Bánh canh ram, sự kết hợp mới lạ
Mới nghe tên, khách tưởng quán bán “ bánh canh rạm” mà đứa nhỏ mô tréo nghoe lột cái dấu nặng, té mô không phải. “Ăn kèm ram cuốn chiên giòn nên đặt tên vậy đó em ơi. Ai vô đây cũng hỏi, thiệt buồn cười”, chủ quán đon đả giải thích lúc thực khách an tọa gọi món ăn.
Ram vàng giòn kết hợp bánh canh gạo lức thơm phức kích thích vị giác người ăn
Khách nôn nao tò mò xem bánh canh ram thế nào thì tô bánh canh được đặt ngay ngắn trước mặt đủ sắc màu trông đến bắt mắt: sợi bột nâu đỏ, mấy cục tóp mỡ vàng nhạt, thịt cá vàng mơ lấm tấm trứng, hành ngò xanh điểm xuyết và miếng tương ớt nằm gọn một bên, rắc chút tiêu… mùi kích thích cái dạ dày lép kẹp. Chút sau quán bưng thêm dĩa ram cuốn chiên giòn vàng rụm. Lấy cái muỗng trộn đều tô bánh canh, thêm chút ớt ăn cho nó cay thật đã kiểu Huế. Múc một thìa thấy nước đặc sệt, ngòn ngọt với vô vàn sợi thịt cá giã nhỏ tỏa đều trong tô. Nhớ lúc xưa lên chơi nhà thằng bạn, mạ hắn bán bánh canh phía trên chùa Linh Mụ, dì truyền cho cái bí quyết đắt khách là sau khi gỡ thịt đem um lại cho thấm, xương và đầu cá lóc giã nhuyễn lọc lấy nấu nước dùng sánh quyện vừa thơm vừa ngọt. Thì ra chủ quán người Huế ni cũng tinh tế trong việc chế biến. Cá lóc ướp gia vị um qua ăn thấm, thịt chắc ngọt; sợi bột cán mỏng, cắt nhỏ dai, dẻo, thơm hơn so với bột gạo bình thường. Ăn vài muỗng, thả vào một cái ram thêm vị giòn, béo của thịt, nấm mộc nhĩ… Một sự kết hợp lạ, đánh chén một mạch rồi hít hà giữa chiều mưa giông Huế thiệt là đã.
Video đang HOT
Kết món ăn quê chồng, chị Nguyễn Nữ Ngân Hà vào Huế chế biến bánh canh này theo phong cách ẩm thực Cố đô. “Bột bánh canh gạo lức, vỏ bánh cuốn ram chị đều lấy từ Quảng Bình vô để giữ tinh thần của món ăn. Ngoài nớ họ nấu bánh canh với các loại cá biển nhưng vô Huế phải đổi sang cá lóc cho phù hợp khẩu vị ở đây”, chị Hà cho hay. Bột gạo lứt đem ngâm, xay, nhồi rồi cán nhuyễn. Gạo lức có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nên quán thu hút cả khách trung niên ngoài lớp khách trẻ. Phụ cho quán còn có thêm hai người làm ram cuốn mỗi ngày. Khi nào khách gọi bánh canh chị Hà mới cho ram vào chiên. Tùy sở thích, người ăn có thể dùng bánh canh cá lóc không hoặc gọi kèm ram cuốn chiên giòn. Quán bánh canh ram hoạt động cả ngày, riêng những ngày đầu tuần thì phục vụ không kịp nhu cầu khách gọi.
Theo chị Ngân Hà, những nơi khác người ta thường ăn bánh canh kèm với quẩy, bánh mì. Từ ý tưởng đó, chị đã làm thêm món ram để ăn kèm với bánh canh, tạo nên một sự khác biệt cho bánh canh cá lóc “thương hiệu Ngân Hà”. Mới mở hơn tháng gần đây nhưng lượng khách đến thưởng thức đều phản hồi tốt, bình quân mỗi ngày quán tiêu thụ hết 6kg bột gạo lứt. Nếu tò mò với món ăn này hãy đến chân cầu Phủ Cam thử bánh canh ram xem thế nào nhé!
