Bà Phạm Khánh Phong Lan: Trường học là đối tượng ưu tiên kiểm tra, giám sát ATTP
Đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh trong trường học phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu, bởi việc này không chỉ giúp các em tránh được nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm mà còn giúp các em phát triển toàn diện.
Chỉ có 2 đơn vị trường học vi phạm ATTP
Thời gian gần đây, tình hình ngộ độc thực phẩm trong trường học xảy ra nhiều với quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, mới đây đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Ischool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khiến hơn 600 học sinh và nhiều giáo viên của trường này phải nhập viện cấp cứu, trong đó có 1 học sinh đã tử vong.
Một bữa ăn bán trú của học sinh tại TP.HCM – Ảnh: PV
TP.HCM là địa phương có số lượng học sinh khá lớn với khoảng 1,7 triệu em trong năm học 2022-2023. Do đó, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong trường học luôn được địa phương này đặt lên ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay, tại các trường học trên địa bàn TP, bữa ăn của học sinh được thực hiện theo 3 hình thức gồm: nhà trường tự nấu, thuê nhà thầu bên ngoài vào trường nấu hoặc đặt suất ăn từ bên ngoài.
Đối với các bếp ăn tập thể do nhà trường tự tổ chức nấu đều được thực hiện quy trình 1 chiều nhằm đảm bảo quy định về ATTP. Theo đó, thực phẩm sau khi nhận sẽ được di chuyển đến khu vực bếp. Tại đây, đại diện Ban giám hiệu nhà trường hoặc nhân viên thực phẩm sẽ tiến hành kiểm tra số lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng trên bao bì.
Sau đó, thực phẩm được đưa vào 2 khu vực (rau củ quả và thịt cá) để rửa sạch. Các nhân viên đầu bếp tiến hành sơ chế rồi di chuyển đến các khu trung chuyển như: khu nấu cơm, khu nấu canh, khu nấu món mặn… Sau khi nấu hoàn chỉnh sẽ đưa về khu vực phân chia cho các lớp. Các suất ăn được che đậy an toàn trước khi dùng xe đẩy đưa đến các lớp. Quá trình di chuyển được giám sát bởi Ban giám hiệu và nhân viên bếp ăn.
Video đang HOT
Những trường học có diện tích rộng, có điều kiện thì tự tổ chức bếp ăn tập thể như thế. Còn những trường có diện tích nhỏ hẹp, không có điều kiện thì hợp tác với các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn bên ngoài. Dù với hình thức nào, các trường vẫn luôn quan tâm và thực hiện nghiêm các vấn đề ATTP để đem lại bữa ăn cho học sinh an toàn, đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp các em phát triển toàn diện.
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, trong năm học 2022-2023 này, đơn vị đã kiểm tra 2.231 cơ sở, trong đó có 1.363 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 122 bếp ăn tập thể hợp đồng, 2 căn tin tự tổ chức, 474 căn tin hợp đồng, 270 đơn vị cung cấp suất ăn sẵn của các trường học trên địa bàn TP và chỉ phát hiện 2 cơ sở vi phạm ATTP.
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh: “Trường học là đối tượng ưu tiên của chúng tôi trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP. Quan điểm của chúng tôi là phòng hơn chống”.
Khuyến khích các trường sử dụng nguồn nguyên liệu đạt chuẩn
Đánh giá về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TP trong năm học 2022-2023, bà Lan cho biết, về mặt thủ tục, giấy tờ pháp lý, đa số các bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học chấp hành khá nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATTP. Hồ sơ pháp lý ở các trường đầy đủ, sắp xếp ngăn nắp, dễ truy tìm. Nguồn nguyên liệu, thực phẩm đầu vào đều có nguồn gốc rõ ràng, chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ thông qua hợp đồng, hóa đơn và năng lực của nhà cung cấp.
Nguồn nguyên liệu thực phẩm tại các trường đa số được lấy tại những đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” (807 cơ sở), hoặc các đơn vị có Giấy chứng nhận ISO, HACCP, VietGap, GlobalGap (670 cơ sở). Người quản lý và người tham gia chế biến có nhận thức tốt về nguyên tắc đảm bảo ATTP trong quá trình chế biến thực phẩm. Các trường có bố trí cán bộ y tế phụ trách công tác ATTP, thực hiện lưu giữ hồ sơ pháp lý, thường xuyên kiểm tra an toàn bếp ăn cũng như góp phần đảm bảo ATTP cho trường.
