8 lời khuyên để mua sắm Tết tiết kiệm mà vẫn đủ đầy
Việc sắm Tết sao cho tiết kiệm mà vẫn đủ đầy luôn làm các chị em “đau đầu” mỗi dịp cuối năm. Để ngân quỹ không bị thâm hụt nặng nề, hãy tham khảo một vài mẹo nhỏ dưới đây nhé!
1. Lên danh sách mua sắm Tết cụ thể và chi tiết
Hãy lên danh sách chi tiết những thứ cần sắm cho dịp Tết để tránh bị hoa mắt trước những quầy hàng Tết hấp dẫn. Ảnh: TTXVN
Năm hết Tết đến là dịp mà các quầy hàng, cửa hiệu bày bán rất nhiều sản phẩm đa dạng và bắt mắt. Để tránh lạc vào “mê hồn trận” vô vàn những món đồ Tết hấp dẫn khiến tiền trong túi cứ “đội nón ra đi” thì lập ra một danh sách sắm Tết với các khoản chi tiêu cụ thể là việc cực kỳ quan trọng.
Hãy liệt kê tất cả những thứ bạn cho là cần thiết trong dịp Tết rồi sắp xếp chúng theo thứ tự quan trọng và cần thiết giảm dần. Với mỗi món đồ, bạn cũng nên dự tính một khoản chi tiêu cố định và cân đối lại với “ngân sách” của mình nhằm tránh việc “vung tay quá trán”.
2. Tận dụng đồ cũ
Sau khi đã có một danh sách những thứ cần thiết cho dịp Tết sắp tới, bạn hãy kiểm tra lại những thứ có sẵn trong nhà để xem có tận dụng được gì không nhé!
Những món đồ trang trí cây đào, mai, quất, câu đối… từ năm trước hoàn toàn có thể tái sử dụng thay vì phải tốn một khoản tiền không nhỏ để mua đồ mới.
Hoặc tái chế những món đồ cũ như hộp bìa cát-tông, ly thủy tinh… thành những chiếc lọ cắm hoa hay những chiếc hộp đựng đồ mới… cũng là một cách tiết kiệm rất sáng tạo và độc đáo.
3. Sắm các mặt hàng thiết yếu từ sớm
Đồ uống, bánh kẹo, thực phẩm khô… là những mặt hàng thiết yếu có thể bảo quản và dự trữ trong Tết. Ảnh: TTXVN
Danh sách đã có, đồ cũ trong nhà cũng đã được tận dụng triệt để, giờ là lúc bạn cần bắt đầu mua sắm cho mùa Tết năm nay rồi đấy. Hãy lưu ý rằng, Tết càng cận kề thì các mặt hàng lại càng có xu hướng tăng giá một cách chóng mặt. Do đó, hãy mua sắm từ sớm để giúp tiết kiệm một khoản tiền kha khá, đồng thời, cũng để tránh cảnh chen lấn xô đẩy khi đi mua hàng vào những ngày cận Tết.
Đồ uống, bánh kẹo, thực phẩm khô… là những mặt hàng thiết yếu có thể bảo quản và dự trữ được lâu nên thường được các bà nội trợ mua sắm từ rất sớm. Nhưng khi mua hàng, bạn đừng quên xem kỹ hạn sử dụng của sản phẩm nhé!
4. Săn hàng khuyến mại, giảm giá
Mua chung với số lượng lớn và săn những đợt hàng khuyến mại, giảm giá đang là xu hướng tiêu dùng của dân công sở. Tết đến là thời điểm tốt để bạn vừa có thể mua được những thứ cần thiết, lại vừa tiết kiệm tối đa chi phí, đảm bảo tiêu chí: Ngon – bổ – rẻ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, đừng vì ham rẻ mà mua quá nhiều, không chú ý đến chất lượng sản phẩm, mua cả những mặt hàng không thật sự cần thiết. Điều đó khiến bạn không những không tiết kiệm mà còn lãng phí những khoản tiền không hề nhỏ.
Săn những đợt hàng khuyến mại, giảm giá sẽ giúp bạn tiết kiệm một phần chi phí không nhỏ cho việc mua sắm Tết. Ảnh: TTXVN
Do vậy, khi đi sắm Tết, bạn cần lựa chọn một cách sáng suốt, “bám chặt” vào danh sách đồ cần mua đã lập từ trước để tránh những mặt hàng không cần thiết “quyến rũ”.
