Bằng cấp không chứng minh bằng thực tế hiệu quả!
Hãy cứ làm thật tốt công tác kiểm định chất lượng trong quá trình đào tạo thì khi đó chất lượng của hệ này hay hệ kia không quan trọng nữa.
Bắt đầu từ ngày 1/7/2019 tới đây, các loại hình đào tạo đại học có giá trị như nhau, trên các văn bằng không ghi loại hình đào tạo là điều khiến cho nhiều người băn khoăn, lo lắng.
Dù Luật Giáo dục Đại học sửa đổi tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được thông qua. Nhưng dư luận băn khoăn là có cơ sở khi nhìn vào thực tiễn của quá trình đào tạo, cũng như công tác, làm việc của một bộ phận không nhỏ của cán bộ, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Điều đáng lưu ý là ngày 07/8/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định số 2833/QĐ-BGDĐT về việc tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên, quyết định này do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký. Tức là, chính Bộ Giáo dục khi đó cũng đã nhìn thấy hình thức đào tạo từ xa không hiệu quả nhưng không hiểu sao lại tham mưu để các loại hình đào tạo chính quy và không chính quy có giá trị như nhau?
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, ngoài đào tạo chuyên môn, các sinh viên phải hoàn thành thêm chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc mà thường thì sinh viên được nhà trường quy định học ở trung tâm hay một trường đại học cụ thể nên có được chứng chỉ ngoại ngữ cũng rất khó khăn.
Vì vậy, nhiều sinh viên hoàn thành các tín chỉ đào tạo chuyên ngành mình học rồi nhưng vì chưa có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nên vẫn bị treo bằng cho đến khi hoàn thiện các chứng chỉ. Điều này cho thấy việc hoàn thành việc học và được cấp bằng đại học chính quy hiện nay khó khăn hơn rất nhiều loại hình không chính quy.
Còn hệ không chính quy, cứ thử thống kê xem cán bộ, công chức ở cơ sở hiện nay xem văn bằng chủ yếu là loại hình nào thì sẽ hiểu. Họ đổ xô đi học đại học tại chức. Trong khi ai học qua đại học chính quy đều biết đầu vào khó khăn ra sao, điểm thi 9, 10 khó thế nào.
Đó là chưa kể, quá trình học và trước khi thi học phần, thi tốt nghiệp thường thì các lớp đào tạo không chính quy phải nộp một loại “quỹ lớp” rất lớn để “cảm ơn” những thầy cô giảng dạy, chấm điểm ở lớp của mình. Chính vì đầu vào, cách đào tạo như vậy nên chất lượng hệ không chính quy thường thấp hơn rất nhiều so với hệ đào tạo chính quy, đó là một thực tế mà ai cũng có thể nhìn thấy.
Video đang HOT
Việc chênh lệch trình độ giữa hai loại hình đào tạo chính quy và tại chức thế nào thì hầu như ai cũng rõ. Thật khó hiểu là qua rất nhiều năm rồi chuẩn văn bằng tốt nghiệp đại học không đi lên mà lại thụt lùi.
Thế mới nói, trước đây còn phân biệt loại hình đào tạo thì nhiều nơi còn e dè khi tuyển dụng, bổ nhiệm. Bây giờ, khi các loại văn bằng đại học có giá trị như nhau thì chắc sẽ có nhiều người đủ để tuyển dụng và bổ nhiệm chức vụ. Nói cách khác, việc công nhận các hình thức đào tạo ngang nhau này chẳng khác nào mở con đường làm lãnh đạo trong nền hành chính quốc gia cho người người kém tài, học ít.
Dẫu vậy, chúng ta cũng nên có cái nhìn công bằng hơn khi có những người học chính quy, học rất giỏi nhưng chỉ “tư duy bàn giấy”, cho làm việc gì cũng không xong. Chúng ta càng phải tôn trọng những người vừa làm việc giúp ích cho cộng đồng – xã hội và vừa học để nâng cao kiến thức. Cái chính là năng lực cá nhân của mỗi con người và cách tuyển dụng, dùng người của các ngành, các cơ quan.
