Bán nhà để đi du học ở tuổi 30
‘Để học một nghề, trải nghiệm lối sống phương Tây và tìm kiếm những cơ hội mới, tôi nghĩ xứng đáng. Dù sao thì bắt đầu ở tuổi 31 cũng sớm hơn tuổi… 39′, chị Quyên chia sẻ.
Chị Lê Thị Ngọc Quyên trong những ngày bắt đầu hành trình du học – Ảnh: NVCC
Bên cạnh các học sinh được ra nước ngoài học tập rất sớm từ những năm 14-15 tuổi, không ít người ngày nay chọn cách đi làm nhiều năm, tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng rồi mới quyết định du học ở độ tuổi mà người xưa gọi là “tam thập nhi lập”.
Trong kế hoạch du học ở tuổi không còn trẻ, nhiều người ấp ủ hy vọng học xong ở lại làm việc, thậm chí định cư.
Bán nhà để ra đi
Chị Lê Thị Ngọc Quyên (31 tuổi, TP.HCM) vừa sang Canada hơn 1 tháng, chuẩn bị vào học kỳ đầu tiên tại ĐH Vancouver Island. Tại đây, chị sẽ “tái ngộ” ngành ẩm thực, niềm yêu thích mà chị từng muốn theo nghề nhưng bị gia đình phản đối. Lúc đó, chị đánh liều nhập học Trường ĐH Mở TP.HCM với chuyên ngành không mấy vừa ý.
Tốt nghiệp, chị trở thành nhân viên cho một công ty logistics. Vòng xoáy công việc cứ thế cuốn đi suốt gần 10 năm đến một ngày chị bàng hoàng thấy mọi thứ thật tẻ nhạt, công việc cứ lặp đi lặp lại và bản thân dường như không thể phát triển thêm. Trong những ngày “khủng hoảng”, chị nhận ra tình yêu dành cho ngành ẩm thực vẫn vẹn nguyên. Vậy là chị thu xếp lên đường du học.
Ở tuổi 31, chuyện gác lại công việc với mức lương ổn định cùng các mối quan hệ gia đình hay vợ chồng, con cái để xuất ngoại học hành là cú rẽ lớn. Đó còn là một bài toán tài chính. Tiền học, tiền đi lại, phí visa, phí sinh hoạt… vào khoảng 800 triệu đồng được chị trích từ khoản để dành sau gần 10 năm đi làm.
“Số tiền này để học một nghề, trải nghiệm lối sống phương Tây và tìm kiếm những cơ hội mới, tôi nghĩ xứng đáng. Dù sao thì bắt đầu ở tuổi 31 cũng sớm hơn tuổi… 39″ – chị Quyên nói.
Anh Nguyễn Luân (34 tuổi, TP.HCM) cũng là một trường hợp “đổi tài sản” đi du học. Năm 2017, để có đủ chi phí cho 2 năm chương trình sau đại học tại Trường Centennial College ở Toronto (Canada), anh đã bán căn nhà mà mình tích góp nhiều năm. Với số tiền 1,7 tỉ đồng thu về, nhiều người đã khuyên Luân nên “rót” vào một số kênh đầu tư dễ sinh lời hoặc để du lịch, tận hưởng cuộc sống…
Chính anh Luân cũng dành nhiều thời gian đong đếm thiệt hơn. Chỉ còn 2 ngày máy bay sẽ cất cánh, câu hỏi liệu quyết định của mình có đúng đắn dường như vẫn còn đâu đó trong anh. “Trở ngại lớn nhất chính là tâm lý. Tuổi 30, người ta thường có công việc ổn định, tích lũy đủ cho cuộc sống, gác lại tất cả để du học nên được xem là sự đánh đổi mạo hiểm” – anh Luân nói.
Xu hướng gia tăng
Ông Vũ Hải Trường, giám đốc chương trình Việt Nam của ĐH Arizona (Mỹ), chia sẻ gần đây tỉ lệ các bạn tốt nghiệp tại Việt Nam, đi làm khoảng 10 năm rồi mới chọn học các chương trình ở Mỹ đã tăng so với trước.
