5 cô gái Việt ở Mỹ gây quỹ hỗ trợ Đà Nẵng ‘thần tốc’
Khi Nguyễn Hà bày tỏ mong muốn tiếp sức Đà Nẵng chống Covid-19, cô lập tức được 4 người bạn đang ở các bang khác nhau của Mỹ ủng hộ.
Chỉ vài ngày sau, chiến dịch mang tên “Chung tay vì Việt Nam” của họ ra đời với mục tiêu tập trung mọi nguồn lực để gây quỹ và gửi về nước trong vòng một tuần.
“Đều có gia đình và người thân đang ở Việt Nam, chúng tôi mong muốn làm được điều gì đó trong thời gian nhanh nhất có thể cho quê hương. Nhờ kinh nghiệm từng tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng, chúng tôi nhận thấy một tuần là thời gian tối ưu để tập trung nguồn lực vào việc lan truyền thông điệp một cách nhanh chóng. Chúng tôi coi đây là ‘Tuần lễ chung tay vì Việt Nam”, Triệu Thùy Lan, một trong những thành viên của nhóm, chia sẻ với VnExpress.
Chính vì đặt mục tiêu gây quỹ trong thời gian ngắn, khó khăn lớn nhất của họ chính là thời gian. 3 trong số các cô gái của nhóm đang vừa đi làm vừa chăm con nhỏ, đặc biệt trong thời gian này các bé đều không đến trường vì dịch Covid-19. Trong khi đó, khối lượng công việc nhiều nhưng cần phải hoàn thành gấp rút nên mỗi người đều phải nỗ lực gấp đôi gấp ba so với thường ngày, ngủ ít hơn, làm nhiều lên.
Nhóm 5 cô gái Việt ở Mỹ và một thành viên tại Việt Nam trong cuộc họp trực tuyến hàng ngày về chiến dịch. Từ trái sang, từ trên xuống: Trương Phan Ngọc My, Nguyễn Hà, Bùi Ngọc Thi, Triệu Thuỳ Lan, Đoàn Thị Minh Phượng và Ngô Ngọc Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Với kinh nghiệm là trưởng nhãn hàng của của một tập đoàn nước giải khát lớn tại Bắc Mỹ, Thùy Lan, người đang sống tại Nam California, phụ trách mảng nội dung cho các kênh mạng xã hội, hỗ trợ truyền thông và quản lý trang gây quỹ Gofundme.
Nguyễn Hà, người nảy ra ý tưởng gây quỹ, vừa theo học Đại học Harvard và chăm sóc hai con nhỏ ở thành phố Houston, bang Texas, vừa đảm nhận vai trò kế toán và quảng bá cho chiến dịch.
Đoàn Thị Minh Phượng, ở thành phố Saint Louis, bang Missouri, phụ trách mảng đối ngoại, truyền thông cho chiến dịch. Là người sáng lập và điều hành nhiều tổ chức của sinh viên, chuyên gia tại Mỹ, trong vòng chỉ vài ngày, cô đã kết nối chiến dịch gây quỹ với hơn 20 tổ chức chuyên gia, sinh viên và cộng đồng người Việt tại Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Bùi Ngọc Thi, đang theo học Thạc sĩ Khoa học về Thần Kinh và Hành vi tại đại học Massachusetts, phụ trách phiên dịch nội dung từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Trong khi đó,Trương Phan Ngọc My,một cô gái người Đà Nẵng đang làm trong mảng công nghệ y tế tại thành phố Boston, bang Massachusetts, trở thành cầu nối giữa nhóm với các đơn vị thiện nguyện ở quê nhà để xác định những tổ chức và cá nhân cần giúp đỡ cũng như các đối tác hỗ trợ hoạt động.
Ngoài ra, họ còn nhận được góp sức của Ngô Ngọc Linh, cựu sinh viên ĐH Ngoại Thương đang làm việc tại Hà Nội. Linh đi làm toàn thời gian ban ngày theo giờ Việt Nam, tối về lại thức và thiết kế cho chiến dịch theo giờ Mỹ.
1-2 giờ sáng, nhóm chat của các cô gái vẫn sáng đèn, thảo luận sôi nổi, đến 6-7h sáng, họ lại trở về với công việc và gia đình riêng.
“Chúng tôi không muốn chỉ trao số tiền cho một đơn vị ở Việt Nam mà muốn tận tay đảm bảo từng đồng tiền của các bạn đóng góp được sử dụng một cách hiệu quả nhất”, Thùy Lan cho hay.
