Ai dễ bị thiếu máu não?
Thiếu máu não là tình trạng nghiêm trọng, xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị giảm, dẫn đến thiếu oxy và dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của não.
Đây được xem là bệnh lý ‘tiền’ đột quỵ, dễ gây tai biến và tử vong.
Tuy nhiên, đa số người bệnh vẫn chủ quan vì biểu hiện bệnh không rõ ràng và thường có dấu hiệu thoáng qua rồi biến mất.
Thiếu máu não do nguyên nhân gì?
Thiếu máu não là tình trạng lưu lượng máu lên não không đủ, dẫn đến việc cung cấp oxy và dưỡng chất giảm. Căn bệnh này tác động tới cấu trúc và chức năng của một hoặc nhiều phần của não, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương.
Do đó, khi thiếu máu lên não sẽ gây rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy và có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Thiếu máu não có thể phân thành hai loại: thiếu máu não toàn bộ và thiếu máu não cục bộ.
Thiếu máu não toàn bộ
Hạ huyết áp toàn thân là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thiếu máu não toàn bộ. Giảm lưu lượng máu lên não thoáng qua có thể xảy ra khi cơ chế tự điều hòa và thần kinh thể dịch kiểm soát huyết áp và nhịp tim bị gián đoạn, như trong trường hợp hội chứng ngất hoặc nhịp tim nhanh tư thế.
Nguyên nhân phổ biến thứ hai gây thiếu máu não toàn bộ thoáng qua là các vấn đề về chức năng và cấu trúc tim, đặc biệt là rối loạn nhịp tim. Khi thiếu máu não thoáng qua, tình trạng này thường biểu hiện dưới dạng tiền ngất hoặc ngất. Tuy nhiên, nếu thiếu máu não toàn bộ kéo dài, nó có thể gây ra tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
Thiếu máu lên não là tình trạng máu nuôi lên não không đủ, khiến tế bào não không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cần thiết. Ảnh minh họa
Thiếu máu não cục bộ
Ngược lại, thiếu máu não cục bộ thường xảy ra do tắc nghẽn dòng máu trong động mạch dẫn lên não, thường là kết quả của huyết khối hoặc tắc mạch.
Nếu tình trạng thiếu máu não cục bộ kéo dài đủ lâu, các tế bào thần kinh sẽ bị mất, dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Hiện tượng này còn có thể xảy ra khi có huyết khối hình thành từ động mạch cảnh trong bị hẹp hoặc do mảng xơ vữa động mạch não.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu cục bộ não, chiếm khoảng 60 – 70% các trường hợp thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ, là do thuyên tắc cục máu đông (từ tim hoặc các động mạch lớn). Mặc dù hiếm gặp hơn, thuyên tắc do các vật liệu khác như chất béo hoặc nước ối trong thai kỳ cũng có thể gây ra thiếu máu cục bộ.
Thiếu máu cục bộ não có thể xảy ra tại một điểm cục bộ hoặc tại nhiều ổ, do sự tắc nghẽn đột ngột hoặc giảm đáng kể đường kính của động mạch cung cấp máu cho một vùng não, bất kể đó là động mạch đã bị hẹp trước đó hay một động mạch bình thường (chẳng hạn như động mạch chủ, thân trên động mạch chủ hoặc động mạch nội sọ). Thiếu máu cục bộ não cũng có thể được kích hoạt do sự suy giảm tổng thể nguồn cung cấp máu cho não, thường do tụt huyết áp đột ngột gây ra bởi rối loạn chức năng huyết động.
Ai dễ bị thiếu máu não?
Triệu chứng thiếu máu não thường gặp ở người cao tuổi và những người mắc nhiều bệnh lý mãn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thiếu máu não đang có xu hướng trẻ hóa.
Đặc biệt, những người trẻ tuổi như nhân viên văn phòng, quản lý cấp cao, phụ nữ nội trợ,… với công việc có cường độ căng thẳng cao cũng dễ mắc phải chứng thiếu máu lên não. Bên cạnh đó, những người có lối sống thụ động, sống trong môi trường ô nhiễm, hoặc có chế độ ăn uống thiếu đa dạng và không lành mạnh cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc phải bệnh lý này.
Biểu hiện thiếu máu não
Các triệu chứng của thiếu máu não có thể dao động từ nhẹ đến nặng và thường kéo dài trong thời gian ngắn (từ vài giây đến vài phút). Nếu các triệu chứng thiếu máu não cục bộ thoáng qua tự biến mất trước khi xảy ra nhồi máu, tình trạng này được gọi là thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA).
Khi não bị tổn thương do thiếu máu cục bộ, các triệu chứng có thể trở nên vĩnh viễn và bao gồm:
Suy nhược cơ thể: Có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên của cơ thể.
Mất cảm giác hoàn toàn: Ở một bên hoặc cả hai bên của cơ thể.
Thường xuyên mất phương hướng và nhầm lẫn trong các vấn đề đơn giản hàng ngày.
Video đang HOT
Thay đổi hoặc giảm thị lực: Ở một hoặc cả hai mắt.
