Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và chiến công thống nhất nước nhà
Với trí dũng toàn tài, anh hùng áo vải Nguyễn Huệ nam chinh bắc chiến, thống nhất nước nhà, bảo vệ non sông, mang lại bình yên cho người dân.
Quang Trung Nguyễn Huệ là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn và là anh hùng dân tộc được sử gia đánh giá cao và người đời kính trọng.
Ông là vị tướng thiên tài, từng dẫn quân đánh đổ hai tập đoàn phản động ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, bảo vệ đất nước trước cuộc tấn công của Xiêm La và nhà Thanh. Người anh hùng áo vải đã thực hiện ước mơ thống nhất đất nước của dân tộc vào thế kỷ 18.
Sấm truyền &’Tây khởi nghĩa, Bắc thu công’
Thuở nhỏ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ theo học cả văn lẫn võ với Trương Văn Hiến. Thấy 3 anh em trí dũng hơn người, ông khuyên họ khởi nghĩa, xây dựng đại nghiệp.
Năm 1771, lấy danh nghĩa phù trợ Nguyễn Phúc Dương chống lại quyền thần Trương Phúc Loan, Nguyễn Nhạc dấy binh khởi nghĩa, xây dựng căn cứ chống chúa Nguyễn ở Tây Sơn.
Thời đó, dân gian lưu truyền lời sấm truyền “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”. Vì thế, nhiều người tin tưởng việc anh em Tây Sơn dấy binh là đúng ý trời. Nhờ đó, nghĩa quân nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của quần chúng, thu hút nhiều tướng tài như Nguyễn Thung, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng.
Quang Trung đại phá quân Thanh. Tranh minh họa.
Tương truyền, một buổi sáng còn mờ sương, khi Nguyễn Huệ đưa đoàn quân đến đoạn đèo An Khê, hai con rắn đen tuyền, to lớn chắn ngang đường. Nghĩa quân bất ngờ, không dám bước tiếp.
Nguyễn Huệ thấy vậy, chắp tay khấn rắn: “Nếu Sơn thần, Xà thần phụ trợ cho việc làm chính nghĩa của anh em nhà Tây Sơn, biết trước sự thành công thì xin Xà thần mở đường cho quân đi. Nếu sự nghiệp không thành, Xà thần hãy trị tội mình tôi, để nghĩa sĩ trở về với gia đình, đồng ruộng”.
Ông vừa dứt lời, hai con rắn liền quay đầu, tiến lên phía trước mở đường. Lúc sau, một con lao vào bụi rậm, lúc trở ra ngậm thanh Ô Long đao, vươn cổ trao cho Nguyễn Huệ.
Ông kính cẩn nhận lấy rồi thề trước Xà thần sẽ dùng đao hành hiệp, cứu dân, bảo vệ dân tộc.
Trên thực tế, Ô Long đao gắn liền những chiến công hiển hách của vị anh hùng áo vải từ những ngày đầu dựng nhà Tây Sơn đến trận chiến cuối cùng.
Nguyễn Huệ lần lượt dẫn quân đánh chiếm các huyện, đánh lui quân chúa Nguyễn, trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhà Tây Sơn.
Sau khi Nguyễn Nhạc lên ngôi, Nguyễn Huệ được phong làm Long Nhương tướng quân. Dưới triều Tây Sơn, Nguyễn Huệ tiếp tục chứng tỏ tài năng quân sự, thao lược hơn người.
Năm 1785, ông dẫn quân chặn đánh quân Xiêm La trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút, lệnh quân sĩ giả vờ thua, nhử địch vào trận mai phục, tiêu diệt gần hết hai vạn quân địch. Sau trận đánh này, quân Xiêm khiếp đảm, “sợ Tây Sơn như sợ cọp”.
Sau đó, ông lại dẫn quân ra bắc, đánh tan chính quyền chúa Trịnh, trao trả quyền chính cho vua Lê. Tuy nhiên, ông mới là người thực sự nắm quyền.
Ít lâu sau khi Lê Chiêu Thống lên ngôi, Nguyễn Huệ dẫn theo công chúa Ngọc Hân về Nam. Ông trở thành Bắc Bình Vương, cai quản từ Thuận Hóa đến đèo Hải Vân.
Mâu thuẫn giữa ông và Nguyễn Nhạc ngày càng lớn. Giữa lúc đó, Nguyễn Ánh ngóc đầu trở lại ở miền Nam. Nguyễn Huệ chưa kịp dẫn quân bình loạn thì lại nghe tin Lê Chiêu Thống cầu viện viện quân Thanh.
