8 lưu ý để tránh “thảm họa” khi mua hàng online
Sản phẩm nhận được khác “một trời một vực” với ảnh giới thiệu, trả tiền trước mà không nhận được hàng hay hàng lỗi không được đổi trả… là những rắc rối thường gặp trong mua hàng online.
Khi những “thảm họa” từ mua hàng online ( mua sắm trực tuyến) xuất hiện ngày một nhiều, các tín đồ thời trang đang dần trở nên cảnh giác hơn với loại hình mua sắm tiện dụng nhưng đầy rủi ro này. Ngoài chuyện nhiều tiểu thương áp dụng chiêu “treo đầu dê bán thịt chó” đăng ảnh hàng xịn, bán hàng lỗi; người mua còn phải đối mặt với rất nhiều bất tiện khác phát sinh trong quá trình giao dịch.
“Thảm họa” từ mua hàng online là nỗi lo của đông đảo chị em (ảnh minh họa)
Tuy vậy, loại hình mua sắm này vẫn được rất nhiều người ưa thích bởi những ưu điểm không thể phủ nhận là sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Để có thể thoải mái mua hàng trực tuyến mà vẫn hạn chế được tối đa những rắc rối không đáng có, bạn nên chuẩn bị cho mình những kinh nghiệm và kiến thức cơ bản:
1. Nắm rõ cách tính size (kích thước) từng thương hiệu.
Cách tính size của các nhãn hàng thời trang có thể có nhiều khác biệt lớn: size M (trung bình) của hãng này có thể nhỏ hơn cả size S (nhỏ) của hãng khác và ngược lại. Bởi vậy, trước khi chọn size cho món đồ mình định mua, bạn nên kiểm tra lại xem cách tính size của hãng đó khác biệt như thế nào với những hãng bạn quen dùng để đưa ra lựa chọn chính xác nhất.
2. Cập nhật các số đo của bản thân thường xuyên
Việc hiểu rõ và thuộc lòng các chỉ số của cơ thể mình là cần thiết, nhưng không có nghĩa là lúc nào bạn cũng áp dụng nguyên si một con số khi lựa chọn đồ. Việc tăng, giảm cân dần dần rất khó nhận ra bằng mắt thường nhưng sẽ mang đến những khác biệt lớn khi bạn lựa chọn quần áo. Một bộ đồ đẹp trước tiên phải là bộ đồ vừa vặn nhất với cơ thể bạn.
Việc thường xuyên kiểm tra cân nặng và số đo các vòng trên cơ thể là rất cần thiết (ảnh minh họa)
3. Tham khảo ý kiến phản hồi của người mua trước
Hạn chế lớn nhất của việc mua hàng trực tuyến là bạn buộc phải kiểm tra và lựa chọn đồ từ xa, không được “mắt thấy tai nghe” như khi đi mua đồ ngoài phố. Cách tốt nhất để hiểu về sản phẩm là tham khảo nhận xét của những khách hàng mua trước.
Tuy nhiên, nắm bắt tâm lý này, nhiều người bán cũng giả mạo khách mua hoặc nhờ người thân gửi những phản hồi tích cực về mặt hàng của họ để “trấn an” khách đến sau. Để tìm kiếm những phản hồi chân thực nhất, bạn nên lựa chọn những diễn đàn mua sắm lớn và đọc bài của những nhân vật hoạt động lâu năm.
Video đang HOT
4. Lựa chọn thương hiệu quen
Để giảm thiểu rủi ro khi mua sắm trực tuyến, bạn nên cân nhắc mua hàng của những thương hiệu có tên tuổi hoặc những nhãn hàng quen thuộc. Với những mặt hàng không rõ xuất xứ, hàng chợ trôi nổi được rao bán nhỏ lẻ thì bạn nên hẹn địa điểm xem hàng trước khi mua để trực tiếp thử, chọn và chỉ thanh toán sau khi đã nhận hàng vừa ý.
5. Giắt túi những “thủ thuật” kiểm tra chất liệu vải
Dù không tận tay sờ vào sản phẩm, bạn vẫn có thể kiểm tra tương đối chính xác chất liệu của chúng. Hãy lục lại tủ đồ của bạn xem loại vải nào bạn mặc thấy mát nhất, loại nào cứng, loại nào mềm, loại nào gây rặm, ngứa… Chỉ cần đối chiếu những thông số trên tem mác sản phẩm định mua so với những món đồ đang có, bạn sẽ hiểu được phần nào về chất liệu của chúng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể xem clip về sản phẩm để thấy rõ hơn phom dáng, độ cứng, mềm của chất liệu vải khi mặc lên người.
