Ám ảnh “giấc mộng vàng”
Cơn sốt đào, đãi vàng ở Lương Sơn, Hòa Bình tưởng chừng đã trôi qua mấy chục năm, thế nhưng mới đây, nó bùng phát trở lại và mang theo những ám ảnh kinh hoàng.
Đào khoét khắp nơi để tìm vàng
Bản Mường nháo nhác bởi tin đồn
Trong thời gian qua, khu vực xóm Ngành, xã Tiến Sơn (Lương Sơn – Hòa Bình) như lên cơn sốt vì vàng. Không chỉ những người dân bản địa tham gia vào việc đào bới, tìm kiếm thứ kim loại quý hiếm đó, mà ngay cả dân tứ xứ cũng đổ xô về đây với hy vọng đổi đời. Chỉ trong vòng 10 ngày, trên địa bàn xã Tiến Sơn liên tiếp xảy ra 2 vụ xung đột quanh việc tranh chấp quyền khai thác vàng. Bắt đầu từ đêm 12/6/2013, giữa đám thanh niên là những đối tượng ngoài địa bàn xã và người dân bản địa đã xảy ra những xô xát nho nhỏ. Đến ngày 21/6/2013 vừa qua, những xung đột đó đã được đẩy lên đến đỉnh điểm, một số đối tượng quá khích đã vác dao, kiếm rượt đuổi, uy hiếp người dân khiến tình hình an ninh trật tự càng thêm phức tạp.
Theo một số người dân ở xóm Ngành cho biết, thì tin đồn “đá có vàng” bắt đầu lan truyền từ cuối năm 2012, khi Dự án công trình đập tràn thủy lợi hồ Ngành được phê duyệt và khởi công xây dựng với mục đích phục vụ nước tưới tiêu cho 3 xóm gồm xóm Ngành, xóm Ngăm và xóm Ghên. Trong quá trình thi công hạng mục đường tràn xả lũ của công trình hồ Ngành, đơn vị thi công đã múc vào một vỉa đá và đem đến bãi đất hoang của gia đình anh Nguyễn Văn Tường gần đó để đổ nhờ. Vì bãi tập kết đất đá nằm ngay cạnh đường đi nên người dân đi làm đồng hoặc chăn thả trâu, bò thường đứng lại xem, họ vô tình phát hiện ra trong đống đất đó thỉnh thoảng có những viên đá mang nhiều ánh đỏ, nghi là có vàng, nên bãi đất hoang nhà anh Tường tự dưng… có giá. Từ đó, thông tin “trong đất có vàng” ngày càng lan rộng…
Khi chúng tôi có mặt ở Tiến Sơn, không khí của những ngày sôi sục vì vàng vẫn còn rất nóng. Ông Nguyễn Mạnh Thỏa, Trưởng xóm Ngành thở dài: Trong quá trình thi công hạng mục đập công trình hồ Ngành trên địa bàn xóm đã phát hiện một vỉa đá nghi có vàng. Từ khi phát hiện vỉa đá đó, đơn vị thi công không đẩy nhanh tiến độ mà lại tập trung máy móc, phương tiện múc vỉa đá chở ra ngoài địa bàn xã, đi đâu không ai rõ. Điều đó đã gây bức xúc trong nhân dân bởi trước khi tiến hành thi công, đơn vị thi công đã cam kết chỉ đổ đất, đá trong phạm vi bán kính 2 km trên địa bàn xã. Chính sự “mập mờ” đó đã làm dấy lên nhiều lời đồn đoán.
Nhiều gia đình còn đầu tư mua máy đãi vàng
Ông Nguyễn Quang Thịnh, Bí thư chi bộ xóm Ngành thì chia sẻ: “Khi chứng kiến xe chở đất, đá nghi có vàng đi qua mà không ai cấm cản, nhiều người dân tỏ ra bất bình. Bởi, “khát vọng vàng” là nguyên nhân dẫn đến những xung đột triền miên giữa người dân bản địa và những phu phen từ nơi khác đến. Nhưng cũng rất may là nhờ có sự can thiệp rốt ráo của chính quyền huyện Lương Sơn, nên trật tự ở xóm Ngành đã phần nào được vãn hồi”.
