Bài tập cải thiện sức khỏe cho người mắc hội chứng Marfan
Hiện tại vẫn chưa có biện pháp chữa trị nào có thể điều trị khỏi hội chứng Marfan mà chỉ giảm bớt tác động không tốt của bệnh lên các cơ quan.
Do đó, ngoài các biện pháp dùng thuốc và các can thiệp y học, các bài tập vận động, xoa bóp bấm huyệt cũng đóng một vai trò rất tích cực trong quá trình điều trị.
1. Tác dụng của các bài tập vận động với người mắc hội chứng Marfan
Hội chứng Marfan là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết. Mô liên kết có mặt ở khắp cơ thể nên hội chứng này ảnh hưởng đến chức năng của rất nhiều cơ quan, đặc biệt là tim, mạch máu, mắt, xương.
Các bài tập vận động có thể tăng cường sức khỏe hệ tim mạch, từ đó giúp giảm các tác động xấu của hội chứng Marfan lên tim và mạch máu. Đây là hai cơ quan thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ hội chứng Marfan.
Một số bài tập vận động nhẹ nhàng giúp duy trì sự linh hoạt, khả năng hoạt động, vận động của người bệnh.
Phổi cũng là một cơ quan thường bị ảnh hưởng bởi hội chứng Marfan. Các bài tập cho hệ hô hấp cũng góp phần giảm các biến chứng ở phổi và hệ hô hấp.
Các bài tập còn góp phần cải thiện tâm trạng của người bệnh, giúp người bệnh thư giãn, lạc quan hơn, từ đó có một sức khỏe tinh thần tốt hơn.
Việc xoa bóp bấm huyệt cũng là cách giúp tăng cường khả năng vận động, lưu thông khí huyết, hỗ trợ cho hệ tim mạch, hệ hô hấp, giảm đau cho người có hội chứng Marfan.
2. Một số bài tập cho người mắc hội chứng Marfan
2.1. Đi bộ nhẹ nhàng
Đi bộ nhẹ nhàng là bài tập đơn giản và tương đối an toàn với người mắc hội chứng Marfan. Đi bộ nhẹ nhàng giúp người bệnh cải thiện hệ tim mạch, duy trì khả năng sinh hoạt mà không gây căng thẳng quá mức cho hệ xương khớp.
Mỗi ngày, tùy thuộc vào tình hình sức khỏe người bệnh có thể đi bộ nhẹ nhàng trong 30 phút đến 1 giờ, không nên đi quá nhanh và nên giữ tốc độ ổn định.
2.2. Bơi lội
Bơi lội là môn giúp người có hội chứng Marfan tăng cường sức khỏe tim mạch, cơ bắp và sự linh hoạt của khớp mà không tạo áp lực lớn lên cơ thể.
Người có hội chứng Marfan có thể bơi lội nhẹ nhàng, theo khả năng của bản thân và không nên bơi quá nhanh, thời gian quá lâu hay tham gia các cuộc thi có áp lực cao.
Bơi lội tốt cho người mắc hội chứng Marfan.
2.3. Một số bài tập yoga nhẹ nhàng tốt cho người mắc hội chứng Marfan
Yoga là một phương pháp nhẹ nhàng mà hiệu quả để cải thiện sự linh hoạt, giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe với người có hội chứng Marfan.
Người có hội chứng Marfan có thể lựa chọn một số tư thế tập luyện nhẹ nhàng phù hợp với khả năng của mình như tư thế trái núi, tư thế cái cây, tư thế con mèo – con bò, tư thế em bé…
Cách thực hiện tư thế trái núi:
Đứng với ngón chân cái chạm vào nhau và gót chân hơi tách ra.
Nâng và dang rộng các ngón chân rồi hạ chúng xuống thảm, đảm bảo các ngón chân bám chắc thảm.
Căn chỉnh đầu, vai, hông và mắt cá chân thành một đường thẳng.
Thả lỏng cánh tay ở hai bên, lòng bàn tay hướng về phía trước.
Nhìn thẳng về phía trước. Hít thở đều.