5. Tự làm thực phẩm Tết
Bánh chưng, mứt tết, giò xào, giò lụa, dưa hành muối… là những món ăn khó có thể thiếu được trong mâm cỗ gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về. Nếu như trước đây, các chị em thường cầu kỳ đặt mua những thực phẩm này tại các địa chỉ nổi tiếng thì nay họ lại có xu hướng tự làm tại nhà.
Tự làm bánh chưng vừa giúp tiết kiệm chi phí lại vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: TTXVN
Việc này không những đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn tiết kiệm được một khoản chi phí cho việc mua sắm Tết. Đồng thời cũng là cơ hội cho các thành viên trong gia đình quây quần, tăng cường mối liên hệ tình cảm, sự thân thiết sau cả năm dài bận rộn. Đặc biệt, việc chuẩn bị Tết sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời với trẻ nhỏ, giúp trẻ hiểu hơn về những giá trị truyền thống dịp Tết Nguyên đán.
6. Không tích trữ quá nhiều đồ Tết
Không ít bà nội trợ có tâm lý mua thật nhiều thực phẩm, đồ ăn trong dịp Tết đề phòng khách đến chơi nhà hoặc chợ, siêu thị chưa mở cửa. Tuy nhiên, việc tích trữ dài ngày quá nhiều thực phẩm, đặc biệt là các loại rau xanh, trái cây… sẽ khiến chúng bị khô héo, thối, hỏng, biến chất…
Lời khuyên dành cho bạn, đó là chỉ nên tính toán khẩu phần ăn dành cho gia đình trong tối đa từ 1-3 ngày. Bởi hiện nay các chợ, siêu thị đều mở cửa trở lại rất sớm từ khoảng mùng 2 Tết.
7. Nói không với thẻ tín dụng khi mua sắm Tết
Nói không với thẻ tín dụng khi đi mua sắm là kinh nghiệm sống còn của các bà nội trợ thông thái. Bởi nó chính là một cái bẫy ngọt ngào khiến bạn mất kiểm soát chi tiêu.
Thẻ tín dụng chính là một cái bẫy ngọt ngào khiến bạn mất kiểm soát chi tiêu. Ảnh: click.ro
Lời khuyên cho bạn là hãy mang theo tiền mặt và lưu ý chỉ mang một số tiền vừa đủ theo kế hoạch đã định trước khi đi sắm Tết. Bởi nếu sẵn tiền trong túi, bạn sẽ sẵn sàng chi thêm cho những khoản nằm ngoài kế hoạch.
Trong khi mua sắm, một số mặt hàng có thể cao giá hơn dự chi của bạn. Bạn đừng ngại ngần bỏ chút thời gian đi dạo một vòng quanh chợ, siêu thị, cửa hàng để có thể xem xét và khảo giá hết các mặt hàng thiết yếu cần mua. Sau đó, hãy ưu tiên những mặt hàng quan trọng trước và giảm bớt những món đồ ít cần thiết hơn.
8. Cân nhắc kĩ trong việc tặng quà tết
Tết Nguyên đán là dịp để bày tỏ lòng tri ân, sự quan tâm của bạn tới những người yêu quý và trân trọng. Những món quà Tết vì thế cũng trở thành một nét đẹp truyền thống trong văn hóa xưa nay.
Để chọn được những món quà ý nghĩa, trang trọng mà vẫn phù hợp với khả năng tài chính của mình, bạn nên bỏ ra một chút thời gian để tìm hiểu kỹ về sở thích, thói quen của người được tặng quà.
Bằng cách cân đối chi tiêu với những mẹo đơn giản trên đây, hi vọng gia đình bạn sẽ có một cái tết đủ đầy, ấm áp mà vẫn tiết kiệm!
Theo nguồn tổng hợp
6 bí quyết mua sắm quần áo trong thời gian cửa hiệu xả hàng
Đi mua sắm và phát hiện ra cửa hiệu ưa thích của mình đang giảm giá lớn thì thật là thích.
Xác định sẵn là sẽ tiêu tiền và rồi thấy mình đang mua được với giá còn rẻ hơn mình nghĩ là một trong những cảm xúc tuyệt vời nhất trên đời. Tuy nhiên, phải mất nhiều năm tôi mới nhận ra được rằng cảm giác kiếm được món hời lớn khi mua sắm không nhất thiết là do tình cờ hoàn toàn. Trên thực tế, bạn có thể dò ra chu kỳ giảm giá của cửa hàng nhờ đó bạn có thể mua được bất kỳ bộ quần áo hay phụ kiện nào mình muốn với mức giá tốt nhất.
