Ai được, ai mất khi USD liên tục tăng giá?
Đài truyền hình RT (Nga) hôm 18.3 có bài bình luận về tác động của việc đồng USD đang mạnh lên đối với các quốc gia trên thế giới.
Đồng USD tăng mạnh do nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt – Ảnh: Reuters
RT cho biết đồng EUR đã suy yếu kể từ sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu phát động chương trình mua lại trái phiếu trị giá 1.100 tỉ EUR vào ngày 9.3.
Ngân hàng này đang có kế hoạch “bơm” 60 tỉ EUR mỗi tháng vào các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) để mua lại trái phiếu cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%. EU kỳ vọng sẽ ngừng kế hoạch này vào tháng 9.2016, nhưng có thể nó sẽ kéo dài lâu hơn, theo RT.
Từng được Mỹ áp dụng từ năm 2008 đến 2013, chính sách này sẽ làm suy yếu giá trị tiền tệ, RT bình luận. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (My) đã dự đoán tỷ giá đồng EUR so với USD sẽ giảm xuống mức 0,8 EUR đổi 1 USD vào cuối năm 2017.
Trong khi EUR sụt giảm, USD tiếp tục tăng mạnh do nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt nhờ số lượng việc làm tăng cao, kim ngạch thương mại gia tăng và thị trường chứng khoán phục hồi khá tốt.
Sau đây là những thành phần hưởng lợi, cũng như phía hứng chịu thiệt hại vì đồng USD tăng giá, theo đánh giá của RT:
Phía hưởng lợi:
Video đang HOT
- Các tập đoàn dầu khí lớn: Đồng EUR suy yếu giúp cân bằng với việc dầu thô giảm giá. Các tập đoàn hàng đầu thế giới như Total (Pháp), Eni (Ý) và Repsol (Tây Ban Nha) có khả năng sẽ lãi do nhiều loại chi phí hoạt động và lương cho nhân viên của các tập đoàn này được chi bằng EUR, trong khi doanh số, trong đó có tiền bán dầu thô, lại được tính bằng USD.
- Ngành xuất khẩu của châu Âu: Đồng EUR suy yếu giúp các mặt hàng xuất khẩu của các nước châu Âu trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh nền thương mại toàn cầu bị thống trị bởi USD. Ngân hàng Trung ương châu Âu dự đoán GDP của khu vực EU sẽ tăng thêm 0,3% nếu tỷ giá đồng EUR dùng cho giao thương giảm 5%. Đức, quốc gia mạnh về xuất khẩu, sẽ được thấy doanh số bán hàng của các công ty tại nước ngoài tăng vọt nhờ đồng EUR yếu đi.
- Du khách du lịch châu Âu: RT bình luận đây chính là thời điểm để nghĩ đến các chuyến nghỉ mát châu Âu mà luôn được cho là rất đắt đỏ trước đây. Đơn cử là các loại bánh kẹo cũng như chi phí ở khách sạn tại Paris (Pháp) đã rẻ đi khoảng 15%.
- Chứng khoán châu Âu: Chỉ số Euro Stoxx 50 tại châu Âu đã tăng mạnh đến 16% trong năm nay, trong khi chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm 0,3%.
- Người dân Mỹ: Sức tiêu dùng tại Mỹ đã tăng rất mạnh khi đồng USD tăng giá. USD mạnh lên đồng nghĩa với việc người dân Mỹ có thể mua nhiều hơn với cùng khoản tiền bỏ ra tại thị trường thế giới.
“Mức giảm 14% của tỷ giá đồng EUR so với USD khiến mọi thứ từ xe BMW, vé máy bay đến rượu Pháp trở nên rẻ hơn đối với người Mỹ”, RT nhận định.
- Trái phiếu Mỹ: Các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ nhắm đến Mỹ vì lãi suất tại nước này đang được kỳ vọng sẽ tăng vào tháng 6 tới, khiến việc đầu tư vào trái phiếu Mỹ trở nên vô cùng hấp dẫn.
Phía thiệt hại:
Máy bay của hãng hàng không Air France – Ảnh: Reuters
- Các công ty Mỹ: Các công ty với doanh số bán hàng đến từ nước ngoài sẽ hứng chịu thiệt hại từ việc đồng USD mạnh lên. Hiện khoảng 35 – 40% lợi nhuận của 500 công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ (My) đến từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và bằng ngoại tệ.
- Các hãng hàng không: Mặc dù giá dầu đang giảm, nhưng các hãng hàng không lại phải mua nhiên liệu bằng USD. Những hãng không nằm trong nước Mỹ hoặc sẽ phải hứng chịu thiệt hại hoặc phải mua dầu bằng loại tiền tệ khác.
- Các nước EU: Kể từ sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố chương trình mua lại trái phiếu, không phải chuyên gia kinh tế nào cũng cho rằng chính sách này sẽ mang lại kết quả lạc quan. Nhiều nhà phân tích cảnh báo đồng EUR trồi sụt sẽ gây bất ổn trong khu vực.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Đô la Mỹ tăng giá, chỉ số S&P 500 giảm mạnh nhất trong 2 tháng
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm 10.3 trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng trước việc đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh so với đồng EUR và khả năng Cục dự trữ Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất.
Sàn giao dịch chứng khoán New York trong ngày 6.3 - Anh: Reuters
Chỉ số S&P 500 tụt xuống mức thấp nhất trong năm 2015, giảm 3,5% so với mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch hôm 2.3, theo Reuters.
Lo ngại của nhà đầu tư về việc FED sẽ tăng lãi suất đã đẩy đồng đô la Mỹ lên mức cao nhất tính từ tháng 9.2003, đồng thời làm gia tăng lo lắng rằng lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ sẽ bị ảnh hưởng do giá đô la tiếp tục tăng cao.
Tỷ giá EUR lần đầu tiên sụt giảm xuống còn 1,07 USD/EUR, mức thấp nhất trong gần 12 năm qua, theo hãng tin CNBC (My).
Giới quan sát nhận định lo lắng của nhà đầu tư về khả năng FED tăng lãi suất chủ yếu xuất phát từ các báo cáo về việc làm tại Mỹ tốt hơn so với dự kiến hồi cuối tuần trước.
"Vấn đề nằm ở báo cáo lạc quan về việc làm tại Mỹ. Báo cáo này đã tạo ra lo lắng rằng FED có thể sẽ sớm tăng lãi suất hoặc tăng cao hơn so với dự đoán", ông Tim Ghriskey của tập đoàn Solaris bình luận.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 10.3, toàn bộ 10 lĩnh vực ngành của chỉ số S&P500 đều giảm điểm. Lĩnh vực tài chính và công nghệ nằm trong số những nhóm ngành giảm mạnh nhất, đều giảm hơn 2%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,85% xuống còn 17.662,94 điểm, theo Reuters.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Thêm 1 người Đài Loan mất mạng vì chơi game liên tục Một người đàn ông Đài Loan đã chết sau 3 ngày ngồi chơi game liên tục. Đây là trường hợp thứ hai mất mạng vì chơi game xảy ra tại hòn đảo này từ đầu năm 2015, theo South China Morning Post. Một người đàn ông Đài Loan mất mạng vì chơi game nhiều ngày liên tục - Ảnh minh hoạ: Reuters Người...