Nguyên nhân là vì các chương trình đại học hay sau đại học đã mở khá phong phú, người học có thể lựa chọn tùy vào mong muốn và khả năng của mình. Ngoài ra, trong thế giới phẳng, tâm lý ra nước ngoài thoát khỏi “vùng an toàn” không còn quá phụ thuộc vào tuổi tác.
“Cùng một con đường du học nhưng có rất nhiều cách đi khác nhau. Các trường đại học đang trao cơ hội học tập, học bổng không quá khác biệt dù bạn 20 hay 30 tuổi” – ông Trường nói.
Bên cạnh đó, hình thức du học cũng rất đa dạng. Không ít người chọn học online vài học kỳ tại Việt Nam rồi mới chuyển tiếp đến Mỹ hoàn tất phần còn lại. Hình thức này đang được ưa chuộng vì linh hoạt cả không gian lẫn thời gian. Người học vẫn có thể ở bên gia đình, đi làm tại Việt Nam, đồng thời giảm chi phí từ 3-5 lần so với du học trực tiếp.
Bà Nguyễn Lam Giang, giám đốc khu vực Đông Nam Á, ĐH Waikato (New Zealand), cho biết nhóm đối tượng tạm gác sự nghiệp để đến New Zealand du học sau 30 tuổi trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng khi điều kiện giao lưu đã mở rộng cộng thêm nhiều sự hỗ trợ giá trị từ các trường.
Chẳng hạn với bậc PhD, học phí của các bạn được tính như của dân bản địa, khoảng 6.000 – 7.000 NZD, thay vì theo mức phí như sinh viên quốc tế. Vợ hoặc chồng đi cùng nay cũng đã được cho phép làm việc toàn thời gian tại New Zealand thay vì trước đây chỉ “đi theo” theo đúng nghĩa đen. Con cái của họ cũng được tạo điều kiện học các trường công lập miễn phí từ năm 3 tuổi đến hết lớp 13.
Bà Giang cho rằng nhiều đãi ngộ như trên là vì các trường đại học ở New Zealand đang rất muốn thu hút những sinh viên quốc tế có năng lực, đặc biệt là về nghiên cứu. Do vậy, nếu các bạn sau 30 tuổi ở Việt Nam có khả năng và mong muốn, con đường du học vẫn rộng mở.
Video đang HOT
Liệu có khó hòa nhập?
Chị Nguyễn Hoàng Trâm Anh, phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh, cho rằng khoảng cách tuổi tác đôi khi cũng là một trở ngại cho các anh chị lần đầu chọn du học sau tuổi 30.
Hội sinh viên thường tổ chức nhiều hoạt động gắn kết các du học sinh, đặc biệt trong những ngày đầu nhập học. Dù vậy, phần đông những người tham gia là các bạn trẻ tuổi đôi mươi. Chênh lệch độ tuổi có thể cản trở các anh chị trong bước đầu hòa nhập khiến những trải nghiệm của một du học sinh đôi khi không trọn vẹn như những năm 20 tuổi.
Tính kỹ nếu muốn định cư
Ông Lâm Minh Khoa, đại diện ĐH Newcastle (Úc) tại Việt Nam, cho biết phần lớn những người chọn du học sau tuổi 30 tại Úc thường muốn định cư. Thông thường, sinh viên quốc tế từ 25-35 tuổi sẽ nhận số điểm cộng định cư cao hơn những người quá 35. Vì vậy nếu xác định ở lại, cần tính toán thật kỹ các yếu tố để đủ điểm xét định cư, ngoài độ tuổi còn là trình độ tiếng Anh, kinh nghiệm làm việc…
Anh Nguyễn Luân cho biết mình sắp có thẻ xanh tại Canada. Do biết rằng càng lớn tuổi sẽ càng mất điểm khi xét cư trú, anh lên kế hoạch học dồn để hoàn tất chương trình sớm nhất. Sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào làm kế toán tại một công ty từ tháng 3-2019. Đến nay, anh đã xong các thủ tục định cư tại Canada.
“Sau tuổi 30 dù gì thời gian cũng không quá dư dả. Vì thế, theo tôi, có mục tiêu rõ ràng rất quan trọng để mỗi người có cách đạt được nhanh nhất, tránh bỏ lỡ những cơ hội” – anh Luân nói.
