Ấn Độ: 15 triệu học sinh có nguy cơ mất trường
Các trường học tư không đạt chuẩn mà vẫn mở cửa sau hạn chót 31/3 sẽ phải chịu phạt 100.000 rupee, cộng thêm khoản phạt 10.000 rupee mỗi ngày nếu tiếp tục hoạt động.
Như vậy có khoảng 300.000 trường học với 15 triệu học sinh có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định này và gây nên một cú sốc cho nền GD Ấn Độ.
Heera Ballabh đưa đứa con trai út men theo con lộ hẹp dài 2 km tới trường. Anh hy vọng một nền giáo dục tốt giúp bé thoát khỏi tầng lớp nghèo hèn. Tuy nhiên, ước mơ đó của Ballabh có thể sớm tắt bởi ngôi trường tư mà Pankaj, con anh đang theo học, sắp bị đóng cửa.
Đối với Pankaj và nhiều người khác, Luật Phổ cập Giáo dục trẻ em 2010, mà theo đó được tới trường là quyền cơ bản của trẻ em từ 6 đến 14 tuổi, dường như là loại trừ họ. Theo luật này, những cơ sở tư nhân không đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản của một trường học sẽ phải đóng cửa trong tháng tới; các trường tư muốn tồn tại phải đáp ứng qui chuẩn tối thiểu về diện tích xây trường, lương giáo viên…
Học sinh Trường Pioneer Public có thể phải nghỉ học từ 1/4
Video đang HOT
Pankaj theo học tại Trường Pioneer Public. Đây là một trong 2.000 trường tư học phí thấp tại Thủ đô Delhi trước nguy cơ phải đóng cửa, khiến 500.000 học sinh mất chỗ học, hầu hết là học sinh tiểu học.
Trên toàn Ấn Độ, khoảng 300.000 trường, với khoảng 15 triệu học sinh, có thể phải đóng cửa. Trong khi có ý kiến cho rằng luật trên đe dọa chuyện học hành của hàng chục triệu học sinh thì cũng có ý kiến ủng hộ với lí do sẽ bảo đảm trẻ không phải tiếp nhận giáo dục chất lượng thấp.
Không giống như đa số các quốc gia khác trên thế giới, trường công áp đảo trường tư, thì ở Ấn Độ trường tư lại là sự lựa chọn của số đông phụ huynh.
Ballbah phải trả thêm vài trăm rupee mỗi tháng trong khoản tiền lương ít ỏi với công việc gia sư để gửi con vào trường Pioneer thay vì vào một trường công lập. Mặc dù được miễn học phí, tiền mua sách giáo khoa và có bữa trưa miễn phí, trong các trường công giáo viên thường xuyên bỏ tiết và mỗi lớp học có thể tới 80 học sinh – Ballabh cho biết. Nghiên cứu của một số tổ chức chức phi chính phủ cho thấy chất lượng dạy học ở các trường tư tốt hơn trường công.
Điểm vướng mắc lớn nhất trong việc vươn tới “chuẩn tối thiểu” của các trường tư là diện tích đất xây trường. Những chuyên gia GD cảnh báo rằng việc đóng cửa các trường chưa đạt chuẩn sẽ đẩy học sinh dồn vào các trường công vốn đã quá tải, gây thêm sức ép lên toàn hệ thống GD quốc gia.
Trong khi một số bang có cách xử trí linh hoạt với luật trên thì chính phủ trung ương quyết tâm thực thi luật. Một trong số các bang cố thu hẹp khoảng cách giữa yêu cầu của luật với nhu cầu thực tế là Gujarat, nơi đòi hỏi qui định về diện tích đất được bỏ qua và các trường học được tồn tại dựa trên thành tích giáo dục.
Tháng 4 năm ngoái, tòa án tối cao Ấn Độ đã tiếp nhận đơn kiện của nhóm trường tư đòi bãi bỏ luật này. Các trường này lập luận rằng họ cung cấp dịch vụ giáo dục rẻ hơn và tốt hơn cho những người không thể đủ tài chính gửi con tới những trường tư đắt đỏ hơn. Ví dụ học phí của Pankaj sẽ cao gấp 10 lần nếu vào học tại những trường tư “đạt chuẩn”.
