Ăn tết 3 miền
“Món ăn đặc trưng nhất của người Việt trong dịp tết là gì?”. Câu hỏi của một anh bạn đồng nghiệp người Mỹ chuyên viết về du lịch, ẩm thực khiến tôi bối rối. Rồi anh ta phá ra cười bảo rằng danh sách của tôi dài quá.
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Thị Diệu Thảo nhận xét, các món ăn ngày tết thể hiện rõ tính cách của người dân từng vùng miền: Thời tiết miền Bắc và Trung lạnh, sản vật không dồi dào, cộng với thói quen kiêng kỵ làm việc nhiều trong những ngày đầu năm khiến các món ăn ngày tết luôn đặt nặng tính dự trữ, để được lâu. Trong khi đó, tính phóng khoáng của người miền Nam thể hiện rõ trong sự đa dạng của các món tết. Thời tiết ấm, nguyên vật liệu tươi lại luôn có sẵn nên người miền Nam có thể đãi khách món gỏi, cá nướng, lẩu… trong ngày tết.
Hãy cùng TNTS điểm qua một vài điểm khác biệt giữa món ăn 3 miền:
Cũng là thịt heo
Có lẽ người miền Bắc không ai không biết đến món thịt đông mang hương vị rất riêng. Miếng thịt heo thường ngày bỗng trở nên thơm lạ lùng giữa cái beo béo, ngòn ngọt, giòn giòn của chất đông, quyện với cái chua chua, hăng hăng của củ hành ăn kèm thật thú vị. Xắn một miếng thịt đông, để cho vị ngon ngọt chậm rãi tan trong vòm miệng rồi chảy vào từng thớ thịt và tan khắp cơ thể, những người con Bắc xa quê thấy mình như được trở về với cái tết se lạnh, lâm thâm mưa phùn…
Thịt heo ngâm nước mắm có lẽ là món đơn giản nhất của miền Trung. Nhưng nó đơn giản theo kiểu… cầu kỳ. Từ trước tết, các mẹ, các chị phải ra chợ tự tay lựa chọn thật kỹ miếng thịt nạc đùi hồng tươi, đem về ướp với một ít ngũ vị hương, đường, bột nêm cho đượm mùi thơm rồi luộc chín và ngâm trong keo nước mắm nấu đường. Đó chắc chắn cũng là loại nước mắm ngon nhất để mùi thơm ẩn trong từng thớ thịt tỏa hương suốt những ngày tết.
Thịt đùi heo kho với nước dừa và trứng vịt của người miền Nam thì không nhừ như thịt nấu đông ở miền Bắc, không cứng như thịt ngâm nước mắm ở miền Trung. Phần mỡ thịt trong veo nhuộm màu nâu vàng óng ả của nước dừa đã sắt lại bao quanh miếng thịt được cắt vuông vức trông thật hấp dẫn. Chỉ cần dùng đũa tre xắn nhẹ, miếng thịt đã tơi ra. Cái béo ngậy của phần mỡ hòa lẫn với hương thơm của phần nạc quyện vào vị ngọt tự nhiên của nước dừa là lời mời khó từ chối.
Món đồ chua thông minh
Tất cả những loại thức ăn kể trên sẽ không thể ngon trọn vẹn nếu thiếu một thứ: đồ chua – những món ăn kèm đơn giản nhưng thể hiện rõ nét thông minh trong ẩm thực Việt. Là một cách bảo quản thực phẩm, các món chua còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, chống ngán. Trong dịp tết, khi rau tươi không sẵn có như ngày thường, đồ chua cũng là nguồn bổ sung chất xơ tuyệt vời. Trong khi miền Bắc thích ăn dưa cải chua và đặc biệt là dưa hành; người miền Nam chuộng dưa cải chua, củ kiệu và dưa giá thì người miền Trung không bao giờ thiếu hũ dưa món. Nhưng dù có là loại nào thì cũng mang đậm dấu ấn chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn… làm cho miếng bánh chưng, gắp thịt đông, nồi thịt kho… thêm phần quyến rũ.