Bởi vì, người giỏi bây giờ có thể tự học trên nhiều dạng, hình thức học và là người có tâm như sách thánh hiền đã dạy. Hãy học Bác Hồ – Người không có bằng nhưng làm cho cả dân tộc dạng danh, không màng tư lợi, khen thưởng. Không bằng cấp mà kiến thức hiệu triệu cả dân tộc, ngoại ngữ không chứng chỉ mà viết báo đối thoại đều mang lợi ích cho dân tộc, thơ văn đễ mãi cho hậu thế.
Điều này cũng có nghĩa, bằng cấp không thể chứng minh bằng thực tế hiệu quả, sự cống hiến của người lao động đem lại. Hãy cứ làm thật tốt công tác kiểm định chất lượng trong quá trình đào tạo thì khi đó chất lượng của hệ này hay hệ kia không quan trọng nữa. Trách nhiệm nặng nề này thuộc về chính Bộ Giáo dục chứ không phải ai khác.
Sông Hàn
Theo enternews
Bạn đọc viết: Hãy định hướng để con trẻ phản biện!
Tư duy thời đại và triết lý giáo dục biến chuyển theo hướng khuyến khích người học phát huy năng lực cá nhân, khuyến khích học sinh phản biện.
Hòa mình vào xu thế mới, mỗi người thầy buộc phải thay đổi chính mình trước ánh mắt phân vân, cái nhìn hoài nghi, suy nghĩ trăn trở và câu nói chất vấn của trò...
Ảnh minh họa
Đọc bài viết "Học sinh Việt Nam sợ bị hỏi và lười phản biện" của nhà báo Lan Phương cùng trao đổi "Làm thế nào để tăng cường tư duy phản biện cho giới trẻ?" của bạn đọc Thùy Mai, tôi bất chợt nhớ về những thế hệ học trò của mình.
Niềm vui mỗi ngày của người giáo viên đứng lớp có lẽ là những giây phút cô trò hăng say, tập trung khám phá kiến thức mới hay hình thành một kỹ năng. Để có những tiết học sôi động, người thầy phải đầu tư nhiều cho khâu xây dựng kế hoạch dạy học và thiết kế các hoạt động học tập của học sinh.
Tuy nhiên, trang giáo án của thầy cô chẳng bao giờ có thể dự đoán được những tình huống sư phạm xảy ra trong tiết học. Những thắc mắc, phát vấn của học trò không ít lần làm thầy cô phải chững lại vài giây, thậm chí là "đứng hình".
Mới đây thôi, trong hội giảng cuối năm chào mừng các ngày lễ lớn, chúng tôi đã tham dự một tiết dự giờ môn lịch sử ở lớp 7. Cô giáo say sưa giảng bài, ghi bảng còn giáo viên dự giờ ngồi kín mít hàng ghế cuối lớp. Bỗng nhiên, một cánh tay giơ lên xin được ý kiến dù cô giáo không hề đặt câu hỏi.
Bao nhiêu ánh mắt lúc ấy đều tập trung nhìn về cậu bé lớp phó học tập. Con chững chạc đứng lên, nói rành mạch: "Thưa cô, cô ghi sai năm diễn ra trận đánh". Cô giáo hơi đỏ mặt, luống cuống lật lại trang sách sử và xin lỗi cả lớp vì thông tin chưa chính xác trên bảng.
Những tiếng xầm xì bắt đầu nổi lên. Mấy học sinh bên cạnh to nhỏ, đại ý là cô giáo đang dạy dự giờ, đừng "vạch lỗi" vậy mà tội cô. Giáo viên dự giờ cạnh tôi cũng có ý không hài lòng bởi có nhiều cách "nhắc khéo" cô chứ không thể "huỵch toẹt" ngay giữa đám đông như thế. Nhìn cậu bé học giỏi, năng động, tự tin đi ngược đám đông ấy, tôi bỗng thấy thương con vô cùng.
Tâm hồn con trẻ trong sáng, ngây thơ lắm. Chẳng như chúng ta, cảm xúc đôi khi bị chai sạn mất rồi. Tư duy của các con nhanh nhạy, sáng tạo lắm, chẳng bị gò bó vào những khuôn khổ vô hình hay hay bị quẩn quanh chuyện cơm áo gạo tiền. Và với tâm hồn, tư duy cùng trí tưởng tượng phong phú, các con phản biện là điều tất nhiên.
Trong thực tế, không phải người giáo viên nào cũng sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng cùng học sinh đào sâu kiến thức, giải quyết những thắc mắc, nghi vấn và chấp nhận sự phản biện của con trẻ.