Ảnh minh họa
Các cửa hàng luôn muốn để cho các kệ, giá của họ chất đầy quần áo và phụ kiện, nhưng họ lại có hàng mới về thường xuyên tới mức cuối cùng, những mặt hàng nào chưa kịp bán phải được xả hàng để nhường chỗ cho những mặt hàng khác. Đây chính là lúc đến lượt bạn ghi điểm.
Nếu bạn biết đích xác khi nào một mẫu sẽ được giảm giá, bạn có thể quyết định liệu bạn có muốn đợi để mua nó với giá rẻ, hay bạn nghĩ rằng cũng đáng giá để trả thêm tiền để mua nó trước. Việc chọn lựa cho bạn cơ hội để trở thành 1 tay mua sắm tiết kiệm nhất có thể.
Thông hiểu chu kỳ giảm giá
Đừng hiểu sai ý tôi nhé - các cửa hàng muốn bạn trả nhiều tiền nhất cho những sản phẩm trên giá. Đó là lí do tại sao họ lại đặt các mặt hàng có giá cao hơn ở ngay phía ngoài cửa, còn những mặt hàng giảm giá hoặc xả hàng lại ở phía sau. Nhưng một chiếc jacket được giám giá 30% không khiến nó trông kém thời trang hơn, phải không nào?
Trong khoảng giữa thời gian giảm giá cuối mùa và chu kỳ giảm giá thông thường, chẳng có lí do thực sự nào khiến bạn nên trả nguyên giá cho bất kỳ bộ quần áo hay phụ kiện nào trừ khi, đương nhiên là do nó bán hết hàng hoặc bạn quá thích món đó đến nỗi không thể rời đi. Một khi được trang bị với các thông tin dưới đây, bạn có thể tiết kiệm tiền, trông thời trang và ăn vận theo cách bạn muốn mà vẫn rẻ.
1. Đợi từ 6-8 tuần
Một cửa hàng bán lẻ điển hình luôn treo mẫu mới nhất trên giá từ 6-8 tuần trước khi giảm giá. Các mặt hàng của cửa hàng bán lẻ thay đổi liên tục, do vậy các chủ cửa hàng không đủ khả năng để cứ mặc cho những mẫu cũ rũ ra trên giá mà chiếm chỗ. Hơn nữa, sau 6-8 tuần mỗi mặt hàng sẽ chỉ còn lại rất ít - khó mà đủ để xếp giá trưng bày. Vì vậy, nó được chuyển tới khu vực giảm giá hoặc xả hàng, thường là ở phía tít đằng sau của cửa hàng. Ở đó, nó được tập trung lại cùng với các mặt hàng giảm giá khác để rồi được những người mua khôn ngoan tranh mua.
2. Thứ năm là tốt nhất
Nếu bạn muốn mua ngay đôi giầy mà bạn đã "tăm tia", tốt nhất bạn hãy thử đi mua vào ngày thứ Năm. Các cửa hiệu biết rằng phần lớn mọi người tới các trung tâm thương mại hoặc cửa hiệu vào cuối tuần, nên họ bắt đầu chuẩn bị vào ngày thứ Năm để giảm giá các mặt hàng cũ và đưa các mặt hàng mới vào.
Nhờ mua sắm vào ngày thứ sáu và thứ bảy, bạn có thể tích một số điểm lớn, nhưng bạn cũng sẽ có ít lựa chọn hơn - điều này không hay trong trường hợp bạn muốn thứ gì đó riêng biệt. Nhờ việc mua sắm vào ngày thứ Năm, bạn có thể có sự lựa chọn tốt nhất với mức giá tốt nhất để có được mặt hàng bạn mong muốn.
3. Hỏi han xung quanh
Có một lần tôi thấy chiếc váy tôi thích đang giảm giá, nhưng họ lại không có cỡ của tôi. Thay vì ra về tay trắng, tôi hỏi một trong những điều phối viên cửa hàng liệu cô ấy có thể kiểm tra xem liệu còn cửa hàng nào trong chuỗi cửa hàng của họ còn chiếc váy như vậy trong kho nữa hay không. Quả thật là may mắn vì vẫn còn một chiếc nữa, và cửa hàng đã gửi nó đến tận nhà tôi mà không lấy tiền vận chuyển.
