Bản lĩnh của cậu học trò mồ côi đạt 27,25 điểm khối C
Hơn 4 năm không có người thân bên cạnh, em Đặng Nguyễn Công Minh (xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) một mình tự vươn lên trong cuộc sống và giành được kết quả cao trong học tập. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, cậu học trò côi cút đạt 27,25 điểm khối C.
Các điểm số là Văn 8,25; Sử 9,25 và Địa lý 9,75. Minh còn là thành viên tích cực trong các phong trào thiện nguyện tại địa phương.
Mồ côi từ khi lọt lòng
Bố em mất từ khi lọt lòng, mẹ đưa Minh về ở với ông bà ngoại. Được hơn 1 năm, mẹ em đi bước nữa. Cũng từ đó những lần Minh gặp mẹ cũng thưa dần. Trong trí nhớ của Minh, tình cảm với mẹ rất mơ hồ. Người thân duy nhất của Minh trong suốt những năm tháng thơ ấu chỉ có ông bà ngoại già yếu.
Em Đặng Nguyễn Công Minh
Dù đã tuổi cao sức yếu nhưng ông bà Minh vẫn cố gắng mưu sinh để nuôi cháu. Trước đây, nguồn thu nhập của gia đình đều trông chờ vào số tiền lương ít ỏi của ông và 2 sào ruộng.
Thương ông bà, Minh càng cố gắng chăm chỉ học tập. Những chiếc giấy khen như lời động viên của Minh đến ông bà ngoại. Hàng ngày ngoài giờ học, Minh phụ bà trồng rau trong vườn rồi đem ra chợ bán trang trải thêm chi phí sinh hoạt.
Thế nhưng bất hạnh nối tiếp bất hạnh. Khi Minh lên lớp 6, ông em bị bệnh tim tái phát rồi qua đời. Bà ngoại vượt qua cú sốc tinh thần gắng gượng nuôi cháu khôn lớn.
Nghiệt ngã thay, trong một lần trên đường về nhà, bà ngoại em bị tai nạn giao thông rồi qua đời. Vậy là Minh càng thêm côi cút khi chuẩn bị bước vào lớp 10.
Kết quả học tập của Minh suốt 12 năm học
“Khi đó em đang đi chơi, vừa nghe tin em chạy về ngay nhưng không kịp, bà đã mất rồi. Bà đi mà không gặp được em, cũng không nói với em một lời nào cả. Em còn chưa kịp nói cám ơn bà suốt bao nhiêu năm qua đã nuôi em khôn lớn. Mọi thứ như sụp đổ trong em. Thời gian đó, em dường như không còn thiết tha gì chuyện học hành, không quan tâm đến những gì xung quanh mình”, giọng Minh nghèn ngẹn khi nhớ lại buổi trưa định mệnh.
Đây cũng là giai đoạn bế tắc nhất cuộc đời của Minh. Đã có lúc em quyết định nghỉ học để đi làm. Thế nhưng, chính nhờ sự động viên, giúp đỡ của thầy cô, em lại quyết tâm tiếp tục đến trường.
Video đang HOT
15 tuổi khi mọi đứa trẻ được bố mẹ chăm sóc thì một mình Minh đã phải tự trang trải lấy cuộc sống của mình. Nhưng không đầu hàng số phận, trong suốt những năm qua em luôn là tấm gương sáng trong học tập đối với các bạn đồng trang lứa.
Bản lĩnh của cậu học trò mồ côi
Trong ngôi nhà đơn sơ, gia tài quý nhất của Đặng Nguyễn Công Minh chủ yếu là những giấy khen được dán kín góc học tập của mình.
Thành tích của em khiến nhiều người phải trầm trò ngưỡng mộ. Suốt 12 năm đi học, em luôn là học sinh giỏi ở nhiều bộ môn. Năm lớp 9, Minh giành giải Ba cấp huyện môn Địa lý, giải Khuyến khích cấp huyện môn Văn.
Lên cấp 3, vượt qua cú sốc mất người thân, Công Minh liên tục gặt hái nhiều giải cao như: lớp 10, em đạt giải Khuyến khích về Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với công trình lò xử lý rác thải; lớp 11 giành giải Nhì, lớp 12 giành giải Ba kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh.
Dù bản thân không may mắn, nhưng Minh vẫn luôn lạc quan và thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện
“Học phí và sách vở em đều được nhà trường và các thầy cô giúp đỡ. Do thành tích học tốt nên em thường xuyên nhận được học bổng. Chính nhờ nguồn học bổng này phần nào giúp em trang trải sinh hoạt hàng ngày”, Minh tâm sự.