Bánh chưng – bánh tét
Nếu như bánh chưng của miền Bắc và đặc biệt bánh tét của miền Trung để được rất lâu nhờ ít nhân và gói chặt thì người miền Nam không quá chú trọng đến tính thực dụng, chỉ chăm chút sao cho cái bánh tét của họ phải béo nhất, thơm nhất, đôi khi ngọt ngào nhất theo đúng khẩu vị của mình. Không nơi nào mà bánh tét đa dạng, phong phú và vui mắt như bánh tét của người miền Nam, đặc biệt ở tại khu vực Tây Nam bộ. Có thể kể ngay đến bánh tét nhân chuối đỏ au, nhân đậu xanh vàng ruộm, nhân lạp xưởng tôm khô vui mắt, nhân trứng muối tươi tắn… Phần nếp cũng rất đa dạng: những hạt nếp trắng truyền thống khi thì bỗng dậy màu xanh ngọc mát mắt của lá mật cật, khi thì chuyển màu huyết dụ hấp dẫn của lá cẩm, khi thắm màu rực rỡ của trái gấc đỏ tươi… Nếu như bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để chiều lòng thị giác người ăn thì người miền Tây còn có bánh tét ngũ sắc… với hương vị rất mới lạ, ấn tượng và phải nói là rất “ép phê”. Ấy là do nếp thường được xào với nước cốt dừa, đôi khi cả nước dùng heo trước khi gói.
Ảnh: Công Hân
Theo TNO
[Chế biến]- Tự gói bánh tét đón Tết về
Gói bánh rất dễ, bạn chỉ cần tỉ mỉ một chút và thời gian nấu bánh chỉ gần 4 tiếng là có những đòn bánh tét thật ngon rồi!
Nguyên liệu:
1kg nếp ngon
250g đậu xanh
2 củ hành tím
5 trứng hột vịt muối
300g thịt heo có mỡ
1 bó rau ngót
Lá chuối
Giấy bạc
Cuộn dây nilong
Muối, tiêu, đường, hạt nêm.
Cách làm:
Đậu xanh ngâm 4 tiếng, rửa sạch rồi cho vào nồi, đổ nước ngập mặt đậu rồi nấu với lửa nhỏ cho đậu chín đều.
Khi đậu chín đều thì tắt bếp, thêm 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường vào khuấy chung với đậu cho đều. Chờ đậu nguội.
Trong thời gian chờ đậu chín thì bạn cắt miếng thịt ra thành 5 dải bằng nhau, thường thì gói bánh tét người ta thường dùng mỡ, nhưng mình không thích mỡ nên mình dùng thịt, bạn nào thích ăn mỡ thì dùng mỡ nhé.
Video đang HOT
Ướp thịt với 1 thìa cà phê hạt nêm, thìa cà phê hạt tiêu cùng vài củ hành tím bằm nhuyễn trong khoảng 30 phút cho thịt thấm đều. Còn nếu bạn dùng mỡ thì sau khi ướp bạn phơi nắng cho mỡ trong thì bánh nhìn sẽ ngon hơn.
Cắt mỗi lòng đỏ trứng muối ra làm bốn phần.
Dùng 1 vỏ bịch nilong cứng trải ra, múc một phần đậu xanh lên trên và ép dẹp dẹp, sao cho vừa chiều dài miếng thịt. Mình chia đậu xanh làm khoảng 5 phần để làm được 5 đòn bánh tét.
Trải miếng thịt lên trên đậu xanh.
Tiếp tục xếp trứng muối lên trên thịt.
Lần lượt làm hết đủ 5 phần nhân đậu rồi cất vào ngăn đá tủ lạnh cho đông cứng lại.
Rau ngót xay ra, lọc lấy nước.
Nếp ngâm qua đêm, cho ra rổ để ráo nước khoảng 10 phút rồi đổ vào một cái thau và rót lọc nước rau ngót vào chung.
Thêm 1 thìa canh muối vào trộn đều, để 5 phút và trộn tiếp giúp màu xanh của rau ngót quyện chung với nếp. Trộn nhẹ để nếp không bị vỡ.
Chia nếp ra làm 5 phần bằng nhau rồi tiếp tục chia mỗi phần ra làm 2 phần lớn...
Chuẩn bị gói bánh bạn cần có lá chuối to đã được rửa và lau sạch, giấy bạc mình dùng trong gói bánh mục đích là cho nước khi nấu bánh sẽ không lọt vào bên trong, bánh chắc, ngon và để được lâu; ngoài ra giấy bạc còn giữ nhiệt cho bánh chín nhanh. Thường bánh tét dùng dây lạt để cột bánh nhưng ở đây mình không có lạt nên dùng dây nilon.