Theo Bảo Chi ( Pháp luật & Thời đại/TheNational)
Trái đắng từ việc chú trọng dạy "chữ" hơn "dạy người"
Nhìn nhận về bức tranh toàn cảnh của năm qua, một nhà tư vấn tâm lý giáo dục đưa ra nhận định: 2012 là một năm ghi dấu ấn kỷ lục của những vụ việc đau lòng liên quan đến những người "có học".
Học cao, học thấp đều "ra tay"
Tháng 1/2012, tại TPHCM, một phụ huynh lên tiếng tố cáo cô giáo của trường mầm non Mai Anh (Vĩnh Lộc B, Bình Chánh) đã tát và gây tổn thương vùng kín của con mình. Không lâu sau đó, tháng 3/2012, tại trường mầm non Hương Sen (Đà Nẵng), một giáo viên bị tố đã lôi học sinh vào nhà vệ sinh và dùng thước đánh nhiều lần vào chân gây ra những vết bầm tím cùng với nỗi sợ hãi, hoang mang cho các cháu.
Trong ba ngày 7 - 9/9/2012, tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk), nghi ngờ người yêu có "bồ" mới, nữ sinh viên một trường đại học ở TPHCM đã nhiều lần vác dao truy sát cả bạn trai lẫn "tình địch" và ở cuối "hành trình truy sát" này, người bạn trai vĩnh viễn ra đi... Hay tại Bắc Ninh, tháng 9.2012 một số phụ huynh học sinh trường mầm non Hương Mạc tố cáo với công an thị xã Từ Sơn về việc cô giáo lớp 5 tuổi số 3 trường mầm non Hương Mạc 2 dán băng dính vào mồm học sinh để "giữ trật tự".
Nữ sinh đánh hội đồng.
Những vụ việc tương tự như thế, thầy cô giáo "ra tay" với học sinh, học sinh "trả đũa" thầy cô giáo, "xử" lẫn nhau, đánh hội đồng... được đăng tải thường xuyên trên các trang báo mạng trong thời gian gần đây, gây ra nhiều dư luận bất bình và dẫn tới cả những hậu quả đáng tiếc. Không chỉ "ra tay" trong đời thực, các bạn trẻ còn lập ra những hội "nói xấu thầy cô giáo", "nói xấu bố mẹ" trên mạng ảo facebook và đáng buồn là những hội này có không ít thành viên tham gia. Thậm chí, những vụ việc xảy ra ngay giữa thủ đô "ngàn năm văn hiến" còn đau lòng hơn, như con cái đẩy bố già ốm ra vỉa hè nằm suốt 8 tiếng trước sự chứng kiến của thiên hạ; vợ tố chồng cùng con trai đánh trọng thương phải nhập viện...
Ngày 7/9, nhiều người dân quanh khu vực phố Núi Trúc (Đống Đa, Hà Nội) bất bình khi chứng kiến cảnh ông N.V.N (87 tuổi) sau 2 tháng nằm viện được các con ông đưa tới nhà người con dâu cả. Nhưng người con dâu V.T.T.H (51 tuổi) quyết không mở cửa để đưa ông N. vào nhà, nên các con đã đặt ông nằm ngay vỉa hè trên một manh chiếu mỏng, đắp trên người cái chăn mỏng dưới trời khi nắng, lúc mưa gần 10 tiếng đồng hồ, từ 12h tới 20h.
Khi "truy tìm" gia cảnh nhà ông N., người ta mới kinh ngạc khi thấy một gia đình các con cháu được học hành đến nơi đến chốn, thành đạt và khá giả lại có hành động bất nhẫn như vậy: Một người là Y tá trưởng Bệnh viện mắt Hà Nội đã về hưu, một người hiện là kế toán của một trường trung cấp sư phạm mẫu giáo ở Kim Giang, con rể công tác tại trường ĐH Thủy lợi...
