Bạn đọc viết: Đề cương ôn tập cho học sinh: Những chuyện “dở khóc, dở cười”
Đề cương ôn tập là sự tóm tắt về những nội dung kiến thức đã học trong một học kì để học sinh dựa vào làm bài thi cho tốt. Xoay quanh đề cương ôn tập cũng có những câu chuyện “dở khóc, dở cười”.
Ảnh minh họa
Cả một học kì dài đằng đẵng, bao nhiêu nội dung kiến thức thầy cô giảng, học sinh ghi chép. Sách giáo khoa có, vở ghi bài có, vở soạn bài có. Thế mà mỗi khi kì thi về, giáo viên chúng tôi luôn nghe một điệp khúc quen thuộc từ học sinh “Cô ơi, năm nay có đề cương không cô?”. Với tôi, câu trả lời quen thuộc “Đề cương nằm ở trong đầu những bạn nào chăm chỉ và siêng năng các em ạ.”
Tôi nhớ, thời tôi đi học không có đề cương ôn tập. Cứ đến mùa thi, không học sinh nào dám hỏi thầy giáo của mình về những nội dung ôn tập. Và quan niệm “học gì thi nấy” là chuyện bình thường. Nhờ thế một thế hệ học sinh chăm chỉ, cần mẫn ra đời. Chúng tôi tự mày mò, tự vạch kế hoạch và tự lập thời gian biểu cho bản thân để ôn thi một cách rất hiệu quả.
Khác hẳn với thời nay, mùa thi nào, môn thi nào cũng có đề cương ôn tập.
Những năm trước, Phòng Giáo dục ở các huyện lên xuống Ban giám hiệu Nhà trường yêu cầu giáo viên giảng dạy môn nào tự soạn đề cương ôn tập môn đó. Thế là mỗi giáo viên được phân công soạn đề cương cho học trò của mình.
Thời gian đầu, đề cương rất dàn trải, nhiều kiến thức, giáo viên dạy nội dung gì thì soạn và ôn tập theo đề cương ấy. Có những đề cương lên đến 10-15 trang, đặc biệt là những môn dài dòng như môn Ngữ văn chẳng hạn.
Có đề cương rồi, căn cứ vào sĩ số của lớp phô tô ra, mỗi học sinh một bản. Đối với học sinh, đề cương như “thần chú”.
Thế nhưng, không phải học sinh nào cũng “an phận” với đề cương trong tay. Các em bảo rằng ” Đề cương dài và khó quá, em không học nổi”.
Video đang HOT
Không dài sao được, khi bao nhiêu nội dung trong một học kì chỉ tóm gọn vào trong 10-15 trang A4.
May mắn với giáo viên giảng dạy, có em siêng năng, chăm chỉ thì “tu luyện” ở đề cương ôn tập nhưng ngược lại có những em không học mà sử dụng đề cương với mục đích khác là “phao thi” thì đề cương ôn tập đi trở nên phản tác dụng và gây thiếu công bằng trong việc chấm điểm và xếp loại hạnh kiểm học sinh.
Có một mùa thi mà tôi nhớ mãi. Năm đó, tôi được phân công giảng dạy và soạn đề cương ôn tập cho học sinh khối lớp 7. Vào phòng thi, một số học sinh sử dụng để cương do tôi soạn làm tài liệu và bị giám thị coi thi bắt quả tang. Năm đó, đề cương ôn tập chưa phổ biến như bây giờ nên khi thấy học sinh sử dụng nguyên cả một sấp đề cương làm “phao” trong bài thi, giáo viên coi thi khá “sốc”. Thầy giám thị “trợn mắt” hỏi học sinh: “Tài liệu này đâu ra?”. Học sinh trả lời một cách ngây thơ: “Thưa thầy, tài liệu này do cô T. cung cấp ạ.”
Thế là sau buổi thi, thầy giáo đó – một đồng nghiệp của tôi – đến gặp tôi và bảo: “Sao cô lại cung cấp tài liệu cho học sinh đi thi vậy? Làm như thế, cô tạo điều kiện cho học sinh ỷ lại và lười học, chưa kể, các em còn sử dụng đề cương này như “phao cứu cánh nữa”.
