Bánh Pelmeni biểu tượng hạnh phúc của xứ sở bạch dương
Với nguyên liệu và cách chế biến đơn giản, những chiếc bánh Pelmeni bé bé, xinh xinh lại mang trong mình những nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực nước Nga.
“Hơi ấm” giữa sự lạnh giá
Theo các nguồn tài liệu ghi chép lại thì ngày xưa Pelmeni được người Nga sử dụng phổ biến trong các chuyến đi săn dài ngày. Đồ ăn mang theo phải là thứ có thể không nhanh bị hỏng, để được trong thời gian dài mà không bị mất chất lượng hay mùi vị. Vừa vặn thay, Pelmeni là món dễ nấu, có thể để đông cứng trong thời gian dài, gọn nhẹ để mang đi. Và đến khi cần ăn thì người ta chỉ việc đun nước sôi rồi luộc Pelmeni cho nóng là có thể dùng được ngay.
Đối với nhiều thế hệ người Nga, Pelmeni đã góp mặt rất thường xuyên trong nhiều hoạt động tập thể của gia đình. Truyền thống văn hóa Nga cho thấy rằng, cả gia đình từ già đến trẻ thường tập trung quanh bàn vừa tham gia làm bánh Pelmeni, vừa nói cười thậm chí hát hò rất vui vẻ. Do đó, những chiếc bánh Pelmeni bé xíu xiu còn đóng vai trò là “keo kết dính” giúp gắn kết tình cảm gia đình. Ngày nay, nhiều gia đình người Nga vẫn làm sẵn hàng nghìn chiếc bánh Pelmeni và cho vào tủ lạnh đông đá để dùng dần rất tiện lợi và đỡ tốn thời gian nấu nướng.
Nga thuộc vùng ôn đới, mùa đông kéo dài và lạnh giá khiến cho những món ăn như Pelmeni trở thành “gương mặt” quen thuộc trên bàn ăn các gia đình của đất nước này. Trong văn hóa hiện đại, Pelmeni là một thực phẩm tiện lợi gắn liền với lối sống của sinh viên và những người có quỹ thời gian hạn hẹp. Có thể nói, hương vị thơm ngon và sự ấm nóng của chiếc bánh Pelmeni như xua tan giá lạnh và cơn đói bụng, mang đến cảm xúc tuyệt vời cho người thưởng thức.
Từ Pelmeni xuất phát từ “pel’nyan”. Theo ngôn ngữ bản địa có nghĩa là “bánh mì tai”. Theo một số tài liệu ghi chép khác thì trong một thời gian dài, Pelmeni là món ăn chính trên bàn tiệc của cư dân vùng Siberia (là vùng đất rộng lớn gần như nằm trọn trong nước Nga với diện tích 13,1 triệu km. Vùng đất này bắt đầu từ phía đông dãy núi Uran trải dài đến Thái Bình Dương; phía bắc là Bắc Băng Dương xuống phía nam là các ngọn đồi miền bắc Kazakhstan và có biên giới với Mông Cổ và Trung Quốc) và Ural. Tại Siberia, người dân khi làm sẽ cho chút đá xay vào nhân thịt để làm mát thịt và giúp thịt ngon ngọt hơn.
Tuy nhiên, một số giả thuyết cho rằng, bánh Pelmeni là một biến thể từ sủi cảo của Trung Quốc. Cũng có người lại nói, Pelmeni đã được người Mông Cổ mang đến Siberia và Ural vào khoảng thế kỷ 15, sau đó lan rộng đến tận Đông Âu. Mặc dù vào thời điểm đó ở các vùng khác của người Nga cũng đã làm những chiếc bánh với nhân thịt tương tự, nhưng có tên khác như ushki, shubarki… với hình dạng, kích thước và nhân khác nhau theo vùng.
Video đang HOT
Pelmeni đã góp mặt rất thường xuyên trong nhiều hoạt động tập thể của gia đình.
Dù xuất xứ từ đâu đi chăng nữa thì đặc điểm nhận dạng của bánh Pelmeni vẫn được giữ nguyên, với phần vỏ bánh mềm và nhân bánh bên trong. Phần vỏ bánh được làm bằng bột mì, sữa, trứng, muối. Người ta nhồi bột cho kỹ rồi cán bột mỏng ra và cắt thành vòng tròn có đường kính khoảng 2 inch. Trong khi đó, phần nhân thường là hỗn hợp thịt lợn băm, hành, tỏi, muối, tiêu… được trộn đều. Có thể nói Pelmeni là một món ăn thuộc “dòng họ” bánh bao cũng được. Ngoài thịt lợn thì người Nga còn sử dụng các loại thịt khác như thịt bò, thịt cừu… để đa dạng hơn hương vị của bánh Pelmeni.
