Anh nghi ngờ hàng triệu bộ xét nghiệm nCoV
Giới chức Anh có thể hủy đặt mua hàng triệu bộ xét nghiệm nhanh nCoV sau khi các chuyên gia hoài nghi độ chính xác của chúng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi tháng 3 nói các bộ xét nghiệm nCoV cho kết quả trong 20 phút có tiềm năng “thay đổi tình thế” và đưa chúng vào danh sách 5 chiến lược xét nghiệm của chính phủ. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 24/3 thông báo nước này sẽ mua 3,5 triệu bộ xét nghiệm kháng thể dùng máu chích từ đầu ngón tay, chủ yếu từ các hãng Trung Quốc.
Tuy nhiên, các thử nghiệm của Đại học Oxford cho thấy bộ xét nghiệm kháng thể bằng máu chích từ đầu ngón tay có kết quả không chính xác và không đủ tin cậy để sử dụng rộng rãi.
“Thật đáng buồn, các bộ xét nghiệm mà chúng tôi xem xét cho tới nay không thể hiện tốt. Chúng tôi thấy nhiều trường hợp âm tính giả (không tìm thấy kháng thể dù có trong máu) và cũng có dương tính giả”, giáo sư John Bell của Đại học Oxford, cố vấn chính phủ Anh về khoa học đời sống, ngày 6/4 viết. Theo giáo sư Bell, tới nay chưa một quốc gia nào trên thế giới triển khai được chương trình xét nghiệm kháng thể nCoV đáng tin cậy.
Bộ trưởng Hancock hồi tuần trước thông báo chính phủ Anh đặt hàng 17,5 triệu bộ xét nghiệm do 9 công ty sản xuất, một số có trụ sở tại Anh, và khẳng định “chỉ sử dụng nếu chúng có hiệu quả”. Tới 5/4, Hancock lại nói các bộ xét nghiệm trên “chưa đủ tốt” để sử dụng.
“Chúng tôi đang tiếp tục làm việc và thảo luận với các công ty, phản hồi rằng sản phẩm của họ không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc. Nếu các xét nghiệm không có tác dụng, chúng tôi sẽ hủy đơn đặt hàng và thu hồi chi phí bất cứ khi nào có thể”, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh nói ngày 6/4.
Một nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV cho nhân viên Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh ở trạm lưu động trong bãi đỗ xe ở Wembley, tây bắc London ngày 4/4. Ảnh: AFP.
Bất chấp một số nguồn tin cho biết chính phủ Anh sẽ phối hợp cùng các hãng sản xuất cải thiện độ tin cậy của bộ xét nghiệm, các chuyên gia như giáo sư Bell khuyến cáo nên từ bỏ chúng và quay sang phát triển công cụ mới. Bell cho biết mục tiêu chế tạo bộ xét nCoV sử dụng tại nhà “có thể đạt được” nhưng phải mất thêm vài tháng nữa.
Video đang HOT
Một số chuyên gia tham gia kiểm định bộ xét nghiệm cho biết chưa có bất cứ sản phẩm nào trên thị trường đủ tin cậy. Một số bộ xét nghiệm được cho có tỷ lệ chính xác đến 90% dường như mới chỉ được thử nghiệm với các bệnh nhân có triệu chứng đáng kể được điều trị tại bệnh viện.
Một chuyên gia khoa học Anh đang nghiên cứu xét nghiệm kháng thể đối với nCoV nói ông “ngạc nhiên khi chính phủ đủ tự tin” để đặt mua hàng triệu bộ xét nghiệm kháng thể. “Nhiều người trong số chúng tôi ‘đứng hình’ khi nghe tin này”, ông nói.
Giáo sư John Newton thuộc Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh (PHE), người được chỉ định giám sát hoạt động xét nghiệm, cho biết các bộ xét nghiệm do Trung Quốc sản xuất không phát hiện được kháng thể ở những người nhiễm nCoV triệu chứng nhẹ.
“Bộ xét nghiệm được phát triển ở Trung Quốc phù hợp với các bệnh nhân nặng có nồng độ virus lớn và tạo ra nhiều kháng thể, trong khi chúng tôi muốn sử dụng chúng với nhiều đối tượng nhiễm khác nhau, bao gồm cả những người có triệu chứng nhẹ”, Newton nói.
Trong cuộc họp báo tại Phố Downing hôm qua, giáo sư Chris Whitty, trưởng ban cố vấn y tế của chính phủ Anh, nói “không ngạc nhiên” khi các bộ xét nghiệm bị phát hiện là không đáng tin cậy và nói chúng đang ở “kỳ kiểm tra đầu tiên”. Whitty nói xét nghiệm kháng thể sẽ hữu ích hơn vào thời kỳ cuối đại dịch, khi kháng thể có thời gian phát triển và dễ phát hiện hơn.
Tính chính xác của các bộ xét nghiệm nhanh nCoV bị một số quốc gia nghi ngờ. Hồi cuối tháng 3, giới chức Tây Ban Nha gửi trả 58.000 bộ xét nghiệm do một công ty Trung Quốc sản xuất với lý do độ chính xác của chúng chỉ đạt 30%, có thể để lọt nhiều ca dương tính.
Nguyễn Tiến
Vì sao Indonesia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới?
Với 48 ca tử vong trên tổng số 514 ca nhiễm tính đến ngày 23/3, Indonesia hiện là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới với 9,3%.
Đã có hàng nghìn ca mắc Covid-19 chưa được phát hiện?
Theo các chuyên gia, Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 thấp nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có một số lượng ít xét nghiệm được tiến hành trên tổng số 270 triệu dân. Trên thực tế số ca bệnh chưa được phát hiện tại Indonesia có thể cao hơn nhiều.
Tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ phun thuốc khử trùng một trường học ở Jakarta, Indonesia, hôm 16/3. Ảnh: Reuters.
Mô hình bệnh truyền nhiễm từ Trung tâm mô hình toán học về bệnh truyền nhiễm (CMMID) ở London, Anh cho thấy, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Indonesia có thể là 70.000, thậm chí lên đến 250.000 - tùy thuộc vào tốc độ lan truyền, tỷ lệ tử vong và việc đo lường số người có khả năng lây nhiễm.
"Vào thời điểm một ca tử vong vì Covid-19 được báo cáo tại một quốc gia bị ảnh hưởng, có khả năng đã xuất hiện hàng trăm hoặc hàng nghìn trường hợp nhiễm bệnh trong dân số. Điều này đồng nghĩa với việc chiến lược ngăn chặn thông qua theo dõi việc liên lạc, tiếp xúc của bệnh nhân sẽ rất khó khăn và các chiến lược kiểm soát/giảm thiểu thay thế nên được xem xét", nghiên cứu của CMMID cho biết.
Indonesia chỉ xác nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona chủng mới vào ngày 2/3 sau khi có nghi ngờ rằng virus đang lây lan tại quốc đảo này. Tính đến cuối tuần qua mới chỉ có 1.727 xét nghiệm được thực hiện. Như vậy, trung bình cứ mỗi 156.000 người mới có 1 xét nghiệm, tương đương với 160 xét nghiệm được tiến hành với toàn bộ dân số Australia. Thiếu xét nghiệm đồng nghĩa với việc virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan một cách không kiểm soát suốt thời gian qua tại Indonesia.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên toàn cầu là hơn 3%. Tuy nhiên nhiều nhà dịch tễ và nhà virus học tin rằng tỷ lệ này có thể dưới 1%. Theo tính toán trên, nếu tỷ lệ tử vong là 1% (cứ 100 trường hợp thì có 1 trường hợp tử vong) và tỷ lệ lây truyền là 2 (nghĩa là 1 người có thể lây nhiễm cho 2 người) thì số trường hợp không được phát hiện tại Indonesia hiện tại sẽ là 70.848 và với mỗi 1 ca tử vong thì có tới 1.476 ca mắc trong cộng đồng.
Kịch bản tồi tệ nhất sẽ xảy ra vào tháng 4?
Phó giáo sư Stefan Flasche thuộc CMMID cho rằng, rất khó để dự đoán mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 tại Indonesia trong những tuần tới mà không biết rõ những biện pháp nào ngăn chặn nào sẽ được thực thi. Chuyên gia này đánh giá, theo thời gian, khả năng miễn dịch sẽ xuất hiện dần dần trong dân chúng và tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm.
Khi được hỏi về khả năng liệu sẽ có 1 triệu người dân Indonesia mắc Covid-19 vào cuối tháng 4 hay không, ông Stefan Flasche nói rằng với quy mô dân số của Indonesia thì đây sẽ là "kịch bản tồi tệ nhất".
Bộ y tế Indonesia tuần trước dự đoán khoảng 700.000 người có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không nêu thời điểm khi nào điều đó xảy ra. Trong khi đó, các quan chức phụ trách bệnh truyền nhiễm tại Bandung cho rằng "đỉnh dịch sẽ xảy ra vào cuối tháng 3 hoặc giữa tháng 4".
"Số ca mắc Covid-19 sẽ tiếp tục tăng lên tới mức độ tối đa khoảng 8.000 ca và tăng trung bình mỗi ngày khoảng 600 ca cho đến cuối tháng 3", báo cáo trích dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Bandung, Indonesia, cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh xu hướng gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Indonesia với các quốc gia khác và thấy điều này tương tự như ở Hàn Quốc - đất nước được đánh giá là "khá thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 ".
"Dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập được đến ngày 14/3, có thể thấy xu hướng tại Indonesia tương tự như ở Hàn Quốc, nhưng sau khi lên tới 369 trường hợp thì xu hướng này lại giống ở Mỹ hơn", Tiến sỹ Nuraini thuộc Viện Công nghệ Bandung nói với ABC.
Đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, trong đó có việc cấm du khách đến từ các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có Trung Quốc, Iran và Hàn Quốc, Italy.
Tuy nhiên, Tổng thống Joko Widodo vẫn loại trừ khả năng phong tỏa Jakarta, nơi có phần lớn các ca nhiễm và ca tử vong. Indonesia cũng không thực hiện việc cách ly bắt buộc đối với khách du lịch như ở Singapore và Australia. Không có lệnh giới nghiêm chính thức ở Jakarta, dù cảnh sát quốc gia đã yêu cầu đóng cửa các sự kiện tôn giáo lớn, dừng các hoạt động thể thao và giải trí.
Thống đốc Jakarta Anies Basweden đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô và kêu gọi đóng cửa các văn phòng, đề nghị mọi người làm việc hoặc học tập tại nhà và giảm việc tham gia giao thông công cộng. Chính phủ đã chỉ định hơn 130 bệnh viện để điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngoài ra 161 bệnh viện của quân đội và cảnh sát cũng được huy động./.
Hồng Anh
Nhân viên giả vờ nhiễm Covid-19 khiến công ty "sập tiệm" 5 hôm Anh Jeffrey Travis Long, 31 tuổi, ngụ ở South Carolina (Mỹ) - đã giả vờ nhiễm Covid-19 khiến công ty ngừng hoạt động 5 hôm liền. Long vốn là tổng đài viên của Sitel Corporation, trụ sở chính ở Hạt Spartanburg. Anh này bị cáo buộc "gian dối, cố tình gây hoảng loạn trong thời điểm nhạy cảm". Cụ thể hơn thì, anh...