Bản đồ tư duy khơi gợi năng lực tự học Hóa học
Bản đồ tư duy bài công nghiệp silicat
GD&TĐ – Thầy Nguyễn Ngọc Duy (Trường Đại học Tây Bắc) chia sẻ kinh nghiệm sử dụng bản đồ tư duy (BĐTD) trong dạy học Hoá học phần Hoá học vô cơ lớp 11 THPT để phát triển năng lực tự học cho học sinh.
Hướng dẫn học sinh làm quen với BĐTD
Thầy Duy chia sẻ: Để giúp học sinh làm quen với BĐTD và cách thiết lập, giáo viên cần trình bày nội dung bài dạy dưới dạng BĐTD để học sinh hình dung được cách ghi chép nội dung bài học dưới dạng bản đồ.
Từ chủ đề của bài học, giáo viên nêu các câu hỏi định hướng nội dung bài học và vẽ các nhánh cấp 1 của BĐTD.
Sau đó giáo viên triển khai các hoạt động học tập tổ chức cho học sinh tìm hiểu các nội dung của từng nhánh (đọc tài liệu, trả lời câu hỏi, quan sát thí nghiệm, nêu nhận xét…), giáo viên tóm tắt các nhận xét rút ra từ học sinh và điền vào các nhánh của BĐTD. Kết thúc các hoạt động là BĐTD hoàn chỉnh về nội dung bài học.
Qua đó, giáo viên kết hợp giới thiệu về cách trình bày một nội dung hoặc chủ đề dưới dạng BĐTD và yêu cầu học sinh về nhà học bài và thiết kế lại BĐTD theo cách của mình.
Video đang HOT
Giáo viên cũng có thể tiến hành bài dạy theo giáo án đã thiết kế và sử dụng BĐTD ở khâu củng cố bài học. Giáo viên sử dụng hệ thống câu hỏi để yêu cầu HS nhớ lại các nội dung chính của bài học.
Từ các câu trả lời của học sinh, giáo viên tóm tắt nội dung bài học dưới dạng BĐTD và hướng dẫn học sinh về nhà ôn bài và tự thiết lập lại BĐTD này một cách chi tiết.
Với bài luyện tập, khi hệ thống kiến thức cần nhớ, giáo viên cần yêu cầu học sinh ôn lại các kiến thức cơ bản của chủ đề bài học ở nhà.
Trong giờ ôn tập, giáo viên nêu chủ đề ôn tập, tổ chức cho các
nhóm học sinh thảo luận trả lời các câu hỏi trong phiếu học tập về từng nội dung của bài.
Khi học sinh trình bày về nội dung của nhóm mình, giáo viên chỉnh lí và ghi tóm tắt thành một nhánh của BĐTD. Kết thúc phần trình bày của các nhóm được giáo viên thể hiện trong một BĐTD hoàn chỉnh, đồng thời kết hợp giới thiệu về cách thiết lập và trình bày nội dung chủ đề trong BĐTD.
Tổ chức cho học sinh tham gia vào quá trình thiết lập và trình bày BĐTD
Sau khi giúp học sinh làm quen với BĐTD, giáo viên tổ chức cho học sinh tham gia vào quá trình thiết lập và trình bày nội dung theo
BĐTD bằng các hoạt động học tập như: Tổ chức cho học sinh hoạt động củng cố bài học bằng BĐTD.
Giáo viên yêu cầu học sinh nêu các nội dung chính của bài học, phân công mỗi nhóm tóm tắt một nội dung và thể hiện một nhánh của BĐTD.
Các nhóm trình bày nội dung các nhánh và ghép lại thành BĐTD nội dung của bài học. Giáo viên cũng có thể đưa ra BĐTD “câm” chỉ có chủ đề bài học các nhánh của các tiểu chủ đề, chưa có các từ khoá hoặc hình ảnh mô tả nội dung.
Yêu cầu học sinh dựa vào các thông tin của bài học điền các từ khoá hoặc hình ảnh vào các nhánh của BĐTD.
Với bài ôn tập, giáo viên có thể sử dụng BĐTD “câm” yêu cầu học sinh chuẩn bị ở nhà.
Khi hướng dẫn học sinh chuẩn bị cho bài ôn tập, luyện tập, giáo viên nêu chủ đề ôn tập, các nội dung chính của bài ôn tập và khung BĐTD “câm”, yêu cầu học sinh ôn lại kiến thức và hoàn thiện BĐTD.
Đến giờ ôn tập, giáo viên tổ chức cho các nhóm học sinh trao đổi về phần chuẩn bị của cá nhân, thống nhất các nội dung thành BĐTD của nhóm.
Yêu cầu một số nhóm trình bày BĐTD của nhóm mình và các nhóm khác bổ sung nhận xét. Giáo viên cần yêu cầu học sinh nhận xét cả về nội dung, cách trình bày (màu sắc, phân bố các nhánh, hình ảnh, từ ngữ….) thể hiện tính nghệ thuật và sáng tạo của các nhóm.
Như vậy, từ các hoạt động học tập có sự hỗ trợ, chia sẻ của học sinh trong nhóm, sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh chủ động tham gia vào quá trình hệ thống kiến thức, trình bày chúng một cách logic sẽ giúp các em có được phương pháp học tập độc lập, tích cực và từ đó năng lực tự học dần được phát triển.
Tổ chức cho học sinh độc lập thiết kế BĐTD trong hoạt động tự học
Khi HS đã được làm quen và tham gia vào các hoạt động thiết lập BĐTD thì giáo viên cần tổ chức cho học sinh tự thiết lập BĐTD theo khả năng sáng tạo của mình.
Với bài ôn tập, luyện tập, giáo viên nêu chủ đề ôn tập bằng câu hỏi khái quát và yêu cầu học sinh về nhà ôn tập, hệ thống kiến thức bằng BĐTD.
Trong giờ ôn tập, giáo viên yêu cầu học sinh hệ thống kiến thức cần nhớ và trình bày dưới dạng BĐTD đã chuẩn bị, giáo viên nhận xét, đánh giá và chỉnh lí.
Với các bài nghiên cứu kiến thức mới mà có một số nội dung tách biệt nhau (như bài phân bón hóa học, công nghiệp silicat…), giáo viên nêu chủ đề, nội dung chính, câu hỏi định hướng, yêu cầu các nhóm học sinh tự đọc tài liệu, tóm tắt nội dung dưới dạng BĐTD và trình bày.
Với mỗi nhánh, giáo viên nên phân công cho 2 nhóm chuẩn bị, yêu cầu một nhóm trình bày, một nhóm nhận xét, đánh giá, bổ sung. Giáo viên chỉnh lí và hoàn thiện BĐTD của toàn bài rồi tổ chức cho HS vận dụng kiến thức để giải một số bài tập có liên quan.
Thay vì tổ chức cho học sinh thực hiện giờ học theo cách truyền thống, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh tự thiết lập và trình bày nội dung bài học dưới dạng BĐTD để tạo điều kiện cho học sinh thể hiện năng lực thu nhận, xử lí thông tin, trình bày nội dung học tập một cách logic, sáng tạo và giúp học sinh tự tin hơn.
Giáo viên cần khuyến khích, động viên học sinh thể hiện sự sáng tạo, ý tưởng riêng của mình qua BĐTD và từ đó, giáo viên có thể đánh giá được năng lực của học sinh một cách đầy đủ và chính xác.
Theo GD&TĐ