‘Bao giờ học sinh đi học lại hả mẹ?’
‘Bao giờ học sinh đi học lại hả mẹ, con chán ở nhà với 4 bức tường lắm rồi. Ba mẹ đi làm hết. Con chẳng được nói chuyện với ai’, chị Dương Thanh Hiền chạnh lòng khi nghe con gái học lớp 6 hỏi câu đó.
Nguyễn Quốc Tiến Đạt, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (bìa trái) và các bạn khi học sinh vẫn được đến trường bình thường – ẢNH BẢO VY
Chị Dương Thanh Hiền, trú chung cư Topaz City, đường Cao Lỗ, Q.8, TP.HCM, có con học Trường THCS Minh Đức, Q.1, cho hay được nghỉ học sớm một tuần trước tết để phòng chống dịch Covid-19 thì lúc đầu con còn thấy vui vẻ. Nhưng kỳ nghỉ tết của học sinh vẫn đang kéo dài, các em đang nôn nóng, mong được đi học lại mà chưa biết đến bao giờ.
Hết kỳ nghỉ tết, người lớn phải trở lại công việc, trong khi trẻ nhỏ tiếp tục ở nhà học trực tuyến, lại không được gặp bạn bè nên nhiều em càng buồn hơn. Một lần, chị Hiền nghe con than thở, người mẹ cứng rắn như chị cũng thấy sống mũi cay cay: “Mẹ ơi, con buồn lắm. Ba mẹ đi làm hết, con không trò chuyện được với ai. Ở nhà với 4 bức tường, học trực tuyến xong lại nằm đó, không có bạn bè nào chơi cùng nữa. Mẹ có biết bao giờ học sinh được đi học lại không mẹ?”.
Tâm lý nhớ trường lớp, thầy cô, muốn được đến trường đi học lại là tâm lý chung của nhiều học sinh, và kể cả các em nhỏ đang học mầm non.
Video đang HOT
Các trẻ mầm non cũng mong được trở lại trường – ẢNH BẢO VY
Chị Nguyễn Thanh Hoài, trú hẻm 23 đường Đặng Thúc Liêng, P.4, Q.8, TP.HCM, có con đang học Trường mầm non Mặt Trời, cho biết khi trẻ nhỏ chưa thể trở lại trường học tập trung vì phòng chống dịch Covid-19, con gái 4 tuổi của chị ở cùng bà. Hai vợ chồng chị đi làm cả ngày, buổi tối, chị hỏi con ở nhà có vui không, em bé ôm cổ mẹ, giọng buồn bã: “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ vì con xem máy điện thoại và ti vi nhiều. Nhưng mà vì ở nhà không có gì chơi cả. Con muốn đi học, ở trường có nhiều trò chơi hơn”. Chị Hoài kể, nghe con nói như thế thấy thương con vô cùng, cũng thấy tội nghiệp con, vì cha mẹ bận bịu mà không có nhiều thời gian giúp con có những trò chơi ngoài trời hay đi dã ngoại đâu đó như người khác.
Chị Nguyễn Ngọc Hân, phụ huynh có con học lớp 5, Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM, cũng cho hay con gái chị ngày nào cũng tâm sự với chị rằng rất nhớ các bạn, nhất là những cô bé trong hội bạn thân của mình.
“Các con học chung với nhau từ lớp 1 tới giờ, bây giờ là năm cuối cấp nên thân nhau ghê lắm. Trẻ nhỏ nghỉ vài buổi đầu thấy vui, nhưng nghỉ tết kéo dài, vì phòng dịch Covid-19 mà chưa được trở lại trường học tập trung nên nhớ các bạn lắm. Con suốt ngày hỏi tôi bao giờ học sinh đi học lại. Tôi hỏi ở lớp có những gì vui, con khoe là các bạn ở trong tổ có nhiều trò chơi. Mọi người thường mang sách của mình đang đọc ra kể, đọc xong sẽ đổi sách cho các bạn”, chị Hân bộc bạch.
Học trò học trực tuyến, dù vẫn được nhìn thấy cô thầy, gặp gỡ với các bạn qua màn hình máy tính, điện thoại, song không thể nào có được không khí lớp học, để sống đúng với thế giới học trò. Các em không được rủ nhau xuống căng tin, cùng nhau chơi cầu lông, bóng chuyền trong giờ học hay sau giờ học lại tập trung nói về một cuốn sách, một bộ phim hay đang xem. Nhiều em cho hay, rất sợ “kỳ nghỉ tết lịch sử” nghỉ tết dài như nghỉ hè lặp lại như năm 2020, khi đó, không biết tới bao giờ mới được trở lại trường.
Các học trò đều rất sợ “kỳ nghỉ lịch sử”, nghỉ tết dài như nghỉ hè như năm 2020 – ẢNH BẢO VY
Nguyễn Quốc Tiến Đạt, học sinh lớp 10 chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, kể: “Tụi em học trực tuyến, chất lượng đường truyền không tệ, các bài giảng nhờ thế vẫn diễn ra rất ổn. Nội dung chương trình học thì không khác gì ở trên lớp học tập trung. Nhưng tụi em nhớ trường nhớ lớp lắm rồi. Học ở nhà một mình thấy chán lắm. Chưa kể học trực tuyến nhìn màn hình lâu mỏi mắt nữa”.