Cách thực hiện tư thế cái cây:
Bắt đầu với tư thế đứng thẳng trên sàn.
Dồn trọng lượng vào chân phải và nhấc chân trái lên khỏi mặt đất. Cong đầu gối trái và mở sang bên trái.
Đặt lòng bàn chân trái vào đùi trên chân phải, tránh đặt chân vào đầu gối.
Tập trung vào một điểm cố định trước mặt để giữ thăng bằng trong thời gian dài hơn.
Video đang HOT
Để tăng thử thách giữ thăng bằng, hãy chắp tay và giơ lên qua đầu.
Giữ tư thế trong năm nhịp thở trước khi đổi bên.
Cách thực hiện tư thế cái cây, tốt cho người mắc hội chứng Marfan.
Cách thực hiện tư thế cái cây.
Cách thực hiện tư thế con mèo – con bò:
Bắt đầu bằng tư thế chống tay và đầu gối với cổ tay ngay dưới vai và đầu gối ngay dưới hông.
Đặt cẳng chân và đầu gối rộng bằng hông. Giữ đầu ở vị trí trung lập và mắt nhìn xuống dưới.
Bắt đầu bằng cách chuyển sang tư thế con bò: Hít vào và hạ bụng hướng xuống phía dưới đồng thời nâng cằm và ngực lên, mắt nhìn hướng lên.
Tiếp theo, chuyển sang tư thế con mèo: Khi thở ra, kéo rốn về phía cột sống và cong lưng lên phía trần nhà. Tư thế này trông giống như một con mèo duỗi lưng.
Thả đỉnh đầu về phía sàn, nhưng không ép cằm vào ngực.
Hít vào, trở lại tư thế con bò, sau đó thở ra khi bạn trở lại tư thế con mèo.
Lặp lại 5-20 lần, sau đó nghỉ ngơi bằng cách ngồi trên gót chân với thân mình thẳng đứng.
Cách thực hiện tư thế em bé:
Bắt đầu bằng tư thế ngồi quỳ gối xuống thảm tập. Mông đặt lên phần gót chân.
Mở rộng hông và đầu gối, gập người về phía trước giữa hai đùi, hai tay duỗi thẳng trước mặt và lòng bàn tay úp xuống thảm hoặc đặt hai tay xuôi theo thân. Chú ý đầu và ngón chân phải chạm sàn, thả lỏng vai và gáy.
Giữ tư thế trong 30 giây đến 1 phút hoặc hơn tùy theo khả năng.
Cách thực hiện tư thế em bé.
Nên tránh các tư thế có cường độ cao như tư thế chiến binh 3, tư thế con quạ, tư thế trồng chuối, tư thế bồ câu bay…
2.4. Bài tập thở sâu
Bài tập này được thực hiện bằng cách người bệnh hít vào chậm, sâu, tập trung tâm trí vào việc hít vào rồi thở ra từ từ. Đây là bài tập giúp cải thiện khả năng thở, giảm căng thẳng và tăng cường chức năng phổi, hệ hô hấp cho người có hội chứng Marfan.
2.5. Bài tập thiền định
Thiền định được chứng minh là một phương pháp có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Người có hội chứng Marfan có thể duy trì việc thiền định hằng ngày. Không chỉ giúp cải thiện tinh thần, đây còn là phương pháp hỗ trợ cả về mặt thể chất đối với người bệnh.
Thiền định giúp người có hội chứng Marfan giảm căng thẳng, lo âu, cải thiện khả năng tập trung, hỗ trợ giảm đau, hỗ trợ điều hòa huyết áp và chức năng tim mạch, cải thiện chất lượng giấc ngủ… Người có hội chứng Marfan có thể kết hợp thiền định với bài tập thở sâu, và thư giãn cơ bắp.
2.4. Xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt có tác dụng rất lớn đối với người có hội chứng Marfan. Người bệnh có thể tự xoa bóp thư giãn hoặc nhờ sự giúp đỡ của người xung quanh.
