Australia: Giải mã thành công hóa thạch, từng sinh sống cách nay khoảng 247 triệu năm
Các nhà khoa học Australia đã giải mã thành công hóa thạch của một loài động vật lưỡng cư cổ đại, có hình dạng giống thằn lằn, từng sinh sống ở Australia khoảng 247 triệu năm về trước.
Mẫu hóa thạch phát hiện từ hơn 30 năm trước. (Nguồn: Bảo tàng Australia)
Kết quả giải mã trên giúp giải đáp những thắc mắc vốn tồn tại gần 3 thập kỷ kể từ khi hóa thạch của loài này được phát hiện.
Vào những năm 1990, ông Mihail Mihaildis, một người nông dân ở làng Umina, bang New South Wales đã mua một phiến đá sa thạch nặng 1,6 tấn để tu sửa tường nhà.
Trong quá trình cắt phiến đá, ông đã phát hiện ra hình dáng của một sinh vật kỳ lạ. Ông Mihaildis đã liên hệ với bảo tàng Australia ở Sydney để trao lại mẫu hóa thạch này vào năm 1997.
Nhà cổ sinh vật học Lachlan Hart, người từng có cơ hội quan sát hóa thạch kỳ lạ này từ khi còn nhỏ, chia sẻ: “Tôi đã thường xuyên nhìn thấy mẫu hóa thạch được trưng bày từ năm 1997 và thật bất ngờ là 25 năm sau, mẫu hóa thạch này lại trở thành một phần trong luận án tiến sĩ của mình”.
Ông Hart cho biết, hóa thạch chứa một bộ xương loài vật gần như hoàn chỉnh và đây là điều rất hiếm thấy.
Ông miêu tả: “Sinh vật này có đầu gắn liền với cơ thể. Da và các mô mỡ xung quanh bao bọc ngoài cơ thể của nó đều bị hóa thành hóa thạch, tất cả những điều đó khiến đây thực sự là một phiên bản hóa thạch hiếm có”.
Video đang HOT
Sau khi giải mã các dữ liệu của hóa thạch, ông Hart và các đồng nghiệp ước tính loài lưỡng cư này dài khoảng 1,5m và có thân hình giống một con kỳ nhông. Loài này được đặt tên khoa học là Arenaepeton supinatus.
Các nhà khoa học cho biết loài lưỡng cư ăn thịt này từng sống ở các hồ và suối nước ngọt ở Sydney, thuộc họ Temnospondyli.
Đây là loài lưỡng cư sống sót kiên cường qua hai trong số 5 cuộc đại tuyệt chủng trên Trái đất, trong đó có hàng loạt các vụ phun trào núi lửa đã tiêu diệt từ 70-80% số loài khủng long cách đây 66 triệu năm.
Hiện có 3 hóa thạch của họ Temnospondyli đã được xác định thành công ở Australia.
Ông Hart cho biết: “Phát hiện trên cho thấy Australia là nơi tuyệt vời để các loài động vật tiến hóa và tìm nơi ẩn náu sau các cuộc tuyệt chủng hàng loạt”.
Nhóm nghiên cứu của ông cho rằng, phát hiện trên có thể sẽ “viết lại quá trình tiến hóa của các loài động vật lưỡng cư ở Australia”.
Hóa thạch của loài động vật kỳ lạ này sẽ được trưng bày toàn thời gian tại bảo tàng Australia vào cuối năm nay.
Kẻ thắng trận chiến giữa cá mập Megalodon và thằn lằn Mosasaurus?
Cá mập Megalodon và thằn lằn sông Mosasaurus đều là loài nguy hiểm. Vậy sẽ ra sao nếu thực sự có cuộc chiến giữa hai loài này?
Ảnh: FlashMovie/tsuneomp/Dotted Yeti/Shutterstock do IFLScienc biên tập
Những quái vật đại dương
Mosasaurus hay còn gọi là "thằn lằn sông Meuse" đã tuyệt chủng hàng triệu năm trước. Thằn lằn Mosasaurus sống từ 82 đến 66 triệu năm trước trong Kỷ Phấn trắng. Với thân hình thon dài, bộ hàm khỏe và hàm răng ghê gớm, Mosasaurus chắc chắn là kẻ săn mồi hàng đầu trong hệ sinh thái của nó.
