4 điều cần tránh để nói tiếng Anh thành thạo trong thời gian ngắn
Theo Ngọc Quỳnh, 8.5 IELTS Speaking, nếu quá cầu toàn, chỉ chú trọng các từ vựng và cấu trúc phức tạp, người học rất khó nói tiếng Anh trôi chảy nhanh chóng.
Một trong những câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất trong quá trình dạy và hướng dẫn học tiếng Anh là “Làm thế nào để nói tiếng Anh tự tin và trôi chảy?”. Nhiều người học tiếng Anh nhiều năm, có vốn từ vựng và ngữ pháp không tệ nhưng vẫn rất thiếu tự tin khi giao tiếp. Bài viết này sẽ chỉ ra những điều bạn cần tránh để nói tiếng Anh hiệu quả hơn trong thời gian ngắn.
Quá cầu toàn
Nguyên nhân khiến bạn “luyện nói mãi không được” có thể do quá cầu toàn. Bạn kỳ vọng phải học hết các quy tắc ngữ pháp, phát âm để khi nói không sai một lỗi nào, nói như người bản ngữ; hoặc học thật nhiều từ vựng để nói tự tin về bất cứ vấn đề gì. Và như vậy, bạn mất rất nhiều năm “học” tiếng Anh nhưng lại không thực sự “dùng”. Thay vì chỉ tập trung ở “đầu vào”, mong có được “đầu ra” hoàn hảo, bạn cần tích lũy từ vựng, cải thiện ngữ pháp và phát âm song song với thực hành nói (cũng như nghe, đọc, viết).
Khi thực hành nói tiếng Anh, dù với người bản ngữ hay người Việt, đừng sợ bị đánh giá lỗi sai bởi không ai đòi hỏi bạn phải nói tiếng Anh hoàn hảo. Điều cốt yếu chính là sự tự tin, thành thạo (fluency) và khả năng truyền tải được ý, để người nghe cảm thấy thoải mái khi giao tiếp với mình.
Kinh nghiệm của tôi khi mới luyện nói tiếng Anh chính là “fake it till you make it” ( hãy cứ giả vờ như thế đi cho tới khi bạn làm được ). Khi tham gia các câu lạc bộ nói tiếng Anh, tôi thường hăng hái nói, thể hiện sự tự tin và không ngần ngại mắc lỗi. Mục tiêu của tôi khi đó không phải nói để “show off” ( thể hiện ) mà chỉ để cho bản thân một cơ hội thực hành. Việc luyện nói thường xuyên và không ngại ngùng chính là chìa khoá để tôi dần hoàn thiện khả năng. Nếu bạn luôn ngại ngùng và chờ đợi tới khi nói tiếng Anh thật hay mới tự tin giao tiếp, thì thực sự sẽ rất khó và rất lâu.
Chỉ chú trọng phương pháp, không luyện nói hàng ngày
Nhiều bạn hỏi tôi “Phương pháp nào tốt nhất để thực hành luyện nói?”. Có thể họ nghĩ tồn tại một phương pháp luyện nói hoàn hảo nào đó và sợ bản thân đang thực hành không đúng cách. Câu trả lời của tôi là: Không có một phương pháp nào tốt nhất cho tất cả mọi người, điều quan trọng là luyện nói mỗi ngày.
“Shadowing” (nói nhại theo), tự nói một mình và giao tiếp thường xuyên bằng tiếng Anh với ai đó là ba cách giúp tôi nói tiếng Anh thành thạo nhanh nhất. Nguồn tài liệu tiếng Anh trên Internet rất phong phú, do đó, bạn hoàn toàn có thể tìm những video hay audio nói tiếng Anh với nội dung thú vị, khiến bạn muốn nghe đi nghe lại thật nhiều và thực hành “shadowing”. Bạn cũng nên chọn các tài liệu tiếng Anh phù hợp với trình độ của mình để tránh cảm thấy việc nói nhại theo quá khó.