Video đang HOT
Trước tình thế hai đầu thụ địch, ông quyết định tiến quân thần tốc, nhanh chóng đánh đuổi quân Thanh.
Ngày 25/11 năm Mậu Thân (22/12/1788), Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Quân Bắc Bình Vương tiến công thần tốc, ngày 30 tháng Chạp đã đánh diệt đồn Gián Khẩu rồi nhanh chóng dụ hàng đồn Hà Hồi.
Sáng mồng 5, ông ra lệnh tấn công Ngọc Hồi, quân Thanh tháo chạy. Như vậy, chỉ trong 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh.
Sở dĩ quân Tây Sơn có thể đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh trong thời gian ngắn một phần ở tài dùng binh và khả năng động viên quân sĩ đồng lòng của Nguyễn Huệ.
Tương truyền, trước khi xuất chinh, tại lễ lên ngôi ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ lập kế động viên quân sĩ.
Sau khi làm lễ, vua sai mang đến cái mâm, bên trên đặt các đồng tiền, phủ vải điều rồi nói với quân sĩ: “Ba quân hãy cùng ta quan sát, nếu cả hai trăm đồng tiền này đều sấp, thì đó là điềm trời báo chúng ta đại thắng. Nhược bằng, có đồng ngửa, đó là đại sự của chúng ta có điều trắc trở.
Nguyễn Huệ chắp tay khấn vái, đặng bưng mâm tiền, cung kính dâng lên cao, rồi hất tung xuống sân. Quân sĩ thấy các đồng tiền nhất loạt đều sấp, reo hò mừng rỡ, tin chắc trận ra bắc sẽ thắng quân Thanh.
Sự thực, Nguyễn Huệ đã sai đúc 200 đồng tiền có cả 2 mặt đều là sấp.
Sau đó, ông lại nâng cao sĩ khí quân lính bằng bài Hịch ra trận hào hùng:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho chúng chích luân bất phản
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ
Vị vua sáng suốt, bình dị
Sau khi đánh tan quân Thanh, vua Quang Trung tiến hành cải cách kinh tế, xã hội. Ông sắp đặt lại đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy Nhà nước.
Ngày nay, tượng đài Quang Trung được đặt tại nhiều nơi trên cả nước. Ảnh tư liệu.
Đặc biệt, để phát triển quốc gia, Nguyễn Huệ rất chú trọng việc thu hút nhân tài. Ông ban Chiếu cầu hiền, hy vọng người tài đứng ra phò vua giúp nước.
Trước thái độ trọng dụng hiền tài của vua Quang Trung, nhiều cựu thần nhà Lê như Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Nễ, Nguyễn Huy Lượng đã ra giúp nhà Tây Sơn.
Ý cầu hiền của nhà vua thể hiện rõ trong việc ông nhiều lần mời Nguyễn Thiếp ra làm quan. Sau nhiều lần từ chối, cảm phục trước đức độ nhà vua áo vải cờ đào, La Sơn Phu Tử nhận lời mời, xuống núi giúp vua.
Là vị tướng Nam chinh Bắc chiến, sau này là vua một nước nhưng trong cuộc sống đời thường, vua Quang Trung lại rất bình dị. Dân gian lưu truyền khá nhiều giai thoại đối đáp, cho thấy ông là người thông minh, sắc sảo.
Ngay cả khi không vừa lòng với người dưới, ông vẫn bình tĩnh nhắc nhở một cách tế nhị nhưng vô cùng thấm thía.
Theo Hoàng Lê nhất thống chí, sau khi Tây Sơn chiếm Phú Xuân, Nguyễn Hữu Chỉnh nóng lòng muốn Nguyễn Huệ đánh Bắc Hà để ông ta có cơ hội báo thù riêng.
Chỉnh nói: “Người tài Bắc Hà chỉ có một Chỉnh này thôi. Nay tôi đã đi rồi, ấy là cái nước rỗng không, xin ngài chớ nghi ngại”.
Nguyễn Huệ mới đùa rằng: “Không nghi ngại người nào khác, chẳng hóa ra chỉ có ông là đáng nghi ngại thôi ư?”.
Vua đối đáp nhẹ nhàng nhưng thực chất là nhắc khéo Nguyễn Hữu Chỉnh chớ kiêu căng, tự phụ.
Giai thoại Thăng Long cũng kể khi Nguyễn Huệ ra Bắc đánh Trịnh, quân lính đánh vào Văn Miếu, làm đổ một số bia tiến sĩ. Sau khi Quang Trung đại thắng quân Thanh, người dân quanh đó nhờ các nhà nho làm đơn, đề đạt nguyện vọng khôi phục di tích nhưng chỉ gọi vua là ngài.