Loài bò sát khổng lồ này dài từ 11 đến 17 mét, phân bố rộng khắp các đại dương trên thế giới, nhưng xuất hiện nhiều nhất ở vùng nước nông quanh châu Âu. Thằn lằn Mosasaurus là loài bò sát không có khả năng lặn sâu, thay vào đó chúng thích săn mồi và di chuyển tới bề mặt nơi hầu hết con mồi sinh sống.
Mosasaurus có vây và đuôi khỏe, có khả năng đạt tốc độ khoảng 48km/giờ trong thời gian ngắn. "Thằn lằn sông Meuse" sở hữu 40-50 chiếc răng dài khoảng 25-30 mm, có khả năng tạo ra lực cắn khoảng 3 - 7 tấn.
Ở phía đối lập, cá mập khổng lồ Megalodon đã thống trị các đại dương vào khoảng 23 đến 3,6 triệu năm trước trong thế Trung Tân (thế Miocene) và thế Thượng Tân (thế Pliocene).
Với chiều dài ước tính lên tới 18,3 mét và kích thước khổng lồ, cá mập Megalodon được coi là một trong những loài săn mồi lớn nhất từng tồn tại.
Loài này có răng cưa dài tới 18 cm với khả năng nghiền nát xương và xé thịt bằng một lực cắn lên tới 8 tấn.
Cá mập cổ đại này là loài săn mồi đỉnh cao, có khả năng ăn động vật có vú ở biển như cá voi.
Megalodon có ở khắp nơi trên thế giới và di chuyển với tốc độ trung bình khoảng 4,8km/giờ và khả năng bùng nổ tốc độ nhanh.
Quái vật biển cả này là một sinh vật khổng lồ với khối lượng ước tính khoảng 61,6 tấn, nặng bằng 10 con voi châu Phi hoặc 34 con voi trắng lớn.
Ai sẽ chiến thắng?
Trong một cuộc đối đầu giả định, các đặc điểm của những sinh vật này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định kết quả. Sự nhanh nhẹn và cấu tạo hộp sọ chắc chắn của thằn lằn Mosasaurus có khả năng mang lại lợi thế khi phòng thủ trước những cú cắn mạnh mẽ của Megalodon.
Tuy nhiên, kích thước khổng lồ và lực cắn khủng khiếp của cá mập Megalodon sẽ khiến nó trở thành một đối thủ đáng gờm nếu cắn đúng vị trí hiểm.
Ngoài ra, môi trường diễn ra cuộc chiến cũng là một yếu tố quan trọng khi xem xét. Trong môi trường vùng nước nông, cá mập nặng hơn và ít di động hơn so với thằn lằn đã tiến hóa. Nhưng tình hình sẽ đảo ngược và có lợi cho cá mập nếu đó là ở vùng nước sâu.
Vậy làm thế nào để chúng ta tìm ra người chiến thắng? Cá mập Megalodon là một kẻ săn mồi đỉnh cao không có đối thủ và không gì có thể gây ra mối đe dọa cho nó. Megalodon có nhiều kinh nghiệm khi đối mặt với những con mồi lớn hơn vì thức ăn của chúng là các loài động vật có vú sống ở biển như cá voi.
Ngược lại, thằn lằn Mosasaurus phát triển khả năng phòng thủ để tránh xung đột với các kẻ thù tiềm năng khác tồn tại cùng thời kỳ nên được coi là một "thợ săn" thận trọng.
Trong một cuộc xung đột giả định, cá mập thời tiền sử có khả năng lợi thế hơn vì tính cách hung dữ và những cú cắn đáng kinh ngạc.
Phát hiện thú vị về loài chim trong thời kỳ đầu tiến hóa từ khủng long Hóa thạch 120 triệu năm tuổi tiết lộ quá khứ ăn lá của loài chim thời kỳ đầu tiến hóa từ khủng long. Nhưng về sau các loài chim săn mồi lại xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Những phát hiện mới từ việc phân tích bộ xương hóa thạch 120 triệu năm tuổi của loài chim đã tuyệt chủng Jeholornis đưa ra...