Dù không được tận tay kiểm tra chất liệu vải, bạn vẫn có thể đoán biết được tương đối chính xác (ảnh minh họa)
6. Kiểm tra chính sách về đổi, trả hàng
Những nhà cung cấp uy tín thường khá thoải mái trong chính sách đổi, trả hàng. Bởi vậy, bạn nên kiểm tra kỹ thông tin này trước khi quyết định chọn mua để tránh lãng phí khi mua phải những món đồ không ưng ý.
7. Chấp nhận những khác biệt nhỏ về màu sắc so với ảnh
Nếu màu sắc sản phẩm bên ngoài có chút khác biệt (đậm, nhạt hơn) so với hình ảnh quảng cáo thì bạn cũng nên vui vẻ chấp nhận, miễn là không có những sai lệch quá rõ rệt. Ảnh sản phẩm không phải lúc nào cũng lên được màu sắc y hệt bên ngoài dù người chụp có muốn hay không. Việc chụp ảnh phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố như: loại máy ảnh, ống kính, cách chọn chế độ chụp, điều kiện ánh sáng xung quanh…
8. Không mua vội vì ngẫu hứng
Click chuột để chọn đồ bỏ vào giỏ mua hàng ảo hẳn là một việc làm mà mọi chị em đều yêu thích. Tuy nhiên, hãy luôn ý thức rằng giỏ hàng càng đầy bao nhiêu thì túi tiền của bạn càng vơi đi bấy nhiêu. Cách tốt nhất là đừng vội click “mua”, hãy để các món đồ bạn ưng ý nằm im trong giỏ hàng, lưu lại đó và đến 1, 2 ngày sau hãy mở ra xem lại để lọc bớt những thứ không thực sự cần thiết.
Theo Danviet.vn
Tuyệt chiêu mua hàng nước ngoài online
Hai cách phổ biến để mua hàng từ nước ngoài là đặt trực tiếp website bán lẻ lớn trên thế giới hoặc thông qua dịch vụ trung gian tại Việt Nam.
Làn sóng đặt hàng qua các trang web bán hàng online đang phổ biến trong một bộ phận 8X, 9X tại Việt Nam. Nhưng ngày càng nhiều người chọn các kênh bán hàng online ở nước ngoài do hai nguyên chính. Thứ nhất, hàng hóa của họ chất lượng tốt, phục vụ chuyên nghiệp, nhiều khuyến mại. Thứ hai, việc bán hàng online tại Việt Nam đã đánh mất lòng tin do trà trộn hàng giả, hàng nhái, khuyến mại ảo.
Mua hàng qua trang web ngày càng phổ biến trong một bộ phận người tiêu dùng Việt.
Để có thể tự tay mua online các mặt hàng nước ngoài, bạn có thể tham khảo những cách dưới đây:
Mua trực tiếp trên website nước ngoài
Bước 1: Loại thẻ giao dịch
Bạn không thể mua sắm quốc tế trên mạng với thẻ ATM thông thường. Thay vào đó, khách hàng cần thẻ tín dụng điện tử Visa hoặc Master card. Đây là một loại thẻ ngân hàng đặc biệt được bổ sung tính năng cho phép giao dịch trực tuyến ở những nơi chấp nhận thanh toán qua hai thương hiệu này. Hầu hết các website thương mại điện tử lớn trên thế giới đều cho phép thanh toán thông qua Visa hoặc Master card. Ngoài ra còn một số thương hiệu khác có tính năng tương tự hoặc sử dụng ví điện tử của Paypal.
Bước 2: Lựa chọn website
Trước tiên, bạn cần ưu tiên lựa chọn các website có phiên bản tiếng Anh để dễ dàng hơn trong quy trình đặt hàng. Tuy nhiên, nếu mặt hàng mà bạn thích thuộc về trang không có phiên bản tiếng Anh nên truy cập vào website gốc. Sau đó, sử dụng tính năng dịch tự động của các công cụ truy cập Internet hiện nay như Google, Cococ... để nắm được những thông tin cơ bản nhất.
Đồng thời, để việc mua hàng thuận tiện, bạn nên chọn những website có hình thức chuyển hàng về Việt Nam. Hãy tra cứu thông tin này trong mục "Shipping" của mỗi trang và xem danh mục các nước có thể nhận hàng của hãng.
Bước 3: Kiểm tra độ uy tín của website
Trước khi muốn đặt hàng và giao dịch, bạn phải kiểm tra mức độ uy tín của website đó. Nên lựa chọn những trang uy tín vì khi đã điền đầy đủ thông tin yêu cầu (địa chỉ, mã CCV trên thẻ...), giao dịch sẽ được chốt, rất khó để hủy và hoàn tiền lại, trừ khi bạn nhận và gửi trả hàng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng nên đọc kỹ mô tả hàng hóa, dựa vào mức độ tín nhiệm mà người tiêu dùng đánh giá, bình chọn cho sản phẩm, bên bán rồi mới quyết định.
