Bánh canh “bà Đợi” du nhập vào Đà Nẵng
Một hàng bánh canh thương hiệu từ Huế giờ đã xuất hiện tại Đà Nẵng.
Chắc hẳn người Huế chẳng còn xa lạ gì với hàng “bánh canh bà Đợi” trứ danh từ bao năm nay ở mảnh đất cố đô. Đến nay, một hàng “bánh canh bà Đợi” cũng đã đổ bộ Đà Nẵng, khiến cho “thực đơn” ăn chơi của giới trẻ Đà thành phong phú hơn. Quán này nằm ở 163 – Phan Thanh, phía gần trường ĐH Duy Tân. Ngoài quán có biển hiệu nên không khó tìm địa chỉ.
Khi bạn gọi bánh canh, người ta sẽ bưng ra cho bạn một tô tôm, chả đầy đủ nhưng nước lèo không có màu sắc, vị nhạt. Nếu ăn lần đầu, bạn sẽ ố á ngạc nhiên vì tô bánh canh trông nhạt thếch và không có gì hấp dẫn cả. Nhưng đấy chính là điểm đặc biệt của món này. Thực khách cũng chính là người “pha chế”, nêm nếm gia vị cho phù hợp khẩu vị của mình. Lúc này, bạn tha hồ thêm ớt màu, hành lá, nước mắm cho vừa miệng. Ở Huế, nước lèo màu trong chứ không có màu đục như “phiên bản” Đà Nẵng. Đây chính là điểm trừ lớn nhất của quán. Bù lại, tôm tươi, con to sụ và chả cá vừa miệng. Cũng bởi chỉ có tôm và chả, nước lèo bình thường chứ không đậm đà nên bánh canh bà Đợi chỉ hợp để ăn chơi hơn là ăn no, vì thực ra một tô như thế xác thì ít nước thì nhiều.
Tô bánh canh “nguyên thủy” lúc chưa nêm nếm màu và gia vị.
Ngoài ra, quán còn có cả trứng xổ ăn kèm, trứng xổ thực chất là trứng cút sống đập ra rồi “xổ” ngay vào nồi nấu nước lèo đang sôi. Trứng xổ lạ lạ, ngọt nước, ăn riêng hay ăn chung cùng bánh canh đều được. Giá của một tô bánh canh từ 15K/tô nhỏ đến 20K/tô lớn.
Trứng xổ.
Khi đã thêm hành và ớt màu, tô bánh canh trông ngon mắt hơn.
Theo Kenh14
5 món bánh canh siêu ngon xứ Huế
Chỉ riêng món ăn này thôi cũng đã có đủ các loại để làm xiêu lòng bất kì thực khách khó tính nào.
Bánh canh là món trông có vẻ bình dân nhưng trong đó luôn chứa đựng cả một sự tinh tế, cầu kì ở công đoạn chế biến cũng như trong cách thưởng thức món ăn, chính điều này đã đem đến cho ẩm thực Huế sự phong phú mà bất cứ thực khách nào cũng phải ấn tượng.
Video đang HOT
1. Bánh canh Nam Phổ
Đây là món ăn có từ rất lâu đời, được đặt theo tên địa phương nấu món ngon nổi tiếng này. Nam Phổ là một làng quê nằm cách Huế chừng 7 km. Hầu hết các gánh bánh canh Nam Phổ đều được bán lưu động chứ không mở tiệm.
Ngày ngày, tầm 1-2 giờ chiều, những người phụ nữ từ làng Nam Phổ kĩu kịt đôi gánh trên vai, lên thành phố Huế, vừa đi vừa bán nếu có người mua. Vì được nhiều người ưa chuộng nên giờ đây đã có thêm các hàng quán chuyên bán loại bánh canh này ngay trong phố.
Bánh canh Nam Phổ bình dân, với phần nhân sền sệt đặc trưng
Bột bánh canh là loại bột gạo nhồi kĩ, cán mỏng, xắt thủ công thành những đoạn ngắn. Nhân bánh canh là tôm thịt tươi mua về giã nhỏ, ướp gia vị cho thật thấm. Sau khi bột gạo đã xắt nhỏ được nấu chín tới, người ta cho phần tôm thịt vừa kể trên vào cùng. Đến khi thấy đáy nồi sền sệt thì ủ ấm để mang đi bán.
Tô bánh canh đến tay thực khách có màu trắng hồng, sệt sệt, với phần nhân phủ kín lên bề mặt tô. Khi ăn không thể thiếu nước mắm cốt cùng ớt xanh cắt nhỏ để tăng phần đậm đà. Nghe đơn giản là vậy nhưng bánh canh Nam Phổ rất được ưa thích, dễ ăn, thích hợp đối với mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em.
Mỗi tô bánh canh Nam Phổ ở Huế có giá khoảng 10.000 đồng, có bán tại đường Phạm Hồng Thái (từ 2- 5 giờ chiều).
2. Bánh canh cá lóc
Bánh canh cá lóc là một trong những món ăn phổ biến nhất ở Huế, được rất nhiều người ưa chuộng.
Bánh canh cá lóc đa dạng với các loại bột ăn kèm, thực khách có thể lựa chọn từ bột gạo, bột lọc cho đến bột mì, thậm chí là trộn đủ thứ bột (người ta thường gọi là bột lộn).
Phần thịt cá được ướp thấm rồi rim thật săn
Những tô bánh canh cá lóc nóng hổi, hấp dẫn gọi mời
Người ta chọn những con cá lóc thịt chắc khỏe, đem về sơ chế, lọc lấy phần thịt nạc, cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn rồi ướp gia vị cho thật thấm. Sau khi phần thịt cá được ướp đã ngấm, người ta cho lên bếp xào cho thật săn.