Nữ 9X người Việt làm giám đốc sản phẩm cấp cao tại Amazon
Hà Thị Khánh Vân là con gái Sài thành. Trong gia đình Vân, không ai định hướng cho cô du học. Vân là người đầu tiên trong nhà được đi nước ngoài.
Nhấn để phóng to ảnh
Hà Thị Khánh Vân là con gái Sài thành. Trong gia đình Vân, không ai định hướng cho cô du học. Vân là người đầu tiên trong nhà được đi nước ngoài.
Ước mơ du học được nhen nhóm khi Vân lên lớp 6, Trường THCS Nguyễn Du. Là một trường chuyên của TPHCM, học sinh Nguyễn Du được gia đình đầu tư vào học ngoại ngữ, định hướng du học từ rất sớm. Vân nghe các bạn nói chuyện du học, trong lòng cũng thấp thỏm ý định.
Vì gia đình không có điều kiện, suốt thời cấp 2, rồi gần như cả cấp 3, nữ sinh Khánh Vân vẫn chưa biết làm sao để chạm đến ước mơ du học.
Mãi đến cuối năm lớp 12, khi bạn bè xung quanh Vân lục đục khăn gói, chuẩn bị du học, cô mới vội tìm mọi cách để biến ước mơ thành hiện thực.
May mắn thay, trong suốt 12 năm đi học, Vân đều cố gắng học và đạt thành tích rất tốt, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa ở địa phương, đoàn, đội, giành một số giải thưởng vẽ tranh, viết báo, nên khi bắt tay vào làm hồ sơ du học, Vân đã có những lợi thế nhất định.
Cách đây 13 năm, Vân tự tìm hiểu thông tin về học bổng du học. Cô so sánh việc này giống như tự mò mẫm đường đi trong bóng tối. Vân chủ yếu nghe từ các anh chị đi trước, tham gia các hội thảo du học, lân la trên các diễn đàn.
Khánh Vân tự tay làm hồ sơ. Bài luận thì cô gửi nhờ vài bạn thân đọc qua. Thậm chí Vân tự dịch luôn các bằng cấp, giấy khen, thư giới thiệu của thầy cô... rồi lọc cọc đạp xe đi nhờ các bác ở phường công chứng hộ.
"Lúc đó mình muốn đi du học lắm, nên gửi hồ sơ đi khắp nơi, cả ở Úc, Châu Âu, Singapore. Sau đó mình may mắn nhận được học bổng toàn phần của một trường tư thục ở Singapore, và học bổng từ trường Đại học Macquarie, Úc. Mình chọn Macquarie vì muốn đi nơi nào xa xa và khác Việt Nam một tí", Khánh Vân cười nói.
Tuy học bổng từ trường Macquarie cũng khá tốt, Macquarie là trường top 10 của Úc, nhưng sau này khi nhìn các bạn khác có thành tích tương tự nhưng vào được các trường top cao của thế giới, với học bổng nhiều hơn, Vân thấy hơi tiếc.
"Lời khuyên của mình cho các bạn nộp hồ sơ sau này là luôn phải chuẩn bị càng sớm càng tốt, nên trò chuyện với thật nhiều người, tìm hiểu các trường thật kĩ, và nên có 1-2 anh chị đi trước hướng dẫn làm hồ sơ nếu các bạn quyết định tự làm như mình", Khánh Vân nói.
Trên máy bay, Vân ngồi cùng một du học sinh khác trở lại Úc sau chuyến thăm nhà. Bạn ấy khóc, Vân an ủi mãi. Một du học sinh lần đầu xuất ngoại an ủi một du học sinh đã có "thâm niên".
"Dù sau này mình thường xuyên phải bay đường dài, có những lần được ngồi ghế hạng C, nhưng chuyến bay đi Úc lần đầu ấy là chuyến bay đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Mình đã có một giấc ngủ vô cùng ngon trên máy bay vì bao nhiêu công sức và nỗ lực đã biến ước mơ thành hiện thực, cảm giác đó hạnh phúc vô cùng", Vân kể lại.