Nhìn đôi: Xảy ra khi hai mắt không đồng nhất hoặc không hướng vào cùng một vật thể, dẫn đến việc nhìn thấy hai hình ảnh khác nhau.
Cả hai hình ảnh này đều được não xử lý dưới dạng nhìn đôi.
Nói lắp bắp.
Mất hoặc giảm ý thức.
Suy giảm khả năng phối hợp và giữ thăng bằng.
Ngoài ra, đau đầu và chóng mặt cũng là các triệu chứng phổ biến của thiếu máu não, nhưng thường dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác.
Tóm lại: Thiếu máu lên não không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng ngày của người bệnh mà còn dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, với tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 50%. Những người may mắn sống sót sau đột quỵ thường phải chịu đựng các di chứng nghiêm trọng như mất giọng, suy giảm trí nhớ, liệt một bên hoặc toàn thân,… Mức độ nguy hiểm của thiếu máu lên não phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ bệnh, và tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh.
Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ từ bệnh thiếu máu não, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường.
Rối loạn tiền đình và thiếu máu não dễ gây nhầm lẫn, làm thế nào để phân biệt?
Rối loạn tiền đình và thiếu máu não có thể gây nhầm lẫn vì đều có các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn mửa.
Vậy làm thế nào để phân biệt 2 tình trạng này?
Mặc dù rối loạn tiền đình và thiếu máu não gây ra một số triệu chứng giống nhau nhưng 2 tình trạng này vẫn có những dấu hiệu điển hình, qua đó chúng ta có thể phân biệt.
1. Tìm hiểu về rối loạn tiền đình và thiếu máu não
- Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình liên quan đến các vấn đề về hệ thống tiền đình. Hệ thống tiền đình bao gồm các cấu trúc ở tai trong và não giúp bạn duy trì cảm giác cân bằng.
Một vấn đề với cấu trúc tiền đình bên trong tai trong hoặc các bộ phận của hệ thần kinh trung ương xử lý thông tin có thể dẫn đến các vấn đề về thăng bằng. Thông thường, các vấn đề về tiền đình thường gây ra các triệu chứng như chóng mặt và choáng váng.
- Thiếu máu não là gì?
Thiếu máu não hay còn được gọi là thiếu máu cục bộ mạch máu não, xảy ra khi lượng máu chảy đến não không đủ. Điều này ngăn cản oxy và các chất dinh dưỡng quan trọng đến não.
Tình trạng thiếu máu cục bộ có thể ảnh hưởng đến một vùng nhỏ của não, hoặc có thể ảnh hưởng đến một vùng lớn hoặc thậm chí toàn bộ não. Thiếu máu não bao gồm thiếu máu cục bộ khu trú và thiếu máu cục bộ toàn phần, thiếu máu cục bộ thoáng qua TIA hay còn gọi là đột quỵ nhỏ.
Thiếu máu cục bộ khu trú giới hạn ở một vùng cụ thể của não. Thường xảy ra khi cục máu đông chặn động mạch não. Thiếu máu cục bộ khu trú có thể là kết quả của huyết khối hoặc thuyên tắc.
Thiếu máu cục bộ toàn bộ ảnh hưởng đến một vùng rộng hơn của não và thường xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho não bị giảm mạnh hoặc dừng lại. Điều này thường do ngừng tim gây ra.
Thiếu máu cục bộ thoáng qua TIA là tình trạng thiếu máu tạm thời ảnh hưởng đến một phần não.
Rối loạn tiền đình và thiếu máu não gây ra một số triệu chứng tương tự nhau (Ảnh: Internet)
- Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây rối loạn tiền đình như lão hóa, chấn thương đầu, tiếp xúc với độc tố, viêm, các vấn đề về dịch trong tai, khối u, bệnh tự miễn, tình trạng thần kinh.
Ngoài ra, những yếu tố có thể "kích hoạt" lại các dấu hiệu rối loạn tiền đình như những thay đổi trong môi trường, chuyển đổi đầu đột ngột hoặc thay đổi tư thế, thiếu ngủ, căng thẳng, một số loại đồ uống.
- Nguyên nhân gây thiếu máu não là gì?
Thiếu máu não có liên quan đến nhiều bệnh hoặc bất thường khác nhau như:
Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm hoặc các bệnh về máu khác
Bệnh tim và mạch máu bị tổn thương
Một số tình trạng sức khỏe di truyền
Khuyết tật tim bẩm sinh
Huyết áp thấp
Chấn thương sọ não
Các yếu tố như cục máu đông, xơ vữa động mạch, tiểu đường cũng như các thói quen sống không lành mạnh sẽ làm tăng nguy cơ thiếu máu não.
2. Phân biệt rối loạn tiền đình và thiếu máu não
Cả rối loạn tiền đình và thiếu máu não thường gây chóng mặt và choáng váng, cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa, đau đầu. Tuy nhiên, mọi người có thể phân biệt 2 tình trạng này qua một số triệu chứng điển hình:
- Dấu hiệu của rối loạn tiền đình
Cảm giác chóng mặt, choáng váng giống như mọi thứ xung quanh quay cuồng, tức là cảm giác như bạn đang quay tròn hoặc căn phòng đang quay tròn xung quanh bạn. Kể cả khi nằm nghỉ ngơi người bệnh cũng có cảm giác này và thường không dám mở mắt.