Lựa 1 miếng lá chuối trải ra, gân lá chuối phía ngoài.
Lót tiếp 1 lớp giấy bạc.
Tiếp tục trải thêm 1 lớp lá chuối lớn với các gân lá có chiều vuông góc với lớp lá chuối đầu tiên.
Đổ 1 phần nếp lớn đã chia lên trên lá chuối.
Dàn nếp đều ra và đặt phần nhân đã làm sẵn lên trên.
Phủ 1 phần nếp lớn nữa trên.
Nắm 2 bên chiếc lá gấp lại, lưu ý là phần mép 2 lá chuối phải chênh nhau.
Gấp phần mép lá phía trên xuống.
Gấp chặt rồi lăn nhẹ cho nếp chạy đều thân bánh.
Dùng 1 dây buộc ngang ở chính giữa cuộn bánh, bạn buộc thắt nút theo dạng có thể rút dây được nhé!
Nhẹ nhàng bẻ gập phần góc chiếc bánh dựng đứng lên, lúc này bạn đổ phần nếp nhỏ đã chia vào bánh để phần đầu bánh cũng có nếp đều.
Sau đó bẻ góc cạnh cho bánh và lật ngược đầu kia làm tương tự.
Dùng một phần lá chuối che phần đầu bánh.
Tiếp tục che đều phần còn lại.
Thêm 1 chiếc lá nhỏ với kích cỡ tương tự đè lên nhưng đặt vuông góc với lớp lá đầu tiên.
Dùng dây buộc lại rồi làm tương tự bọc lá cho đầu bánh còn lại.
Sau khi buộc xong thì đòn bánh của bạn đã dần được định hình rồi.
Tháo sợi dây chính giữa đòn bánh ra, lăn nhẹ cho nếp trong bánh chạy đều trong đòn bánh.
Dùng 1 dây dài buộc dọc theo đòn bánh và buộc chéo sợi dây ở các đầu bánh.
Cột chặt đầu bánh rồi từ sợi dây đã cột chặt phần đầu, chồng chéo sợi dây làm sao cho dây thật chặt rồi kéo sợi dây xuống làm tương tự các bước sau.
Tay trỏ đưa lên nâng sợi dây rồi lồng qua nó vòng xuống phía dưới đòn bánh.
Lồng sợi dây qua nút thắt và kéo mạnh xuống cho bánh được buộc chặt. (A)
Lúc này bạn rút 1 sợi dây đã cột sơ để giữ đầu bánh ban đầu. (B)
Kéo sợi dây xuống và làm các bước tương tự như ở (A) và (B)
Làm cho hoàn chỉnh và cột phần đầu bánh bên kia cho chặt.
Chi tiết phần dây sau khi bạn đã buộc xong bánh.
Lần lượt làm hết số bánh còn lại.
Dùng 1 nồi lớn, lót vài lá chuối phía dưới đáy nồi, đổ nước đầy rồi đun sôi.
Xếp toàn bộ bánh vào, nấu với lửa vừa trong thời gian từ 3,5 - 4 tiếng, khi nấu bánh bạn nhớ canh để thêm nước vào giúp bánh chín đều. Sau khi nấu bánh hơn 1,5 tiếng bạn cần vớt bánh ra, trở ngược bánh lại cho nếp chín đều.
Bánh chín bạn vớt ra, treo lên nơi thoáng mát để bánh khô ráo, để được khoảng 1 tuần.
Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết truyền thống của chúng ta. Ở những vùng quê miền Nam có truyền thống nhà nào cũng nấu nồi bánh tét đêm giao thừa. Nhưng truyền thống đặc trưng đó thì rất khó thấy ở chốn thành thị do ai cũng bận rộn và nghĩ rằng gói bánh khó, thời gian nấu bánh phải qua đêm, rất lâu. Nhưng thật ra gói bánh rất dễ, bạn chỉ cần tỉ mỉ một chút và thời gian nấu bánh chỉ gần 4 tiếng là chúng ta có những đòn bánh tét thật ngon rồi!
Theo PNO
Liên hoan Bánh dân gian Liên hoan Bánh dân gian lần đầu tiên được tổ chức tại TP.Cần Thơ tối 16.1 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách và người dân Tây Đô. Liên hoan bao gồm hơn 100 loại bánh dân gian, từ bánh tét, bánh ú, bánh bao, bánh xèo... đến các loại chè, do các nghệ nhân nổi tiếng thực hiện....