3 thầy cô cùng dạy 1 môn như 3 môn là “băm bổ” chương trình Khoa học tự nhiên
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần chỉ đạo cùng với sự chuẩn bị từ trước nhưng các trường hiện vẫn đang gặp nhiều lúng túng trong việc triển khai môn học tích hợp.
Năm học 2021-2022, ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho bậc trung học cơ sở. Theo đó, tại cấp học này có thêm 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Tuy nhiên nhiều thầy cô giáo phản ánh trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, việc triển khai các môn học tích hợp này đang khiến các nhà trường, giáo viên lúng túng khi bố trí nhân sự, sắp xếp thời khóa biểu, thi – kiểm tra, nhận xét đánh giá, ghi học bạ…với 2-3 thầy cô cùng dạy 1 môn.
Ảnh minh họa (Ảnh vov.vn)
Để đi tìm câu trả lời vì sao lại có sự lúng túng, bất cập trong triển khai các môn học tích hợp trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới đã ban hành từ năm 2018, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Cao Khang – giảng viên khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phát triển năng lực thay vì “nhồi” kiến thức
Phó giáo sư Nguyễn Cao Khang cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay hướng đến mục tiêu đào tạo ra những học sinh có năng lực giải quyết các vấn đề.
Từ xưa đến nay chúng ta đào tạo và quan tâm nhiều đến kiến thức, ‘nhồi’ cho học sinh nhiều kiến thức. Kiến thức rất hay, rất bổ ích, tuy nhiên, kiến thức không được xem là mục tiêu đầu ra của giáo dục. Đầu ra của giáo dục phải là năng lực, là khả năng giải quyết được vấn đề của một học sinh, kiến thức chỉ là một trong những thành tố tạo ra năng lực thôi.
Điều này như việc chúng ta nuôi một đứa trẻ bằng thức ăn nhưng mục tiêu cuối cùng là muốn chúng trưởng thành khỏe mạnh. Kiến thức đầu vào và đầu ra là năng lực giải quyết các vấn đề cũng tương tự như vậy. Đó là mục tiêu, định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông mới và sự xuất hiện của các môn tích hợp cũng vì thế”.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Cao Khang, trong môn Khoa học tự nhiên của Chương trình giáo dục phổ thông mới, kiến thức là tổng hợp của 3 môn học Vật lý, Hóa học và Sinh học. Thế nhưng nó không phải kiến thức được cộng lại một cách cơ học mà có logic khoa học. Cụ thể là sẽ có mảng kiến thức về Hóa học, có những mảng kiến thức về môn Sinh học, có những mảng cần kiến thức Vật lý chứ không phân ra kiến thức rõ rệt từng môn mà tổng chung đứng dưới góc nhìn khoa học tự nhiên. Hiện nay giáo dục quốc tế cũng đang thay đổi theo chiều hướng như vậy.
Triển khai lúng túng do lỗ hổng trong quá trình tập huấn?
Thầy Nguyễn Cao Khang cho hay, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên là phải dạy được kiến thức toàn bộ môn này. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang có giáo viên phụ trách từng mảng kiến thức riêng, tức là những môn Vật lý, Hóa học và Sinh học của chương trình trước đó.
Vì vậy, để triển khai chương trình lớp 6 mới, đã có giáo viên về Trường Đại học Sư phạm bổ sung các kiến thức còn thiếu từ nhiều tháng trước. Ví dụ như giáo viên môn Vật lý sẽ bổ sung thêm kiến thức các môn Sinh học và Hóa học, tương tự với giáo viên 2 môn còn lại.
Video đang HOT
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có những hướng dẫn, gửi chương trình theo kế hoạch trước đó và các địa phương cũng được cấp kinh phí triển khai chương trình này.
