6.000 tỉ đồng cải thiện tầm vóc thấp, còi của người Việt
(NLĐO)- Với chiều cao trung bình 163,7 cm (nam) và 153,0 cm (nữ), tầm vóc người Việt Nam còn thua kém rất nhiều so với một số nước châu Á và càng xa hơn so với các quốc gia châu Âu.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện tầm vóc – Ảnh: Khám dinh dưỡng cho trẻ tại Viện dinh dưỡng quốc gia (Hà Nội)
Tối 9-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình Sữa học đường – Vì tầm vóc Việt. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chương trình Sữa học đường – Vì tầm vóc Việt nhằm mục đích nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam, thực hiện chính sách về dinh dưỡng của Chính phủ đối với trẻ em từ 2 đến 12 tuổi, nhất là trẻ em nghèo.
Video đang HOT
Hiện nay, số trẻ em có tỉ lệ suy dinh dưỡng, thấp, còi khá lớn, nhất là trẻ ở khu vực nông thôn, miền núi. Nhiều trẻ ở các xã vùng khó khăn dù đã học lớp 4, lớp 5 nhưng vẫn nhỏ bé như học sinh lớp 1, lớp 2 ở thành phố.
Bộ Y tế đang xây dựng các tiêu chuẩn sữa học đường để mọi trẻ em được uống sữa, cải thiện tầm vóc
Theo các nghiên cứu, mặc dù thể lực và tầm vóc người Việt Nam đã có được bước phát triển khá trong những năm gần đây, nhưng so với các tiêu chuẩn chung của quốc tế thì vẫn còn khiêm tốn, thua kém nhiều nước ngay trong khu vực. Với chiều cao trung bình 163,7 cm (nam) và 153,0 (nữ), tầm vóc người Việt Nam còn thua kém rất nhiều so với một số quốc gia châu Á và càng xa hơn so với các quốc gia châu Âu.
So với chuẩn quốc tế, tầm vóc nam thanh niên 18 tuổi Việt Nam thua kém 13,1 cm, tầm vóc nữ thanh niên thua kém 10,7 cm (chuẩn quốc tế 163,7 cm và 176,8 cm). So với Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc thân thể của thanh niên Việt đều thua kém rõ rệt. Ngoài ra, do thiếu vận động nên thể lực, đặc biệt là sức bền của thanh niên Việt Nam vào loại kém và rất kém so với Nhật Bản hoặc so với chuẩn quốc tế.
Các chuyên gia y tế cho rằng hiện nay nhận thức, thói quen về rèn luyện thân thể, chế độ dinh dưỡng, điều kiện môi trường… của người dân rất hạn chế. Đa số gia đình còn “thả nổi” việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em từ 6 tuổi đến hết tuổi dậy thì, bỏ lỡ thời kỳ thuận lợi phát triển về thể lực và tầm vóc con người.
Mục tiêu của đề án là trong vòng 20 năm, chiều cao của người Việt sẽ tăng thêm 2,5 cm – 3 cm
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng “Sữa học đường- Vì tầm vóc Việt” là chương trình cấp thiết và có ý nghĩa thực tiễn, tác động lâu dài tới tầm vóc, thể lực của người Việt Nam. Chương trình nhằm hướng tới việc phát triển một thế hệ trẻ Việt Nam cả về trí lực và thể lực. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng chương trình sữa học đường để sớm ban hành tiêu chuẩn này, làm cơ sở cho việc phát triển tầm vóc, thể thực thanh niên Việt Nam.
Cũng tại chương trình này, Tập đoàn TH đã dành tặng 1 triệu ly sữa tươi sạch TH True Milk cho học sinh là con công nhân, học sinh huyện đảo Lý Sơn và huyện đảo Trường Sa thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã trao tặng món quà ý nghĩa này.
6.000 tỉ đồng cải thiện tầm vóc người Việt Nam
Để giải quyết vấn đề dinh dưỡng và cải thiện tầm vóc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 641/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực Đề án chủ trì, phối hợp cùng các bộ, các ngành liên quan xây dựng và phê duyệt các chương trình thành phần của Đề án. Đề án gồm 4 Chương trình lớn, trong đó có Chương trình số 2: “Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan”. Một trong 6 nội dung quan trọng của Chương trình số 2 là xây dựng “Chương trình sữa học đường cho học sinh mẫu giáo và tiểu học”. Với mức kinh phí khoảng 6.000 tỉ đồng, mục tiêu lớn nhất của Đề án là nâng chiều cao của người Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ từ nay đến năm 2030 cao hơn từ 2,5 – 3 cm, đồng thời phát triển thể lực, tầm vóc người Việt trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam.
Theo NLĐ