Lạ miệng với bánh canh rong biển
Bánh canh rong biển là món ăn được biến tấu từ hương vị bánh canh truyền thống của xứ Huế. Sự kết hợp đầy sáng tạo giữa truyền thống và hiện đại mang đến cho thực khách Cố đô một món ăn mới lạ.
Bánh canh rong biển mang đến hương vị mới cho thực khách Cố đô
Bánh canh nam phổ, bánh canh chả cua, bánh canh cá lóc,.. là những món ăn đã quá quen thuộc với những tín đồ ẩm thực của Huế. Thế nhưng không phải ai cũng đã có cơ hội để thưởng thức bánh canh rong biển, không chỉ bởi vì nó là món ăn mới mà vì đây còn là sự sáng tạo đến từ chính chủ nhân của quán ăn Seaweed Food.
Với mong muốn đem đến cho thực khách một món ăn mới lạ, đảm bảo chất dinh dưỡng nhưng vẫn giữ lại được một chút dư vị truyền thống và cuối cùng món bánh canh rong biển đã ra đời, đáp ứng tất cả tiêu chí đó.
Một tô bánh canh rong biển với giá 25.000 đồng nhưng được chế biến công phu, hấp dẫn với nước dùng được ninh từ xương bò, chả cua, chả bò, ném, bột bánh canh và rong biển.
Nếu ai có suy nghĩ rằng rong biển thường rất khó ăn vì mùi tanh đặc trưng của nó thì hãy thử món ăn này, chắc hẳn nó sẽ làm các bạn bất ngờ. Vị ngọt thơm của nước dùng kết hợp với độ giòn sật sật của rong biển, béo ngậy của chả cua, chả bò và bột bánh canh dai dai, thêm chút thơm nồng của ném lá, tất cả tạo thành một món ăn rất đáng để thưởng thức.
Món ăn này hấp dẫn hiều bạn trẻ
Nói về món ăn của mình, chị Ngọc Hà chia sẻ: "Hà luôn muốn đem những gì tốt đẹp nhất cho thực khách của mình. Bản thân Hà là một người khá khó tính nên tất cả những nguyên liệu hay đến khâu trình bày đều do tự tay Hà thực hiện. Bắt đầu từ khâu đi chợ, rồi sơ chế, ninh xương bò làm nước dùng hay lựa chọn và chế biến rong biển, làm chả,...Hà đều làm hết để làm sao đem đến cho khách hàng của mình một món ăn đảm bảo nhất".
Nằm ở số 5 Nhật Lệ, TP. Huế, mở cửa từ 6h00-21h nên rất thuận tiện cho các thực khách muốn thưởng thức này. Anh Minh Anh, một khách quen cho biết: "Ấn tượng của mình với banh canh rong biển là vì sự độc đáo của nó vì đây là món ăn hoàn toàn mới lạ, tuy nhiên hương vị và chất lượng của món này mới khiến nó trở thành món ăn yêu thích của mình".
Với những ai yêu thích ẩm thức và mong muốn khám phá, thưởng thức những món ăn mới lạ thì bánh canh rong biển sẽ là gợi ý hàng đầu. Một chút thơm nồng của ném, một chút thanh mát của rong biển, khói thơm nghi ngút của nước dùng sẽ khiến bạn cảm thấy cuộc sống thú vị hơn.
Bánh canh cá thởn Về vùng biển Thuận An, Phú Thuận (Phú Vang), nhiều người tỏ ra thích thú với món bánh canh cá thởn (cá mối, cá thửng) đậm đà, thơm ngon mà lạ miệng. Trưa hè, khi đang ngồi uống nước bên gốc bàng mát rượi ở thị trấn Thuận An, tình cờ bắt gặp chị Nguyễn Thị Hoa (43 tuổi, trú thôn Hải Tiến)...