Minh cũng cho biết Địa lý là môn học yêu thích nhất của em vì bộ môn này có rất nhiều kiến thức từ thực tế. Theo Minh, bí quyết để học tốt bộ môn này sự chăm chỉ và một tư duy logic.
“Địa lý giờ chủ yếu là kiến thức thực tế, không quá nhiều lý thuyết sách vở. Trong quá trình, học em chủ yếu đọc thật kỹ để nắm bắt ý chính, tránh học thuộc lòng vừa khó nhớ lại dễ sai sót”.
Với phương pháp học tập đó của mình, trong kỳ thi THPT quốc gia, Minh đã giành được 9,75 điểm ở môn Địa Lý.
Được biết, Minh là học sinh “lớp 13″ năm nay dự thi THPT quốc gia để xét điểm đại học. Kỳ thi năm ngoái, Minh nộp hồ sơ vào khối Quân sự nhưng chỉ đạt 25,5 điểm. Với số điểm này, em có thể dễ dàng vào nhiều trường khác nhưng Minh đã quyết định thi lại.
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Minh đã vào thành phố Hà Tĩnh làm tạp vụ ở khách sạn để có tiền ôn thi. “Với điều kiện của bản thân thì em chỉ mong nộp hồ sơ vào khối Quân sự chứ nếu vào các trường khác em sợ mình không có điều kiện để theo học”, Minh chia sẻ.
Nguyễn Đặng Công Minh (thứ 2 bên phải hàng phía trên) dự định sẽ nộp hồ sơ vào trường Đại học Chính trị.
Chia sẻ về cậu học trò cũ của mình, thầy giáo Nguyễn Đức Hạnh – hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Đổng Chi cho biết: “Em Đặng Công Minh là trường hợp để lại nhiều ấn tượng cho giáo viên trong trường. Hoàn cảnh của em rất khó khăn và bất hạnh nhưng em đã nỗ lực rất nhiều để có kết quả học tập xuất sắc. Minh cũng là học sinh tiêu biểu nhất toàn khóa vào năm học trước. Sau khi biết kết quả năm nay của em, thầy cô rất vui và chúc mừng em sẽ thực hiện được dự định của mình”.
Không chỉ học tập tốt, Minh luôn là hạt nhân trong các công tác đoàn đội, các hoạt động xã hội thiện nguyện như hiến máu, giúp đỡ người già neo đơn… trong nhiều năm qua.
Năm nay, Minh tiếp tục nộp hồ sơ vào trường Đại học Chính trị tại Hà Nội. Minh cho biết bản thân khá yêu thích vai trò là một chính trị viên trong quân đội.
Theo gia đình và xã hội
Chị em sinh đôi ở Nghệ An với 'kỳ tích' điểm 10 môn Lịch sử
Em đạt điểm tối đa là 10 và chị đạt 9,75 điểm môn Lịch sử trong kỳ thi THPT Quốc gia, Chu Thị Ngọc Thúy và Chu Thị Ngọc Thanh, học sinh lớp 12A11, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn đã viết nên kỳ tích ở vùng quê hiếu học Diễn Châu (Nghệ An).
Tìm về nhà 2 chị em sinh đôi Chu Thị Ngọc Thúy và Chu Thị Ngọc Thanh ở xóm 6, xã Diễn Thắng, chúng tôi cảm nhận được niềm vui sướng, tự hào khôn xiết của bố mẹ, bà con làng xóm khi biết tin 2 chị em đã đạt được điểm thi xét tuyển đại học khối C rất cao.
Với 10 điểm Lịch sử, 9,25 điểm Địa lý, 8,5 điểm Ngữ văn, Chu Thị Ngọc Thúy đạt 27,75 điểm xét tuyển khối C. Trong khi đó, người chị gái Chu Thị Ngọc Thanh cũng không chịu thua kém với 9,75 điểm Lịch sử; 9,25 điểm Địa lý và 8 điểm Văn, tổng điểm xét tuyển 27 điểm.
Hai chị em bên góc học tập của mình. Ảnh: Mai Giang
Nhà có tới 4 chị em, bố làm công nhân, mẹ làm ruộng, hoàn cảnh không mấy dư giả nhưng cả 4 chị em đều say mê học tập. Cùng học giỏi, Thanh, Thúy giống nhau như 2 giọt nước khiến người ngoài khó mà nhận ra. Từ nhỏ, 2 chị em luôn có ý thức trong học tập cũng như phân chia công việc nhà, việc đồng áng để đỡ đần bố mẹ. Đậu vào Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, hoàn cảnh bố mẹ không mấy dư giả nên 2 chị em không tham gia các lớp học thêm hay ôn luyện mà phần lớn là tự học.
