Apple “khổ” vì nơi sản xuất iPhone đối xử với công nhân tàn tệ
Một ngày sau khi Apple công bố doanh thu kỉ lục, Thời báo New York đã đăng tải bài báo cung cấp cái nhìn chi tiết về điều kiện lao động tại đối tác của hãng tại Trung Quốc – Foxconn.
Vụ nổ tháng 5/2011 tại cơ sở Foxconn Thành Đô giết chết 4 người, làm bị thương 18 người. Ảnh: AP
Apple bị giáng một gáo nước lạnh sau bài báo vạch trần điều kiện làm vijệc không an toàn, kéo dài, trừng phạt thể chất của người lao động tại các nhà máy lắp ráp linh kiện sản phẩm đối tác. Hàng tá người đã bị thương và số ít bị thiệt mạng trong các vụ nổ và các tai nạn khác tại nhà máy.
Theo Thời báo New York, vào khoảng 7 tháng năm 2011, hai vụ nổ tại các nhà máy lắp ráp iPad Trung Quốc, bao gồm một cơ sở tại Thành Đô, đã giết chết 4 người và làm bị thương 77 người. Hiện vẫn chưa rõ các điều kiện làm việc bị cáo buộc không an toàn đã được giải quyết triệt để hay chưa. Apple trước đó từng thông qua Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp.
Vụ nổ tại Thành Đô
Bài báo trên Thời báo New York tập trung vào vụ nổ tại Thành Đô vào tháng 5/2011, giết chết 4 người, bị thương 18 người. Truyền hình Trung Quốc cho thấy các đám khói đen phát ra từ tòa nhà và lo ngại khả năng tòa nhà sụp đổ. Cuối năm 2010, Lai Xiaodong, một thanh niên 22 tuổi di chuyển tới Thành Đô và trở thành công nhân của một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất thế giới. Lai nhận công việc sửa chữa máy móc với tiền công 22 USD/ngày tại nhà máy Foxconn, nơi sản xuất iPad. (Foxconn có các nhà máy dọc Trung Quốc và sản xuất khoảng 40% thiết bị điện tử của thế giới cho các công ty như Microsoft, HP, Dell, Sony)
Quy tắc ứng xử dành cho nhà cung cấp của Apple chỉ rõ công nhân không được làm việc quá 60 tiếng/tuần, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp hoặc bất thường. Tuy nhiên, theo thời báo, “Lai phải làm việc 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần trong nhà máy, theo bảng lương của anh ta. Nhân viên tới muộn thi thoảng phải viết thư kiểm điểm và chép phạt.” Vào cuối ngày, Lai sẽ lui về phòng ngủ chỉ kê một chiếc giường và ở cùng bạn gái. Nhiều đồng nghiệp của anh còn không được “đặc quyền” như thế; ký túc xá công ty chứa 70.000 người, thường ép 20 người vào phòng 3 giường.
Theo các nhà lãnh đạo của các công ty công nghệ khác, Apple năm 2005 quyết định cần tới Quy tắc ứng xử để bảo đảm “điều kiện lao động trong chuỗi cung ứng cho Apple được an toàn, công nhân được đối xử tôn trọng, quy trình sản xuất thân thiện môi trường”. Trong báo cáo tiến độ mới nhất của Apple được công bố ngay sau vụ nổ tại Thành Đô, hãng nhấn mạnh đã loại bỏ “đáng kể” trường hợp lao động trẻ em, tuy nhiên quy định 60 giờ làm/tuần theo quan sát chỉ đạt 38%. Apple cũng nhận thấy “một số hành vi vi phạm” tiêu chuẩn môi trường khi kiểm tra 14 cơ sở. Hai tuần trước vụ nổ Thành Đô, một nhóm đã cảnh báo điều kiện làm việc nguy hiểm trong nhà máy và gửi tới Cupertino, nhưng không nhận được phản hồi. Trong báo cáo có đoạn: “Công nhân không được đào tạo đầy đủ về cách sử dụng hóa chất và không được kiểm tra sức khỏe thường xuyên.” Hai giờ trong ca làm việc của Lai, một loạt các vụ nổ làm rung chuyển tòa nhà. Dù bị bỏng hơn 90% cơ thể, Lai vẫn sống sót được 2 ngày tiếp theo. Sau khi đưa tro cốt của Lai cho gia đình, Foxconn trả 150.000 USD cho gia đình anh. Có lẽ hi vọng duy nhất cho công nhân nước ngoài chính là tuyên bố gia nhập Hiệp hội lao động bình đẳng, theo đó sẽ phải cung cấp minh bạch hơn về quá trình sản xuất sản phẩm.
Tim Cook: “Chúng tôi quan tâm tới mọi lao động trong chuỗi cung ứng”
Trong bài báo đăng tải trên Thời báo New York, một cựu quan chức Foxconn phát biểu: “Apple chưa bao giờ quan tâm tới bất cứ thứ gì ngoài gia tăng chất lượng sản phẩm và giảm thiểu chi phí sản xuất.” Trầm trọng hơn là câu nói của chính một cựu lãnh đạo Apple: “Chúng tôi biết về hành vi lạm dụng lao động tại các nhà máy đã 4 năm, và tới giờ mọi thứ vẫn tiếp diễn.”
Apple không trả lời bình luận của báo chí, tuy nhiên, CEO Tim Cook đã nhắc tới vấn đề trong bài báo trong e-mail gửi nhân viên, được trang web 9to5mac đăng tải: “Chúng ta quan tâm tới mọi lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bất kì tai nạn nào đều là điều phải lo lắng, bất kì vấn đề nào về điều kiện làm việc đều phải quan tâm. Bất cứ lời nói nào cho rằng chúng ta không quan tâm là sai hoàn toàn và xúc phạm chúng ta.”
Cook chỉ ra việc Apple hàng năm đều tiến hành kiểm tra các nhà cung cấp linh kiện và tập trung vào giáo dục lao động về quyền của họ: “Mỗi năm chúng ta đều thanh tra nhiều nhà máy, nâng cao nghĩa vụ của các đối tác, đi sâu sát vào chuỗi cung ứng… chúng ta đã có nhiều tiến bộ, cải thiện điều kiện cho hàng trăm ngàn lao động. Chúng ta biết không ai trong ngành công nghiệp làm được nhiều thứ ở nhiều nơi, chạm tới nhiều người như chúng ta.” Cook còn kêu gọi nhân viên Apple “nên vững vàng hoặc nhắm mắt làm ngơ các vấn đề trong chuỗi cung ứng. Làm như thế bạn sẽ hiểu lời tôi.”
Theo ICTnew