Bà Suu Kyi sẽ là ‘thủ tướng’ Myanmar
BBC ngày 31.3 đưa tin các nghị sĩ thuộc đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền ở Myanmar vừa đệ trình dự luật trao cho bà Aung San Suu Kyi chức danh “ cố vấn nhà nước”.
Bà Aung San Suu Kyi hiện phụ trách văn phòng tổng thống cùng 3 bộ ngoại giao, giáo dục, điện và năng lượng – Ảnh: Reuters
Mặc dù NLD giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, nhưng hiến pháp Myanmar do chính quyền quân sự trước đây soạn thảo cấm bà Suu Kyi đảm nhiệm chức vụ tổng thống vì có các con mang quốc tịch nước ngoài.
Vì thế, bà đã chọn tham gia nội các và phụ trách văn phòng tổng thống cùng 3 bộ ngoại giao, giáo dục, điện và năng lượng, sau khi ông Htin Kyaw, một cộng sự thân tín của nữ thủ lĩnh NLD, tuyên thệ nhậm chức tổng thống ngày 30.3.
Dự luật vừa được trình nêu rõ rằng với chức vụ “cố vấn nhà nước”, bà Suu Kyi sẽ có quyền xem xét tất cả các vấn đề then chốt của chính phủ và điều phối các vấn đề liên bộ. “Nó được thiết kế riêng cho Aung San Suu Kyi… Bà ấy sẽ là nhà điều đình giữa mọi tổ chức và bà có thể triệu tập chính phủ và các tổ chức dân sự nhóm họp”, nghị sĩ Aung Kyi Nyunt thuộc NLD, người đề xuất dự luật, nói với Reuters.
Video đang HOT
Trên thực tế, đó là sự kiến lập một vai trò tương tự thủ tướng ở các nước khác. BBC nhận định vai trò mới nói trên có thể là một nỗ lực nhằm bảo vệ thành viên nữ duy nhất của nội các mới khỏi cáo buộc rằng bà đang hành động trái với hiến pháp bằng việc nắm giữ quá nhiều quyền hành. Dự luật này chắc chắn sẽ được thông qua bởi NLD hiện kiểm soát cả hai viện ở quốc hội.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Chính trường Myanmar sang trang
Ngày 30.3, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành nguyên thủ dân sự đầu tiên của nước này trong hơn 50 năm qua.
Nghi thức chuyển giao giữa Tổng thống Htin Kyaw (trái) và Tổng thống mãn nhiệm Thein Sein - Ảnh: Reuters
Ông Htin Kyaw, phụ tá thân tín của thủ lĩnh đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi, tiếp quản chức vụ từ Tổng thống mãn nhiệm Thein Sein và sẽ nắm quyền từ ngày 1.4.
Theo BBC, tại buổi lễ nhậm chức diễn ra tại quốc hội sáng 30.3, ông khẳng định "sẽ trung thành với nhân dân Cộng hòa Liên bang Myanmar" và cam kết cố gắng hết sức mình để thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Hai phó tổng thống Myint Swe và Henry Van Thio cũng đã tuyên thệ nhậm chức cùng với các bộ trưởng trong nội các mới.
Ông Henry Van Thio có quan hệ tốt đẹp với NLD, còn tướng về hưu Myint Swe là một nhân vật gây tranh cãi khi vẫn còn nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây.
Đa số các tân bộ trưởng là người của NLD. Đặc biệt, bà Suu Kyi đóng vai trò một "siêu bộ trưởng" khi cùng lúc phụ trách Văn phòng tổng thống cùng 3 bộ ngoại giao, giáo dục, điện và năng lượng, theo AFP.
Cũng trong ngày 30.3, Myanmar thông báo thành lập Hội đồng an ninh và quốc phòng mới với 11 thành viên và do Tổng thống Htin Kyaw làm chủ tịch. Các thành viên còn lại gồm 2 phó tổng thống, chủ tịch lưỡng viện quốc hội, tư lệnh và phó tư lệnh lực lượng vũ trang, bộ trưởng nội vụ, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng các vấn đề an ninh biên giới. Bà Suu Kyi cũng có chân trong hội đồng này với tư cách Ngoại trưởng.
Cũng trong bài phát biểu 30.3, tân Tổng thống Htin Kyaw nhắc lại quan điểm của NLD là thay đổi hiến pháp năm 2008 do quân đội soạn thảo. "Chúng tôi có nhiệm vụ nỗ lực vì sự ra đời của một bản hiến pháp phù hợp với đất nước và tương thích với những chuẩn mực dân chủ", ông nói.
Trong bản hiến pháp hiện hành có điều khoản cấm người có thân nhân là công dân nước ngoài làm tổng thống. Bà Suu Kyi đã nỗ lực thương thảo với quân đội về sửa đổi hoặc diễn giải lại điều luật này nhưng không thành nên không thể ngồi vào chiếc ghế cao nhất.
Theo giới quan sát, quan hệ giữa NLD và quân đội có vai trò quyết định cho tương lai sắp tới của Myanmar. Có thể thấy ảnh hưởng của giới quân sự trên chính trường vẫn rất bao trùm. Ngoài 25% số ghế trong quốc hội, họ vẫn đảm bảo quyền bổ nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong chính phủ và chiếm phần lớn trong Hội đồng an ninh và quốc phòng, một trong những cơ quan quyền lực nhất nước.
Mới đây, Reuters dẫn lời nhiều tướng lĩnh cấp cao khẳng định quân đội sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ nhưng giờ "chưa phải là lúc họ rời khỏi chính trường".
Ngoài thách thức được xem là lớn nhất này, các vấn đề khác bao gồm tình trạng bị cho là "mập mờ" trong vị thế của bà Suu Kyi và ông Htin Kyaw cũng như giao tranh liên miên giữa quân đội và các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, dư luận quốc tế cũng sẽ chú ý đến số phận người Rohingya mà LHQ xếp vào nhóm dân tộc thiểu số bị ngược đãi nhất thế giới. Người Rohingya không được nhìn nhận ở Myanmar và bà Suu Kyi từng bị chỉ trích về việc hầu như phớt lờ tình trạng bạo lực nhằm vào cộng đồng này.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Quân đội Myanmar duyệt binh, bà Aung San Suu Kyi vắng mặt Quân đội Myanmar ngày 27.3 đã tổ chức cuộc diễu hành hằng năm, nhấn mạnh vai trò trung tâm của lực lượng này trong nước, dù Myanmar sắp chuyển sang một giai đoạn mới dân chủ hơn. Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng NLD và ông Htin Kyaw, người vừa được bầu làm tổng thống không có mặt trong buổi duyệt...