Có thể xoa bóp toàn thân cho người bệnh, tập trung vào các vùng như tay chân và đặc biệt là vùng lưng, ngực. Việc xoa bóp vào các vùng này sẽ giúp giảm đau, tăng khả năng vận động, duy trì sự linh hoạt, hỗ trợ quá trình thở, cải thiện chức năng hô hấp, cải thiện tuần hoàn máu cho người bệnh.
3. Lưu ý khi vận động với người có hội chứng Marfan
Người mắc hội chứng Marfan cần lựa chọn các môn tập và bài tập phù hợp với trạng thái sức khỏe và tình trạng bệnh của mình, chỉ nên tập các bài tập an toàn và có lợi cho bản thân.
Người có hội chứng Marfan có thể chơi một số môn thể thao như đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng, đi xe đạp, chơi bowling… không nên tập các bài tập quá gắng sức và nên tránh các môn hoạt động thể lực mạnh như cử tạ, leo núi, các môn đối kháng…, các môn này có thể gây thêm tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể.
Các bài tập nên được thông qua bởi bác sĩ hoặc chuyên gia y tế, và được thực hiện dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên có chuyên môn.
Người bệnh cần tự theo dõi cơ thể mình, dừng ngay các bài tập nếu cảm thấy mệt mỏi, đau hoặc khó thở.
6 bài tập thở tốt cho tim mạch vào mùa lạnh
Thực hiện các bài tập thở này một cách thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, đặc biệt có lợi cho những người bị huyết áp cao hoặc có nguy cơ đau tim.
Thời tiết lạnh khiến các mạch máu co lại và có thể ảnh hưởng đến tim mạch, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, đau tim và đột quỵ. Để bảo vệ và phòng ngừa các bệnh tim mạch, mọi người nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và có thể thực hiện một số bài tập thở tốt cho tim.
1. Hít thở có lợi gì cho tim mạch?
Hít thở, đặc biệt là hít thở sâu là một hình thức tập thể dục có thể mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho sức khỏe tim mạch.
Các bài tập thở mạnh và có chủ đích có thể khiến tim và phổi phải làm việc nhiều hơn một chút. Điều này là do hệ thống tim mạch và thần kinh có mối liên hệ chặt chẽ, theo đó các vùng não điều khiển và điều chỉnh nhịp tim và huyết áp của bạn sẽ liên kết chặt chẽ với các vùng não điều chỉnh các kiểu thở của bạn.
Khi bạn hít vào thật sâu và tập trung khiến phổi nở ra, sự thay đổi về áp suất và thể tích không khí cũng khiến áp suất và thể tích trong buồng tim và mạch máu thay đổi. Những thay đổi trong buồng tim và mạch máu có thể khiến mạch máu giãn nở, nhờ các tế bào nội mô. Các tế bào nội mô lót các mạch máu của bạn và các tế bào này thúc đẩy sản xuất oxit nitric.
Khi cơ thể bạn sản xuất nhiều oxit nitric hơn thì lưu lượng máu đến tim và khắp cơ thể tăng lên. Đổi lại, lưu lượng máu tăng cao có thể cải thiện lưu thông máu tổng thể, giảm lưu lượng máu và thậm chí có khả năng ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám gây bệnh tim trong động mạch.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng thực hiện 30 lần hít thở mỗi ngày, như một phần của thói quen tập thở, chỉ trong 6 tuần đã làm giảm huyết áp tâm thu của bệnh nhân khoảng 9 mm thủy ngân (9 mmHg). Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng 6 tuần thực hiện hít thở sâu cũng có thể làm tăng chức năng tế bào nội mô lên tới 45%. Những kết quả này phù hợp với mức độ tập thể dục nhịp điệu có thể làm giảm huyết áp.
Thực hiện 30 lần hít thở mỗi ngày có thể làm giảm huyết áp và có lợi cho tim (Ảnh: ST)
2. 6 bài tập thở tốt cho tim mạch
Dưới đây là 6 bài tập thở tốt cho tim mạch, có thể thực hiện tại nhà và hàng ngày:
- Bài tập thở bằng cơ hoành
Bài tập thở cơ hoành hay còn gọi là thở bằng bụng. Bài tập này giúp thư giãn, cải thiện chức năng cơ trong khi tập thể dục và ngăn ngừa căng thẳng, tăng lượng oxy trong máu, giúp cơ thể bạn dễ dàng thải khí thải ra khỏi phổi hơn, giảm huyết áp, giảm nhịp tim. Bài tập này còn đặc biệt hữu ích cho những người bị hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính.