Mặc dù đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức về Chương trình giáo dục phổ thông mới trong toàn xã hội, thế nhưng, với nội dung kiến thức và cách triển khai các môn học tích hợp đang nhận nhiều phản ứng trái chiều từ các cơ sở giáo dục, giáo viên hiện nay. Phải chăng việc xây dựng các môn học mới này còn nhiều khuyết điểm khi đưa vào thực tế giảng dạy?
“Nội dung môn Khoa học tự nhiên được sắp xếp logic, bố trí theo từng mảng kiến thức của một môn học xuyên suốt, tổng thể chứ không phân rành rọt 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Tuy nhiên, hiện nay tại một số trường rắc rối trong việc phân công giáo viên dạy môn học này bởi giao cho 3 giáo viên 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học dạy song song và phân chia số tiết học theo 3 môn như trước. Theo cách làm đó là băm bổ chương trình này ra mà không đi theo một thể thống nhất, logic của môn Khoa học tự nhiên”, thầy Khang chia sẻ.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Cao Khang, để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với sự xuất hiện của các môn học mới như Khoa học tự nhiên, các địa phương có 1 năm để chuẩn bị, tập huấn và chương trình cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi về các cơ sở rất sớm. Đó được xem là sự chuẩn bị có kế hoạch và nằm trong lộ trình.
“Thế nhưng, trong thực tế triển khai, có một điều rất dở là người tham gia giảng dạy các khóa tập huấn chưa có độ hiểu biết sâu rõ về các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mỗi người tập huấn truyền đạt lại cách triển khai môn học cho các giáo viên tại địa phương mỗi nơi một kiểu, chưa có sự thống nhất. Điều này nhận được sự phản hồi lại từ các giáo viên khi họ so sánh giữa những người truyền đạt nội dung tập huấn.
Thời gian chuẩn bị và tập huấn triển khai cho chương trình mới là 1 năm, thế nhưng thời lượng đào tạo những người tham gia tập huấn lại cho các giáo viên không nhiều. Đó là một trong những lý do khiến các cơ sở giáo dục, nhiều giáo viên tại các địa phương còn lúng túng, rối rắm trong việc triển khai các môn học tích hợp”, thầy Khang cho hay.
Phó Giáo sư Nguyễn Cao Khang nhận định, Chương trình giáo dục phổ thông mới là một chương trình tuyệt vời khi chúng ta đang đi theo con đường thay đổi nhận thức giáo dục từ chú trọng kiến thức sang hướng phát triển năng lực học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì cần có sự hướng dẫn cụ thể, chuẩn chỉnh, đồng bộ từ các cơ quan quản lý đến cơ sở, có như vậy chúng ta mới để đạt được kết quả tốt nhất cho sự đổi mới, sáng tạo và hoàn thành đúng các mục tiêu đề ra.
Thưa Thứ trưởng, 3 thầy cô dạy 1 môn ai kiểm tra, đánh giá, vào điểm, ký học bạ?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần chỉ đạo về dạy học tích hợp nhưng các nhà trường trung học cơ sở vẫn chưa thể "xoay sở" sao cho hợp lí.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng, để dạy tốt được môn học tích hợp Khoa học tự nhiên thì cần nhận thức đầy đủ về môn học và chỉ đạo thống nhất từ Bộ Giáo dục đến giáo viên.
Thế nhưng, những chỉ đạo của Bộ Giáo dục về dạy học các môn tích hợp nói chung và môn Khoa học tự nhiên cũng chỉ mang tính gợi ý, tham khảo, còn thực tế các nhà trường đang loay hoay chưa biết phải "tích" thế nào cho "hợp".
Bộ Giáo dục hỏi dạy môn Khoa học tự nhiên thế nào, các trường có dám nói thẳng?
Ngày 5/10/2021, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã có cuộc trao đổi trực tuyến với một số Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục cấp trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội về việc dạy học môn Khoa học tự nhiên lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hình ảnh cuộc trao đổi trực tuyến giữa Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ với một số đơn vị giáo dục trên địa bàn Hà Nội về việc dạy học môn Khoa học tự nhiên lớp 6 ngày 5/10. Ảnh: moet.gov.vn.
