Bà giáo già 27 năm dạy chữ không công cho trẻ thiểu năng, lang thang cơ nhỡ
Suốt 27 năm qua bà Nguyễn Thị Côi đã làm công việc mà nhiều người cho là “dở hôi” khi dạy học không công cho những đứa trẻ tăng động, thiểu năng, lang thang cơ nhỡ.
Năm nay đã 79 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Côi – quận Hoàng Mai – TP. Hà Nội vẫn miệt mài làm công việc ươm mầm con chữ cho những đứa trẻ tăng động, thiểu năng trí tuệ và lang thang cơ nhỡ.
Bà Côi nhớ lại, năm 1994 khi công tác xóa mù chữ của TP Hà Nội được phát động bà đã đồng ý giảng dạy cho những đứa trẻ nghèo, lang thang cơ nhỡ trên địa bàn.
Lớp học nhỏ nhưng đầy ắp tình yêu thương của bà Nguyễn Thị Côi (Ảnh: Thu Anh)
Thời ấy, bà là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Ban ngày khi bà đến trường làm công việc của một giáo viên thì lũ trẻ lang thang đứa đi đánh giày, đứa bán báo, đứa làm ô sin thậm chí đi ăn xin. Vậy nhưng khi tối đến bà hiệu trưởng lại lên lớp với những đứa học trò đặc biệt đó.
Sau 9 năm, công tác xoá mù chữ của thành phố kết thúc cũng là lúc bà Côi quen dần với công việc không công buổi tối và bà đã quyết định sẽ tiếp tục duy trì những lớp học đó.
Không có kinh phí duy trì, nhiều đêm bà trằn trọc không ngủ. Sáng ra bà lại chạy vạy ngược xuôi để xin sách vở, bút mực rồi tự bỏ tiền lương của mình ra để mua sách vở cho các em.
Có thời điểm, kinh tế lao đao vì không chỉ lo cho các em mà còn lo cho 5 người con đang tuổi ăn, tuổi học bà phải bươn chải, chắt chiu dành dụm các khoản chi tiêu rồi xoay đủ nghề. Ngoài giáo viên bà làm thêm ruộng, chăn gà chăn vịt, trồng rau nhưng vẫn quyết tâm dạy đến cùng.
Thế rồi cứ năm nay qua năm khác bà đã gắn bó với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng Tổng” đó đã 27 năm.
Để dạy dỗ những đứa trẻ đặc biệt bà giáo Côi phải tận tình, cần mẫn (Ảnh: Thu Anh)
Bà Côi chia sẻ, dạy học cho những đứa trẻ đặc biệt này vất vả hơn rất nhiều so với công việc hàng ngày của bà.
Một buổi học, bà phải kiêm nhiệm vụ của nhiều giáo viên khi vừa dạy tiếng Việt vừa dạy Toán rồi đủ thứ môn. Có những em học chữ “C” mà hàng tuần hàng tháng, thậm chí hàng năm cũng chẳng thuộc, bà phải dạy đi dạy lại, đến bao giờ thuộc và nhận được mặt chữ thì thôi. Có những em học 5 năm phổ thông khi đến với bà cũng chỉ mới bắt đầu học đọc viết, tính toán.
Với những học trò đặc biệt như thế nên bà phải dạy từng em, không em nào giống em nào, cũng không thể nào dạy đại trà như chương trình phổ thông.
Học sinh của bà giáo Côi là những đứa trẻ đặc biệt (Ảnh: Thu Anh)
Em Tùng, 26 tuổi, lớp phó của lớp kể: “Có lần đang trong giờ học có bạn lên cơn động kinh nên bà phải sơ cứu để giúp bạn đó tỉnh lại. Dù bị cào cấu xước cả da nhưng bà đều nói không sao. Em cảm thấy rất vui khi được bà dạy chữ. Bà như người mẹ của em vậy”.
Không chỉ dạy con chữ, bà còn dạy các em ca hát, nhảy múa và một số kỹ năng sống khác như quét nhà, quét sân, nhà vệ sinh rồi đến tắm giặt, phơi quần áo,…
“Với phương pháp học mà chơi, chơi mà học những giờ học của bà Côi luôn sôi nổi và thu hút. Đi học vui lắm. Em yêu cô giáo”, em Quang – một học sinh của bà Côi chia sẻ.
