8 tấn xoài đầu tiên của Việt Nam sẽ được xuất sang Mỹ
Sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa, xoài Việt Nam đã được xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Để xuất khẩu trái xoài tươi vào thị trường Mỹ thì xoài của Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 19/4 8 tấn xoài đầu tiên của Việt Nam được Công ty Cổ phần Quốc tế Logistics Hoàng Hà vận chuyển sang Mỹ.
Để xuất khẩu được loại trái cây này vào thị trường khắt khe như Mỹ, xoài của Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam cũng như Mỹ.
Trong đó, vùng trồng xoài, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Kiểm dịch Động Thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã số phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc.
Mọi lô hàng trước khi xuất khẩu phải được xử lý chiếu xạ, kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, để trái xoài vào được thị trường Mỹ, Việt Nam đã nộp hồ sơ xin mở cửa thị trường từ năm 2009.
“Trong suốt 10 năm qua, cơ quan kiểm dịch thực vật của hai nước đã có nhiều cuộc trao đổi kỹ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Sau nhiều nỗ lực đàm phán, cơ quan kiểm dịch thực vật của hai bên đã đạt được thỏa thuận về điều kiện nhập khẩu xoài và kế hoạch xử lý bằng chiếu xạ khi xuất khẩu xoài từ Việt Nam”, ông Doanh cho biết.
Video đang HOT
Mẫu mã thùng xoài được gói đẹp mắt để xuất khẩu sang Mỹ
Nhận định về tiềm năng và triển vọng trong xuất khẩu đối với trái xoài, ông Doanh cho rằng, trong các thị trường khó tính nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam, Mỹ là thị trường có số lượng nhập khẩu lớn nhất, trong đó sản phẩm chiếm số lượng nhiều nhất là thanh long, chôm chôm, nhãn và mới đây là vú sữa.
Trước đó ngày 18.4, tại TP.Cao Lãnh, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu tiên của Việt Nam vào thị trường Mỹ.Lô xoài xuất khẩu đầu tiên này gồm 8 tấn xoài cát Hoà Lộc, xoài tượng da xanh và xoài cát chu da vàng, do Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (trụ sở tại H.Chợ Lách, Bến Tre) thu mua của HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) để xuất bằng đường hàng không cho đối tác.
Đại diện Bộ NN&PTNT, tỉnh Đồng Tháp và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM thực hiện nghi thức đưa sản phẩm xoài vào thùng xuất khẩu.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, mỗi năm Mỹ phải nhập gần 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ. Trong khi đó, sản lượng xoài nội địa của Mỹ chỉ đạt khoảng 3.000 tấn/năm.
Việt Nam có lợi thế rất lớn trong xuất khẩu xoài do có sản lượng lớn và đa dạng về chủng loại trái cây này. Và việc Mỹ cấp “giấy thông hành” cho trái xoài sẽ là cơ hội lớn để nâng cao tỷ trọng xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào thị trường này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, song song với việc mở cửa được thị trường thì còn cần phải giữ được thị trường. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp đề nghị doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, cụ thể là cùng liên kết với nông dân, hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, bền vững.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng nên đầu tư chuyên nghiệp cho các khâu như sơ chế, đóng gói… nhằm đảm bảo các tiêu chí của nhà nhập khẩu.
Như vậy, đến nay sản phẩm xoài của Việt Nam đã xuất khẩu đến 40 nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, EU, Úc, Canada, Hồng Kông…
Theo Hàn Vi(tổng hợp)/ Đô thị mới
Điểm danh những trái cây Việt được "xuất ngoại" sang các thị trường "khó tính"
Thông tin về trái xoài của Việt Nam vừa chính thức được xuất khẩu sang thị trường rộng lớn với nhiều yêu cầu khắt khe của Mỹ, thêm một lần nữa tiếp thêm hy vọng và động lực cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp Việt trên con đường đưa nông sản đi chinh phục thế giới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2017, trái cây xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Năm 2018, đạt trên 4 tỷ USD. Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tăng trưởng xuất khẩu trái cây cho thấy chất lượng sản phẩm khá cao, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc.
Xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, sau thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều và vú sữa. Đồng thời, đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của trái xoài Việt Nam. Cùng với đó, thanh long cũng là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ năm 2008. Kể từ đó đến nay, lượng thanh long xuất khẩu vào Mỹ tăng theo từng năm. Nếu năm đầu tiên là 100 tấn thì đến năm 2012 con số này đã tăng gấp 10 lần, lên 1.200 tấn.
Xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ
Còn tại thị trường Úc, hàng năm nước này nhập rau củ quả của Việt Nam với trị giá khoảng 20 triệu USD. Sau hơn 12 năm đàm phán, ngày 17/4/2015, Úc đã cấp giấp phép nhập trái vải của Việt Nam, là trái cây tươi đầu tiên của nước ta được nhập vào Úc. Tiếp theo, tháng 8/2016, Úc cấp phép nhập xoài Việt Nam và ngày 24/8/2017, cấp phép cho trái thanh long sau 7 năm đàm phán. Năm 2019, quả nhãn tiếp tục sẽ được xuất khẩu vào thị trường này sau khi vượt qua quy chuẩn kiểm tra chất lượng từ phía đối tác.
Vào cuối năm 2018, lô chôm chôm đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường New Zealand. Như vậy, sau thanh long và xoài, chôm chôm là loại trái cây thứ 3 của Việt Nam vào được New Zealand, thị trường vốn nổi tiếng khó tính với các yêu cầu, tiêu chuẩn kiểm dịch rất cao. Điều đáng nói là, chưa có nước nào được xuất khẩu trái chôm chôm vào quốc gia này.
Từ năm 2009, trái thanh long ruột trắng bắt đầu hành trình chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản - thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, thanh long đỏ cũng được chấp thuận nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. Hiện giờ, thanh long là loại trái cây được xuất khẩu đều đặn sang Nhật Bản, chiếm phần lớn trong hơn 1.000 tấn thanh long mà nước này nhập khẩu mỗi năm.
Thanh long là trái cây có thị trường xuất khẩu lớn nhất
Lô xoài Cát Chu đầu tiên được xuất khẩu vào Nhật là cuối năm 2015. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phải mất 5 năm để chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật chấp thuận. Một số doanh nghiệp tại Việt đã đàm phán và xuất khẩu thành công lô vải thiều sang Nhật Bản từ năm 2014 và tiếp tục duy trì đến nay. Có thời điểm, vải thiều Lục Ngạn được bán trong siêu thị tại Nhật Bản với giá khoảng 1.980 yên/12 quả, tương đương khoảng 400.000 đồng. Nếu cộng thêm thuế thì 12 quả vải này có giá khoảng 430.000 đồng.
Còn tại thị trường Trung Quốc, đến nay chỉ có 8 loại trái cây của Việt Nam gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tính đến hết năm 2018, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu trái cây, rau quả lớn nhất của Việt Nam. Thống kê của Bộ Công Thương, trong hơn 3,8 tỷ USD giá trị xuất khẩu của ngành rau quả của năm 2018, riêng thị trường Trung Quốc đạt gần 2,8 tỷ USD, chiếm 70% tỷ trọng xuất khẩu. Dự báo, trong năm 2019, xuất khẩu rau quả có thể chinh phục thị trường này với gá trị 3 tỷ USD, thậm chí có thể hơn.
Theo petrotimes
Bữa cơm giản dị nhưng vẫn đánh bay nồi cơm nhờ hương vị ngon, dễ ăn đặc biệt Dù không quá cầu kỳ nhưng bữa cơm này hẳn sẽ khiến người khó tính cũng hài lòng. Gợi ý bữa ăn chiều nay sẽ có các món: - Thịt băm rang riềng - Thịt viên mùi tàu - Nộm xoài tóp mỡ - Su su luộc THỊT BĂM RANG RIỀNG Thịt vai rửa sạch, xay nhỏ ướp với chút gia vị và...