Tại buổi trao đổi này, các cơ sở giáo dục đã chia sẻ một số cách làm sáng tạo trong thực hiện dạy môn Khoa học tự nhiên, đặc biệt là việc bố trí giáo viên, sắp xếp thời khoá biểu sao cho hợp lý, hiệu quả.
Theo dõi sự hiến kế của một số hiệu trưởng ở Hà Nội về việc triển khai dạy môn Khoa học tự nhiên trên địa bàn thành thành phố, cá nhân tôi cảm thấy băn khoăn về cách thức thực hiện và xin có đôi điều cùng chia sẻ.
Thứ nhất, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự (quận Long Biên) cho biết, nhà trường "chạy" tuần tự chương trình theo sách giáo khoa để học sinh tiếp thu được tốt nhất và có thời điểm giáo viên môn Khoa học tự nhiên bị tăng số tiết dạy.
Cá nhân tôi cho rằng, giáo viên môn Khoa học tự nhiên bị tăng số tiết dạy, chắc chắn thầy và trò sẽ thêm áp lực, là đi ngược lại chủ trương giảm tải kiến thức của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hơn nữa, giáo viên dạy tăng tiết thì phải trả tiền dư giờ, tốn thêm ngân sách kéo theo phúc lợi của người lao động bị giảm sút.
Vậy nên, nếu hiệu trưởng cho rằng, việc sắp xếp thời khóa biểu môn Khoa học tự nhiên tuần tự theo chương trình sách giáo khoa thì giáo viên sẽ gặp rất thuận lợi e có phần khiên cưỡng.
Hơn nữa, Bộ Giáo dục hỏi các trường dạy môn Khoa học tự nhiên thế nào, tôi nghĩ cũng ít lãnh đạo dám nói thẳng về những khó khăn vì tế nhị.
Thứ hai, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự chia sẻ thêm, với phần nội dung giới thiệu về bộ môn Khoa học tự nhiên, nhà trường tổ chức dạy từ tuần 1 đến tuần 4 với 4 tiết/tuần; 2 tiết do giáo viên Vật lí thực hiện, 2 tiết do giáo viên Sinh học học thực hiện.
Từ tuần 5 đến tuần 10 dạy chương "Chất và sự biến đổi của Chất", liên quan nhiều hơn đến kiến thức Hoá học, trường bố trí giáo viên chuyên môn Hóa học đảm nhận, thời lượng 4 tiết/tuần. Tuần 11 đến tuần 18 dạy chương "Vật sống" thiên về kiến thức Sinh học, trường bố trí giáo viên chuyên môn Sinh học đảm nhiệm, thời lượng 4 tiết/ tuần. Tương tự như vậy với các phần nội dung còn lại ở các tuần tiếp theo.
Như thế, nhà trường phải thay đổi thời khóa biểu ít nhất 3 lần/học kì, 6 lần/năm. Trong khi đó, việc sắp thời khóa biểu phải dựa vào 3 yếu tố cơ bản: cơ sở vật chất nhà trường, thời gian học của học sinh và thời gian giảng dạy của giáo viên.
Dư luận từng phản ánh về tình trạng học sinh bị quá tải về học hành, cặp sách quá nặng... một phần cũng do các trường sắp xếp thời khóa biểu bất hợp lí. Chẳng hạn, có buổi tập trung toàn các môn khoa học xã hội, học sinh phải ghi nhớ quá kiến thức.
Bên cạnh đó, việc thay đổi thời khóa biểu liên tục cũng sẽ ảnh hưởng đến công việc của giáo viên. Theo tôi được biết, nhiều giáo viên phải giảng dạy 2 trường thì mới đủ chi phí trang trải cho cuộc sống. Việc nhà trường thay đổi thời khóa biểu nhiều lần trong học kì, giáo viên làm sao có thể sắp xếp thời gian thỉnh giảng ở trường thứ hai.
