- Có nhiều nguyên nhân nhưng thường là xích mích, mâu thuẫn lứa tuổi học trò; quan điểm sống của các em chưa chín chắn.
Thứ hai, sự phát triển của mạng Internet có ảnh hưởng xấu như phim hành động, trò chơi bạo lực không thể kiểm soát hết.
Thứ ba, một số nhà trường chưa thực sự quan tâm công tác giáo dục lối sống cho học sinh.
Thứ tư, mối liên kết giữa nhà trường, xã hội chưa chặt chẽ. Nhiều gia đình chưa thật sự quan tâm con cái.
- Tại sao các vụ bạo lực gần đây lại do nữ sinh gây ra, chứ không phải học sinh nam?
- Hiện nay, nhận định về giới, nữ sinh phát triển sớm hơn nam sinh. Vấn đề nảy sinh tình cảm khác giới, các bạn nữ cũng sớm hơn. Các em cũng chịu sự tác động của truyền thông.
Những vụ đánh ghen, ẩu đả liên quan tình cảm của người lớn được tung lên mạng dễ khiến các em học theo. Vì thế, nhiều nữ sinh hung hãn, quyết liệt khi bị đụng đến quyền riêng tư.
Hai nữ sinh THPT trên địa bàn huyện Thiệu Hóa hẹn đánh nhau ngày 23/9 vì mâu thuẫn trên Facebook. Ảnh: Cắt từ clip.
- Sau khi xảy ra các vụ ẩu đả, vì sao một số trường ngại cung cấp thông tin cho báo chí, không báo cáo vụ việc kịp thời lên cấp trên?
- Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các trường có tình trạng bạo lực học đường phải cáo để có phương án giải quyết. Thế nhưng, một số trường lại che giấu vì sợ tai tiếng và cho rằng đó là vụ việc nhỏ, chưa đến mức phải báo cáo.
Vấn đề này, sở đang chấn chỉnh các trường.
- Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có những giải pháp gì để phòng chống tình trạng bạo lực học đường tái diễn?
- Chúng tôi đã yêu cầu các trường thực sự quan tâm công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh, sinh viên.
Trong giờ sinh hoạt dưới cờ, các tiết sinh hoạt lớp, tiết học bộ môn Giáo dục công dân, chúng tôi yêu cầu hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn triển khai những nội dung giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành kỷ cương, nề nếp...
Các trường cần theo dõi sát học sinh thuộc diện cá biệt; thông báo cho các cấp ngành phối hợp giáo dục, quản lý để kịp thời ngăn chặn, tránh để xảy ra những vi phạm và bạo lực học đường.
Sở cũng yêu cầu các trường khi phát hiện có trường hợp học sinh đánh nhau phải phối hợp cơ quan chức năng kịp thời xử lý và báo cáo cơ quan quản lý; không được che giấu...
Theo Zing
Ba nữ sinh đánh nhau trong sự cổ vũ của bạn bè Do mâu thuẫn, ba học sinh lớp 9 tại Đắk Lắk hẹn gặp mặt nói chuyện, sau đó xảy ra xô xát. Chiều 21/10, thầy Nguyễn Tấn Hoàng - phó hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi (xã Ea Hiao, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk) - xác nhận clip ba cô gái đánh nhau xuất hiện trên mạng xã hội ngày 18/10 là học...