Quang Trung phê: “Ta không trách các nông phu. Ta chỉ gớm các thầy nho. Cả gan, to mật, dám kêu vua bằng ngài”.
Vua cũng tỏ ý cho dựng lại di tích. Sự kiện này giúp nhà vua gần hơn với dân chúng. Sự giản dị, bình dân ấy là điểm hiếm có ở bậc vua chúa.
Không chỉ có tài cầm quân, sáng suốt về mặt chính trị, vua Quang Trung còn biết nhìn xa trông rộng. Khi vua Lê Hiển Tông qua đời, Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân muốn lập Duy Cận lên ngôi.
Tuy nhiên, dưới sức ép của nhà Lê, ông phải đồng ý để Lê Duy Kỳ kế thừa ngôi báu. Sau này, Lê Chiêu Thống “cõng rắn cắn gà nhà”, chứng minh Nguyễn Huệ đã có cái nhìn đúng đắn khi không muốn ông này lên ngôi.
Học giả Trần Trọng Kim đánh giá: “Vua Quang Trung nhà Tây Sơn là ông vua anh dũng, lấy võ lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền tài văn học.
Khi ngài ra đất Bắc Hà, những người như Ngô Thì Nhiệm, Phan Huy Ích đều được trọng dụng và nhất là đối với một xử sĩ như Nguyễn Thiệp thì thật khác thường”.
Theo Zing
Vợ chồng võ tướng nức danh sử Việt
Được xem là trường hợp đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam là vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân khi ông bà đều là tướng lĩnh trụ cột của một triều đại.
Trong các vị tướng tài thuộc hàng trụ cột của nhà Tây Sơn, vợ chồng võ tướng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là những người sớm tham gia cuộc khởi nghĩa. Họ cũng là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử khi đều là danh tướng lập nhiều chiến công hiển hách và cùng phò tá vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) từ khi còn áo vải đến khi lên ngôi hoàng đế.
Trần Quang Diệu (1746-1802) người làng Kim Giao, xã Liên Chiểu (nay thuộc xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Cũng có tài liệu cho rằng ông tên Trần Văn Đạt, là người ở làng An Hải (trước thuộc huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam nay thuộc quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Tham gia phong trào Tây Sơn từ những ngày đầu, theo sử liệu, Trần Quang Diệu là võ tướng quan trọng nhất của nhà Tây Sơn, được coi là một trong "Tây Sơn Thất Hổ Tướng" và cũng là một trong những tướng lãnh trung thành cuối cùng đã chiến đấu bảo vệ sự tồn tại của triều Tây Sơn.
Tượng thờ thái phó Trần Quang Diệu trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt ở Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định. Ảnh: Wikipedia
Bùi Thị Xuân (chưa rõ năm sinh-1802) người làng Phú Xuân (xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định) là cháu của thái sư Bùi Đắc Tuyên. Theo sử sách, bà rất xinh đẹp, giỏi võ nghệ. Ngoài tài kiếm thuật, bà còn giỏi bắn cung, cưỡi ngựa và luyện voi.
Cùng với ý chí kiên cường và lòng dũng cảm bà đã lập được nhiều chiến công, trở thành nữ tướng kiệt xuất của nghĩa quân Tây Sơn với tư cách là người chỉ huy đội tượng binh - binh chủng đặc biệt và dũng mãnh này khiến quân Trịnh, Nguyễn và Mãn Thanh khiếp sợ.
Ngay từ khi chưa theo quân Tây Sơn bà đã tự phong là "Tây Sơn nữ tướng". Đến khi gặp Nguyễn Huệ, ông cũng thừa nhận bà rất xứng với danh xưng đó và còn ban tặng thêm bốn chữ "Cân quắc anh hùng" - bậc nữ lưu có khí phách.
Tương truyền, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân gặp gỡ rất tình cờ. Trên đường đến Tây Sơn tụ nghĩa ông Diệu đã đánh nhau với con hổ lớn, rất hung dữ. Nhân đi qua, bà Xuân rút kiếm xông vào cứu và đưa ông Diệu bị hổ vồ trọng thương về nhà chữa trị.
Sau hai người thành gia thất rồi cùng về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn, nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong cuộc chiến chống quân Xiêm, Mãn Thanh và những trận chiến quyết liệt với quân của Nguyên Ánh trong suốt 10 năm trời.
