Bài toán bù lỗ khi thi đã có lời giải?
(PL&XH) – Kết thúc 4 ngày tổ chức thi và coi thi kỳ thi THPT quốc gia với nhiệm vụ “kép”: Xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Kỳ thi kép với lượng thí sinh được giảm tải rất nhiều so với những năm trước cho các trường ĐH, đồng thời với sự hỗ trợ kinh phí từ các Bộ liên quan, các trường dường như không phải lặp lại bài toán “bù lỗ” tuyển sinh nữa.
Cùng thời điểm này hàng năm các trường ĐH, CĐ đang phải lo công tác tuyển sinh rất vất vả với đủ mọi việc từ A đến Z. Nếu muốn chủ động nguồn tuyển, các trường ĐH phải tổ chức thi, theo hình thức “3 chung”, vì kỳ thi tốt nghiệp kết thúc trước đó một tháng không có ý nghĩa gì với công tác tuyển sinh ĐH.
Kịch bản hàng năm của thi và tuyển sinh ĐH sẽ là: Từ sau Tết Nguyên đán, các trường phải liên hệ thuê địa điểm, sau đó đến lúc gần thi, từ cán bộ coi thi, chấm thi, công tác chuẩn bị thi cho thí sinh đều phải thực hiện. Lượng thí sinh “ảo” có năm lên đến 50%, khiến nhiều trường ĐH đau đầu bài toán “bù lỗ” vì kinh phí bỏ ra cho số hồ sơ đăng ký cao, nhưng số thí sinh thực đến thi lại thấp. Trường nào càng đông thí sinh, càng lo sợ nguy cơ bù lỗ. Tiết lộ từ một số trường cho biết: Có những năm con số bù lỗ lên đến hơn 300 triệu đồng. Nhưng chấp nhận bù lỗ để có nguồn tuyển là điều đương nhiên.
Video đang HOT
Các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: P.T
Những năm gần đây nhất của thi “3 chung”, mặc dù Bộ Tài chính có cấp kinh phí hỗ trợ cho các trường mức nhất định để bù số chi phí chuẩn bị điều kiện dự thi cho thí sinh, nhưng con số ấy không đáng là bao.
Tuy nhiên, mọi chuyện của năm nay đã khác trước. Một trong những thuận lợi lớn nhất khi tiến hành tổ chức thi THPT quốc gia năm 2015 được các trường ghi nhận là: Sự chung tay của chính quyền, Sở Giáo dục, các trường ĐH khu vực. Thay vì phải lo hết các việc, các trường ĐH cụm trưởng chỉ tập trung vào làm phần việc chuyên môn quan trọng nhất: Tổ chức coi thi và chấm thi.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi, cụm thi số 3 thì: “Nếu mọi năm phải đi thuê địa điểm thi rất vất vả, thì năm nay việc này đã có Sở GD&ĐT làm giúp. Thêm vào đó, các lực lượng an ninh, y tế và các trường ĐH bạn rất sẵn lòng trong việc hỗ trợ địa điểm tổ chức thi. Năm nay, các em học sinh không phải thi ở những phòng thi bàn ghế dành cho học sinh tiểu học, THCS nữa, tất cả điểm thi là ở các trường ĐH, CĐ”.
Điều đáng nói nữa là các cụm thi được hỗ trợ về kinh phí trước thời điểm kỳ thi diễn ra. Điều này giúp các trường khắc phục được những khó khăn tài chính và dường như đã chấm dứt bài toán lỗ nhiều năm khi thi “ba chung”.
TS Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo, Ủy viên thường trực Hội đồng thi trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Một điểm thuận lợi trong khi tổ chức kỳ thi năm nay là chúng tôi được hỗ trợ về kinh phí. Mọi năm ĐH Công nghiệp là một cụm thi đông thí sinh với khoảng 40.000 đến 50.000 thi sinh, nhưng năm nay, con số dự thi chỉ là 13.000. Áp lực thi đã giảm rất nhiều, tỷ lệ dự thi cao (luôn trên 97% mỗi môn) tức là số “ảo” ít, lại được hỗ trợ kinh phí nên chúng tôi đã có ước tính sơ bộ là có thể năm nay thi tuyển sinh sẽ không phải bù lỗ. Mặc dù những tính toán cụ thể thì sau kỳ thi mới tổng kết được”.
PGS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi cũng cho rằng: “Những tính toán cụ thể về tài chính phải sau thi mới tổng kết được, các trường có phải bù lỗ hay không còn phải chờ kỳ thi kết thúc, nhưng rõ ràng hỗ trợ về ngân sách trước khi kỳ thi diễn ra đã giúp ích rất nhiều cho các cụm thi trong việc chủ động tổ chức coi thi và chấm thi”.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng công tác HSSV trường ĐH Bách khoa, cụm thi số 1 cho biết: “Sự hỗ trợ kịp thời về kinh phí theo nguồn ngân sách đã khiến cho khâu chuẩn bị thi của nhà trường chủ động và có những cơ sở thi tốt. Còn hiệu quả của sự hỗ trợ này như thế nào thì sau đợt thi này mới có thể nói cụ thể hơn được”.
Bà Dương Giáng Thiên Hương, Phó trưởng phòng Hành chính tổng hợp, trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói: “Với kinh nghiệm làm thi lâu năm, chúng tôi đã hết sức chú ý chuẩn bị các điều kiện dự thi tốt nhất cho thí sinh. Được hỗ trợ về kinh phí là một thuận lợi, nhưng chúng tôi luôn xác định rằng: Kể cả không có nguồn hỗ trợ ấy thì khi được giao nhiệm vụ là một cụm thi, chúng tôi cũng phải làm mọi công việc cho khâu tổ chức coi thi và chấm thi một cách tốt nhất có thể”.
Khác với kỳ thi ĐH hàng năm với lượng “ảo” còn cao, kỳ thi THPT năm nay ghi nhận số thí sinh thực thế đến dự thi luôn ở mức 95% trên toàn quốc. Lượng “ảo” giảm, cộng với chính sách kinh phí hợp lý sẽ khiến các trường ĐH thoát khỏi bài toán lỗ tuyển sinh kéo dài. Ngoài giảm áp lực thi cho thí sinh và các TP lớn, phương thức thi mới này cũng giảm áp lực tài chính cho các trường.
Theo PL&XH