Apple hạn chế các trình chặn quảng cáo trên Safari
Trong khi người dùng không phàn nàn khi Apple thực hiện hạn chế các trình chặn quảng cáo trên Safari, thì ngược lại, Google nhận về hàng tấn gạch đá sau khi có thông tin họ sắp thực hiện kế hoạch tương tự.
Đã có rất nhiều tranh cãi xoay quanh việc Google dự định giới hạn sức mạnh của các trình chặn quảng cáo trên Chrome, nhưng điều tương tự đã diễn ra trên Safari được một thời gian, và nhiều người chẳng hề để ý thấy điều đó, và họ cũng chẳng thèm chỉ trích Apple dù chỉ một câu.
Theo ZDNet, từ một năm rưỡi qua, Apple đã ngăn chặn hầu như mọi trình chặn quảng cáo hoạt động trên Safari – một điều mà khi thực hiện, Google đã phải hứng chịu chỉ trích nặng nề trong suốt cả năm nay.
Nhưng không như Google, Apple chưa bao giờ gặp phải sự chống đối; họ thậm chí còn được đề cao vì đã quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng nữa. Một vài lý do giải thích cho điều này có lẽ là vì lượng người dùng Safari khá ít so với Chrome, hay Apple đưa ra thay đổi từ từ trong nhiều năm thay vì nhiều tháng, và Apple từ trước đến nay không phụ thuộc vào quảng cáo để sinh lời, có nghĩa là họ không có ý đồ thâm sâu nào đằng sau những thay đổi trong hệ sinh thái của mình cả.
App Extensions và Content Blocker
Đối với người dùng Apple, mọi chuyện bắt đầu từ vài năm trước, khi công ty công bố App Extensions – một cơ chế thông qua đó các ứng dụng có thể mở rộng chức năng của chúng sang các ứng dụng khác.
Apple nói rằng App Extensions sẽ hoạt động song song với Content Blocker, một cơ chế được giới thiệu trong iOS 9 vào năm 2013. Về cơ bản, các ứng dụng hoặc các phần mở rộng ứng dụng có thể sử dụng API Content Blocker để nói cho Safari biết cần chặn thứ gì dựa trên một tập hợp các quy định trước khi render một trang web.
Sau khi để hai tính năng này phổ biến trong hệ sinh thái ứng dụng suốt vài năm, Apple nhận ra rằng họ không cần đến các nhà phát triển web trực tiếp tạo ra các phần mở rộng cho Safari, bởi bản thân họ có thể đơn giản là tận dụng các ứng dụng có sẵn trên App Store để mang lại cho người dùng Safari các tính năng bổ sung.
Chính vì vậy, hai tính năng này đã khiến hệ sinh thái phần mở rộng đã già cỗi của Safari trở nên thừa thãi. Kết quả là, vào giữa năm 2018, Apple công bố sẽ loại bỏ các phần mở rộng này (Apple gọi đó là các “legacy extension”) và bắt đầu khuyến khích các nhà phát triển phần mở rộng Safari port mã nguồn của họ thành một “App Extension” và đưa nó lên App Store.
Động thái đầu tiên nhằm thực hiện điều này diễn ra vào tháng 9/2018, khi Apple tung ra iOS 12, và họ bắt đầu chặn việc cài đặt các phần mở rộng legacy nằm ngoài Safari Extensions Gallery (thư viện phần mở rộng Safari).
Đến cuối năm đó, Apple ngừng chấp nhận hoàn toàn các phần mở rộng legacy trên Safari Extensions Gallery, và bắt đầu tắt các phần mở rộng legacy trên trình duyệt của người dùng với một thông báo rằng “ Safari đã tắt những phần mở rộng làm chậm quá trình duyệt web của bạn“.
Thông báo này xuất hiện đối với tất cả các loại phần mở rộng legacy, từ những phần mở rộng tăng cường tính năng copy-paste, đến các phần mở rộng chặn quảng cáo, chặn virus và giúp phụ huynh kiểm soát quá trình duyệt web của con trẻ.
Video đang HOT
Nhiều nhà phát triển phần mở rộng cho biết pop-up khó chịu trên xuất hiện một cách bừa bãi, bất kể phần mở rộng được cài đặt có chức năng gì, và nhiều người khẳng định đây là cách để “dụ” người dùng tránh xa các phần mở rộng legacy, chuyển sang các add-on mới dựa trên App Extensions.