Tuy nhiên, bà Lan cũng cho biết, một số đơn vị cung cấp suất ăn cho các trường có nơi chế biến đặt ở tỉnh lân cận, ngoài phạm vi quản lý của TP nên việc kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn. Một số trường chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy định về kiểm thực 3 bước theo Quyết định 1246. Một số trường không tổ chức căn tin do quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến tình trạng học sinh sử dụng thực phẩm trước cổng trường nên khó kiểm soát về ATTP…
Để đảm bảo ATTP trong các bữa ăn của học sinh tại trường học trên địa bàn TP, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đề nghị trường học tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, quản lý, người chế biến tại các cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học.
Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát ATTP tại các bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học, và các cơ sở cung cấp suất ăn cho trường học nhằm ngăn ngừa ngộ độc tập thể, sự cố về ATTP, góp phần chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên.
Tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác kiểm tra ATTP các quy định mới về ATTP để thực hiện đồng bộ, thống nhất.
Trao đổi thông tin, kiến nghị các địa phương lân cận kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp suất ăn có nơi chế biến tại địa phương khác cung cấp cho trường.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về ATTP mới có hiệu lực đến các cơ sở, đơn vị trường học trên địa bàn quản lý.
Khuyến khích các trường học, đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học sử dụng nguyên liệu thực phẩm được cung cấp bởi những đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn”, hoặc các đơn vị có Giấy chứng nhận ISO, HACCP.
Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp nhà trường giám sát chất lượng bữa ăn cho học sinh
Ngày 17-10, Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố Kế hoạch công tác y tế trường học năm học 2022-2023, trong đó tập trung hai vấn đề nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú và chăm sóc sức khỏe học sinh.
Cụ thể, năm học 2022-2023, TPHCM đặt mục tiêu 100% trường mầm non và phổ thông công lập thành lập, kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh và "Tổ an toàn Covid-19"; 100% trường học có bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, căng tin không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế và 100% cơ sở giáo dục thực hiện kiểm tra sức khỏe học sinh vào đầu năm học.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục hướng đến mục tiêu 90% trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học, THCS, THPT có nhân viên y tế chuyên trách, có chuyên môn y tế; 90% nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế địa phương.
Trường học phải chủ động theo dõi, tầm soát và phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để được chuyển tuyến điều trị kịp thời.
Về trang thiết bị, các trường phải có phòng y tế riêng, được trang bị tối thiểu 1 giường khám bệnh và lưu bệnh nhân, bàn làm việc, ghế, tủ dụng cụ, thiết bị làm việc thông thường; cân, thước đo, huyết áp kế, nhiệt kế, bảng kiểm tra thị lực, bộ nẹp chân, tay và một số thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định.
Đặc biệt, nhân viên y tế học đường phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp y sĩ trở lên, được thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn y tế thông qua các hình thức hội thảo, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.
Phụ huynh cùng tham dự bữa ăn bán trú với con tại Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1)
Cũng trong năm học này, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở trường học trên địa bàn thành phố bằng nhiều hình thức như tự kiểm tra, thành lập các đoàn kiểm tra quận/huyện, tăng cường kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất...
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, sở này sẽ phối hợp với Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất tại các trường học có bếp ăn, suất ăn công nghiệp, căng tin trường học khi có phản ánh từ báo chí, phụ huynh học sinh.
Về phía nhà trường, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu nhà trường cử cán bộ quản lý, nhân viên y tế trường học tham gia tập huấn công tác an toàn thực phẩm, đồng thời tổ chức bồi dưỡng kiến thức an toàn thực phẩm cho người trực tiếp chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học.
Để tăng hiệu quả quản lý, nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của học sinh; thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân viên, bảo mẫu thực hiện công tác cấp dưỡng, ăn uống cho học sinh trong căng tin, bếp ăn tập thể.
Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, thủ trưởng đơn vị trường học chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại đơn vị và tăng cường dinh dưỡng hợp lý cho học sinh.
Sáng tạo trong công tác giảng dạy ở trường học trên địa bàn vùng khó Sự sáng tạo của các giáo đã giúp cho trường Mầm non Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ luôn duy trì được tỷ lệ chuyên cần ở mức 98-99% trở lên. Đồ dùng dạy học tự chế từ nguyên liệu địa phương Là đơn vị ở vùng biên giới, đặc biệt khó khăn, với 7 điểm trường bản, vừa thiếu cơ sở vật...