Bản đồ ẩm thực: Bánh cáy thức quà nức tiếng quê lúa Thái Bình
Sự hòa quyện giữa các nguyên liệu truyền thống giúp cho bánh cáy Thái Bình mang một hương vị rất riêng. Đó là vị ngọt thanh vừa phải của mạch nha, thơm của đậu phộng, mè rang hòa quyện cùng vị béo thơm của xôi, cơm dừa và thoáng chút cay nhẹ từ gừng.
Ghé thăm “quê hương 5 tấn” (*) , du khách sẽ bị thu hút bởi những cánh đồng lúa bát ngát, thẳng cánh cò bay cũng như những món đặc sản không chỉ ngon mà còn bắt mắt. Bên cạnh những món ăn nổi tiếng như nem chạo Vị Thủy, canh cá Quỳnh Côi, bún bung, bánh giò Bến Hiệp… bánh cáy làng Nguyễn cũng là đặc sản nổi tiếng mỗi khi nhắc về Thái Bình.
Ở tỉnh thành này có nhiều nơi làm bánh cáy nhưng nổi tiếng nhất vẫn là làng Nguyễn, thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình với hơn 200 năm lưu truyền và phát triển bánh cáy. Theo báo Thái Bình, sở dĩ, gọi là bánh cáy bởi do khi xưa lúc dâng bánh lên vua Lê Hiển Tông, vua trông giống trứng cáy nên đặt là bánh cáy. Bánh còn có tên gọi khác là bánh tiến vua vì có thuyết nói rằng do bánh thơm ngon nên được quan chức địa phương Thái Bình chọn làm vật phẩm dâng vua.
Mới thoáng nghe qua tên, nhiều người thường lầm tưởng món bánh này được làm từ con cáy ngoài biển. Thực tế, bánh có nguyên liệu chính là nếp cái hoa vàng kết hợp cùng với đậu phộng, mè, gấc, mỡ heo, vỏ quýt… tạo nên thứ bánh quê dân dã, vừa béo lại vừa bùi.
Video đang HOT
Đây là loại bánh được làm khá công phu, cầu kỳ từ chính nguyên liệu đến cách chế biến. Theo đó, bánh đúng chuẩn thì khâu chuẩn bị phải bắt đầu trước nửa tháng bằng việc ướp mỡ heo với đường. Ngoài ra, mỗi loại phụ liệu sẽ có cách xử lý riêng. Nếp cái hoa vàng lựa chọn kỹ càng, chia làm ba phần: hai phần nấu xôi còn một phần làm bỏng (nẻ).
Trong đó, một nửa nếp đồ với gấc để xôi có màu đỏ và nửa còn lại đồ với nước của quả dành dành để tạo màu vàng tươi. Sau đó, trộn hai loại lại với nhau và giã nhuyễn, ép dẻo, xắt hạt lựu rồi đem phơi khô. Tiếp đó, dùng mạch nha để giúp cho các loại nguyên liệu liên kết với nhau rồi hâm nóng trên chảo. Cuối cùng, múc vào khuôn gỗ đã bỏ sẵn mè.
Với hương vị độc đáo, hấp dẫn lại dễ bảo quản nên bánh cáy là lựa chọn ưu tiên để làm quà dành tặng cho người thân mỗi khi du lịch Thái Bình. Đó cũng là lý do giúp bánh cáy trở nên thân thuộc không chỉ với người dân trong nước mà còn cả bạn bè quốc tế. Bánh cáy là thức quà bình dị, nồng đậm tinh hoa của đất trời nơi đây và gắn bó sâu nặng với lịch sử, văn hóa cũng như đời sống của người dân Thái Bình.
Khi thưởng thức miếng bánh cáy được tặng bởi người bạn Thái Bình, người viết cảm nhận được sự hòa quyện hương vị dẻo thơm, ngậy, bùi của những nguyên liệu mộc mạc chốn đồng quê. Không những thế, dường như ẩn sau mỗi miếng bánh là cả quá trình tỉ mẩn làm bánh cùng tấm chân tình đối với quê hương của người dân làng Nguyễn cùng được khắc họa rõ nét hơn.