Từng là đứa trẻ ương bướng, không chịu học giờ đây Quang đã trở thành một học trò ngoan, cần mẫn nắn nót viết từng chữ (Ảnh: Thu Anh)
Mỗi một học sinh trong lớp bà đều nắm bắt rõ từ hoàn cảnh gia đình tới tình trạng sức khỏe, khả năng học tập và quá trình phát triển của các em từ khi bắt đầu tới học.
Với những em có khả năng học lên cao, bà viết giấy giới thiệu để được nhận vào trung tâm giáo dục thường xuyên.
“Chẳng mong gì nhiều, bà chỉ muốn những lứa học sinh mình dạy dỗ có thể tự lao động để trở thành những người có ích và nuôi sống được bản thân”, bà Côi tâm sự.
Với 27 năm gắn bó và làm công việc dạy học cho những học trò đặc biệt, tấm lòng của bà Côi không chỉ được nhiều phụ huynh ghi nhận mà còn là câu chuyện ý nghĩa lan tỏa trong xã hội.
Với những cống hiến của mình bà Côi xứng đáng được vinh danh là “Người tốt, việc tốt”, được khen thưởng trong phong trào xóa mù chữ và được tặng danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu”.
Lớp học của trẻ em "xóm rác"
Từ tấm lòng của những nhà hảo tâm, một lớp học tình thương đã được mở ra nhằm đem ánh sáng tri thức đến với trẻ em nghèo, đang sinh sống tại khu vực bãi rác Tóc Tiên (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ). Các em được học chữ, học làm người và được cho ở bán trú miễn phí.
Lớp học tình thương nhận xóa mù chữ cho 27 trẻ em có ba mẹ lao động tại bãi rác Tóc Tiên.
LỚP HỌC ĐẶC BIỆT
Đầu giờ sáng, người phụ nữ dắt 2 đứa trẻ 7 tuổi và 5 tuổi ngập ngừng bước vào lớp học tình thương dành cho trẻ em xóm rác Tóc Tiên, nói: "Thầy ơi, bé 5 tuổi đang học mẫu giáo ở trường tư nhưng học phí đắt quá nên em xin cho cháu vào học ở lớp với chị nó luôn...".
Nói rồi chị giao 2 đứa trẻ cho thầy giáo, tất tả rời đi để bắt đầu công việc mưu sinh ở bãi rác Tóc Tiên. Bé Võ Thị Bảo Thy (7 tuổi) dắt tay em Võ Thị Bảo Ly (5 tuổi) vào dãy bàn đầu của lớp học. Ly ngoan ngoãn ngồi ngay ngắn, khoanh 2 tay trên bàn, ánh mắt hướng về thầy giáo.
Chị Nguyễn Thị Phương (SN 1982, xã Thạnh Đông A, tỉnh Kiên Giang) - mẹ của 2 bé cho biết, vợ chồng chị đến đây mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai. Anh chị có 4 con, cháu lớn 12 tuổi, cháu nhỏ nhất lên 5. Trước đây, bé lớn theo ba mẹ nhặt ve chai, cháu nhỏ hơn chút ở nhà trông em và không ai được đi học, nay thì cả 4 cháu đều có mặt ở lớp học đặc biệt này.
"Gia đình tôi thuê nhà trọ gần chợ Tóc Tiên. Mỗi ngày, chúng tôi lượm ve chai ở bãi rác và bán được 200-250 ngàn đồng, nhưng công việc cũng bấp bênh. Tiền thuê nhà trọ hết 1,5 triệu đồng/tháng, rồi các chi phí khác nên không thể lo cho các con đi học đầy đủ được. Lớp học tình thương giúp các con tôi biết đọc, biết viết. Bữa trưa các cháu còn được cho ăn cơm, ngủ trưa rồi học bài đến chiều. Vợ chồng tôi đỡ được khoản chi phí đáng kể và yên tâm để mưu sinh", chị Phương chia sẻ.
Lớp học đặc biệt này nằm dưới chân núi Thị Vải (tổ 1, ấp 4, xã Tóc Tiên) ngay trên đất của nhà hảo tâm Quách Bình Dương (41 tuổi, ngụ xã Tóc Tiên), do ông Dương cùng bạn bè đóng góp xây dựng. Lớp học được mở từ tháng 3/2020, miễn phí dạy học, ăn bán trú cho trẻ từ 6 tuổi đến thanh niên, hoạt động từ thứ Hai đến thứ Sáu. Ngoài ra, các em đến lớp còn được tặng sách vở, bút mực, cặp sách.