Bắt đầu từ tuần này, với iOS 13, Apple sẽ loại bỏ Safari Extensions Gallery lỗi thời và chính thức công bố về việc ngừng hỗ trợ các phần mở rộng legacy. Hiện nay, người dùng Safari đã không thể cài đặt bất kỳ phần mở rộng legacy nào nữa, bất kể nó được lưu trữ trên Safari Extensions Gallery hay không, dù họ dùng iOS hay macOS.
Thế nhưng, trong suốt quá trình nêu trên, người dùng Apple chẳng hề để ý đến những thay đổi, chủ yếu bởi họ chỉ thấy các lợi ích nó mang lại mà thôi. Cái họ thấy chính là các phần mở rộng ứng dụng và API chặn nội dung mới – vốn được Apple quảng cáo là một phương thức để cách ly các phần mở rộng và ngăn chúng truy cập vào dữ liệu duyệt web – có thể hoạt động trên mọi nền tảng.
Các trình chặn quảng cáo bị ảnh hưởng nhiều nhất
Tuy nhiên, động thái của Apple lại gây thiệt hại cho một số đối tượng khác. Các trình chặn quảng cáo, VPN, và các phần mở rộng giúp phụ huynh kiểm soát con trẻ, là những trường hợp bị tác động mạnh nhất bởi hệ sinh thái App Extensions Content Blocker mới.
Trình chặn quảng cáo AdGuard chấm dứt phần mở rộng cho Safari vào tháng 7 năm ngoái. Vài ngày tiếp theo đến lượt nhà phát triển antivirus Malwarebytes chấm dứt phần mở rộng VPN của hãng. Nhà phát hành AdBlock thì đăng một bài viết trên blog, nội dung nói rằng họ trình chặn quảng cáo họ viết lại cho Safari sẽ chạy nhanh hơn trước, nhưng đi kèm với đó là một danh sách dài các nhược điểm.
Các ứng dụng khác cũng đi theo hướng tương tự trong tháng 9/2018, khi các quy định mới của Apple được công bố sẽ chính thức ra mắt cùng iOS 12.
Kẻ gục ngã mới nhất là uBlock Origin cho Safari, một trình chặn quảng cáo khác, vừa chấm dứt vào 2 tuần trước. Trong bài viết trên GitHub, nhà phát triển phần mở rộng này khuyến nghị người dùng nếu muốn dùng trình chặn quảng cáo thì nên chuyển sang Firefox cho Mac, trình duyệt vẫn cho phép các trình chặn quảng cáo hoạt động bình thường, hoặc dùng tiếp một phiên bản Safari cũ.
Một giải pháp khác là người dùng phải chuyển sang dùng một trong các trình chặn quảng cáo mới dựa trên Content Blocker; tuy nhiên, theo uBlock thì hệ thống Content Blocker này có chức năng chặn quảng cáo cực kỳ hạn chế.
Apple và Google đã làm những điều giống nhau
Lý do tại sao Content Blocker cực kỳ hạn chế trong việc chặn quảng cáo cũng là lý do tại sao những thay đổi mà Google sắp đưa ra đối với phần mở rộng của Chrome bị chỉ trích kịch liệt.
Nói đơn giản thì, những thay đổi Apple triển khai trên Safari và những thay đổi sắp diễn ra trên Chrome đều đi theo cùng một hướng, đến cùng một mục tiêu, nhưng với hai hãng lại sử dụng mã nguồn và miêu tả chúng bằng những thuật ngữ khác nhau.
Cả Chrome và Safari đều sẽ sử dụng backend mới cho các phần mở rộng. Họ sẽ hạn chế phương thức các phần mở rộng can thiệp và chặn các thành phần trên trang web bằng cách ngăn phần mở rộng tương tác trực tiếp với các yêu cầu web. Thay vào đó, phần mở rộng sẽ triển khai một tập hợp các “quy định chặn nội dung” và trình duyệt sẽ thực hiện việc chặn nội dung trong khi phần mở rộng không thấy được bất kỳ dữ liệu người dùng nào.
Google muốn hạn chế số lượng quy định tối đa mà một phần ở rộng có thể chuyển đến Chrome ở con số 30.000 – con số mà nhiều nhà phát triển phần mở rộng Chrome cho rằng là quá thấp, không thể đủ cho các phần mở rộng chặn quảng cáo, kiểm soát con trẻ, hay kiểm tra lưu lượng.