Cách thực hiện
Có thể ngồi hoặc nằm. Nếu nằm thì bạn nên gối đầu trên gối, đầu gối cong lên
Đặt một tay lên giữa ngực trên và một tay lên bụng, ngay dưới lồng ngực nhưng trên cơ hoành.
Bắt đầu bằng cách hít thở sâu đúng cách, tức là bạn hít một hơi thật sâu qua mũi. Khi bạn hít vào thật sâu, hãy chú ý không khí tràn vào bụng, khiến bụng phồng lên nhưng ngực vẫn phải giữ nguyên. Lúc này tay đặt lên bụng có thể giúp bạn nhận thấy rõ ràng bụng phồng lên khi bạn hít không khí vào phổi.
Sau khi hít một hơi dài và sâu qua mũi, từ từ thở ra qua miệng, để không khí thoát ra ngoài. Lúc này bạn nên cố gắng kéo dài thời gian thở ra dài hơn thời gian hít vào, và trong suốt quá trình, hãy cảm nhận bụng của bạn từ từ hạ xuống khi không khí thoát ra khỏi phổi và miệng, nhưng ngực vẫn phải giữ nguyên.
Mọi người nên thực hành bài tập thở này trong 5-10 phút mỗi lần, khoảng 3 đến 4 lần mỗi ngày.
Bài tập thở bằng cơ hoành (Ảnh: ST)
- Thở bằng cách mím môi
Thở mím môi có thể giúp cải thiện và kiểm soát hơi thở của bạn theo nhiều cách như giảm khó thở bằng cách làm chậm nhịp thở, giữ cho đường thở mở lâu hơn và giúp giảm công thở, cải thiện thông khí bằng cách đưa không khí cũ (carbon dioxide) bị kẹt trong phổi ra ngoài và tạo không gian cho oxy mới, giúp giảm căng thẳng và tốt cho tim mạch.
Cách thực hiện
Ngồi thẳng lưng hoặc nằm xuống và để vai được thư giãn
Hít vào bằng mũi trong 2 giây, lúc này bạn nên lấy hơi sao cho hơi vào bụng
Mím môi như thể bạn đang thổi thức ăn nóng rồi thở ra từ từ, thở ra lâu gấp đôi thời gian hít vào.
Sau đó lặp lại. Theo thời gian, bạn có thể tăng số lần hít vào và thở ra từ 2 giây lên 4 giây.
- Bài tập thở chậm
Bài tập hít thở tốt cho tim tiếp theo là thở chậm. Kỹ thuật thở chậm có liên quan đến việc tăng cảm giác thư giãn, thoải mái, dễ chịu và tỉnh táo đồng thời cũng làm giảm cảm giác lo lắng, trầm cảm, tức giận và bối rối. Đặc biệt, thở chậm giúp kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm. Hệ thống này kiểm soát phản ứng nghỉ ngơi và tiêu hóa của cơ thể, làm chậm nhịp tim và thắt chặt các cơ đường thở để tim và phổi được nghỉ ngơi.
Cách thực hiện
Hít một hơi thật sâu bằng mũi và đếm đến 4. Tạm dừng, sau đó thở ra trong 4 giây
Tiếp theo, hít vào trong 5 giây và thở ra trong 5 giây.
Sau khi đã khởi động cho hai chu kỳ thở, bạn hãy thay đổi kiểu thở sao cho thời gian thở ra từ từ dài hơn thời gian hít vào. Tức là lần sau khi bạn hít vào, hãy hít vào trong 5 giây nữa, nhưng lần này thở ra trong 6 đến 7 giây.