Chiến dịch của các cô gái nhanh chóng lan toả, nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ các cựu du học sinh, sinh viên, đến các chuyên gia, doanh nhân, học giả người Việt trên khắp nước Mỹ. Đến ngày thứ ba, chiến dịch đã vượt qua biên giới Mỹ, nhận được sự bảo trợ của các hội nhóm ở Nhật Bản và Hàn Quốc và hiện có 20 nhóm đồng hành gây quỹ.
Chiến dịch chính thức khởi động vào tối 16/8 và ngay trong tối đó đã có 35 người ủng hộ khoảng 1.500 USD. Hết ngày thứ hai, số tiền đã tăng lên 4.700 USD. Hôm 21/8, một mạnh thường quân giấu tên ủng hộ 650 USD, giúp chương trình đạt được mốc 10.000 USD khi vẫn còn hai ngày nữa mới ngừng thời gian quyên góp. Chiến dịch thu hút 1.300 lượt chia sẻ trên mạng xã hội, sự ủng hộ từ hơn mạnh thường quân và trang Facebook của “Chung tay vì Việt Nam” đã được 24.000 người biết đến hoàn toàn nhờ sự chia sẻ của cộng đồng.
“Có bé Quân mới 11 tuổi ở California ủng hộ 5 USD từ số tiền dành dụm cả tuần. Bé rất vui khi nghe mẹ nói là số tiền này có thể mua được 3 phần ăn cho các bạn ở Việt Nam. Hay một bạn người Đà Nẵng ở Los Angeles đang thất nghiệp do Covid-19 nhưng cũng ủng hộ 50 USD”, Thùy Lan nói. “Chúng tôi thực sự rất cảm động trước tinh thần chung tay mạnh mẽ của người Việt xa quê, dù rằng tại nước Mỹ, tâm dịch của thế giới, và các nước khác, nhiều người cũng đang phải trải qua rất nhiều khó khăn về kinh tế và cuộc sống do Covid-19″.
Chiến dịch “Chung tay vì Việt Nam” thu hút hơn 10.000 USD trên trang gây quỹ GoFundMe. Ảnh: GoFundMe
Ngày 21/8, nhóm đã chuyển 5.000 USD (115 triệu đồng) đầu tiên trong số hơn 10.000 USD (hơn 230 triệu USD) quyên góp được về Việt Nam để hỗ trợ bệnh viện và người bị mất việc do ảnh hưởng của Covid-19 ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Thuỳ Lan cho biết trong đó, 40 triệu đồng được dùng để mua các đồ bảo hộ y tế và nhu yếu phẩm cho bác sĩ, y tá và người dân đang bị cách ly ở huyện Nông Sơn – Quảng Nam. Số tiền còn lại dùng để ủng hộ nhu yếu phẩm cho 50 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Đà Nẵng, 83 người lái xích lô bị thất nghiệp ở Đà Nẵng, và hỗ trợ đồ bảo hộ y tế cho các bệnh viện còn thiếu thốn ở Quảng Nam.
Số tiền 5.000 USD còn lại được dành cho giai đoạn hai để hỗ trợ các địa bàn khác bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Sau chiến dịch lần này, nhóm các cô gái dự định xây dựng Chiến dịch “Chung tay vì Việt Nam” thành một dự án lâu dài, để có thể luôn sẵn sàng kêu gọi sức mạnh từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài hỗ trợ Việt Nam giải quyết các khó khăn trong tương lai.
“Số tiền tuy không lớn nhưng thể hiện sự chung lòng, chung sức của những người con xa xứ hướng về quê hương. Và chúng tôi biết chiến dịch này của mình chỉ là một trong vô vàn các hoạt động mà người Việt khắp thế giới đã và đang làm để hỗ trợ Việt Nam”, Thùy Lan cho hay. “Chúng tôi hy vọng sự đóng góp ít nhiều của cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới sẽ góp thêm nguồn sức mạnh giúp Việt Nam vượt qua đại dịch”.
Vpop ngay lúc này thiếu một bài hot đúng nghĩa!
Dường như đã khá lâu, Vpop không chào đón sự xuất hiện của một ca khúc hit đúng nghĩa.