Ngọc Thúy chia sẻ: Hai chị em không đi học thêm ngoài mà chỉ tham gia ôn tập trên trường và tự học ở nhà là chính. Đầu năm học, 2 chị em mua khóa học Lịch sử và Địa lý trên mạng với giá hơn 300.000 đồng để học và luyện đề thi.
Lớp của Thanh, Thúy còn có 4 bạn đạt điểm tuyển khối C từ 25 điểm trở lên. Ảnh NVCC
Theo em, đề thi môn Sử ở kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có vẻ dễ hơn, nhưng những câu hỏi đưa ra cũng rất thú vị, nhất là những câu vận dụng cao dễ gây nhiều phân vân. Vì vậy, cần phải có sự tư duy chứ không chỉ nắm chắc kiến thức cơ bản. Với đề này những bạn học chắc kiến thức sẽ được khoảng từ 8 - 9 điểm.
"Em may mắn được học Sử với các thầy, cô giỏi nên nhận ra rằng môn Sử rất có ích với cuộc sống. Nhờ học Sử mà ta nhận thức về xã hội một cách thấu đáo hơn. Bí quyết học Sử là hệ thống các vấn đề, sự kiện theo tiến trình thời gian, đồng thời tìm hiểu bản chất của mỗi vấn đề: Tại sao lại dẫn đến các sự kiện ấy... thì mình sẽ nhớ sự kiện lâu hơn."
Em Chu Thị Ngọc Thanh.
Chị Ngô Thị Châu, mẹ của 2 em chia sẻ: Hôm đi thi về, thấy 2 chị em rất vui và nói làm bài tốt. Khi đã có kết quả, cả nhà vui sướng vô cùng. Kết quả này đã tạo động lực cho bố mẹ rất lớn để cố gắng nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn.
Chị em Thanh, Thúy cùng cô giáo dạy sử Hoàng Thị Hiệp. Ảnh NVCC
Một điều nữa làm nên thành tích đáng nể của 2 chị em đó là đam mê đọc sách. Nhiều thể loại sách văn học, lịch sử, địa lý được các em sưu tầm và dùng tiền tiêu vặt tích góp để mua, do vậy đã bổ trợ tốt cho việc học, nhất là môn Văn học, Lịch sử. Năm học 2017-2018, em Ngọc Thúy đoạt giải Nhì, em Ngọc Thanh giải Ba môn Lịch sử kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh.
Cô giáo Hoàng Thị Hiệp, giáo viên dạy môn Lịch sử của 2 em chia sẻ: Ngoài việc truyền thụ kiến thức thì bản thân phải "truyền lửa" niềm đam mê của mình cho các học trò và để các em tự tin hơn vào bản thân mình, phải biết được năng lực của các em và từ đó sẽ xây dựng đề cương ôn tập sao cho phù hợp. Tôi cũng khuyên các em, trước khi đi thi, không nên lo lắng, đừng "e ngại" khi mình là học sinh trường huyện mà hãy tự tin, tập trung vào bài thi của mình. Cũng bởi luyện đề kỹ nên bước vào kỳ thi THPT Quốc gia các em không bị ngợp và làm bài tự tin.
Với điểm số này, Chu Thị Ngọc Thanh dự định sẽ đăng ký nguyện vọng 1 vào Khoa Quan hệ công chúng, Chu Thị Ngọc Thúy đăng ký xét tuyển vào Khoa Quốc tế học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
"Hai em Thanh, Thúy học đều các môn xã hội, đặc biệt nổi bật nhất là môn lịch sử. Các em có niềm đam mê đặc biệt với bộ môn này. Tinh thần tự học, tự nghiên cứu tìm hiểu rất cao. Kết quả này là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực học tập, không ngừng vượt khó vươn lên của 2 chị em Thanh và Thúy."
Cô Hoàng Thị Hiệp - giáo viên dạy môn Lịch sử của 2 em Thanh và Thúy.
Mai Giang
Theo baonghean
Lộ diện nữ sinh vùng cao thi khối C cả 3 môn đều đạt từ 9 điểm trở lên ở Nghệ An Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, em Phạm Trần Thu Sương, ở bản Tờ, xã Yên Khê, huyện vùng cao Con Cuông, Nghệ An đạt tổng điểm khối C 30,25 (đã bao gồm điểm cộng). Em Phạm Trần Thu Sương ngoài thời gian học vẫn phụ giúp cha mẹ việc nhà. Ảnh: Dân Trí. Với Ngữ văn 9, Lịch sử 9,5...