9X đỗ HV Kỹ thuật Quân sự với 28,5 điểm sau hai lần trượt
Hai lần thi trượt Học viện Kỹ thuật Quân sự, Nguyễn Thị Anh quyết tâm ôn luyện và đỗ vào trường ở lần thi thứ ba. Đây là ước mơ ngày bé và tâm nguyện của bố Anh trước khi qua đời.
Trong kỳ thi đại học năm 2014, Nguyễn Thị Anh (Đông Hưng, Thái Bình) đạt 26 điểm khối A, thiếu 1,5 điểm để đậu vào khối quân sự của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Năm tiếp theo, Anh thiếu 1,25 điểm.
Hai năm liên tiếp trượt đại học, dù điểm số khá cao không khiến Anh lùi bước. Bỏ mặc những lời khuyên nên chọn học trường khác có tiêu chuẩn thấp hơn, cô gái 20 tuổi vẫn quyết tâm ôn luyện để thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Chia sẻ về động lực khiến mình quyết tâm đỗ bằng được vào ngôi trường quân đội này, Anh tâm sự: “Từ bé, mình đã luôn khao khát được khoác lên mình bộ quân phục. Đây cũng là tâm nguyện của bố mình trước khi qua đời”.
9X chia sẻ, bố mất năm cô học lớp 10. Kể từ đó, nữ sinh quyết tâm học hành để thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự. “Dù biết điểm vào trường rất cao, để thực hiện ước mơ, mình phải cố gắng đến cùng”.
Suốt thời gian ôn thi lại, mẹ Anh – bà Phạm Thị Khuyên – luôn là người ủng hộ con. Dù con gái trượt đại học 2 năm liên tiếp, bà Khuyên chưa bao giờ mắng mỏ hay ngăn cản con gái thực hiện ước mơ của mình. Mẹ Anh cho rằng, việc học trong môi trường quân đội sẽ khiến con gái trưởng thành và mạnh mẽ hơn.
Nguyễn Thị Anh và mẹ sau khi Anh nhận tin trúng tuyển vào Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: NVCC.
Để tiện cho việc học, Anh từ Thái Bình đến Hà Nội ôn thi. Thấy Anh có quyết tâm học hành, một người quen của gia đình cho ở nhờ và lo ăn uống. Để kiếm tiền học thêm, 9X nhận làm gia sư 6 buổi một tuần.
Video đang HOT
Lần thi đại học thứ ba năm 2016 khiến Anh rất áp lực, căng thẳng khi đây là lần cuối được thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự. Vì theo quy định, mỗi thí sinh chỉ được thi ba lần. Anh cho biết, nếu năm nay lại không đỗ, cô bạn sẽ đăng ký học ngành Dược.
Cuối cùng, sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm của nữ sinh Thái Bình cũng được đền đáp khi trúng tuyển Học viện Kỹ thuật Quân sự với số điểm 28,5 (điểm chuẩn vào trường năm 2016 là 28,25 điểm). Trong đó, cả ba môn của tổ hợp môn khối A đều từ 9 điểm trở lên.
“Lúc nghe tin mình đỗ đại học, mẹ mình mừng lắm, đi khoe khắp làng trên xóm dưới. Ai cũng vui và và chúc mừng mẹ con mình. Cuối cùng, sau bao nhiêu cố gắng, mình đã chạm tay vào ước mơ, sắp sửa được khoác lên người bộ quân phục đúng như tâm nguyện của bố”, Anh hồ hởi chia sẻ niềm vui khi đạt được mơ ước.
Nữ sinh Thái Bình cho biết mình mong muốn được học ngành Công nghệ thông tin sau khi vào trường. Dù môi trường học tập quân đội khá nghiêm khắc và được cho là không phù hợp con gái, Anh vẫn không ngần ngại.
Cũng như mong muốn của mẹ mình, 9X hy vọng môi trường quân đội sẽ giúp mình mạnh mẽ, trưởng thành và chín chắn hơn. Sự vất vả trong học tập và rèn luyện mà Anh sắp trải qua càng khiến cô yêu thích ngôi trường này.
Cô bạn còn chia sẻ, mình không hề mặc cảm dù lớn tuổi hơn các bạn cùng lớp. Theo Anh, một con người nên được nhìn nhận qua đạo đức và trí tuệ chứ không phải do tuổi tác chênh lệch thế nào.
Trước Anh, tại kỳ tuyển sinh năm 2015, thí sinh Nguyễn Thị Hà đã đỗ thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự sau 2 năm liên tiếp không đậu. Nỗ lực của hai nữ sinh này khiến nhiều người ấn tượng và ngưỡng mộ.
Fanpage của Học viện Kỹ thuật Quân sự đã chia sẻ tấm gương nỗ lực của Nguyễn Thị Anh khi nhiều năm thi vào trường khiến nhiều thành viên ấn tượng và khâm phục.
“Thay mặt ban quản trị page, mình xin gửi lời chúc mừng đến em cùng gia đình về thành tích đáng nể ấy. Em sẽ là tấm gương sáng về lòng ham học, nghị lực cho nhiều người noi theo. Rất vinh dự được đứng trong hàng quân cùng với những người như em”, quản trị viên fanpage Học viện Kỹ thuật Quân sự chia sẻ.