Công ty ngay lập tức bị tấn công vì tìm cách “ giết chết các trình chặn quảng cáo“, và sau vài tháng hứng gạch đá, Google cuối cùng lùi bước, nâng con số giới hạn lên từ 90.000 đến 120.000 – một con số mà nhiều nhà phát triển phần mở rộng, đặc biệt những người đang sở hữu các trình chặn quảng cáo, vẫn xem là chưa đủ.
Về phía Apple, khi triển khai API Content Blocker mới, hãng quy định con số tối đa 50.000 quy định đối với mỗi phần mở rộng mới muốn chặn nội dung trong Safari. Tất nhiên, AdBlock chạy nhanh hơn thật, vì nó phải áp dụng ít quy định hơn so với trước đây.
Apple chưa bao giờ bị chỉ trích vì làm điều mà Google thậm chí còn chưa làm
Vào thời điểm đó, các nhà phát triển phần mở rộng, bao gồm hầu hết các trình chặn quảng cáo, đã chuyển mã nguồn của họ và không hề phản ứng một câu nào. Trừ một vài lời phàn nàn hiếm hoi, người ta nhìn chung không quan tâm đến việc Apple vừa triệt hạ mọi trình chặn quảng cáo trong Safari, một tình huống trái ngược với những gì đã xảy ra với Google trong năm 2019 và làn sóng chỉ trích mà hãng này gặp phải.
Lý do có lẽ là vì Apple từ trước đến nay đã nổi tiếng trong việc cực kỳ nghiêm khắc khi áp dụng các quy định trên App Store của mình, và các nhà phát triển “to mồm” thường sẽ bị “trảm” không thương tiếc. Với Apple, hoặc tuân thủ, hoặc ra đường.
Trong trường hợp của Google, Chrome là một trình duyệt dựa trên Chromium mã nguồn mở, mọi người có thể lên tiếng. Còn mọi thứ tại Apple giống như trong một khu vườn rào gác kín cẩn, với những luật lệ nghiêm ngặt.
Apple chưa bao giờ bị chỉ trích vì “ triệt hạ” hoặc “ giết chết các trình chặn quảng cáo” như cách mà Google đã bị chỉ trích suốt năm nay, với áp lực bắt đầu từ các nhà phát triển ứng dụng, tiếp đến mở rộng ra công chúng.
Không hề có áp lực nào được đặt lên Apple, chủ yếu bởi số lượng người dùng Safari không thực sự nhiều. Với thị phần chỉ 3,5%, số người dùng Safari thậm chí còn chẳng được ngồi cùng mâm với người dùng Chrome và thị phần đứng đầu thị trường, đến 65%, của trình duyệt này.
Hơn nữa, vấn đề còn nằm ở cách nhìn nhận của công chúng. Khi Apple tung ra tính năng chặn nội dung mới để thay thế cho các phần mở rộng cũ của Safari và nói rằng tất cả là vì quyền riêng tư của mọi người – bởi các phần mở rộng sẽ không thể truy cập vào lịch sử duyệt web nữa – mọi người tin vào điều đó.
Ngược lại, quảng cáo là nguồn sống của Google, và khi Google công bố những cập nhật nhằm hạn chế các trình chặn quảng cáo, mọi người xem đó là một kế hoạch thâm hiểm mà tập đoàn khổng lồ này dùng để duy trì lợi nhuận của mình, thay vì là một giải pháp bảo mật thực sự mà Google tuyên bố.
Theo kỹ sư phần mềm Will Lesieutre nói gần đây trong một bình luận trên website HackerNews, tuyên bố của Apple là “ hoàn toàn đáng tin vì nó phù hợp với phương hướng sản phẩm của họ trong hơn 10 năm qua“.
Nhưng “ mọi người hoài nghi hơn về mục đích của Google bởi hầu như toàn bộ lợi nhuận của hãng này đến từ việc bán quảng cáo, và tất cả những gì chúng ta biết là họ quan tâm đến đống tiền rất rất rất lớn của họ hơn là bảo mật đối với phần mở rộng trình duyệt“.
Kết
Từ tuần này, sẽ không còn cách nào để cài đặt một trình chặn quảng cáo cổ điển trên Safari nữa, và Apple sẽ hoàn toàn loại bỏ hoặc tắt các phần mở rộng legacy khỏi trình duyệt của người dùng trong tương lai.