Giữa tháng 9/2012 cũng xảy ra một vụ đình đám khác là vụ "hai bố con đánh mẹ gãy cổ". Nạn nhân của vụ việc phải nhập viện là bà Lê Thị Liên (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Hai "nhân vật chính" trong việc "đánh mẹ" là người chồng - vốn là giáo viên trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hai Bà Trưng, Hà Nội), và cậu con trai - cũng có trình độ đại học. Thậm chí "nhân vật phụ" là cô con dâu cũng có tấm bằng đại học...
Nền giáo dục không lo dạy làm người
Một điểm lạ là những vụ việc nêu trên xảy ra không phải trong những gia đình thất học mà lại ở những gia đình trí thức, thậm chí có người làm nhà giáo đàng hoàng và gia cảnh thì không nghèo. Khi nhìn nhận về thực tế này, thầy Hoàng Văn Tâm - Phòng Công tác Chính trị Sinh viên ĐH Sài Gòn đưa ra quan điểm: Không phủ nhận nguyên nhân từ những "lỗ hổng" trong việc dạy đạo đức của giáo dục chính quy, song cũng phải nhìn nhận một thực tế các yếu tố tác động xấu đến từ bạo lực trên phim ảnh, hoặc những thông tin xấu lan tràn không kiểm soát đến từ mạng Internet... cũng khiến bức tranh này "ảm đạm" hơn.
Đây chính là mặt trái của sự mở cửa, giao lưu trong "thế giới phẳng". Chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng giới trẻ ngày nay do có điều kiện mở mang kiến thức, tiếp xúc với thế giới, nên các em cũng ý thức cao hơn thế hệ cha anh về quan điểm "dân chủ". Những người thầy không chỉ là những khuôn thức mẫu mực nhưng xa vời, là tấm gương để noi theo mà đã trở nên gần gũi, chân tình hơn với các em. Các em đã có thể trao đổi, phản biện thẳng thắn với các thầy cô giáo về mọi vấn đề, từ kiến thức đến quan niệm, lối sống...
Tuy nhiên, ở rất nhiều trường hợp, do độ tuổi của các em chưa đủ lớn để nhận định về vấn đề cộng thêm sự "dân chủ" thiếu sự uốn nắn, hướng dẫn của nhà trường, gia đình nên đã xảy đến tình trạng "dân chủ quá đà". Và hệ quả là nhiều trẻ xem việc nói xấu, bôi nhọ nhân cách của thầy cô giáo, bố mẹ là điều rất "tự nhiên"(!?) - thầy Tâm kết luận.
Đó là chưa kể đến thực tế cũng ghi nhận những đối tượng được cho là mẫu mực của HSSV là đội ngũ thầy cô giáo trong nhà trường thì cũng đã xuất hiện với những hình ảnh có "tì vết". Đơn cử như vụ thầy cô giáo hành xử bất công, đánh học sinh, hay những cô giáo mầm non được đào tạo bài bản cũng vẫn có những hành xử tàn nhẫn với trẻ... Chính điều này đã bêu gương xấu cho các em.
Như chia sẻ của bà Đỗ Thị Kim Dung - khoa Giáo dục mầm non, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thì "sự lỏng lẻo trong quản lý, sự thiếu sức răn đe của pháp luật hay sự yếu kém về trình độ chuyên môn mầm non không phải là những nguyên nhân chính dẫn đến nạn bạo hành trẻ em. Tất cả những sự việc đau lòng ấy chính là tiếng chuông khiến chúng ta giật mình nhìn nhận lại lòng nhân ái trong đạo đức người giáo viên nuôi dạy trẻ hiện nay. Chỉ có sự vô cảm, thiếu lòng nhân ái, bao dung mới có thể khiến các bảo mẫu, giáo viên hành xử tàn bạo, nhẫn tâm với trẻ một cách lạnh lùng như trong những vụ việc đáng xót xa đã diễn ra".
Môn học đạo đức "hiện diện" ở tất cả các bậc học phổ thông, song thiếu hợp lý nên hầu như không phát huy hiệu quả (ảnh minh họa).