Tôi vô cùng ngạc nhiên với những câu hỏi và thái độ của đồng nghiệp. Vì đay không phải là sáng kiến của tôi mà tôi chỉ làm theo yêu cầu của Phòng và của Nhà trường mà thôi. Tôi cố gắng giải thích cho đồng nghiệp của mình hiểu. Thầy mỉm cười gượng gạo và bảo rằng: “Như thế, sẽ triệt tiêu tính sáng tạo của học sinh, đặc biệt là trong thi cử và bộ môn đặc thù như môn Văn nữa chứ.”
Năm nay, còn khoảng một tháng trước kì thi, Phòng Giáo dục nơi tôi công tác gửi mail trực tiếp về mỗi cơ quan trường học, yêu cầu giáo viên vào lấy đề cương rồi phô tô phát cho học sinh càng sớm càng tốt.
Bản thân tôi nhận thấy, đề cương ôn tập cho học sinh luôn tồn tại hai mặt. Nó trở nên hữu ích đối với những học sinh có ý thức học tập, tìm tòi. Nó như dàn ý cơ bản của nội dung kiến thức. Học sinh nào muốn đạt kết quả tốt trong thi cử cần sự nghiên cứu, nâng cao, mở rộng hơn dựa trên những cái sẵn có.
Mặc trái của đề cương sẽ tạo ra tính ỷ lại, lười học, dựa vào đề cương, những học sinh không chịu suy nghĩ. Thậm chí, đa phần học sinh còn nghĩ cách đối phó với thi cử bằng cách phô tô nhỏ đề cương làm “phao thi”.
Mùa thi đang về, đề cương ôn tập trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thiết nghĩ giáo viên cần định hướng đúng đắn cho học sinh của mình để đạt kết quả cao nhất.
Thanh Thanh
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: "Nấu cơm, dọn sẵn, chỉ việc ăn..."
Mỗi mùa thi về, các trường chỉ đạo giáo viên biên soạn đề cương ôn tập và phát cho học sinh. Hầu hết nhà giáo đều muốn trò được điểm cao và mình hoàn thành chỉ tiêu đã đăng ký đầu năm nên lẽ tất nhiên sẽ bỏ công biên soạn câu hỏi, đáp án, in ấn và phát tận tay học sinh.
Ảnh minh họa
"12 năm học phổ thông theo mẫu, sao đòi người trẻ sáng tạo?" - đó là lời phát biểu của nam sinh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM đặt ra cho diễn giả tại chương trình Tiếng nói Trẻ - Youthspeak 2018 vừa diễn ra tại TPHCM. Nó chạm vào một vấn đề nan giải vẫn tồn tại trong giáo dục: cách dạy, cách học, cách thi cử nặng về lý thuyết, chú trọng kiến thức và "gạo" bài theo kiểu học thuộc lòng.
Tôi nhớ giáo viên bộ môn Lịch Sử ở địa phương tôi từng ca thán sau kỳ thi: "Nấu cơm, dọn sẵn, chỉ việc ăn cũng không xong!". Một vài học sinh trong phòng thi đã bị bắt quả tang sử dụng "phao thi". Đó là một đề cương đã được giáo viên soạn sẵn trên hai tờ giấy A4. Tất nhiên nó đã "ôm" trọn số câu hỏi kèm đáp án chi tiết.
Mỗi mùa thi về, các trường chỉ đạo giáo viên biên soạn đề cương ôn tập và phát cho học sinh. Hầu hết nhà giáo đều muốn trò được điểm cao và mình hoàn thành chỉ tiêu đã đăng ký đầu năm nên lẽ tất nhiên sẽ bỏ công biên soạn câu hỏi, đáp án, in ấn và phát tận tay học sinh.
Những đề cương ôn tập cuối kỳ, cuối năm ấy là một hình thức ôn luyện khá phổ biến trong hầu hết các bộ môn ở trường phổ thông. Không chỉ giới hạn chủ đề, nội dung bài học, các thầy cô còn vươn dài "cánh tay" giúp học trò trình bày đáp án chỉnh chu, chi tiết.
"Cơm" đã nấu và dọn sẵn lên mâm, việc của trò đơn giản là học và học! Nhiều người bao biện rằng thầy cô thương học trò mới làm vậy và lo lắng trò tự soạn, tự ôn sẽ thiếu sót. Nhưng hỡi ơi, mấy cái đề cương ôn tập soạn sẵn ấy đang làm khổ thầy, hại trò biết bao!