2019 có thể được xem là năm vô cùng thành công của Vpop khi chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều xu hướng âm nhạc đa dạng và đặc sắc. Đi cùng với đó là những bản hit liên tục được cộng đồng mạng truyền tay mạnh mẽ, dẫn đến sức lan tỏa rộng lớn. Tuy nhiên đó chỉ là câu chuyện của năm ngoái, nhưng khi nhìn vào thực trạng hiện tại của 2020, khán giả gần như mỏi mắt tìm ra một bản hit thật sự đúng nghĩa.
Thành thật với nhau nhé, khi được hỏi về việc ca khúc Việt nào đang hot thì-hiện-tại, bạn có gặp khó khăn khi đi tìm một đáp án? Điều mà chỉ vài tháng trước đây thôi, bạn sẽ có thể kể không hết những bản hit đúng nghĩa, ít nhất cũng là đang thay nhau "làm mưa làm gió" trên các BXH.
Nghe buồn thật nhưng quả nhiên là vậy. Cụ thể từ giai đoạn cuối tháng 3 cho đến hết tháng 4, đây có thể được xem là giai đoạn khó khăn nhất của Vpop do sự ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nghệ sĩ vẫn chăm chỉ ra mắt nhiều dự án âm nhạc gây được tiếng vang. Nhưng chữ tiếng vang nhắc đến ở đây chỉ là nhất thời và nếu xét trên nhiều khía cạnh thì những sản phẩm, dự án này vẫn chưa thể gọi là "hit".
Thích thì đến (Lê Bảo Bình) mù mờ trong sự đột phá
Lê Bảo Bình hiện đang là cái tên gây chú ý với khán giả khá nhiều sau khi ra mắt ca khúc Thích thì đến. Sản phẩm nhanh chóng thống lĩnh top trending Youtube và xô đổ kỷ lục về thời gian nằm #1 trước đó của Sơn Tùng M-TP và Jack. Đặc biệt phải kể đến lượt xem ấn tượng của sản phẩm dù chỉ mới ra mắt được một thời gian ngắn. Đây có thể được xem là dự án thành công nhất của Vpop những ngày gần đây.
Tuy nhiên, dù làm mưa làm gió trên Youtube là vậy, thế nhưng Thích thì đến từ Lê Bảo Bình lại là một cái tên khá xa lạ với cộng đồng mạng. Vốn dĩ ca khúc không được viral mạnh mẽ trên mạng xã hội, thế nên khi nhìn vào độ phổ biến, Thích thì đến dường như chưa làm được. Chưa kể đến việc, dòng nhạc của Lê Bảo Bình chưa bao giờ là "món ngon" đối với phần đông khán giả trẻ, thậm chí nếu không muốn nói là cũ kỹ và tụt hậu.
Nhưng may thay, đây lại là dòng nhạc rất được lòng những khán giả miền Tây. Thế nên việc ca khúc tăng view mạnh mẽ do được đối tượng khán giả này replay liên tục cũng không phải quá bất ngờ. Nhưng khi xét về độ phủ sóng, sự đột phá trong âm nhạc, MV,... Thích thì đến hoàn toàn chưa đáp ứng được hết.
Tình sầu thiên thu muôn lối (Doãn Hiếu) tung hô phía nhạc số nhưng thê thảm lượt xem MV
Được biết đây là ca khúc nhạc ngoại lời Việt do nam ca sĩ Doãn Hiếu thể hiện, sản phẩm từng khiến nhiều trang nhạc số dậy sóng, những thành tích "chạm đỉnh" liên tục được công bố trong sự ngơ ngác từ khán giả vì cái tên quá lạ.
Tương tự như Thích thì đến (Lê Bảo Bình), Tình sầu thiên thu muôn lối là một "người xa lạ" trên mạng xã hội. Bởi vì đa số lượt nghe đều bắt nguồn từ các trang nhạc trực tuyến và số lượng người dùng chia sẻ ca khúc lên mạng xã hội gần như rất ít. Thế nên xét về độ phổ biến, cái tên Doãn Hiếu lẫn ca khúc này hầu như không được khán giả biết đến nhiều. Chưa kể đến việc ca khúc nhanh chóng hạ nhiệt và chìm vào quên lãng rất nhanh sau đó vì dòng nhạc này vốn dĩ không dễ dàng để tồn tại lâu. Thậm chí MV của ca khúc sau khi ra mắt lại nhận về lượt view thảm hại nếu so với những đợt tung hô trước đó về thành tích nhạc số.