Hình dạng của Pelmeni trước khi nấu khá giống với những chiếc đĩa bay, bột được cắt thành những phần nhỏ, sau đó rắc bột áo lên bàn nặn bột và cán bột ra thật mỏng. Sau đó những người thợ sẽ cẩn thận dùng khuôn tròn hoặc cốc để cắt bột tạo thành hình tròn, cho nhân thịt vào chính giữa bên trong những miếng bột tròn đó rồi gấp chặt hai đầu, lại lấy hai đầu mép của chiếc bánh và ghép chúng vào với nhau.
Tuy nhiên, ngày nay để nhanh hơn trong các thao tác thì người Nga đã sử dụng những khuôn làm bánh Pelmeni nên hình dạng bánh có khác đôi chút với cách làm truyền thống, nhưng hương vị mềm mại thanh ngọt của chiếc bánh hòa quyện trong nhân thịt đậm đà tạo nên một món ăn làm xao động tâm hồn ăn uống của bất cứ ai ngay từ lần đầu thưởng thức.
Một điểm khác biệt giữa bánh Pelmeni ở Nga so với những chiếc bánh bao khác là nó được luộc chín. Thay vì được hấp hoặc chiên trong mỡ như chúng ta vẫn thường gặp mà được thả vào nồi súp gà và luộc vừa chín tới. Phần vỏ của chiếc bánh không dày bằng, thậm chí mỏng hơn rất nhiều. Khi nấu lên, có thể thấy cả nhân ở bên trong. Các gia đình người Nga thường thưởng thức Pelmeni bằng cách cho những chiếc bánh Pelmeni sau khi luộc ra đĩa, thêm một chút bơ trộn đều rồi thưởng thức hoặc với smetana (là thực phẩm được làm từ kem sữa cho lên men lactic, một trong những thực phẩm tiêu biểu nhất của ẩm thực Nga).
Biểu tượng của hạnh phúc
Mỗi một chiếc bánh Pelmeni được làm ra đều mang tới niềm vui, sự bất ngờ cho người thưởng thức. Mỗi một mẻ bánh, người Nga sẽ cho vào nhân bánh một “vật thể lạ” mà nếu ai may mắn ăn được những chiếc bánh ấy thì người đó sẽ gặp được nhiều hạnh phúc. “Vật thể lạ” đó có thể là một đồng xu, ớt hay thậm chí là một chiếc cúc áo. Ý nghĩa của món đồ được giấu trong bánh Pelmeni không phải cố định mà có thể thay đổi tùy theo ý muốn của người nặn.
Chẳng hạn, một chiếc Pelmeni nhân rau sẽ có ý nghĩa là niềm vui, một chiếc nhân ớt thể hiện tình yêu sắp đến, là một lời chúc sẽ mãi hạnh phúc cùng tình yêu của mình, nếu người đó đang cô đơn thì đây còn là “điềm báo” tình yêu sắp đến; nhân đường sẽ có một năm may mắn hoặc một đồng xu sẽ tượng trưng cho sự giàu có và sung túc… Nặn bánh và giấu đồ vật vào nhân bánh Pelmeni là một tục lệ truyền thống của người Nga mà bạn sẽ thấy hiếm gặp ở một đất nước nào khác trên thế giới.
Ý nghĩa trong bánh Pelmeni của Nga có đôi chút khác biệt so với các nước khác. Bánh Pelmeni của vùng Siberia được để lên bàn chỉ trong một bát lớn. Nếu chủ nhà mang cho người khách một suất nhỏ là ý chủ nhà muốn tránh sự có mặt của người ở bàn đó. Một bát lớn trái lại là mong muốn giữ khách ở nhà mình. Ở Trung Quốc, nó lại liên quan đến những con số, hạnh phúc gấp đôi nếu ăn 2 miếng Pelmeni, ăn 3, 6, 9 miếng phải nuốt chúng để tìm được hạnh phúc, ăn 4 miếng bánh Pelmeni đảm bảo một năm hạnh phúc, người nông dân ăn 5 miếng nếu muốn mùa màng thuận lợi.
Bánh Pelmeni là biểu tượng của hạnh phúc tại xứ sở Bạch Dương.