Em Sơn Thành (15 tuổi, dân tộc Khơmer) là HS lớn tuổi nhất lớp. Thành cho hay, gia đình em từ tỉnh Sóc Trăng đến bãi rác Tóc Tiên để mưu sinh đã 7 năm nay. Lúc đó, em đang học lớp 2 thì nghỉ giữa chừng để theo ba mẹ. Từ ngày lớp học tình thương mở cửa, Sơn Thành cùng 3 em của mình được nhận vào học. Sơn Thủy, em của Thành bày tỏ: "Con rất thích đi học. Lớp học đẹp, mát mẻ lại được ông bà nấu nhiều món rất ngon cho ăn. Thầy cô giáo dạy chữ, dạy chúng con phải lễ phép. Con sẽ học thật giỏi để trở thành cô giáo".
Thầy giáo Đặng Phúc Tôn hướng dẫn HS lớp học tình thương tập viết.
MONG TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP
Thầy giáo Đặng Phúc Tôn (ngụ TP. Bà Rịa, nguyên Hiệu trưởng Trường TH Tóc Tiên - Châu Pha), hiện đã nghỉ hưu. Khi biết lớp học tình thương được mở tại đây, thầy đã tình nguyện đứng lớp không hưởng lương. Thầy Tôn cho hay, lớp học có 27 em, đủ lứa tuổi và cha mẹ các em đều mưu sinh tại bãi rác Tóc Tiên. Hầu hết các em là người dân tộc Khơmer. Nhiều em nói tiếng Việt chưa sõi và chưa biết đọc, viết.
Ngoài việc dạy chữ, các GV còn dạy cho các em kỹ năng sống như biết lễ phép, ngoan ngoãn, thật thà. "Buổi trưa, các cháu được vợ chồng ông Đặng Ngọc Giọi (70 tuổi) và bà Trương Thị Phượng (60 tuổi) - là ba mẹ vợ nhà hảo tâm Quách Bình Dương nấu cơm cho ăn. Sau đó, các cháu ngủ trưa rồi thức dậy tiếp tục học đến chiều tối, khi ba mẹ đi làm về đón", thầy Đặng Phúc Tôn nói.
Lớp học có 2 GV luân phiên đứng lớp. Cô Nguyễn Thị Huệ (ngụ phường 11, TP. Vũng Tàu) cũng là GV về hưu. Thương các em có hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày, cô đi hàng chục cây số đến lớp giúp các em xóa mù chữ. "Chúng tôi muốn đem tâm huyết và tình thương để dạy dỗ các em nên người", cô Huệ bày tỏ.
Chia tay lớp học, tôi không khỏi suy nghĩ về lời chị Phương, mẹ bé Thy và Ly kể: "Bé Thy mong muốn đi học để lớn lên sẽ đi làm công ty, không muốn đi nhặt rác như ba mẹ...".
Chúng tôi thầm mong lớp học sẽ được duy trì và mở rộng, để có thêm nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn được dạy chữ và dạy làm người hơn nữa, để các em có tương lai tốt đẹp hơn.
Trước đây, nhiều trẻ em mưu sinh tại bãi rác Tóc Tiên. Để khắc phục, Sở LĐTBXH phối hợp với TX. Phú Mỹ đã tổ chức cuộc họp với UBND xã Tóc Tiên các phòng, ban của thị xã và Công ty TNHH Kbec Vina - chủ đầu tư khu xử lý chất thải Tóc Tiên nhằm bàn giải pháp xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em tại bãi rác Tóc Tiên.
Đến thời điểm hiện tại, số trẻ lao động sớm và theo cha mẹ kiếm sống tại bãi rác Tóc Tiên giảm rõ rệt. Đầu năm 2020, khu vực này có 46 trẻ kiếm sống, đến cuối năm chỉ còn 3-4 trẻ. Điều đáng mừng nhất là việc địa phương đã vận động các nhà hảo tâm mở lớp học tình thương dạy học miễn phí cho 27 trẻ em có cha mẹ lao động tại bãi rác. Lớp học này đã giải quyết triệt để tình trạng lao động trẻ em tại đây.
(Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH)
Cô thợ may mở lớp học cho trẻ cơ nhỡ Cô giao Thi la tên goi thân thương ma ngươi dân sông tai con hem 83 Lê Văn Linh, khu phô 1, Q.4 (TP.HCM) đăt cho cô thợ may Trân Thi Hông Thi. Bởi, suôt sáu năm qua, cô đã miêt mai day chư cho nhưng đưa tre hoan canh kho khăn không co điêu kiên tơi trương. Khoang 5 giơ chiêu, căn...