Nếu bạn thấy cái gì bạn muốn mà lại không có nhiều lựa chọn, hãy hỏi xem liệu cửa hàng có thể làm gì cho bạn. Trong nhiều trường hợp, các nhân viên bán hàng muốn giữ doanh số, vì vậy họ sẽ kiểm tra lại để khiến bạn vui lòng. Trong khi các mặt hàng được xả hàng thường hữu hạn, phần lớn các cửa hàng thường có hàng tồn kho ở đâu đó khác, vì vậy nếu bạn thích lắm thì đáng để hỏi. Bạn cũng có thể kiểm tra ở ứng dụng mua sắm trên điện thoại thông minh xem liệu họ có còn mặt hàng đó trong kho online hay không.
4. Biết chính sách hoàn lại
Các sản phẩm xả hàng thì thường rất nhiều, nhưng việc đọc những dòng chữ in nhỏ là rất quan trọng. Tìm thấy 1 chiếc áo sơ mi $5 thật là tuyệt, nhưng cũng chẳng tuyệt nếu bạn không được trả lại nếu mặc không vừa.
Hãy luôn đọc hoặc hỏi xung quanh về chính sách hoàn trả hàng xả. Trong phần lớn các trường hợp, tất cả các sản phẩm trang sức được xả hàng thì đều là những sản phẩm cuối cùng rồi, nhưng rất nhiều cửa hàng đề nghị tích điểm thay vì hoàn trả xả hàng tồn. Các cửa hàng không muốn nhìn thấy những mặt hàng lỗi mốt lại bị quay trở về cửa hàng vì họ cần có chỗ cho những mặt hàng mới. Đó là lí do tại sao phần lớn các chính sách hoàn trả hàng xả rất ngắn, thường chỉ khoảng 14 ngày.
5. Mua sắm cuối mùa
Một trong những khoảng thời gian tuyệt vời nhất để tiêu tiền vào mua sắm là lúc cuối mùa. Hãy luôn nhớ rằng các cửa hàng bán lẻ luôn "đi trước mùa" 2 tháng, vì vậy bạn có thể vẫn chọn ra được những chiếc áo len tay dài rẻ và vẫn có thể mặc 1 tháng trước khi đến lúc phải lấy đồ từ tủ quần áo mùa xuân.
Nhìn chung, các cửa hiệu luôn sắp xếp các mặt hàng cho phù hợp với Tuần lễ thời trang Newyork vào tháng Chín và tháng Hai, vì vậy đừng để ý vội. Bạn có thẻ kiếm hời lớn khi sắm đồ mùa hè vào tháng Chín, và hốt quần áo mùa đông rẻ vào tháng Hai.
6. Biết khi nào không nên mua
Bạn sẽ trả nhiều tiền nhất nếu bạn mua quá sớm hoặc mua sai thời điểm. Ví dụ, chẳng khôn ngoan tẹo nào nếu mua đồ trang sức quanh dịp lễ Giáng Sinh, đó là lúc bạn có thể sẽ phải trả nhiều tiền nhất cho bộ trang sức đó. Và có những sản phẩm chẳng bao giờ được giảm giá cả - những đôi giầy và phụ kiện thiết kế cao cấp thường có giá rất ổn định, đặc biệt là nếu mặt hàng đó không mang tính "mùa vụ".
Lời kết
Bạn không phải tiêu một đống tiền thì trông mới đẹp. Khi bạn đủ thông minh để đi mua vào mùa giảm giá và xả hàng, bạn vẫn có thể ăn vận như các bạn của bạn mà lại rẻ hơn rất nhiều. Đây là cách tốt nhất để theo kịp xu hướng và hoàn toàn không hoang phí túi tiền của bạn.
Lúc nào là thời gian ưa thích mua sắm của bạn? Bạn có bí kíp nào khác để tiết kiệm được nhiều không?
Theo nguồn tổng hợp
5 tips cần bỏ túi ngay nếu là tín đồ của quần áo secondhand Quần áo secondhand thường đã đáp ứng đủ các nhu cầu "ngon" và "rẻ" rồi, nhưng "bổ" hay không nữa thì còn phù thuộc rất nhiều vào chính chúng ta. Quần áo secondhand - hay còn có cái tên rất thân thương - "hàng thùng", là một loại mặt hàng không còn xa lạ gì với người tiêu dùng Việt. Chúng dù không...