Thực hành nói một mình cũng là cách giúp bạn luyện sự thành thạo và tự tin rất tốt. Hãy chuẩn bị danh sách câu hỏi theo các chủ đề thông dụng (health, family, study, travelling…) và tập nói thật nhiều.
Cuối cùng, giao tiếp cần có ít nhất hai người, vì vậy, bạn cũng đừng quên tìm một đối tác thực hành nói một cách thường xuyên. Tham gia câu lạc bộ hoặc lớp học tiếng Anh là cách đơn giản để bạn tìm được một ai đó.
Hoàng Ngọc Quỳnh, 8.5 IELTS Speaking, hiện sống và học tập tại Vương quốc Anh. Trước khi du học thạc sĩ và giành học bổng tiến sĩ toàn phần tại Đại học Lancaster, Quỳnh đã tự học và đạt 8.5 IELTS Speaking khi còn là sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhờ thành thạo tiếng Anh và xây dựng được nhiều phương pháp học, chị viết nhiều sách và thành lập trung tâm học tiếng Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Quá tập trung vào các từ vựng, cấu trúc phức tạp
Để nói tiếng Anh tự tin, bạn không cần phải có vốn từ vựng nâng cao hay biết những cấu trúc quá phức tạp. Thay vào đó, hãy bắt đầu với các “basic speaking structures” (cấu trúc luyện nói cơ bản).
Mỗi khi học được một cấu trúc mới, hãy kết hợp với “common English phrases” (các cụm từ tiếng Anh thông dụng) để đặt câu và luyện nói trơn tru. Điều này giúp bạn nhớ sâu được cả cấu trúc cũng như luyện tập được từ vựng đã học.
Chẳng hạn, với cấu trúc “I’m gonna do something” (Tôi định làm gì), bạn nên kết hợp với các cụm từ thông dụng như: “I’m gonna go to work” (Tôi sắp đi làm), “I’m gonna go to the movies tonight” (Tôi định đi xem phim tối nay), “I’m gonna do laundry” (Tôi định giặt đồ)…
Tương tự, khi học cấu trúc “I’m sorry for doing something”, bạn có thể học thêm các câu như: “I’m sorry for disturbing you” (Tôi xin lỗi đã làm phiền bạn), “I’m sorry for coming late” (Tôi xin lỗi vì tới trễ), “I’m sorry for not coming to your party” (Tôi xin lỗi đã không tới bữa tiệc của bạn)…
Hãy nói to những câu ví dụ đó thật nhiều lần, một cách tự tin và rõ ràng. Khi tiếp tục thực hành như vậy, qua thời gian, bạn sẽ cảm thấy việc nói tiếng Anh một cách trơn tru không hề khó khăn.
Video đang HOT
Mải luyện nói mà quên nghe tiếng Anh hàng ngày
Để nói tiếng Anh trôi chảy, việc không thể thiếu chính là nghe tiếng Anh hàng ngày. Hãy “tắm mình” trong tiếng Anh nhiều nhất có thể để từ vựng, phát âm và các cấu trúc “ngấm dần” vào não bộ.
Ngoài ra, việc cải thiện phát âm cũng là cách khiến bạn nói tiếng Anh tự tin hơn (tuy nhiên, như tôi đã nói bên trên, bạn đừng nên quá cầu toàn). Bạn nên bắt đầu học IPA (bảng mẫu tự ngữ âm quốc tế) để biết cách phát âm những từ tiếng Anh mới học, tránh nói sai từ đầu, sau này rất khó sửa.
Khi tra từ điển, ngoài xem nghĩa và phiên âm, bạn cũng nên nghe cả audio để nói theo cách phát âm chuẩn, đồng thời chú ý tới cả trọng âm của từ vì nói sai trọng âm không tự nhiên và đôi khi khó hiểu.
Khả năng nói tiếng Anh của bạn sẽ dần được cải thiện khi bạn kiên trì hơn một chút và thực hành mỗi ngày. Vì vậy, bạn đừng quá lo lắng nếu chưa nói tiếng Anh thành thạo ngay, bởi “practice makes perfect!” (Có công mài sắt có ngày nên kim).