Nếu người dùng đã chuyển sang một trình chặn quảng cáo mới tải về từ App Store, thì nó có lẽ sẽ không thực sự chặn mọi quảng cáo như họ kỳ vọng.
Ở thời điểm này, như nhiều người đã chỉ ra, Firefox cho Mac có lẽ là giải pháp duy nhất để người dùng có thể chặn quảng cáo trên macOS, còn trên iOS, không có cách nào để sử dụng được một trình chặn quảng cáo dù bạn sử dụng trình duyệt nào đi nữa.
Google Chrome cho Mac vẫn hỗ trợ các trình chặn quảng cáo, nhưng chưa rõ trong tương lai có còn như vậy nữa không. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác mà chúng ta sẽ bàn đến sau.
Theo VN Review
Các kênh truyền hình tại Hoa Kỳ cấm quảng cáo thuốc lá điện tử
Sau việc xem xét cấm tinh dầu hương vị thuốc lá điện tử của chính quyền Mỹ, nhiều kênh truyền hình đã cấm phát sóng quảng cáo những sản phẩm này để bảo vệ giới trẻ khỏi định hướng của nhà sản xuất.
CBS và WarnerMedia, công ty mẹ của công ty truyền thông, mạng truyền hình trả tiền TBS và TNT, sẽ bắt đầu ngừng phát sóng quảng cáo thuốc lá điện tử khi số người chết vì một số căn bệnh chưa thể xác minh nguyên nhân có liên quan đến vape tiếp tục tăng.
CNN, một trong những phần của WarnerMedia thuộc sở hữu của AT&T, đã tuyên bố vào tuần trước rằng họ sẽ không cho phép các sản phẩm thuốc lá điện tử được quảng cáo trên mạng của mình, nhưng sẽ xem xét lại chính sách, điều khoản nếu có nghiên cứu chứng minh rằng các sản phẩm này không gây hại cho người sử dụng.
iSpot, một công ty đo lường quảng cáo, báo cáo rằng có hơn 20 mạng truyền hình đã chạy quảng cáo của Juul trong hai tuần qua, tiêu tốn hơn 2,2 triệu USD cho hơn 900 lần phát sóng
Những lời cảnh báo từ CDC, AMA và Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ đến người tiêu dùng, thúc đẩy công ty đã sửa đổi chính sách của mình, Jennifer Toner - phát ngôn viên của WarnerMedia cho biết.
Trong dấu hiệu mới nhất cho thấy các vấn đề sức khỏe liên quan đến thuốc lá điện tử đã trở thành một dịch bệnh toàn cầu, chính phủ Ấn Độ tuyên bố nội các của đất nước này đã phê chuẩn lệnh cấm nhập khẩu, sản xuất và buôn bán thuốc lá điện tử.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phê chuẩn lệnh khẩn cấp, những người phạm tội lần đầu bị bỏ tù tới một năm và bị phạt 100.000 rupee. Mặc dù chỉ đơn giản cần sở hữu thuốc lá điện tử hoặc tương tự cũng sẽ coi là một hành vi phạm tội.
Động thái của Ấn Độ diễn ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố vào tuần trước rằng chính phủ liên bang sẽ hành động để cấm hàng ngàn hương vị tinh dầu được sử dụng trong thuốc lá điện tử. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm theo sau với một thông báo rằng họ có kế hoạch phát triển các hướng dẫn để loại bỏ khỏi thị trường tất cả các hương vị này, trừ thuốc lá.
New York là tiểu bang đầu tiên công bố lệnh cấm thuốc lá điện tử có hương vị như một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng của những người trẻ tuổi sử dụng các sản phẩm vape hay tương tự.
Thống đốc New York, Andrew Cuomo cho biết, hương vị tinh dầu trong thuốc lá điện tử như kẹo cao su hay kẹo bông, đã tác động và lôi kéo các bạn trẻ một cách mạnh mẽ và đây là điều không thể chối cãi.
Theo VietQ
Các báo điện tử sẽ tiếp cận độc giả nhiều hơn qua Appnews Việt Nam Các báo điện tử sẽ tiếp cận với độc giả nhiều hơn qua ứng dụng Appnews Việt Nam nhờ tính tương tác, liên kết. Điều này cũng góp phần tăng thu nhập cho tờ báo. Sáng 19/9, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 tổ chức Hội thảo "Giới thiệu ứng dụng Appnews Việt...