Nếu trầm trọng người bệnh không thể đứng hoặc ngồi, mất thăng bằng
Mất thính lực hoặc ù tai
Mất phương hướng
Tầm nhìn mờ
Người bị rối loạn tiền đình thường cảm thấy mọi thứ đều quay tròn xung quanh mình (Ảnh: Internet)
- Triệu chứng thiếu máu não
Yếu cơ thể ở một hoặc cả hai bên cơ thể
Mất cảm giác ở một hoặc cả hai bên cơ thể
Thay đổi thị lực ở cả một hoặc hai bên mắt. Nhìn mờ hoặc nhìn đôi
Nói lắp bắp
Cứng cổ
Bất ổn về mặt cảm xúc và thay đổi tính cách
Đau đầu (thường đột ngột và dữ dội)
Mất khả năng phối hợp hoặc vụng về
Người bị thiếu máu não thường đau đầu đột ngột kèm theo yếu ở một hoặc hai bên cơ thể (Ảnh: Internet)
3. Cách điều trị rối loạn tiền đình và thiếu máu não
Phương pháp điều trị rối loạn tiền đình
Phương pháp điều trị rối loạn tiền đình phụ thuộc vào tình trạng cụ thể. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Thay đổi lối sống như giảm ăn mặn hoặc kiểm soát các tác nhân gây ra cơn chóng mặt
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ (nếu có). Tùy thuộc vào nguyên nhân, bạn có thể cần dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm. Những loại thuốc này có thể điều trị nhiễm trùng tai gây ra chứng rối loạn tiền đình.
- Liệu pháp phục hồi tiền đình bằng các bài tập thể dục giúp kiểm soát tình trạng chóng mặt và choáng váng.
- Một số trường hợp cần phẫu thuật
Phương pháp điều trị thiếu máu não
Điều trị thiếu máu não nhằm mục đích phục hồi lưu lượng máu đến não, ngăn ngừa tổn thương thêm và giải quyết các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:
- Thuốc làm tan cục máu đông: Thuốc làm tan huyết khối như chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA) có thể làm tan cục máu đông và phục hồi lưu lượng máu trong cơn đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp tính.
- Thuốc chống tiểu cầu: Thuốc như aspirin hoặc clopidogrel có thể được kê đơn để ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
- Thuốc chống đông máu: Những loại thuốc này, chẳng hạn như warfarin hoặc thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp (DOAC), có thể giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông ở những người có nguy cơ cao.
- Phẫu thuật cắt bỏ mảng bám động mạch cảnh: Phẫu thuật loại bỏ mảng bám khỏi động mạch cảnh để cải thiện lưu lượng máu đến não.
- Nong mạch và đặt stent: Trong một số trường hợp, có thể thực hiện thủ thuật xâm lấn tối thiểu để mở các động mạch bị hẹp và cải thiện lưu lượng máu.
- Liệu pháp phục hồi chức năng: Vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và nghề nghiệp trị liệu có thể cần thiết để giúp cá nhân phục hồi chức năng đã mất và cải thiện chất lượng cuộc sống sau đột quỵ hoặc thiếu máu não.
Thiếu máu não thường dẫn tới đột quỵ, lúc này các phương pháp điều trị bao gồm sử dụng thuốc và phẫu thuật trong khoảng 3 giờ sau đột quỵ để tránh nguy cơ tử vong và các biến chứng của đột quỵ.
Người bị thiếu máu lên não có thể cần sử dụng thuốc làm tan cục máu đông (Ảnh: Internet)
4. Cách phòng ngừa rối loạn tiền đình và thiếu máu não
Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn rối loạn tiền đình và thiếu máu não, nhưng mọi người có thể giảm thiểu nguy cơ bằng một số biện pháp:
- Để phòng ngừa rối loạn tiền đình, bạn nên duy trì lối sống và ăn uống lành mạnh, tránh các tác nhân kích hoạt các triệu chứng rối loạn tiền đình bằng cách giữ tinh thần lạc quan, ngủ đủ giấc, tránh thay đổi tư thế đột ngột.
- Để phòng ngừa thiếu máu lên não, mọi người nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát tình trạng bệnh mãn tính, kiểm soát cân nặng, bỏ rượu bia và thuốc lá, theo dõi sức khỏe tim mạch.
Người gầy có bị máu nhiễm mỡ? Người có thể trạng gầy ốm vẫn có nguy cơ đối mặt với bệnh máu nhiễm mỡ nếu lối sinh hoạt kém lành mạnh. Người thuộc độ tuổi, giới tính nào cũng có nguy cơ mắc bệnh máu nhiễm mỡ nếu sinh hoạt không lành mạnh. Ảnh: Freepik. Máu nhiễm mỡ (thường còn gọi là rối loạn lipid máu hay mỡ máu cao)...