Bước 4: Lựa chọn size
Mỗi hãng có một bảng kích cỡ riêng kèm theo hướng dẫn rất cụ thể, tính theo cả "inch" và "cm" (1inch = 2,54cm). Người mua nên tìm hiểu kỹ, tra cứu, quy đổi từ size nước ngoài sang Việt Nam. Mẹo nhỏ, đối với mặt hàng thời trang, bạn có thể chú ý tới số đo, cân nặng của mẫu ảnh mặc size gì để áng chừng người mình. Ngoài ra, nhiều website mua sắm nước ngoài có phần phản hồi chất lượng dành cho khách ở bên dưới. Người mua online nên chú ý phần này vì đó là những miêu tả sản phẩm chân thực nhất của khách đã mua. Nhiều mặt hàng ảnh đẹp, tuy nhiên thực tế không vậy và ngược lại.
Thẻ Visa và Master card được sử dụng để mua hàng online nước ngoài.
Bước 5: Thanh toán
Chọn sản phẩm cho vào giỏ hàng (Add to Cart hoặc Add to Bag). Nếu chưa cần gấp, bạn có thể để sản phẩm trong giỏ hàng và đợi các đợt khuyến mại. Điều này giúp tiết kiệm khá nhiều ngân sách. Một số website không chấp nhận vận chuyển về Việt Nam. Do đó, bạn có thể liên lạc với một số công ty, dịch vụ chuyển phát nhanh uy tín để chuyển hàng. Nên chọn các gói dịch vụ có sẵn vì công ty sẽ làm các thủ tục kê khai thuế giúp bạn kèm theo một số giấy tờ chứng nhận cần thiết. Khi đó, hàng hóa sẽ ít bị thất lạc hoặc chậm trễ. Khi dùng các dịch vụ chuyển hàng truyền thống không kèm theo dịch vụ có sẵn, bạn sẽ phải cung cấp giấy tờ xác minh mình là chủ đơn hàng, làm một số thủ tục tại hải quan và tốn nhiều thời gian hơn so với bình thường.
Mua qua trung gian
Việc đặt hàng qua các đầu mối trung gian tại Việt Nam rất thuật tiện vì không cần có tài khoản thanh toán quốc tế, được đảm bảo hàng hóa. Tuy nhiên, giá thành cao hơn vì phải thêm tiền công, chênh lệch tỷ giá cho người mua hộ.
Để mua hàng, khách gửi link sản phẩm tại website muốn mua cho người đặt hộ. Sau đó, bên trung gian sẽ kiểm tra thông tin (chất lượng sản phẩm, giá cả, độ tin cậy của người bán), thông báo lại cho khách.
Bên trung gian gửi bản thông tin chi tiết đơn hàng của khách. Đa số người mua hộ yêu cầu bạn đặt cọc 50-80% giá trị sản phẩm. Sau khi hàng về Việt Nam, sẽ thanh toán số tiền còn lại và nhận hàng.
Chi phí mua hộ thường được tính theo công thức giá sản phẩm cộng phí mua hộ (5-10% giá sản phẩm), thuế, vận chuyển webstie nước ngoài (nếu có), phí vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam (theo kg).
Đây chỉ là dịch vụ tự do, không phải từ những nhà phân phối chính thức, vì vậy độ uy tín, đảm bảo không 100%. Do đó, bạn cần tìm những bên trung gian uy tín, rõ địa chỉ nhà hoặc văn phòng làm việc. Khi đưa tiền đặt cọc phải yêu cầu giấy biên nhận rõ ràng hoặc lưu biên lai chuyển khoản ngân hàng. Đặc biệt, bạn cũng nên chú ý lượng "Talk about" và phản hồi của khách hàng trên Facebook người mua hộ.
Trước khi đặt hàng, bạn cần hỏi rõ, chính xác công thức tính chi phí vận chuyển về Việt Nam. Ngoài ra, một số người cẩn thận còn cân lại khi sản phẩm về tay mình.
Theo vnexpress.vn
Mua hàng thời trang nữ online uy tín ở đâu? Việc mua sắm thời trang nữ online ngày càng phổ biến nhờ sự tiện lợi, cùng với việc tiết kiệm thời gian và công sức. Chỉ cần một cú nhấp chuột tại nhà là chị em đã có thể mua về cho mình những mặt hàng quần áo - phụ kiện yêu thích. Tuy nhiên không phải ai cũng hài lòng khi mua...