Hệ lụy từ “ khát vọng đổi đời”
Nhiều người dân xóm Ngành đều khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột là trong đất, đá chở ra khỏi địa bàn xóm, xã là có vàng. Bởi trước đó, khi chưa phát hiện vỉa đá nghi có vàng thì bao nhiêu đất, đá đều được công ty nhận thầu công trình hồ Ngành chuyên chở rồi đổ hết tại xóm, còn về sau, họ cho xe đánh về một nơi tập kết xa, thuê thêm bộ phận ngày đêm mò đãi. Chính sự lén lút của những chiếc xe ngày đêm chở đất đá ra khỏi làng khiến nhiều người sinh nghi. Không lâu sau, thông tin dưới chân mình có vàng khiến hàng trăm người đổ xô đi đào bới.
Video đang HOT
“ Việc đập hồ Ngành có vàng là sự thật, nhiều người dân đã nhặt được vàng, như gia đình ông Nguyễn Văn Niệm, xóm Ngành nhặt đãi trong vườn nhà cũng được gần 1/2 chai nửa lít vàng cám. Còn ông Vượng nhặt được viên đá bằng nồi cơm điện bán được 7 triệu đồng cho người trong xóm, người mua nghiền nửa viên đã được 4 chỉ vàng rồi”- một người dân xóm Ngành kể có vẻ phấn khích.
Câu chuyện “nóng sốt” về vỉa đá nghi có vàng và câu chuyện về những người nhặt được vàng đã làm đảo lộn cuộc sống, cuốn người dân đi theo “giấc mơ vàng”. Không những thế, thông tin này như thỏi nam châm kéo hút dân tứ xứ đổ về. Họ đồn đoán rằng dưới những nếp nhà thô mộc xóm Ngành là cả một “kho vàng” rộng lớn. Tiếng đồn loang nhanh, xóm Ngành ngày càng tấp nập.
Liên tiếp xảy ra những xung đột giữa đám thanh niên tứ xứ với những người dân trong xóm. Tất cả đều điên đảo vì vàng. Tranh giành về lợi ích đã làm cho những cái đầu mụ mị đã không kìm giữ được mình, và đêm 12/6/2013, súng đã nổ ở xóm Ngành. Theo Trưởng Công an xã Tiến Sơn, ông Nguyễn Văn Ăm cho biết, sau khi xảy ra sự cố này, UBND huyện Lương Sơn đã ra quyết định đình chỉ thi công công trình hồ xóm Ngành. Cùng với đó, Công an huyện cũng đã được tăng cường lực lượng xuống phối hợp để đảm bảo an ninh.
Tuy vậy, đến ngày 21/6/2013, khi công trình vừa được thi công trở lại, một số đối tượng trên tiếp tục dùng gậy gộc, dao, kiếm uy hiếp người dân, tranh giành xe chở đất, đá từ công trường ra. Không chịu khuất phục, khoảng 500 người dân xóm Ngành và xóm Ngăm đã tụ tập nhằm chống trả nhóm đối tượng này, hai bên đã gây ra xô xát. Có người sứt đầu mẻ trán, có kẻ gãy tay chân. Ngay sau đó, lực lượng Công an đã bắt giữ một số đối tượng gây rối cùng một lượng lớn hung khí gồm gậy, gộc, dao, kiếm.
Những “di chứng” còn lại sau “cơn sốt”
Chiều cuối tháng 6, sau cơn mưa như trút nước hàng trăm người áo nón đạp dưới đám bùn đất lầy lội để đào bới. Họ không cần quan tâm đến sự có mặt của người lạ. Ánh mắt chăm chú, khuôn mặt hiện lên sự hy vọng mong manh nào đó. Nỗi ám ảnh về cuộc hỗn chiến vừa rồi không còn nữa nhưng “giấc mơ vàng” của người dân thì mới chỉ bắt đầu. Cơn mưa xối xả lại bắt đầu trở lại nhưng vẫn không cản được dòng người nối đuôi nhau về phía khu vườn ở ngay trên lối vào công trình hồ Ngành.