Cách đây hai chục năm về trước, thế hệ 8X chúng tôi đến trường với tâm thế cực kỳ bị động. Chúng tôi học tập, cũng phát biểu xây dựng bài, cũng được mời trình bày ý kiến nhưng dường như mọi hoạt động cá nhân đều được bó khuôn trong quy chuẩn: Thầy cô luôn luôn đúng, học sinh tiếp thu tri thức theo lối truyền thụ một chiều và cực kỳ xa lạ với tư duy phản biện.
Giờ mọi thứ đã khác, tư duy thời đại cùng triết lý giáo dục biến chuyển theo hướng khuyến khích người học phát huy năng lực cá nhân, khuyến khích học sinh tư duy phản biện. Và hòa mình vào xu thế mới, mỗi người thầy buộc phải thay đổi chính mình trước ánh mắt phân vân, cái nhìn hoài nghi, suy nghĩ trăn trở và câu nói chất vấn của trò.
Đầu tiên, chúng ta cần khẳng định: Trò tư duy phản biện là điều đáng mừng. Điều đó có nghĩa là các con đang học tập có sự tập trung chú ý. Chứ không phải người ngồi trong lớp học mà tâm hồn vẩn vơ tận đâu đâu. Mừng vì các con thật sự sáng ý, sáng dạ để có thể tư duy và phản biện. Và mừng vì con trẻ đã mạnh dạn nêu lên suy nghĩ, thắc mắc của mình để thầy cô có cơ hội giải đáp, uốn nắn và định hướng chân - thiện - mĩ.
Một điều chúng ta phải thừa nhận là trong cuộc sống hiện đại này, việc dạy dỗ, uốn nắn con trẻ thật khó. Các thế hệ 8X, 9X trở về trước có vẻ thuần hơn rất nhiều. Sự phản kháng của các con cũng nhẹ nhàng hơn. Còn bây giờ, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cùng sự tiếp thu nhiều luồng thông tin một cách thiếu định hướng khiến tư duy phản biện của các con trở thành một nỗi lo của chúng ta.
Thực trạng học sinh lên mạng xã hội nói xấu thầy cô, nói xấu bố mẹ hay bình luận tiêu cực về các vấn đề đạo lí, nhân cách là điều không hiếm gặp. Sự thiếu hụt kĩ năng sống cùng với sự cổ xúy các đám đông khiến cái "tôi" của con trẻ bỗng lớn hơn và muốn thể hiện mình nhiều hơn. Chẳng suy nghĩ, chẳng đắn đo, các con thoải mái tư duy phản biện và mạng xã hội giúp lan truyền những thông điệp không đẹp đó thật nhanh.
Vấn đề cấp thiết lúc này chính là vai trò định hướng của thầy cô về thái độ phản biện của học sinh. Nếu bọn trẻ phản biện mang tính tích cực theo hướng xây dựng, học hỏi, chúng ta nên động viên, khuyến khích. Nhưng cũng có lúc chúng ta bắt gặp một thái độ phản biện rất tiêu cực theo hướng phủ định, bác bỏ và khăng khăng bảo vệ quan điểm ý kiến của mình.
Điều này không chỉ xảy ra trong học tập mà cả trong cuộc sống. Bố mẹ nhiều lúc bất lực với chính con cái của mình. Từ thảo luận chuyển sang tranh luận rồi tranh cãi gay gắt. Mâu thuẫn đôi khi kết thúc với sự ấm ức của con trẻ và sự tức giận của bố mẹ, thầy cô. Và khoảng cách giữa bố mẹ - con cái, thầy cô - học trò ngày càng xa nhau hơn.
Vì vậy, trước khi khuyến khích trẻ tư duy phản biện, phải chăng chúng ta cần phải định hướng về ý thức, định hướng thái độ, định hướng hành động cho con trẻ? Mọi định hướng đúng đắn đều thể hiện ngay trong nếp nghĩ, nếp sinh hoạt và cách ứng xử của chúng ta với các con.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Đại học không phải con đường duy nhất! Quan niệm xã hội về bằng cấp không thể thay đổi một sớm, một chiều. Phần đông phụ huynh học sinh đều cho rằng để đảm bảo tương lai, thì con đường duy nhất là phải học đại học, từ đó áp đặt, tạo áp lực lớn đối với con mình - những người hiểu rõ nhất về mong muốn và lực học...