10 cụm từ người học tiếng Anh luôn cần
Theo Hoàng Ngọc Quỳnh, 8.5 IELTS, "let me think about it", "under the weather" là những mẫu câu hữu dụng, cần thiết với mọi người học tiếng Anh.
Việc ghi nhớ, thực hành thành thạo những cụm từ tiếng Anh mà người bản ngữ hay dùng chính là chìa khóa giúp bạn giao tiếp tiếng Anh dễ dàng và tự tin hơn. Dưới đây là 10 cụm từ tiếng Anh bạn không nên bỏ qua:
1. Tell me about it!
"Tell me about it!" mang nghĩa đen là "hãy kể cho tôi thêm về nó", tuy nhiên thường được người bản ngữ dùng với nghĩa bóng để bày tỏ rằng mình cũng có đã có một trải nghiệm không mấy vui vẻ (khó chịu) như ai đó vừa nói tới.
"A: Being a single mom is a very hard job". ( Làm một bà mẹ đơn thật thật khó ).
"B: Tell me about it!". ( Tôi hiểu mà - tôi đã trải qua rồi ).
"A: He's always complaining about his boss". ( Anh ta lúc nào cũng than phiền về sếp của anh ta ).
"B: Tell me about it!". ( Tôi rất hiểu ý anh ).
2. Under the weather
Việc hỏi han hoặc bàn tán về thời tiết dần trở thành thói quen của những người sống tại Anh vì thời tiết tại đây rất "unpredictable" (không thể đoán trước). Tuy nhiên, nếu bạn nghe thấy ai nói "I'm a bit under the weather today" thì đừng nghĩ họ muốn mượn ô. Ý của họ là "I'm a bit ill today" (tôi không được khỏe lắm/tôi hơi ốm hôm nay).
"A: I don't think I can come to the office today. I'm a bit under the weather". ( Tôi nghĩ là mình không thể tới văn phòng hôm nay được. Tôi hơi không khỏe ).
"B: Aw... I hope you feel better soon". ( Mong bạn sớm khoẻ nhé ).
3. Don't worry
Bạn sẽ nói "don't worry" hoặc "don't worry about it" khi muốn an ủi hay muốn giúp người khác bớt căng thẳng lo lắng về một vấn đề gì đó.
"Don't worry about the exams, you'll be absolutely fine". ( Đừng lo về kỳ thi, bạn chắc chắn sẽ ổn thôi ).
"Don't worry if you can't come to the party. I know you're very busy these days". ( Đừng lo nếu bạn không thể tới dự bữa tiệc. Mình hiểu bạn đang rất bận mà ).
Ngoài ra, bạn cũng có thể nói "Don't worry" để bảo ai đó không cần làm gì vì bạn sẽ làm nó. Chẳng hạn:
"Don't worry about dinner. I'll make it when I get back". ( Đừng lo về bữa tối, tôi sẽ nấu ăn khi tôi trở về ).
"Don't worry. I'll do the laundry tonight". ( Đừng lo nhé. Tối nay tôi sẽ giặt đồ ).
4. Let me check
Cụm từ này ý nói bạn chưa chắc chắn về câu trả lời của mình, cần kiểm trả lại hoặc tìm hiểu thêm thông tin về một vấn đề gì đó.
"I'm not sure about that. Let me check with my supervisors". ( Tôi không rõ về vấn đề đó. Để tôi hỏi lại thầy hướng dẫn của mình nhé ).
"I don't remember all the details. Let me check with my colleagues". ( Tôi không nhớ hết chi tiết. Để tôi kiểm tra lại với đồng nghiệp đã ).
5. I couldn't agree more
Bạn sẽ sử dụng mẫu câu này khi muốn nhấn mạnh mình hoàn toàn đồng ý về vấn đề gì (I completely share your opinion/I agree 100%).