Trong khoảng đất không rộng lắm, với chừng vài chục m2 nhòe nhoẹt bùn đất dưới mưa là hàng trăm con người cả già lẫn trẻ đang đào bới cần mẫn. Họ tỉ mẩn đào, tỉ mẩn rửa, tỉ mẩn xăm soi trong từng viên đá nhỏ bằng ngón tay hay to bằng nắm đấm để tìm vàng. Anh Nguyễn Văn Tường cứ ngồi thu lu trước hiên ngắm nhìn hàng trăm người hì hục đào bới cho biết: “ Cách đây ít ngày, tôi có nhờ đám lái xe chở ít đất, đá từ công trình đổ xuống đây để san lấp lấy mặt bằng. Người ta nghĩ rằng trong số đất, đá đổ vào đây có vàng nên mới đổ xô đến đào bới suốt những ngày qua. Toàn là người trong xóm nên tôi cũng chẳng cấm cản làm gì, cứ để họ đào”.
Cụ Nguyễn Thị Chút tóc bạc trắng như cước, khuôn mặt với hàng trăm vết nhăn nheo, lụ khụ chống gậy bước chân theo đứa cháu nhỏ chừng trên chục tuổi. Bà chỉ vào đâu, đứa bé thò tay sục vào đó để tìm vàng. Bà nói với đứa cháu nhỏ : “Tìm kỹ vào, người ta tìm được vàng, chẳng nhẽ hai bà cháu mình lại không tìm được. Không nhiều thì ít chứ!”. Dưới cơn mưa nặng hạt, hai bà cháu một già, một trẻ cứ lầm lũi đi tìm giấc mơ vàng. Nhìn cảnh tượng ấy, ông Nguyễn Văn Thịnh ngao ngán: “Chưa biết con số bao nhiêu người nhặt được vàng và số lượng vàng là bao nhiêu. Nhưng suốt cả tháng nay, họ quần thảo đêm ngày, đào bới khắp nơi. Có người đang chạy xe ôm bỏ về đi đãi vàng. Có người đang làm thuê tận Hà Nội nghe thế cũng lục tục kéo về để tìm kiếm vận may. Nào có thấy được tí vàng nào đâu, nhưng tới đây chắc cơm cũng chẳng đủ mà ăn chứ nói gì đến vàng với bạc”.
Chẳng ai biết cuộc săn tìm những viên đá nghi có vàng đến bao giờ mới chấm dứt. Thi thoảng có tiếng hò hét như vỡ chợ của một người nào đó may mắn nhặt được chút vàng óng ánh lại khiến hy vọng của hàng trăm người lại được nhân lên. Làng quê vốn đã cùng quẫn, đói nghèo, giờ cơn bão vàng thổi về khiến cả làng bỏ bê đồng áng, đeo đuổi giấc mơ đổi đời trong khoảnh khắc.
Cuối ngày mưa ngớt dòng người trong xóm lại lũ lượt kéo ra dày đặc hơn. Có những gia đình tự quây kín vườn nhà, cưa đổ gốc cây, bật tung chuồng lợn để xem có vàng dưới đó hay không. Làng quê nháo nhác vì vàng.
Theo Xahoi
Khốc liệt cuộc săn tìm đá trắng, nuôi mộng đổi đời
Mấy ngày gần đây, xóm Ngành "nóng bỏng" bởi những cuộc tìm kiếm đất đá tự phát do người dân nơi này săn tìm. Những viên đá lăn lóc bên lối mòn trước đây, giờ bỗng chốc được giá và khan hiếm đến khó tin.
Người dân đào bới tìm đá trong khu vườn nhà anh Tường, xóm Ngành
Giấc mơ vàng và cuộc "hỗn chiến"
"Đỉnh điểm là ngày 21-6, khi một nhóm thanh niên xăm trổ vác dao, kiếm đến uy hiếp bà con dân bản, ngoài công trường một người đàn ông bặm trợn đứng trên đầu máy múc chỉ đạo thợ múc đất đá lên thùng xe tải thật nhanh để chở đi"- anh Nguyễn Mạnh Thỏa, Trưởng xóm Ngành, xã Tiến Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình, cho biết.