Đối với người Nga, chiếc bánh này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa. Những cách giải thích truyền thống về giấc mơ về chiếc bánh bao từ sách giấc mơ của Nga rất thú vị. Theo đó, nếu như bạn mơ thấy mình đang ngồi ở một chiếc bàn có rất nhiều chiếc bánh Pelmeni, có nghĩa đây là điềm báo bạn sẽ gặp được những người thân của mình. Đây là một điểm lành và hãy cảm thấy vui mừng khi có giấc mơ này.
Nếu bạn mơ thấy mình đang ngồi ở một bàn bánh bao thịnh soạn, điều này hứa hẹn một cuộc gặp gỡ với những người bạn thân yêu. Giấc mơ thấy một người đang nặn bánh pelmeni có nghĩa là người đó đang thiếu mái ấm gia đình. Giấc mơ của cô gái trong đó cô đang làm bánh Pelmeni không thành công, dính vào nhau, rơi ra chính là điềm báo cho tình yêu gặp trục trặc.
Bánh Pelmeni không đơn giản chỉ là một chiếc bánh mà còn là biểu tượng cho sự hạnh phúc đối với người dân nước Nga, mang đến nét đặc trưng về đất nước, con người Nga. Nếu có dịp ghé qua xứ sở bạch dương, tuyệt đối không nên bỏ qua cơ hội thưởng thức món bánh này để xem có may mắn “vớ” được đồng xu nào bên trong hay không nhé.
Dân dã bánh quê miền Tây!
Như bao trẻ con miền Tây, thuở bé tôi cũng có một thời mong ngóng mẹ đi chợ về chỉ để được mẹ cho một cái bánh cam, bánh kẹp, bánh còng hay bánh bò.
Hôm nào không có thứ bánh quê ấy, đứa trẻ như tôi hụt hẫng lắm! Vậy đó, bánh quê miền Tây không chỉ dân dã trong tên gọi mà còn mộc mạc cả cách chế biến. Vậy mà, cả hương và vị bánh nhà quê ấy đôi khi lại là ký ức tuổi thơ của bao người, dù đã lớn khôn nhưng hễ thấy bánh quê miền Tây là lòng lại xao xuyến, biết bao hoài niệm tuổi thơ lại ùa về!
Đã nói là bánh quê thì... có hàng trăm món, từ 3 miền Bắc, Trung, Nam, ở đâu cũng có vị bánh quê đặc trưng của vùng, miền ấy. Với bánh quê Nam Bộ, những loại bánh không cầu kỳ cả về cách chế biến, tên gọi và mộc mạc đến cả cách ăn nhưng lại làm thực khách lưu luyến mãi không quên.
"Đừng nói là bánh kẹp, bánh tét, bánh ít, bánh bò các thứ, ngày xưa bà ngoại đều "truyền nghề" hết cho mẹ. Ngày đó, mỗi lần nhà có đám giỗ, đám cưới hay lễ, Tết là bà ngoại lại xay bột làm bánh. Khi thì bánh kẹp, lúc lại bánh xèo, bánh chuối... Có khi, chỉ là muốn ăn thì bà ngoại làm bánh thôi, chẳng đợi dịp gì. Mỗi lần như vậy, mẹ với các dì mừng vui lắm vì sắp được mẹ "dạy nghề", quan trọng là sắp được ăn bánh no nê. Vừa có bánh ngon cho ông ngoại tiếp đãi khách với trà nóng, lại đỡ tốn tiền mua bánh chợ cho đám con, đôi khi còn mang biếu cả hàng xóm gọi là ăn lấy thảo. Vậy nên, ngoại bây thích làm bánh lắm! Giờ mà thấy mấy món bánh ấy, mẹ nhớ đến bà da diết!" - đó là ký ức của mẹ tôi về các loại bánh quê. Đến tận bây giờ, bà vẫn kể rất rành mạch công thức làm từng loại bánh quê mà ngoại truyền cho. Buồn có, vui có nhưng với mẹ, tất cả đều là kỷ niệm đẹp của tuổi thơ. Nghe mà nhớ thương ngoại quá đỗi...!