Nhiều thành viên fanpage cũng bình luận khâm phục ý chí và quyết tâm của Anh, xem cô bạn như tấm gương để mình noi theo và quyết tâm phấn đấu.
Theo Zing
Chàng trai cụt hai tay vào đại học
Không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, Nhẫn mất đôi tay từ lúc mới lọt lòng. Thế nhưng, cậu học trò nghèo không đầu hàng số phận, ngày ngày viết tiếp giấc mơ trên đôi chân mình.
Về đến nhà, thấy mẹ đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm trưa, Nguyễn Đình Nhẫn (18 tuổi, trú xóm 10, xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An) nhanh nhẹn lấy chổi hì hục quét nhà giúp mẹ. Để làm được công việc này, Nhẫn đã phải khổ luyện trầy hết cả đôi vai của mình.
Không đầu hàng số phận
Chàng trai sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mọi thứ trở nên bi đát hơn khi người đàn ông trụ cột trong gia đình qua đời vì bệnh tật. Để có tiền nuôi 6 con ăn học, bà Nguyễn Thị Vinh (mẹ Nhẫn) phải vật lộn để kiếm tiền mỗi ngày.
Nhẫn kể không có tay, lên 5 tuổi vẫn chưa thể đi vững trong khi bạn bè cùng lứa đã tới trường. Thấy vậy, cậu cũng nằng nặc đòi mẹ chở tới trường xin đi học.
Rồi cứ thế, một buổi nam sinh tới trường, buổi còn lại ở nhà hì hục tập viết bằng chân. Do cúi nhiều, sử dụng toàn bộ sức lực để điều khiển đôi chân nên lưng của Nhẫn dần bị cong vẹo, vai nhô ra. Những lúc quá mệt mỏi, khắp người tê cứng cậu lại nằm ngửa ra nhà, chân vẫn còn kẹp chiếc bút. Cậu không dám ngơi nghỉ vì chữ viết của mình vẫn chưa ai đọc được.
"Quả là không hề dễ để điều khiển được đôi chân của mình, tập mãi vẫn không tiến bộ em đành phải lấy phấn ra tập viết ngoài sân cho đỡ tốn giấy. Nhiều lúc quá mệt em đã định vứt phấn, nhưng nghĩ tới mẹ đã cực khổ động viên như thế nên em lại cố gắng hơn", Nhẫn nhớ lại.
Nhẫn luôn cố gắng vượt lên chính mình. Ảnh: Infonet.
Thương người mẹ một mình tần tảo chạy khắp nơi lo miếng cơm cho 6 anh em, em bắt đầu tập tự mình mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt... để tự mình lo cho bản thân. Rồi cậu lại tập làm những việc vặt trong nhà giúp mẹ có thời gian nghỉ ngơi sau những buổi chợ.
"Em sẽ tự lo cho tương lai của mình"
Tương lai như mở ra một trang mới khi Nhẫn tình cờ gặp và nói chuyện với Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. Cậu cho biết, một người chỉ còn cử động được một ngón tay như anh Hùng mà vẫn làm được nhiều chuyện lớn như vậy thì bản thân cũng không được phép bỏ cuộc.
Lần gặp gỡ và nói chuyện định mệnh đó đã thôi thúc em thêm chăm chỉ học tập với giấc mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin. Suốt 12 năm THPT, nam sinh luôn đạt học sinh tiên tiến, được thầy cô bạn bè thán phục.
Được Đại học Công nghiệp Vinh tuyển thẳng vào trường và miễn học phí nhưng cậu vẫn chưa hết lo lắng. "Em tính ở trọ nhưng như thế cũng sẽ rất bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Còn nếu để mẹ chở đi, chở về mỗi ngày thì lại càng khó hơn. Mẹ em còn phải làm việc để kiếm tiền nuôi các em sau nữa", Nhẫn buồn bã tâm sự.
Tân sinh viên cho biết, may mắn được nhà trường miễn giảm tiền học phí. Tuy nhiên, 4 năm học cũng sẽ khá tốn kém nếu tính chuyện ở trọ. Hơn nữa, bản thân em ở trọ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt khi mọi thứ đều phải thực hiện bằng chân. Trước mắt, Nhẫn nhờ mẹ chở lên trường mỗi buổi sáng. Còn buổi chiều có thể đi xe buýt để không làm mẹ mất nhiều thời gian.
"Em biết là chặng đường này sẽ còn khó khăn hơn nhiều lần. Nhưng nhất định em sẽ nỗ lực hết mình để không phụ công mong đợi của bố mẹ, mọi người. Và hơn nữa là để em có thể tự lo cho bản thân mình sau này, không thể sống dựa vào mẹ mãi như vậy được", Nhẫn trả lời với ánh mắt quyết tâm.
Theo Ngọc Hoa/Infonet
Gọi đến 150% chỉ tiêu, vẫn thiếu sinh viên Đề phòng thí sinh ảo, có trường ĐH gọi đến 150% chỉ tiêu nhưng thí sinh nộp hồ sơ nhập học không đủ nên đang lên phương án tuyển nguyện vọng bổ sung. Hôm nay, 19/8, ngày cuối nhận hồ sơ nhập học đợt 1 theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016. Thông tin từ nhiều trường ĐH cho biết nhiều...