Trước khi đưa quân đánh chiếm thành Quy Nhơn mở đầu cho khởi nghĩa Tây Sơn, Trần Quang Diệu được phong làm Đô đốc, vợ ông được phong Đại Tổng lý, cả hai đều là quan võ. Riêng Bùi Thị Xuân còn có nhiệm vụ rèn luyện voi chiến và điều hành đội nữ binh trên 2.000 người. Sau khi chiếm được thành Quy Nhơn, Trần Quang Diệu được phong Thiếu phó và Bùi Thị Xuân là Đô đốc.
Suốt những năm tháng theo nhà Tây Sơn, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân có lúc phải cách xa, có lúc cùng nhận một trọng trách như trận Rạch Gầm - Xoài Mút cả hai đều thống lĩnh, điều khiển lực lượng bộ binh. Trong trận này, Bùi nữ tướng đã chém bay đầu tướng Xiêm là Lục Côn.
Trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa chống quân nhà Thanh xâm lược (Tết Kỷ Dậu 1789), vợ chồng Thiếu phó là hai trong những vị tướng đã lập công xuất sắc. Sau chiến thắng này, Quang Diệu được Nguyễn Huệ cử làm Đốc Trấn Nghệ An, ông nhanh chóng ổn định xã hội tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm làm ăn sinh sống, ngoài ra ông còn chứng tỏ được biệt tài của mình khi tổ chức xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô.
Tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt tại Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định. Ảnh: Wikipedia
Theo sách Đại Nam Liệt truyện chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1792, Quang Trung (Nguyễn Huệ) đột ngột qua đời. Triều đại Tây Sơn bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) còn nhỏ, bị họ ngoại chuyên quyền, dẫn đầu là cậu họ Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Các đại thần kết bè phái, nội bộ lục đục, triều chính suy vi khiến lòng dân vốn đã sống quá nhiều năm trong cảnh máu lửa càng thêm oán ghét cảnh phân tranh, loạn lạc...
Năm 1799, Nguyễn Ánh xua quân chiếm lại Quy Nhơn. Bùi Thị Xuân cùng chồng vừa tham gia củng cố triều chính vừa chỉ huy quân sĩ giữ lũy Trấn Ninh, chống lại quân nhà Nguyễn. Trong cuộc đối đầu quyết liệt với Nguyễn Ánh (vua Gia Long), vợ chồng tướng Trần Quang Diệu đã nhiều phen làm quân của Nguyễn Ánh thất điên bát đảo, nhất là trận Quy Nhơn năm 1801.
Cũng trong trận chiến này, sau khi chiếm được Quy Nhơn, Trần Quang Diệu đối xử rất tử tế với các tướng và binh sĩ của nhà Nguyễn chỉ để giữ lời hứa với tướng địch là Võ Tánh trong giờ phút cuối cùng. Với việc tha chết cho binh sĩ của đối phương, Trần Quang Diệu được các nhà sử học đánh giá là người tín nghĩa, nhân đức.
Tuy nhiên, lúc này triều Tây Sơn đã không còn vững như trước. Với sự tấn công mạnh mẽ từ nhiều phía của quân Nguyễn Ánh, các thành luỹ của Tây Sơn nhanh chóng bị mất. Năm 1802, trong một trận ác chiến với quân Nguyễn Ánh ở Nghệ An, vợ chồng tướng quân Trần Quang Diệu cùng con gái bị bắt khi đang dọc đường rút quân ra Bắc.
Khi vua Gia Long chiêu hàng Trần Quang Diệu, ông đáp: "Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn, thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu". Sau đó, vợ chồng tướng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và cô con gái 15 tuổi đều bị xử tội chết.
Theo tư liệu của De La Bissachère - một giáo sĩ phương Tây, người chứng kiến cuộc hành hình, đã miêu tả cái chết lẫm liệt của bà như sau: "Bùi Thị Xuân không hề biến đổi sắc mặt, tiến trước đầu voi một cách bình tĩnh. Mấy tên lính thét la om sòm, bảo bà quỳ xuống nhưng bà vẫn thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại, bọn lính phải lấy giáo nhọn thọc vào đùi con vật mới dùng vòi quặp bà tung lên trời...".
Giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần thì đánh giá: "Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng...".
Trung Sơn
Theo VNE
Bộ đôi Lamborghini biển độc khoe dáng tại Sài Gòn Hai chiếc siêu xe Lamborghini Huracan và Aventador biển đẹp vừa khuấy động phố đi bộ Nguyễn Huệ trong ngày nghỉ lễ vừa qua. Cặp đôi siêu xe của Lamborghini gồm chiếc Huracan màu ghi xám và chiếc Aventador màu vàng đỗ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ trong chuỗi ngày nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương. Cả hai đều mang biển kiểm...