"A: A lot of kids are addicted to smartphones these days. I think it's a serious problem". ( Ngày nay nhiều đứa trẻ bị nghiện điện thoại. Mình nghĩ đó là một vấn đề nghiêm trọng ).
"B: I couldn't agree more". ( Mình hoàn toàn đồng ý ).
Chị Hoàng Ngọc Quỳnh, hiện sống và làm việc tại Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
6. Let me think about it
Khi bạn còn do dự về một vấn đề và cần thêm thời gian để suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời hoặc quyết định, hãy nói "let me think about it".
"A: Do you want to go to the movies tonight? ( Cậu muốn đi xem phim tối nay không? )
"B: Let me think about it". ( Để mình suy nghĩ thêm nhé ).
"Son: Mum, can I have a sleepover at Rachel's house this Sunday?" ( Mẹ ơi, con có thể ngủ ở nhà Rachel chủ nhật này được không? ).
"Mum: Let me think about it". ( Để mẹ nghĩ thêm nhé ).
7. Sorry to bother you
Cụm từ này thường được sử dụng khi bạn cảm thấy đang làm phiền hoặc làm mất thời gian của ai đó. Đây là cách nói lịch sự mà bạn cần nhớ, đặc biệt nếu muốn nhờ vả ai đó làm gì.
"Sorry to bother you, but would you mind telling me where the kitchen is?". ( Xin lỗi đã làm phiền nhưng bạn nói cho tôi biết nhà bếp ở đâu được không? ).
"Sorry to bother you, but please could you move your bag?". ( Xin lỗi đã làm phiền bạn, nhưng bạn có thể dịch cái túi một chút được không? ).
"A: Do you know where the nearest train station is?". ( Bạn có biết nhà ga tàu nào gần đây nhất không? ).
"B: Oh sorry, I'm not from around here". ( Ồ xin lỗi, tôi không phải người ở đây ).
"A: That's alright. Sorry to bother you". ( Không sao đâu. Xin lỗi đã làm phiền bạn ).
8. Give me a hand
Khi muốn nhờ ai đó giúp đỡ, bạn có thể dùng cụm từ "give me a hand" (nghĩa là "help me"). Ngoài ra, bạn cũng có thể nói "Can you help me out" hoặc "Can I get your help on this".
"Can you give me a hand cleaning the house?" ( Anh giúp em lau nhà được không? ).
"Can you give me a hand carrying these bags?". ( Cậu giúp mình mang những cái túi này được không? ).
9. I have no idea
Cụm này có nghĩa là "tôi không biết" (I don't know), được dùng để nhấn mạnh bạn hoàn toàn không rõ hoặc không hiểu vấn đề gì.
"A: Is Lee joining us today?". ( Hôm nay Lee có tham gia cùng chúng ta không? ).
"B: I have no idea. Ask Michelle, I think she'll know". ( Tôi không biết. Cậu hỏi Michelle đi, tôi nghĩ là cô ấy biết đó ).
10. I reallly appreciate it
"I really appreciate it" là cách nói lịch sự khi bạn muốn thể hiện sự cảm kích hoặc biết ơn vì một điều gì đó.
"Thanks so much for keeping an eye on the kids. I really appreciate it". ( Cảm ơn rất nhiều vì đã để ý tới lũ trẻ. Mình rất cảm kích ).
"Thank you for helping me with the presentation today. I really appreciate it". ( Cảm ơn bạn vì đã giúp mình với bài thuyết trình hôm nay. Mình rất cảm kích ).
Lộ trình học tiếng Anh cho người mới bắt đầu Theo Ngọc Quỳnh, nghiên cứu sinh Đại học Lancaster, Anh, từ vựng là điểm xuất phát khi học tiếng Anh nên bạn cần nhớ cách dùng những từ, cụm từ cơ bản. Tự học IELTS khi còn là sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, chị Hoàng Ngọc Quỳnh, 31 tuổi, nắm bắt cơ hội du học thạc sĩ trường Nottingham Business,...