Trường hợp của Doãn Hiếu khá giống với Độ ta không độ nàng cách đây khá lâu. Ca khúc nhạc ngoại lời Việt đậm mùi cổ trang từng khiến nhiều trang nhạc chao đảo, nhưng cuối cùng cũng rơi vào tình trạng sớm nở chóng tàn. Đa số ý kiến cho rằng ca khúc nghe khá "kỳ cục" khi được Việt hóa, cùng với đó là xu hướng đám đông đã đẩy một sản phẩm không có gì đặc sắc trở thành phong trào. Và tất nhiên, đến hiện tại cũng chẳng ai còn tha thiết khi nhớ về những sản phẩm nổi lên do phong trào như vậy.
Cố giang tình (X2X) chưa hot đúng nghĩa
Việc những nghệ sĩ trẻ nổi lên với các ca khúc mang tên đậm mùi "kiếm hiệp" đã không còn quá xa lạ, bởi đây dường như là sản phẩm được nhắm đến một tầng lớp khán giả xác định trước.
Xu hướng âm nhạc lẫn MV mang hơi hướng "phim giang hồ" chắc chắn có sức hút đối với những khán giả "vị thành niên" khu vực miền Tây, còn để nhận được sự quan tâm từ phần lớn người dùng mạng xã hội thì xin thưa là... chưa.
Không phủ nhận việc 1 ca khúc hot cần yếu tố trending Youtube - Điều mà sản phẩm này đã làm được. Nhưng để thấy ca khúc vang lên khắp ngõ ngách, từ nơi này đến nơi khác truyền tai nghe thì có vẻ bài hát vẫn chưa làm được điều đó. Lý giải bởi ảnh hưởng phần nào của thời điểm tháng 4 cách ly đầy căng thẳng và ta nên hy vọng ở một thời điểm phát hành khả quan hơn để sản phẩm có thể hot đúng nghĩa?
Tình ca em đến (K-ICM ft Quang Đông) dậm chân tại chỗ
Là một sản phẩm có sự khởi sắc của K-ICM và Quang Đông sau chuỗi sản phẩm đi xuống thấy rõ, thế nhưng bài hát cũng không trụ được lâu về độ lan tỏa. Từng được kỳ vọng sẽ là sản phẩm "phục hồi" thành tích âm nhạc cho K-ICM, tuy nhiên ca khúc này vẫn chưa làm được.
Ngoài sự quan tâm từ chính bộ phận người hâm mộ, Tình ca em đến không phải là cái tên được bàn tán nhiều. Thế nên cũng không quá khó hiểu khi ca khúc không được phổ biến rộng rãi mặc dù trước đó, "chủ xị" đã liên tục nhá hàng với những hình ảnh lung linh.
Một lý do nữa khiến cho sản phẩm từ K-ICM và Quang Đông dậm chân tại chỗ chính là phong cách âm nhạc thiếu đột phá. So sánh với Đừng chờ, Cần một lý do,... đây tiếp tục là một ca khúc nhạt nhòa về giai điệu lẫn MV. Thế nên người hâm mộ K-ICM và Quang Đông cũng không cần quá thắc mắc việc đã ra sức cày ngày cày đêm nhưng sản phẩm vẫn cứ như "đá chờ chồng".
Sau này hãy gặp lại nhau khi hoa nở (Nguyên Hà) hấp dẫn một cách an toàn
Đây có thể được xem là dự án được lòng khán giả trong khoảng thời gian gần đây từ Nguyên Hà. Thời điểm MV Sau này hãy gặp lại nhau kh hoa nở cũng chính là lúc lệnh cách ly xã hội được thực thi. Vô tình sản phẩm của Nguyên Hà đã "gây sốt" nhưng lại theo một chiều hướng không biết nên vui hay buồn.
Cụ thể, Sau này hãy gặp lại nhau khi hoa nở đã được cộng đồng mạng biến tấu thành Sau này hãy gặp lại nhau khi hết dịch để... hợp tình hợp cảnh. Thế còn về âm nhạc của ca khúc thì sao? Hoàn toàn bị khán giả lơ là sau đó, dù đây thật sự là một sản phẩm chất lượng từ Nguyên Hà. Nhiều người gọi vui đây là một... sự hấp dẫn quá an toàn như chính chủ vậy!