Còn GS-TS Hoàng Xuân Sính - Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc VN nhận định: Có thể nói trong 12 năm từ tiểu học đến hết THPT, giáo dục chỉ làm được việc dạy kiến thức, còn việc dạy người thì chưa làm được gì. Chúng ta không dạy học sinh chăm chỉ và tiết kiệm trong đời sống hàng ngày, nhưng đó lại là những đức tính để một dân tộc giàu có. Người ta thường nói: Cứ xem người dân hành xử ở nơi công cộng thì sẽ đánh giá được ngay giáo dục của nước họ. Dạy chữ không được quên dạy người. Con người có học phải là con người tử tế, phải biết xấu hổ với các hành động không tốt, không đẹp.
Nhìn lại chương trình giáo dục của ta, việc trang bị "đạo đức" hiện diện xuyên suốt từ bé đến lớn. Bậc mầm non đã có giáo dục lễ giáo, bậc tiểu học là môn đạo đức, bậc trung học là môn giáo dục công dân. Tuy nhiên, chương trình sách giáo khoa quá ôm đồm, nặng về lý thuyết không gắn liền với đời sống, thiếu kỹ năng sống, không tạo được dấu ấn, hiệu quả cụ thể trong việc hình thành nhân cách học sinh. Chương trình sách giáo khoa giáo dục công dân bậc phổ thông nhiều kiến thức mang tính triết học, hàn lâm, mang tính áp đặt, nhồi nhét, khô cứng, thiếu vắng việc hình thành những thói quen đạo đức đúng đắn, chưa tạo dấu ấn trong tâm hồn học sinh khiến học sinh dễ bị tác động của hoàn cảnh xã hội.
Khi nhìn nhận vấn đề này, Nhà giáo ưu tú, thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên PGĐ Sở GDĐT TPHCM cũng băn khoăn: Nên chăng phải rà soát lại những gì mà nền giáo dục của ta đang "trang bị" cho HSSV. Trong nội dung giảng dạy thực tế, có đến 99% là kiến thức các môn học, còn lại một tỉ lệ hiếm hoi dành cho nội dung giáo dục nhân cách và những kỹ năng mềm khác. Điều này thể hiện ngay chính ở quan điểm của giáo viên đối với HSSV với cái nhìn "coi trọng" những học sinh giỏi các môn văn hóa (toán, văn...) chứ những học sinh giỏi về nghệ thuật giao tiếp, ứng xử đẹp, hay thể hiện "tài vặt" gì đó trong thể dục, nhạc họa... thì gần như chẳng mấy được thầy cô "màng tới".
Ở bậc học đại học, một số trường do đặc thù đào tạo, giáo dục đạo đức mới tạm có chỗ đứng nhất định, trở thành môn học bắt buộc, nhưng quá trình giáo dục đạo đức thường được thực hiện gắn với tính đặc thù nghề nghiệp. Ví dụ, ở trường ĐH Quản trị kinh doanh, SV được học đạo đức kinh doanh; SV ĐH Y được học đạo đức của ngành y (y đức); ĐH An ninh, Học viện cảnh sát nhân dân dạy đạo đức nghề nghiệp - đạo đức của người công an... chứ rất ít chú ý đến giáo dục đạo đức truyền thống, đạo đức ứng xử, giao tiếp trong xã hội hiện đại.
Đó là chưa xét đến trên bình diện rộng hơn, hầu hết các trường bậc ĐH khác, giáo dục đạo đức hoàn toàn không có chỗ đứng. Ngay ở những trường ĐH lớn như ĐH sư phạm Hà Nội hay ĐH khoa học xã hội và nhân văn, môn đạo đức học cũng chưa được quan tâm đúng mức, không phải SV tất cả các khoa đều được học môn này. Còn những khoa có giảng dạy môn đạo đức học thì thời lượng cũng quá ít, có 2 tín chỉ nên cũng chỉ dừng lại ở những nội dung cơ bản chứ không đủ để đào sâu kiến thức, chưa đi được vào đạo đức nghề nghiệp.
Theo Lao Động
Tìm hướng đổi mới ngành Ngữ văn ở Việt Nam Hôm qua 5/1 tại Trường ĐH Sư phạm Huế (TP Huế) đã diễn ra "Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam" do Bộ GD-ĐT tổ chức, thu hút hàng trăm nhà khoa học, giáo viên, nghiên cứu về văn đến tham dự. Đến dự hội thảo, có TS. Nguyễn Vinh Hiển - Thứ...