Dân gian vẫn truyền nhau nhiều bài ca dao, tục ngữ, vè dễ thương... về các loại bánh quê như: "Ai ham trồng kiểng thì mê bánh bông lan/ Còn như bánh tráng thì để hàng trai tơ/ Ai mà hảo ngọt thì ăn bánh cam,.../Con quạ nó đứng chuồng heo/ Nó kêu: bớ má, bánh bèo chín chưa ?". Nói đến các món quê thì cách chế biến được nhiều người quan tâm nhất. Chính bởi sự đơn giản, không phức tạp nhưng để có được mẻ bánh ngon đòi hỏi sự khéo léo rất nhiều. Như món bánh tai yến của miền Tây, tuy tên gọi có hơi lạ lẫm nhưng bánh có cách làm đơn giản. Chỉ cần đường, bột gạo, bột năng và một chút nước cốt dừa là có thể làm ra chiếc bánh tai yến thơm ngon, đẹp mắt. Tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, vì chiếc bánh tai yến ngon đúng chuẩn phải có màu vàng cánh gián, viền bánh giòn và chính giữa bánh mềm, dai để khi bẻ ra, bánh giữ được độ dẻo, mềm, không bị ỉu, kể cả để lâu ngoài trời.
Bánh quê dân dã cả cách chế biến và tên gọi
Không chỉ ở quê, món bánh tai yến ngày nay vẫn rất được ưa chuộng ở chốn phố thị. Bánh quê còn là các loại bánh cam, bánh còng, bánh bèo... đã ăn 1 lần là nhớ mãi không thôi. Bánh cam cũng được làm từ bột nếp và bột gạo. Nhân bánh thường là đậu xanh quết nhuyễn, trên mặt bánh được phủ một lớp đường dẻo được thắng vàng óng như mạch nha và mè thơm. Cắn vào miếng bánh nghe tiếng lớp mật đường vỡ ra khiến nhiều người thích thú. Vỏ bánh giòn bên ngoài cộng thêm cái bùi bùi của đậu xanh tạo nên hương vị khó quên của loại bánh quê này.
Riêng món bánh kẹp, chỉ nghe cái tên thôi là có thể mường tượng cách chế biến... thế nào cũng phải dùng khuôn kẹp lại mới thành bánh. Bánh kẹp được xem là thức ăn quà vặt dân dã và đậm vị miệt vườn. Bởi, tất cả nguyên liệu làm nên mẻ bánh thơm nức đều dễ dàng tìm gặp. Chỉ cần bột gạo, nước cốt dừa, đường, trứng, ít dầu và một cái khuôn nướng bánh, thế là đủ để cho ra đời mẻ bánh thơm thảo, giòn tan. Đơn giản như vậy, nhưng khi đem bày lên dĩa, dùng chung với tách trà tỏa khói mà bàn chuyện ruộng đồng, chuyện tình làng nghĩa xóm thì ôi, cái "tình làng nghĩa xóm" càng thấm chặt biết bao!
Với mẹ, món hay làm ngày xưa với bà, nhất là món bánh kẹp ống. Mẹ nói, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự để tâm và tỉ mỉ của người thợ. Đơn giản như việc canh lửa chiếc bánh, nếu lơ đãng sẽ bị khét liền. Bánh vừa chín vàng, mở khuôn bánh kẹp ra, dùng 1 que tre cuốn nhanh chiếc bánh lại rồi cho vào hộp thiếc bảo quản là công đoạn mẹ và các dì thích nhất. Nếu cuốn không nhanh tay, không khéo thì bánh không đẹp. Đặc biệt, bánh nguội không bao giờ cuốn được nên phải tranh thủ cuốn bánh trên bếp. "Mẻ bánh đầu tiên mấy chị em cứ tranh nhau, chạy ùa ra sân ăn vì sợ bà ngoại rầy!" - mẹ tôi nhớ lại.
Cứ thế, các món bánh quê âm thầm tồn tại và có sức sống mạnh mẽ theo thời gian. Bởi chúng khá dễ tìm mua từ chợ quê đến chợ phố. Dăm ba ngàn là đã làm người ăn no bụng nhưng cái hương quê thì còn đọng mãi trong tiềm thức biết bao người...
Cách làm bánh khoai lang tím Hàn Quốc thơm ngon, đẹp mê mẩn Bánh khoai lang tím Hàn Quốc với sự kết hợp mới lạ giữa bánh mì và khoai lang làm nhiều người mê mẩn. Bánh ngọt mềm, thơm phức và xinh xắn. Cách làm bánh mì khoai lang tím vừa đơn giản, vừa dễ làm nhưng vị ngon khó cưỡng. Bạn hãy bắt tay vào làm thử món bánh thơm ngon, đẹp, lạ này...