Tiến Đạt chia sẻ, vì lo lắng tình hình dịch Covid-19 nên từ trước tết cho tới bây giờ, học trò cũng chưa thể trực tiếp gặp nhau. “Bạn bè chỉ hỏi thăm nhau qua tin nhắn, cuộc gọi trên điện thoại, nên rất mong sớm được trở lại học tập trung như trước. Bao giờ học sinh được đi học lại, chắc chắn đó sẽ là ngày tụi em mừng lắm”, Tiến Đạt nói.
Nỗi nhớ trường lớp, mong được trở lại trường rõ ràng là không chỉ đến từ phía các em học sinh, các bạn nhỏ mầm non, nó còn là tình cảm thật sự của các cô giáo. Cô Hồng Yến, giáo viên Trường mầm non Sao Mai, P.5, Q.8, TP.HCM, xúc động: “Những ngày này, phụ huynh các bé đều nhắn tin với tôi là bao giờ các trẻ nhỏ, học sinh đi học lại, các con ai cũng nhớ trường lớp rồi. Tôi và các giáo viên cũng rất nhớ các con, rất mong được đi dạy, mong sao cô trò sớm được gặp lại”.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Hãy dạy học trực tuyến bằng cách đồng kiến tạo
Theo tiến sĩ Giáp Văn Dương, khi dạy học trực tuyến, tốt nhất là sử dụng phương pháp đồng kiến tạo để giảng dạy. Khi đó tiết học sẽ không nhàm chán mà việc học vẫn hiệu quả.
Học sinh lớp 1 đang tương tác cùng cô giáo trong một buổi học trực tuyến - ĐĂNG NGUYÊN
Theo tiến sĩ Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục của Trường Tiểu học Times School, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian vừa qua và sắp tới, nhiều trường đang dạy học trực tuyến cho học sinh. Tuy nhiên, cho dù đã có thời gian học trực tuyến trong năm 2020, lần này vẫn thấy một số bất cập.
Tiến sĩ Dương cho rằng việc dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả, ngoài các vấn đề kỹ thuật như đường truyền internet, phần mềm sử dụng, thì phương pháp dạy học rất quan trọng. Vấn đề lớn nhất là rất nhiều giáo viên vẫn đang bị loay hoay trong việc tìm ra phương pháp dạy học trực tuyến. Vì thiếu phương pháp nên rất nhiều tiết học trở nên nhàm chán, học sinh trở thành người chịu trận, học khoảng 10 phút là đã "ngáp ngắn ngáp dài"...
Thời gian học không nên quá 2 tiết/buổi
"Theo tôi, thời gian học không nên quá 2 tiết/buổi (tức 4 tiết/ngày). Nếu không, học sinh sẽ quá mệt, đặc biệt là học sinh Tiểu học. Phương pháp giảng dạy cũng cần điều chỉnh. Tập trung vào kiến thức lõi và tinh thần chủ đạo của môn học chứ không thể ôm đồm chi tiết được. Phần chi tiết, nên để học sinh tự học, tự đọc. Giáo viên nên sử dụng trò chơi để giữ kết nối giữa giáo viên và học sinh. Tốt nhất là sử dụng phương pháp đồng kiến tạo để giảng dạy. Nhờ phương pháp đồng kiến tạo này, học sinh sẽ không phải học tập theo lối nghe giảng giải và ghi nhớ hay ôn luyện "văn mẫu, toán dạng", mà được trải nghiệm, khám phá và thảo luận để tự hình thành ra tri thức, kỹ năng và thế giới quan của chính mình. Khi đó tiết học sẽ không nhàm chán mà việc học vẫn hiệu quả", tiến sĩ Dương chia sẻ.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương - NVCC
Theo tiến sĩ Giáp Văn Dương, ở phương pháp đồng kiến tạo, học sinh được trao quyền và trao cơ hội để khám phá và tạo ra kiến thức cho mình, thay vì bị áp đặt từ phía thầy cô. Chính vì thế, khi dạy học trực tuyến, tinh thần đồng kiến tạo này vẫn được duy trì và khuyến khích. Vì thế, không cần tham lam nhồi nhét kiến thức mà nhấn mạnh vào tinh thần chung của môn học và kiến thức cốt lõi của từng bài học. Những nội dung còn lại nên khuyến khích học sinh tự học, tự khám phá.
Dạy thật - học thật - sống thật
Tiến sĩ Dương chia sẻ thêm là ông vẫn cho rằng phải giữ được niềm vui học tập thì việc học mới có hiệu quả. Vì thế, ngoài tinh thần đồng kiến tạo, cần có cả một quy trình khởi động và triển khai tiết học để tạo ra bối cảnh học tập phù hợp.
"Suy cho cùng, nếu thầy dạy thật, trò học thật, và nhà trường biết cách tạo điều kiện và văn hóa học đường sao cho việc dạy thật - học thật - sống thật đó được diễn ra một cách tự nhiên, thì dù là học trực tuyến hay trực tiếp, thì việc dạy và học vẫn diễn ra suôn sẻ và hiệu quả" - tiến sĩ Dương chia sẻ.
Bình Phước cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19 Ngành GD-ĐT tỉnh Bình Phước quyết định cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học và chuyển đổi hình thức học để phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh Bình Phước cho toàn bộ học sinh nghỉ học từ ngày 1.2.2021 - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH Tối 31.1, ông Lý Thanh Tâm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước đã ký văn...