Phần xương cá được đem ninh cùng xương ống cho ngọt nước. Khi có khách, người bán chỉ việc luộc bột, cho lên trên cùng phần cá được rim kĩ với hành hoa sắt mỏng rồi chan nước dùng vào. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được cái ngọt thanh của nước, cái thấm tháp của từng miếng thịt, cái mịn màng của bột. Hết tô rồi lại cứ muốn xì xụp thêm tô nữa.
Bánh canh cá lóc thường ăn kèm với trứng cút luộc và nem chả
Bán đến đâu người ta cán và xắt bột đến đó để bột tươi ngon và không bị khô
Bánh canh cá lóc có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/ tô, bán phổ biến ở Huế, đặc biệt là đường Nguyễn Huệ và Đinh Công Tráng.
3. Bánh canh bò
Ăn các loại bánh canh với phần nhân chế biến từ tôm, cua, cá hoài cũng ngán, bạn có thể thử đổi sang bánh canh bò. Bánh canh bò với nguyên liệu chính là thịt nạm bò được luộc chín, cắt lát mỏng, thịt săn chắc với phần gân nổi lên trong vắt, hấp dẫn gọi mời.
Khi ăn cảm nhận độ giòn, dai của miếng thịt, kết hợp hài hòa với sự mềm mại của bột bánh canh, đem lại cho người ăn cảm giác thích thú, không giống bất cứ loại bánh canh nào. Ngoài bánh canh bò, bạn còn có thể thử thưởng thức bánh canh giò, gân hay bánh canh xương cũng rất hấp dẫn.
Giá mỗi tô bánh canh bò khoảng 15.000 đồng, có bán ở đường Nguyễn Huệ, TP.Huế
4. Bánh canh cua
Bánh canh cua cũng là một trong những món ngon khó bỏ qua khi đi du lịch tại Huế. Vị ngọt đậm đà của nó đem lại cho người ăn một cảm giác sảng khoái, nhẹ nhàng không dễ tìm được ở bất cứ món ăn nào.
Sợi bột trong món bánh canh cua chủ yếu được nấu bằng bột gạo pha bột lọc nên vừa mềm vừa dai. Cua mua về được làm sạch, luộc chín rồi đem tách riêng phần thịt.
Những miếng thịt cua nguyên khối được người ta giữ lại. Còn phần vụn hơn thì được đem trộn đều cùng gạch cua, chả quết và gia vị cho thật thấm để làm chả cua, viên lại thành từng viên nhỏ rồi cho vào nồi nước dùng.
Khi khách gọi món, người bán chỉ việc luộc bột chín tới, cho lên trên những miếng thịt cua được tách sẵn và vài viên chả cua, chan nước dùng lên xăm xắp mặt tô rồi thêm một nắm hành lá xắt nhỏ để tăng mùi vị cũng như giảm vị tanh.
Ăn bánh canh cua để cảm nhận rất rõ ràng vị ngọt đậm đà tan dần trong miệng, vị trong thanh của nước dùng, của thịt cua, cũng như cái dai ngọt của từng viên chả cua thơm phức, luôn khiến thực khách phải xao lòng.
Giá mỗi tô bánh canh cua vào khoảng 15.000 đồng, bán nhiều nhất ở đường Phạm Hồng Thái.
5. Bánh canh bà Đợi
Món bánh canh có tên lạ này là món khoái khẩu của rất đông thực khách tại Huế. Đây là món bánh canh được đặt tên theo người nấu.
Cách chế biến và thưởng thức cũng đặc biệt chẳng kém gì cái tên của nó. Phần nhân của món ăn này là tôm tươi đem luộc rồi bóc vỏ, chả quết viên thành từng viên nhỏ rồi đem luộc chín. Chỉ vậy thôi là cũng đã quá khác biệt so với các loại bánh canh thông thường. Phần nguyên liệu của bánh canh bà Đợi cũng được sơ chế kĩ, ướp gia vị rồi chế biến cho thật thấm trước khi đem bán.
Tô bánh canh giản đơn cùng các nguyên liệu đi kèm để người ăn tự tay pha chế
Cách ăn cũng chẳng giống với cách ăn các loại bánh canh thông thường. Khi người ăn gọi món, người bán sẽ đem ra một tô bánh canh với nước dùng trong vắt, tôm và chả quết được xếp trên cùng, trông chả có gì bắt mắt hay hấp dẫn.
Nhưng chưa hết, kèm theo tô bánh canh này là một loạt các gia vị ăn kèm để thực khách tự tay pha chế, bao gồm: dầu ớt, hành hoa, trứng cút, muối, tiêu,bột nêm. Sau khi gia giảm các loại nguyên liệu đi kèm theo ý mình, một tô bánh canh tràn ngập màu sắc, réo gọi, khiến thực khách không thể chần chừ thêm phút giây nào.
Nguyên liệu đơn giản là thế nhưng chính điều đó lại đem lại cho món ăn này vị ngon chân chất nhất, vừa ngọt mát, vừa đậm đà, không dễ gì quên được.
Sau khi gia giảm các loại nguyên liệu đi kèm, tô bánh canh hấp dẫn hơn hẳn
Bánh canh bà Đợi bán ở 71 đường Nguyễn Trãi, TP.Huế với giá từ 15.000 - 20.000đồng/tô .
Theo iHay
Về Trảng Bàng ăn bánh tráng, bánh canh! Bánh canh vùng nào chả có, mà lạ hễ nhắc là ai nấy lại nghĩ ngay tới Trảng Bàng. Vùng quê tràn nắng bốc khói mùa hè, khô nẻ mùa đông, nhờ những đầu bếp nhọc nhằn pha chế nên tô bánh canh và món bánh tráng phơi sương cuộn rau độc đáo trở nên nổi tiếng về ẩm thực dân dã. Nghe...