Anh và EU dùng dằng việc kéo dài thời hạn đàm phán
Bất chấp dịch Covid-19, chính phủ Anh vẫn khẳng định sẽ không đề nghị kéo dài thời gian chuyển tiếp cho tiến trình Brexit sau ngày 31/12.
Ngày 20/4, Anh và EU đã tiến hành vòng đàm phán mới về Brexit. Các cuộc đàm phán sẽ kéo dài suốt tuần này và vòng tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 11/5.
Sau cuộc đàm phán trực tuyến với người đồng cấp Anh David Frost, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, EU đang trông đợi những “tiến bộ đáng kể” diễn ra vào tháng 6 về hình thái của mối quan hệ mới trước khi Anh chính thức dứt áo ra đi vào cuối năm nay.
Bất chấp dịch Covid-19, chính phủ Anh vẫn khẳng định sẽ không đề nghị kéo dài thời gian chuyển tiếp cho tiến trình Brexit sau ngày 31/12. Ảnh: BBC
Ông Barnier cho rằng, hai bên phải đạt được tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực, với mục tiêu quan trọng là có được những tiến bộ rõ rệt vào tháng 6. Hai bên đang bất đồng về quy mô quan hệ thương mại trong tương lai, các điều khoản cạnh tranh công bằng, nghề cá, an ninh và các lĩnh vực khác. Anh đang tìm kiếm một mối quan hệ ít ràng buộc hơn so với sự chặt chẽ mà EU mong muốn nhằm hạn chế tình trạng xáo trộn.
Video đang HOT
Trong khi đó, nhà đàm phán David Frost của Anh nói rằng, nước này đang cố gắng “để đạt được tiến bộ tốt, hướng tới một thỏa thuận dựa trên sự hợp tác thân thiện giữa những thực thể bình đẳng có chủ quyền.”
Các cuộc đàm phán về việc hoàn tất một thỏa thuận thương mại mới giữa Anh và 27 quốc gia thành viên EU đã bị đình trệ trong nhiều tuần do đại dịch Covid-19 đẩy châu Âu vào thế bị phong tỏa. EU đánh giá một thỏa thuận phức tạp và toàn diện là ngoài tầm cho thời gian từ đến cuối năm nay, khi giai đoạn chuyển tiếp của Anh sẽ phải kết thúc. Chính vì thế, EU hy vọng sẽ kéo dài thời gian chuyển tiếp cho tiến trình Brexit để các bên có thời gian đàm phán nhưng phía Anh luôn bác bỏ và phản đối kịch liệt điều này.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nói: “Chúng tôi rời Liên minh châu Âu với một thỏa thuận đã được đàm phán. Liên quan đến mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU, đây là điều mà các cuộc đàm phán hiện đang diễn ra. Chúng tôi vẫn cam kết với thời gian mà chúng tôi đã đưa ra, tức là kết thúc vào cuối năm nay. Tôi tin tưởng rằng, hai bên sẽ đạt được kết quả thỏa đáng trong khoảng thời gian mà chúng tôi đã đặt ra”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng, tiến trình đàm phán sắp tới cũng khó có thể thu hẹp khoảng cách bất đồng giữa hai bên. Thực tế này khiến thời hạn chót vào cuối năm nay để đạt được một thỏa thuận thương mại càng trở nên xa vời. Khi giai đoạn chuyển tiếp được đề xuất lần đầu tiên, phương án đưa ra là kéo dài 21 tháng. Hiện chỉ còn hơn 6 tháng để hai bên đạt được thỏa thuận, mà thực tế cho thấy là quá gấp để kịp đàm phán và phê chuẩn từ hai phía.
Trong khi rất muốn kéo dài thời gian đàm phán vì lo ngại sự chia rẽ kinh tế hỗn loạn có thể sẽ xảy ra với Anh vào cuối năm nay, EU cho biết trong trường hợp này họ sẽ phải tiếp tục yêu cầu Anh phải đóng góp cho ngân sách chung của khối.
Bất cứ sự gia hạn nào sau ngày 31/12 cũng đi kèm với nghĩa vụ đóng góp tài chính của Anh cho EU với mức có thể lên tới 800 triệu bảng (khoảng 1 tỷ USD) mỗi tháng. Trong khi đó, về phía Anh, phe ủng hộ Brexit cho rằng, nếu rời đi mà không có thỏa thuận thương mại, những thiệt hại này đằng nào cũng có thể tính gộp vào những hậu quả của Covid-19./.
Vũ Anh Tuấn
Iran sẵn sàng đàm phán, nhưng không phải với Mỹ
Thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei khẳng định, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không thể buộc Iran phải nhượng bộ.
Iran sẵn sàng đàm phán, nhưng không phải với Mỹ. Đây là tuyên bố đưa ra hôm nay của thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei khi lần đầu tiên trở lại chủ trì lễ cầu nguyện thứ Sáu hàng tuần sau gần 8 năm.
Iran sẵn sàng đàm phán, nhưng không phải với Mỹ. Ảnh: AP
Theo ông Khamenei, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không thể buộc Iran phải nhượng bộ. Ông cho rằng, cuộc không kích của Mỹ nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) khiến tướng quân đội hàng đầu Iran thiệt mạng là "hành động hèn nhát" và đã bị đáp trả xứng đáng. Cuộc tấn công tên lửa của Iran nhằm vào căn cứ quân sự có lực lượng Mỹ đồn trú tại Iraq là lời cảnh báo mạnh mẽ gửi tới Mỹ.
Liên quan sự cố lực lượng phòng không Iran bắn rơi máy bay Ukraine, Đại giáo chủ Khamenei kêu gọi chính quyền điều tra nhằm làm rõ trách nhiệm của những người liên quan để tránh những thảm họa tương tự.
Trong phát biểu của mình, thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran cũng chỉ trích hành vi của 3 cường quốc châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015, cho rằng những nước này không "xứng đáng nhận được sự tin tưởng". Trước đó hồi đầu tuần, Anh, Pháp và Đức thông báo kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân, dù vẫn luôn khẳng định quyết tâm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân. Bước đi có thể dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Theo Thu Hoài/VOV1 (biên dịch)
Reuters
Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit: "Cơn ác mộng" đã qua? Việc Hạ viện thông qua thỏa thuận Brexit đã khép lại trang hỗn loạn trong lịch sử Anh khi sự đồng thuận trở nên hiếm hoi và sự chia rẽ ngày một sâu sắc. Hạ viện Anh vừa thông qua thỏa thuận của Thủ tướng Boris Johnson về việc đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit vào...