Thay vì tự mày mò tìm hiểu, liên hệ, tổng kết, vận dụng kiến thức, kỹ năng, người học trò giờ đây chỉ có mỗi việc nheo nhéo hỏi đề cương mỗi mùa thi đến. Rồi thì rụt vai lè lưỡi nhìn mấy trang giấy in sẵn, ngáp ngắn ngáp dài nhìn chi chít chữ thẳng, chữ nghiêng, chữ đậm, chữ nhạt.
Trò siêng năng ê a "tụng kinh gõ mõ" cố "nuốt" cho trọn vẹn khối lượng kiến thức của mười mấy môn học. Trò lười biếng thì chẳng cần "ăn", chỉ "hô biến" giấy to thành giấy nhỏ, chữ rõ ràng thành chữ li ti bỏ vào túi, nhét tay áo, kẹp dưới giày... "Xác" phao thi rải rác trên sân trường mỗi mùa thi qua làm lòng người thêm nhức nhối.
Tình trạng học như "vẹt", học bài "tủ" ở tiểu học lại càng thêm tréo ngoe. Thi Tiếng Việt được "khoanh vùng" trong khoảng 3, 4 đề văn. Bài văn mẫu cũng được cô giáo cung cấp và con trẻ chỉ việc học thuộc, tập viết vài lần và vào thi chép lại theo trí nhớ là xong. Các môn thuộc bài thì học từng đoạn văn, chẳng sót dấu chấm, dấu phẩy và nhớ cả chữ viết hoa, viết thường. Đáng buồn thay!
Thế nào là kỹ năng tự học và tự sáng tạo của học sinh? Thế nào là phát huy năng lực của người học?... Tất cả đang bị bào mòn vì những cái đề cương ôn tập được người thầy soạn sẵn, làm thay. Tất cả đang bị thui chột vì cách học và thi nặng về kiểm tra kiến thức. Và tất cả đang bị "quay" trong "cái vòng kim cô" của áp lực chỉ tiêu, thành tích!
Cách thức kiểm tra nặng về kiến thức lâu nay vẫn chưa được cải thiện là bao. Bao nhiêu môn học ở phổ thông vẫn đang coi trọng việc kiểm tra khả năng ghi nhớ của học sinh, chỉ cần "gạo" bài đã in sẵn trên mấy tờ đề cương ấy là hiển nhiên đạt điểm cao. Thế thì giấc mơ dạy học phát triển năng lực người học, tăng tính thực hành, ứng dụng hẳn là còn mãi xa vời...
Không phải người thầy không thấy tình trạng tréo ngoe giữa lý thuyết giáo dục và thực tế thi cử, càng không phải không nhận ra sự nguy hại của mấy cái đề cương in sẵn, phô tô hàng loạt ấy. Nhưng chỉ tiêu về chất lượng bộ môn đã đăng ký đầu năm, thầy đành dạy những gì liên quan đến thi cử, buộc phải hì hục biên soạn đề cương cho trò thôi.
Bao giờ sự học mới thật sự đổi thay? Bao giờ người thầy thoát khỏi cái "gông" chỉ tiêu để thật sự vẫy vùng với sự sáng tạo, thăng hoa trong bài dạy? Bao giờ trò chấm dứt mục đích học vì điểm số, thành tích mà tiến tới học để hiểu biết, trải nghiệm, vận dụng?
Những tờ đề cương chi tiết, đầy đủ đáp án của chúng ta đang vô tình làm hư trò đó, thầy cô ơi!
Thùy Mai
Theo Dân trí
Học sinh phải kiểm tra lại vì nghi vấn lộ đề Đề cương ôn tập môn sinh khối 12 ở trường THPT Đông Hà (Quảng Trị) có nhiều câu giống đề kiểm tra chung, buộc học sinh phải kiểm tra lại. Ngày 29/3, toàn bộ học sinh khối 12 trường THPT Đông Hà (Quảng Trị) phải làm lại bài kiểm tra chung một tiết môn Sinh học, do nghi vấn bài kiểm tra vào...