Sở dĩ xảy ra chuyện như vậy là vì trong quá trình thi công công trình đập tràn thủy lợi xóm Ngành, đã phát hiện một vỉa đá được nghi có vàng. Từ đó, đơn vị thi công đã múc đất đá ở nơi này chở đi đâu không ai rõ, trong khi quy định và cam kết giữa bên thi công với bà con xã Tiến Sơn, bán kính đổ đất đá chỉ khoanh vùng 2km trong địa bàn xã.
Dấu hiệu khó hiểu của bên thi công đã làm người dân phản ứng, và mâu thuẫn ngày càng căng thẳng khi người dân xóm Ngành đi mót đất đá cũng bị cấm đoán.
Tại sao biết được trong đá có vàng mà người dân lại đổ xô đi đào bới, mua bán? "Biết chứ, dân chúng tôi là dân làm vàng từ những năm 1980, với lại đất này từ xưa đã sẵn vàng nhưng việc khai thác chỉ mang tính chất thô sơ, nhỏ lẻ. Cách đây vài ngày tôi biết người dân trong xóm Ngành nhặt được hòn đá to bằng nồi cơm điện. Họ mang về bán giá 7 triệu đồng. Người mua mới chỉ nghiền vụn một nửa viên đá thôi đã đãi được 4 chỉ vàng rồi..."- ông Nguyễn Văn Thịnh, Bí thư chi bộ thôn Ngành, xã Tiến Sơn, khẳng định.
Lý do đá có vàng và những giấc mơ làm giàu đã làm "nóng" bản làng xứ Mường. Nó nóng đến mức ban công an xã Tiến Sơn đã không thể đảm bảo được tình hình trật tự địa phương phải gọi điện thoại đề nghị công an huyện Lương Sơn tăng cường lực lượng, giải quyết.
"Sự tranh chấp không phải do người dân, mà do nhóm thanh niên vác dao kiếm chặn đường những chiếc xe tải chở đất đá khống chế bắt mang đá "có vàng" trở lại vị trí máy múc để người khác chở đi. Thực hiện hành vi này không được bọn chúng đã dùng dao kiếm đuổi chém người dân mót đá, khiến họ hoảng chạy tán loạn"- anh Nguyễn Mạnh Thỏa bức xúc.
Lực lượng công an huyện Lương Sơn tăng cường đảm bảo cho tiến độ công trình đập tràn xóm Ngành, đồng thời đã ngăn chặn được kịp thời những đáng tiếc xảy ra. 11 đối tượng đã bị bắt giữ và thu được nhiều dao, kiếm.
Đây là những đối tượng ngoài địa bàn xã, chúng tôi không hề biết ai thuê chúng. Ngày 21-6, bọn chúng đi xe taxi đến khu vực công trường với mục đích uy hiếp bà con để cướp đất đá về đãi vàng, nhưng không thành"- ông Nguyễn Văn Ăm, Trưởng Công an xã Tiến Sơn, quả quyết.
Dụng cụ nghiền và máng đãi vàng của người dân xóm Ngành
Những cuộc mua bán đá trắng
Cơn mưa núi đã không ngăn cản được dòng người đang đào bới cần mẫn ở góc khu vườn trên lối vào đập Ngành. Tất cả những viên đá, họ đều nhặt cho vào bao tải. "Đây là vườn nhà anh Tường. Cách đây ít ngày, lái xe tải chở đất đá thải từ công trình xuống đổ vào vườn này. Vừa rồi khi nghe tin có vàng trong đất đá, một người đã "nhanh tay" mua lại số đất mới đổ với giá 23 triệu đồng, anh Tường đồng ý ngay"- anh Thỏa chỉ vào khu vườn đang có đông người đào bới, nói.