Dạy học các môn tích hợp không chỉ khó khăn về thời khóa biểu
Đại diện Bộ Giáo dục cho biết, bài toán đặt ra với môn tích hợp (Khoa học tự nhiên) là sắp xếp thời khoá biểu, tôi cho rằng đây là cách nhìn phiến diện. Trên diễn đàn Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo viên đã chỉ ra rất nhiều bất cập khi triển khai dạy học tích hợp.
Có thể liệt kê một số bài viết đáng chú ý như: "Dạy môn học tích hợp, coi chừng sẽ thành thầy bói xem voi" (16/2/2021). Bài viết đã thẳng thắn chỉ ra 2 điều, môn học tích hợp - hiểu không đúng bản chất của khái niệm tích hợp và đi ngược với xu thế chuyên môn hóa, giáo viên không đủ năng lực để dạy.
Hay bài viết: "Tình hình này tôi e việc tích hợp 2-3 môn vào 1 sách sẽ vỡ trận" (ngày 4/7/2021) cho biết, giáo viên cốt cán cũng không biết phải "tích" thế nào cho "hợp", khó tránh khỏi đào tạo giáo viên kiểu cưỡi ngựa xem hoa.
Hoặc bài viết: "3 thầy dạy 1 môn nhưng chẳng biết ai sẽ chịu trách nhiệm đánh giá chính" (ngày 10/10) đặt vấn đề, giáo viên nào sẽ vào điểm sổ cá nhân, học bạ và chịu trách nhiệm chính trong đánh giá học sinh cho môn tích hợp là câu hỏi chưa có lời giải.
Vậy nên, việc Bộ Giáo dục chỉ mới tìm hiểu hình thức triển khai dạy học tích hợp qua một số trường ở Thành phố Hà Nội để rồi kết luận, "đây là minh chứng khẳng định hoàn toàn có thể dạy học tốt môn Khoa học tự nhiên, quan trọng là sự quyết tâm của các cán bộ quản lý, giáo viên để tìm ra cách làm hay, phù hợp với điều kiện dạy học của nhà trường", theo tôi là vội vàng, chưa thỏa đáng.
Trước đó, ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 và hướng dẫn thực hiện 2 môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí đối với lớp 6 cho năm học này.
Tuy vậy, những hướng dẫn của Bộ Giáo dục cũng rất chung chung, kiểu như: "Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên". "Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học".
Cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục đã 2 lần chỉ đạo về dạy học tích hợp nhưng các nhà trường trung học cơ sở vẫn chưa thể "xoay sở" sao cho hợp lí. Rất mong Bộ Giáo dục "sẽ tiếp tục có sự trao đổi, chỉ đạo để các Sở/Phòng hiểu đúng, tạo thuận lợi để nhà trường thực hiện hiệu quả" như lời Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với các cơ sở giáo dục ngày 5/10/2021.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thu-truong-do-bai-toan-dat-ra-voi-mon-tich-hop-la-sap-xep-thoi-khoa-bieu-post221536.gd?
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/day-mon-hoc-tich-hop-coi-chung-se-thanh-thay-boi-xem-voi-post215631.gd
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tinh-hinh-nay-toi-e-viec-tich-hop-2-3-mon-vao-1-sach-se-vo-tran-post219090.gd
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/3-thay-day-1-mon-nhung-chang-biet-ai-se-chiu-trach-nhiem-danh-gia-chinh-post221406.gd
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/qua-bong-tich-hop-2-3-mon-vao-1-sach-cac-truong-se-do-the-nao-post219101.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả .
Chương trình phổ thông mới ở lớp 6: Các trường đang 'tích' sao cho 'hợp' Năm học này lần đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 6, trong đó có những môn học tích hợp buộc phải bố trí 2-3 giáo viên dạy 1 môn. Các trường đang "xoay sở" để "tích" sao cho "hợp". Ngày 5.10, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã có buổi kiểm tra trực tuyến...