5 định hướng đổi mới quản lý chất lượng với giáo dục phổ thông
Ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), chia sẻ 5 định hướng đổi mới quản lý chất lượng giáo dục phổ thông.
Ảnh minh họa: IT
Các định hướng bao gồm: Quản lý đồng bộ các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục (đầu vào), quá trình giáo dục và kết quả giáo dục (đầu ra); Bảo đảm việc công khai chất lượng giáo dục của nhà trường; Cải tiến chất lượng liên tục; Thực hiện tích hợp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục; Ứng dụng CNTT để hỗ trợ công tác quản lý giáo dục.
Với việc quản lý đồng bộ các điều kiện bảo đảm, quá trình và kết quả giáo dục, ông Phạm Quốc Khánh nhấn mạnh một trong những định hướng rất quan trọng là đổi mới quản lý quá trình giáo dục; thực chất là cần tăng cường tính chủ động trong các nhà trường, phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cán bộ quản lý, GV, nhân viên.
Thiết lập các chuẩn mực và triển khai thực hiện để đạt được các chuẩn mực đó, sau đó lại thiết lập những chuẩn mực cao hơn và phấn đấu để tiếp tục đạt được. Thực hiện đánh giá vì sự tiến bộ của HS; đánh giá toàn diện HS thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của HS theo mục tiêu giáo dục; không tạo áp lực thành tích cho HS, GV và cha mẹ HS.
Video đang HOT
Thực hiện công khai chất lượng giáo dục, nhà trường có trách nhiệm báo cáo, giải trình về chất lượng giáo dục của mình với cơ quan quản lý giáo dục và xã hội để được giám sát và tự điều chỉnh. Công khai kết quả tự đánh giá, đánh giá ngoài có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức: Nội bộ nhà trường; trong các cuộc họp với cha mẹ HS, với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, với các tổ chức và cá nhân có quan tâm; đăng tải trên trang thông tin điện tử của nhà trường, của phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT…
Đối với định hướng thứ 3 về cải tiến chất lượng liên tục, theo ông Khánh, kế hoạch cải tiến chất lượng là các giải pháp, biện pháp mà nhà trường cần thực hiện để đổi mới từng bước và toàn diện từng lĩnh vực, từng khâu và từng hoạt động giáo dục. Việc cải tiến chất lượng cần có một tầm nhìn và bước đi dài hạn; cần xác định việc nào cần làm ngay và có thể làm được ngay, việc nào cần có thời gian và bao nhiêu thời gian để có thể hoàn thành, bảo đảm phù hợp nguồn lực và bối cảnh.
Về tích hợp hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia: năm học 2018 – 2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư tích hợp quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và các công văn hướng dẫn tự đánh giá, đánh giá ngoài trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông. Việc thống nhất một bộ tiêu chuẩn đánh giá, một quy trình đánh giá đã tạo nhiều thuận lợi cho các cơ sở giáo dục thực hiện cùng một lúc hai hoạt động, góp phần làm giảm các thủ tục hành chính trong công tác quản lý; giảm công sức, thời gian và chi phí khi triển khai thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Tích hợp hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và trường đạt chuẩn quốc gia đã trở thành một chủ trương đúng đắn, được nhà trường, xã hội đón nhận. Sau 3 năm triển khai thực hiện đã tạo diện mạo mới, vị thế mới, sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong các nhà trường, mang lại lợi ích thiết thực cho HS. Trong các nhà trường được công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia, văn hóa chất lượng từng bước được hình thành, cán bộ quản lý, GV, nhân viên, HS và xã hội có trách nhiệm xây dựng nhà trường ngày một tốt hơn.
Để công tác quản lý giáo dục được hiệu quả, ông Phạm Quốc Khánh cho rằng, cần thiết phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc ứng dụng CNTT hỗ trợ quản lý hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những giải pháp quan trọng. Trong thời gian qua, đã có nhiều địa phương sử dụng phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục để hỗ trợ các nhà trường, các đoàn đánh giá ngoài, các cấp quản lý giáo dục (Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT) khi thực hiện tự đánh giá và đánh giá ngoài.
Phần mềm đã hỗ trợ cho việc tiết kiệm thời gian, nhân lực; đồng thời quản lý tốt hơn các minh chứng, việc kết nối hoạt động tự đánh giá từ nhà trường đến hoạt động đánh giá ngoài của đoàn đánh giá ngoài; cung cấp, trao đổi các thông tin cụ thể và chi tiết giữa nhà trường, đoàn đánh giá ngoài và các cấp quản lý về mức độ đáp ứng tiêu chí, chỉ báo theo tiêu chuẩn đánh giá. Bằng việc thống kê mức độ đáp ứng yêu cầu đến từng tiêu chí, chỉ báo, có tính hệ thống từ các nhà trường, lãnh đạo các cấp quản lý có được bức tranh toàn cảnh về chất lượng của các nhà trường trong toàn bộ hệ thống giáo dục, giúp các cấp quản lý hoạch định chính sách để tập trung đầu tư, hỗ trợ nhằm phát triển chất lượng giáo dục.