Thậm chí câu chuyện đầy ám ảnh trong MV do 2 nhân vật "Ngạn" và "Hồng" (Mắt biếc) thủ vai cũng không đủ sức khiến ca khúc bùng nổ. Lượng view nhanh chóng dậm chân dù có khởi đầu khá ổn áp, kéo theo đó ca khúc cũng dần dần mất hút khỏi các BXH âm nhạc.
Kỳ vọng nhiều hơn ở Vì em quá cô đơn (Lou Hoàng)
Từng là cái tên "hung thần" khi mỗi lần ra mắt sản phẩm mới là auto leo top trending và được khán giả quan tâm sát sao. Thế nhưng màn tái xuất của Lou Hoàng gần đây lại khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: " Comeback khi nào vậy?".
Vì em quá cô đơn vẫn là sản phẩm đậm đà cá tính âm nhạc của Lou Hoàng, cùng với xu hướng MV "hầm hố" quen thuộc. Thế nhưng phải chăng đây chính là điều khiến khán giả cảm thấy nhàm chán vì sự thiếu đột phá từ Lou Hoàng?
Lượng view èo uột sau gần 2 tuần ra mắt khiến khán giả hoang mang về một cái tên Lou Hoàng từng "đánh đâu thắng đó". Tuy nhiên cũng không thể trách Lou Hoàng bởi vì hiện tại, làng nhạc vẫn chưa thật sự ổn định trở lại vì dịch Covid-19. Thế nên sự quan tâm từ khán giả ít nhiều bị phân tán cho những thông tin về xã hội, an sinh nhiều hơn.
Let Me Go - Han Sara ft RTee
Từng khiến cộng đồng mạng bàn tán sôi nổi khi tung ra teaser Let Me Go, thế nhưng Han Sara không thể lường trước được số phận sản phẩm sau khi ra mắt. Mặc dù nhận được hiệu ứng tích cực từ khán giả về âm nhạc, thế nhưng Let Me Go từ Han Sara lại là một sản phẩm thất bại dù trước đó đã được công ty push mạnh mẽ.
Sau khi ra mắt, ca khúc cũng leo top trending các kiểu bằng bạn bằng bè, thế nhưng ít ngày sau đó bị hụt hơi và đành "bỏ của chạy lấy người". Dù đây không phải là một sản phẩm kém chất lượng, thế nhưng phần MV lan man của ca khúc cũng là một trong những nguyên nhân khiến người xem sớm rời bỏ.
Loạt dự án cổ động chống dịch Covid-19
Ngoài Ghen Cô Vy của Erik và Min tạo được tiếng vang lớn trên thế giới thì loạt sản phẩm mang thông điệp cổ động chống Covid-19 khác đều phải chịu cảnh bị bơ toàn tập. Điển hình có thể kể đến một số dự án như: Việt Nam sẽ chiến thắng (20 nghệ sĩ), Tomorrow (Vũ Cát Tường), Tiễn Covid (Lê Thiện Hiếu),... dù được đầu tư mạnh mẽ về mặt thông điệp tuyên truyền nhưng vẫn không được chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên, cũng không quá khó hiểu khi đây đều là những ca khúc khó lòng để người nghe replay liên tục dù thông điệp được truyền tải thật sự ý nghĩa.
Ghen Cô Vy - Min, Erik
Việt Nam sẽ chiến thắng - 20 nghệ sĩ
Tiễn Covid - Lê Thiện Hiếu
Tomorrow - Vũ Cát Tường
Tạm kết
Thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh đã dần được khắc phục, làng nhạc cũng đang đi vào giai đoạn phục hồi. Trước đó, nhiều cái tên đã bắt đầu manh nha trở lại như: Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh, Jack, Erik, Hoà Minzy, Đức Phúc,... Thế nên khán giả hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một cuộc đổ bộ đảm bảo chất lượng, bởi đây đều là những cái tên có sức hút không chỉ về âm nhạc mà cả sự ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Mong lắm thay thời điểm Vpop khởi sắc và dễ tìm một bài hot đúng nghĩa!
Nguyên Hà tung MV ngoại truyện Mắt biếc: Một cái kết đẹp cho Hồng và Ngạn! Đây tiếp tục là một MV đậm chất điện ảnh từ nữ ca sĩ Nguyên Hà. MV Sau này hãy gặp lại nhau khi hoa nở - Nguyên Hà Tối ngày 26/3, nữ ca sĩ Nguyên Hà chính thức cho ra mắt MV Sau này hãy gặp lại nhau khi hoa nở, đây được xem là câu chuyện tiếp theo cho cái kết...