Đáng lẽ, khu vườn nhà anh Tường không bị đào tung xới lộn, nhưng giấc mơ vàng không thể cưỡng lại được. Vì thế, mấy ngày nay khu vườn, trên con đường vào công trình đập tràn xóm Ngành tấp nập cảnh người tìm kiếm, đào bới. Tại sao anh bán "đất có vàng" một cách đơn giản vậy? "Tôi không ham hố, vì tôi từng là dân làm vàng, gọi là vàng nhưng rất bạc, tôi cũng từng "lên voi" vì đào đãi vàng nhưng cũng "xuống chó" từ đãi vàng, nên giờ thấy cảnh này ngán lắm rồi", anh Nguyễn Văn Tường, người dân xóm Ngành, chủ khu vườn bộc bạch.
Giờ đây, mỗi viên đá người dân nhặt được ở chân đập xóm Ngành đều có giá, viên rẻ tiền thì vài chục nghìn đồng, viên đắt thì cả triệu bạc tùy theo kích cỡ to nhỏ khác nhau. Hầu như trong gia đình người dân ai nấy đều có đống đất đá đổ góc sân. Ông Thỏa cho biết, đó là đất đá người ta thu gom trên đường do xe tải làm rơi vãi. Số "tài sản" này có rất nhiều người nhòm ngó, hỏi mua nhưng chưa được giá nên ông không bán. Tôi cầm viên đá trắng bị vỡ đôi nhìn thấy vỉa vàng óng ánh rất rõ.
Thấy tôi ngạc nhiên, ông Thỏa giải thích: "Đó là vàng thật, nhưng là vàng chưa đủ tuổi. Những loại vàng như thế này thì rất nhiều ở đây, tuy nhiên không có giá trị gì cả".
Viên đá có vảy vàng non óng ánh
Cuộc mua bán đá vẫn âm thầm diễn ra, những cuộc đào bới vẫn ầm ào ngoài bãi đất đá, bởi họ vẫn đang nuôi giấc mơ, đuổi cái nghèo đi đón cái may mắn như một gia đình có tên Nguyễn Văn Niệm, ở dưới chân đập xóm Ngành từng gặp.
Ông Niệm đã may mắn khi nhặt đá sỏi trong vườn đập vỡ vụn thấy có vảy vàng, và cuộc nghiền đãi đã làm thay đổi đời gia đình ông từ đó.
"Tôi nghe ông Niệm kể, ông nghiền đá đãi được 1/4 chai bia toàn là vàng vụn. Sau đó ông mua đất ngoài mặt đường Lương Sơn, mới đây giải phóng mặt bằng nhà ông chuyển ra ngoài đó rồi"- ông Nguyễn Văn Thịnh, Bí thư chi bộ xóm Ngành kể.
Cuộc săn tìm đá trắng vẫn đang "nóng" ở xã Tiến Sơn. Nhất là đối với bà con xóm Ngành, họ bỏ công việc đồng áng đi nhặt đá.
"Thật ra, họ nghĩ thế chứ vàng bạc hay giàu có là số trời định rồi. Cứ nhặt đá là có vàng thì lấy đâu ra, may mắn chỉ là hiếm hoi, chứ được mấy người, chủ yếu lụi vì vàng là chính. Trong xóm này có nhiều người làm vàng thì chỉ đủ tiền mua dầu chạy máy mà thôi, còn lại nhiều người nghiền đá không đủ bù tiền dầu. Nhiều người hám giàu bất thình lình nên đã mua đá nghi có vàng chẳng khác gì đánh bạc, chết như "trong phim", có mấy người được đâu"- ông Thỏa khẳng định.
Theo Dantri
Đổ xô đi đào đá sau khi có người nhặt được cả cục vàng Công an Lương Sơn, Hòa Bình đã bắt giữ được hơn chục người xăm trổ không phải là dân địa phương mang dao kiếm đến uy hiếp người dân để lấy đất đá đãi vàng. Giờ xóm Ngành hầu như nhà nào cũng đã lấy được 1 đống đá mà họ nghi là có vàng đổ góc sân nhà. Cầm một viên đá...