Gỏi bưởi Tân Triều, món quà quê giữa chốn thành thị
Là vùng quê thuộc huyện Vĩnh Cửu, làng bưởi Tân Triều thu hút nhiều du khách ghé thăm bởi nơi đây có trồng nhiều giống bưởi. Từ đó, gỏi bưởi Tân Triều đã trở thành một trong những đặc sản của tỉnh nhà Đồng Nai.
Theo trang web tintucdongnai, làng bưởi Tân Triều trồng nhiều giống bưởi để phục vụ đa dạng nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng. Cụ thể, giống bưởi xiêm, bưởi long cho vị ngọt đặc trưng nhưng trái khá nhỏ; bưởi thanh thì nước nhiều; bưởi ổi trái nhỏ, để lâu vẫn mọng nước; còn bưởi đường vừa ngọt vừa thơm.
Dù bưởi nhiều tỉnh, thành khác vẫn có trồng nhưng có lẽ do phù sa ven sông Đồng Nai bồi đắp mà bưởi nơi đây được đánh giá ngon hơn. Và với lợi thế này, người dân Tân Triều đã sáng tạo ra nhiều món ăn, thức uống như gà hấp bưởi, nem bưởi, gỏi bưởi, chè bưởi, rượu bưởi... Trong đó, gỏi bưởi được nhắc đến đầu tiên khi giới thiệu về văn hóa ẩm thực nơi đây.
Hơn thế nữa, món ăn này còn vươn mình đến các cuộc thi ẩm thực địa phương. Kết quả là tỉnh Đồng Nai đoạt giải Nhất hội thi "Món ngon phương Nam" tổ chức năm 2012 với món gỏi bưởi. Trước đó một năm, gỏi bưởi cũng vinh dự đoạt giải Nhất hội thi này.
Tìm hiểu về thành phần gỏi bưởi, một thợ nấu món này cho hay, ngoài thịt bưởi thì gỏi bưởi còn có tôm luộc lột bỏ vỏ, thịt ba chỉ heo thái lát, ngó sen, đậu phộng, mè rang, ớt... Thế là với những nguyên liệu kể trên thì nó khá giống với gỏi ngó sen, món khai vị thường thấy trong mỗi bữa tiệc.
Tuy nhiên, gỏi bưởi cũng có những nguyên tắc riêng để món ăn chuẩn vị. Cụ thể, bưởi chọn làm gỏi phải là giống bưởi đường cho độ ngọt, thơm vừa phải. Tôm thì phải tươi và lột bỏ vỏ chỉ giữ lại thịt tôm rồi đem hấp chín. Thịt ba chỉ heo sau luộc, xắt lát mỏng vừa ăn. Rồi cứ thế, cho tất cả nguyên liệu vào vỏ bưởi đã nạo ruột rồi trộn đều cùng nước mắm, ít gia vị khác đến khi mọi thứ thấm đều nhau.
Là tín đồ hảo món gỏi, người viết có dịp thử qua món ăn và rất ưng ý về vẻ ngoài cũng như chất lượng gỏi bưởi. Cụ thể, ẩn sau vẻ ngoài đầy sắc màu thì sự hòa quyện giữa vị cay, chua, mặn, ngọt cộng thêm chút the đắng hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho thực khách.
Trong hành trình du lịch tại Đồng Nai, sau khi thăm thú khu du lịch Bửu Long, thác Giang Điền, khu du lịch Bò Cạp Vàng thì mọi người nên dành chút thời gian để thăm làng bưởi đầy thú vị này.
Gỏi cá Nam Ô nức tiếng Đà Nẵng Nam Ô là một làng chài nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, nơi từng nổi tiếng với nghề làm nước mắm đã có truyền thống lâu đời và còn được biết đến với món gỏi cá đã thành thương hiệu ẩm thực dân gian. Gỏi cá Nam Ô đã trở thành...