- Bài tập 4-7-8
Bài tập 4-7-8 cũng là một dạng của bài tập thở chậm. Không chỉ là bài tập hít thở tốt cho tim, Theo Webmd, bài tập này còn giúp giảm lo âu, cải thiện giấc ngủ và khả năng tập trung, giảm đau hiệu quả.
Cách thực hiện
Tìm một nơi thoải mái để ngồi hoặc nằm xuống. Đảm bảo thực hành tư thế tốt, đặc biệt là khi mới bắt đầu. Nằm xuống là tốt nhất nếu bạn sử dụng kỹ thuật này để ngủ.
Đặt đầu lưỡi lên vòm miệng, ngay sau răng cửa trên. Bạn sẽ cần giữ nguyên lưỡi trong suốt bài tập.
Thở ra bằng miệng bằng cách mở môi và tạo ra âm thanh rít
Khép môi lại, hít vào bằng mũi trong lúc đó đếm đến 4 giây trong đầu. Bạn không nên đếm quá chậm hoặc quá nhanh.
Sau đó, nín thở trong 7 giây
Thực hiện một lần thở ra rít khác bằng miệng trong 8 giây
Lặp lại quy trình. Thực hiện lại các bước trong ba chu kỳ nữa: Hít vào bằng mũi trong 4 nhịp; nín thở trong 7 nhịp; thở ra bằng miệng trong 8 nhịp.
- Thở luân phiên bằng mũi
Thở luân phiên bằng mũi thường là một phần của bài tập yoga hoặc thiền, đây cũng là bài tập thở tốt cho tim rất dễ thực hiện. Hít thở luân phiên bằng mũi là một kỹ thuật giúp thư giãn cơ thể và tâm trí, giúp điều hòa hơi thở và tăng cường sức mạnh tim mạch.
Cách thực hiện
Ngồi ở tư thế thoải mái, bắt chéo chân
Đặt tay trái lên đầu gối trái
Nâng tay phải lên về phía mũi
Thở ra hoàn toàn rồi dùng ngón tay cái bên phải đóng lỗ mũi phải
Hít vào qua lỗ mũi trái rồi dùng ngón tay đóng lỗ mũi trái. Mở lỗ mũi phải và thở ra qua bên này.
Hít vào qua lỗ mũi phải rồi đóng lỗ mũi này. Mở lỗ mũi trái và thở ra qua bên trái.
Đây là một chu kỳ. Tiếp tục thực hiện trong tối đa 5 phút. Luôn hoàn thành bài tập bằng cách kết thúc bằng cách thở ra ở bên trái.
Thở luân phiên bằng mũi là bài tập thở tốt cho tim rất dễ thực hiện (Ảnh: ST)
- Thở đều
Kỹ thuật thở này tập trung vào việc hít vào và thở ra cùng một lúc và cùng độ dài. Thở đều có thể giúp mang lại sự cân bằng, bình tĩnh và cũng là bài tập thở tốt cho tim có thể thực hiện ở bất kỳ đâu.
Cách thực hiện
Chọn tư thế ngồi thoải mái
Bắt đầu bằng cách hít vào thật sâu, và khi bạn hít vào phổi một cách nhẹ nhàng, hãy đếm chậm đến 5
Dừng lại một lúc, sau đó thở ra, đếm chậm đến 5 một lần nữa và đảm bảo rằng bạn đã thở hết không khí khi đếm xong.
Tiếp tục thực hành hơi thở này trong ít nhất 5 phút.
Trên đây là 6 bài tập thở tốt cho tim mạch vào mùa lạnh. Mọi người có thể thực hiện một cách đều đặn nhưng nếu cảm thấy không thoải mái, khó thở, mệt mỏi khi thực hiện các bài tập này, mọi người nên ngừng tập.
5 lưu ý chăm sóc người cao tuổi mắc viêm phổi tại nhà Khi giao mùa, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn phát triển mạnh và xâm nhập vào hệ hô hấp trong đó có viêm phổi ở người cao tuổi. Hơn nữa, do người cao tuổi có sức đề kháng yếu và các chức năng trong cơ thể đều suy giảm nên dễ khiến mầm bệnh...