Như nhiều sinh viên quốc tế khác, thời gian đầu sang Sydney (Úc), Khánh Vân chưa thoải mái trong giao tiếp. Tân du học sinh liền nghĩ ra cách. Trong suốt 2 tuần đầu ở Sydney, mỗi ngày cô đều dành 30 phút để đi siêu thị và trung tâm mua sắm. Vân đi khắp các cửa tiệm, đọc và học thuộc từ vựng tên các loại rau củ, đồ gia dụng, các đồ vật bày bán... Cô bắt chuyện với những người bán hàng để luyện tập giao tiếp. Gặp ai Vân cũng mạnh dạn hỏi han.
"Có một lần mình trò chuyện với một bạn Úc ở công viên hơn 2 tiếng đồng hồ, hóa ra bạn ấy chỉ muốn truyền đạo, còn mình thì chẳng quan tâm gì, chỉ muốn luyện tiếng Anh", Vân kể.
Quy tắc học 10/70/20 giúp Khánh Vân hòa nhập với môi trường học quốc tế.
Để học tốt ở môi trường nước ngoài, Vân tự đặt ra quy tắc 10/70/20. Tức là, trước khi vào lớp, cô luôn dành thời gian đọc sơ qua tài liệu thầy sẽ giảng, để nắm tổng quát 10% nội dung bài học hôm đó, và tra từ điển trước những từ chưa hiểu để không bị bỡ ngỡ.
Ở trên lớp, Vân mạnh dạn đặt câu hỏi. Nếu có phần nào chưa hiểu, cô sẽ ở lại thêm vài phút cuối giờ để hỏi cho bằng được. Cách này giúp Vân hiểu 70% bài giảng. 20% còn lại đến từ việc làm bài tập ngay sau buổi học.
"Ở phương Tây, họ rất coi trọng sự phát triển toàn diện của một cá nhân. Nếu chỉ học thật giỏi, điểm trung bình 4.0/4.0 vẫn chưa đủ để được đánh giá là một người xuất sắc. Các trường đại học, cơ quan, tổ chức, hay bậc học thạc sĩ rất coi trọng những đóng góp, khả năng lãnh đạo của sinh viên ở các hoạt động ngoại khóa.
Mình điều chỉnh thời gian hợp lí giữa việc học và các hoạt động tình nguyện. Mình làm công việc bán thời gian để có thêm thu nhập để trang trải sinh hoạt phí", Khánh Vân cho biết.
Khánh Vân từng là thành viên ban lãnh đạo của Hội sinh viên Việt Nam tại trường Macquarie. Cô tham gia tổ chức nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực, giới thiệu vẻ đẹp của Việt Nam đến hàng nghìn bạn bè quốc tế.
Vân đại diện cho trường làm việc cùng Bộ Giáo dục của bang New South Wales trong 6 tháng, để cố vấn cho các bạn trẻ đến Úc qua con đường tị nạn, giúp các bạn định hướng nghề nghiệp và hòa nhập.
Khánh Vân còn được trao học bổng đi trao đổi văn hóa tại Mỹ trong 6 tháng, với tư cách là đại sứ của trường Macquarie. Trong chuyến đi đến trường Đại học Richmond, Virginia, Mỹ, cô may mắn được chọn tham dự buổi nói chuyện với cựu Tổng thống Mỹ Obama.
Trong những lần nghỉ hè về Việt Nam, Vân tranh thủ dạy tiếng Anh cho các bạn trẻ cơ nhỡ, lang thang đường phố thông qua tổ chức phi lợi nhuận, và chính quyền địa phương.
"Từ khi đi học, mình đã ước ao sẽ vào được một trong những công ty và tập đoàn tài chính, ngân hàng lớn nhất tại Úc. Mình đã nộp đơn rất nhiều lần, mãi đến lần thứ 5, thứ 6 mới được gọi phỏng vấn.
Những lần bị từ chối càng làm cho mình thêm quyết tâm, và có sự chuẩn bị tốt hơn, nhờ vậy mà người tuyển dụng rất ấn tượng và quyết định nhận mình. Mình trở thành người trẻ tuổi nhất trong nhóm, làm việc ở môi trường hiện đại, bên cạnh những người giỏi nhất trong ngành", Khánh Vân cho biết.