Công tác bảo đảm chất lượng trường phổ thông có sự cải thiện rất lớn. Theo báo cáo của các sở GD&ĐT, tính đến ngày 31/5/2021, toàn quốc có 41.647 cơ sở giáo dục (bao gồm cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên); trong đó tỷ lệ tự đánh giá của các cơ sở giáo dục đạt 96,7%; tỷ lệ đánh giá ngoài đạt 65,01% – tăng 6 lần so với năm 2014. - Ông Phạm Quốc Khánh
Số hóa dữ liệu
Hai năm nay, giáo viên, cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục phổ thông triển khai đánh giá theo chuẩn trên Hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông (TEMIS).
Ảnh minh họa/INT
TEMIS là hệ thống "động" với số liệu được cập nhật thường xuyên bởi chính giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông và được quan sát, chiết xuất báo cáo bởi phòng GD&DT, sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT. Mỗi người dùng được trang bị một tài khoản với những chức năng cụ thể và thực hiện đánh giá theo quy định, giúp quy trình này được thực hiện công khai, minh bạch, chính xác và có thể kiểm soát (đặc biệt là về minh chứng đánh giá).
Hiện nay, Hệ thống TEMIS được Bộ GD&ĐT áp dụng tạm thời là phiên bản 1.0 do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel hỗ trợ miễn phí. Theo lộ trình, hệ thống này được liên thông và bổ sung cho hệ thống cơ sở dữ liệu ngành đã được Bộ GD&ĐT triển khai trong những năm gần đây.
Thời gian đầu, một bộ phận giáo viên, CBQL cảm thấy ngại, thấy như bị thêm việc do chưa có thói quen lưu giữ minh chứng nên khó khăn khi cập nhật lên hệ thống. Lợi ích, ý nghĩa của TEMIS, có lẽ không ít thầy cô cũng chưa nhận thức được đầy đủ.
Hai năm triển khai đã cho thấy, không chỉ giáo viên mà rất nhiều bên liên quan được thụ hưởng lợi ích từ hệ thống này. Giáo viên được đánh giá theo chuẩn một cách công khai, minh bạch, chính xác; lưu hồ sơ minh chứng trên hệ thống online đầy đủ, dễ dàng truy cập; từ đó mỗi người theo dõi được xu hướng phát triển năng lực chuyên môn để có kế hoạch bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phù hợp, đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, địa phương và của ngành Giáo dục.
Thông tin trên hệ thống còn giúp cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục (phòng/sở/Bộ GD&ĐT) và cơ sở giáo dục phổ thông nắm bắt xu hướng phát triển nghề nghiệp của đội ngũ dựa trên kết quả đánh giá theo chuẩn; theo dõi và ghi lại đánh giá của giáo viên, CBQL về các chương trình bồi dưỡng thường xuyên; thu thập thông tin về nhu cầu bồi dưỡng của đội ngũ, làm căn cứ cho việc rà soát, cập nhật điều chỉnh chương trình bồi dưỡng thường xuyên.
Từ đó, xây dựng, thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ; lựa chọn, sử dụng đội ngũ giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán... Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục phổ thông, với TEMIS, có căn cứ để rà soát, cập nhật điều chỉnh chương trình, tài liệu và các phương thức tổ chức học tập, hỗ trợ bồi dưỡng...
Đến 31/3/2021, có 57 sở GD&ĐT đã hoàn thành Báo cáo TEMIS 2020 và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và các sở GD&ĐT. Việc xây dựng báo cáo TEMIS hằng năm tiếp tục được thực hiện để thu thập dữ liệu về đánh giá theo chuẩn, tình hình bồi dưỡng thường xuyên và nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông, dựa trên nguyên tắc bảo đảm phát huy tối đa vai trò của địa phương, nhà trường, giáo viên và CBQL trong công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ.
Tin rằng, khi đã nhận thức đầy đủ, việc cập nhật thông tin lên TEMIS sẽ trở thành nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông, vì lợi ích của chính mình và rộng hơn là vì sự phát triển giáo dục.
Phải giám sát chặt chẽ tập huấn SGK, tuyệt đối không buông lỏng, phó mặc cho các nhà xuất bản Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông vào chiều 25/2. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho biết, trong thời gian qua đã chỉ đạo...