6 năm sau, Khánh Vân giành được học bổng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Chicago (Mỹ).
Khánh Vân bật mí bí quyết giành học bổng: "Các trường đại học tốt luôn xét hồ sơ rất khắt khe để cấp học bổng, họ xem xét ứng viên ở mọi mặt, chú trọng cả thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa.
Thư giới thiệu từ giáo viên giúp hồ sơ được đánh giá cao hơn rất nhiều. Đòi hỏi các bạn phải tạo dựng mối quan hệ tốt với thầy cô từ chính những nỗ lực trong học tập, các hoạt động cộng đồng.
Ở bài luận, đừng cố ép mình vào một khuôn mẫu của ai, hãy dành thời gian đánh giá chính mình một cách sâu sắc. Cố gắng truyền tải ước mơ, nguyện vọng và điểm nổi bật của bản thân trong bài luận. Nghiên cứu kỹ về trường, thể hiện sự am hiểu và niềm yêu thích dành cho trường giúp bài luận ấn tượng hơn".
Khánh Vân nhận lời Amazon vào làm ở vị trí Giám đốc sản phẩm cấp cao. Vị trí này gắn với ước mơ của Khánh Vân. Cô chia sẻ "mình muốn làm việc trực tiếp với các kĩ sư, nhà thiết kế... để tạo ra những sản phẩm cải thiện cuộc sống của hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỉ người dùng trên thế giới, vì công nghệ là thứ nhanh nhất để tạo được sức ảnh hưởng toàn cầu".
Song song với đó, Vân tiếp tục quản lý startup mang tên "Hete" do cô và một người bạn xây dựng trong lúc học MBA.
Khánh Vân tạo ra start này trong bối cảnh dịch Covid-19 làm cho hàng triệu doanh nghiệp, hàng quán ở Mỹ đóng cửa.
Cái tên Hete được Khánh Vân chế từ tiếng Việt, tức là "Hết Ế". Cô muốn người Mỹ biết rằng, đây là một ứng dụng do người Việt làm ra, khi ở Mỹ đang dấy lên làn sóng kì thị người Châu Á ở một số nơi.
Ứng dụng Hete cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thay đổi giá bán sản phẩm hay dịch vụ theo khung giờ, và theo nhu cầu thực tế của khách hàng. Ví dụ thay vì một tiệm cắt tóc có thể tính tiền 20 USD/lần theo giá cố định, thì qua Hete họ có thể khuyến mãi giá 18 USD chỉ trong vài tiếng đồng hồ khi không có đủ khách.
Bằng cách này, các doanh nghiệp có thể tùy ý điểu chỉnh giá và tăng nhu cầu tiêu thụ theo ý họ muốn, bán được các mặt hàng nhanh hơn.
"Hete đã lên App Store hơn 3 tuần, chúng mình nhận được nhiều phản hồi tốt từ phía người dùng tại Chicago. Mình cũng rất muốn giới thiệu ứng dụng này ở Việt Nam để giúp các doanh nghiệp trong nước.
"Có được một người bạn đời luôn yêu thương, tin tưởng và khích lệ mình đạt được những ước mơ là điều hạnh phúc nhất. Mỗi ngày, chúng mình đều cố gắng sống hết mình, làm việc hết sức để khai phá hết tiềm năng của bản thân. Chúng mình cũng tô điểm cuộc sống bằng những chuyến đi, khám phá.
Mình hy vọng tất cả phụ nữ Việt Nam đều dám thử, dám làm, bước ra khỏi vùng an toàn và không sợ thay đổi. Nếu bạn không thử thì bạn sẽ không bao giờ biết được điều tuyệt vời gì đang chờ đón phía trước", Khánh Vân chia sẻ.
Những lầm tưởng phổ biến về du học Mỹ Nhiều người nghĩ phải rất giàu mới du học Mỹ và sinh viên tại đây chỉ thích tiệc tùng, tuy nhiên chuyên gia tuyển sinh bác bỏ quan điểm này. Phải rất giàu mới có thể du học Mỹ Pamela Rambo, người sáng lập Công ty Tư vấn và Nghiên cứu Rambo ở lĩnh vực giáo dục, cho biết học phí tại Mỹ...