3 món ngon được lòng người Việt khi đến Campuchia
Hủ tiếu, Nom banh chok và Bai sach chrouk là những món ăn đặc sản mang đậm nét văn hóa ẩm thực xứ Chùa Tháp được lòng khách du lịch Việt.
Đến thăm Vương quốc Campuchia, ngoài những đền thờ nổi tiếng bạn hãy dành chút thời gian thử qua những món ăn địa phương để có thể hiểu hơn về văn hóa ẩm thực nước bạn.
1. Hủ tiếu Nam Vang
Hủ tiếu Nam Vang (Nam Vang là cách người Việt gọi thủ đô Phnom Penh) có nguồn gốc từ Campuchia nhưng lại do người Tiều, một tộc người di cư từ Trung Quốc sang nấu. Món này ở Nam Vang thì chỉ có thịt heo nạc và thịt bằm, rau ăn kèm chỉ gồm xà lách với giá. Nhưng khi “du lịch” sang các nước bạn, ví dụ Việt Nam thì được biến tấu phong phú thấy rõ. Tùy ý thích, có nơi cho thêm vào tô hủ tíu con tôm, miếng gan heo, phèo heo, có nơi cho thêm trứng cút, hẹ, rau cần…
Một bát hủ tiếu ngon đúng điệu phải có vị ngọt đậm mà thanh, màu phải hơi ánh vàng mà trong vắt. Ảnh:2vietnam
Trong bát hủ tiếu Nam Vang thì nước dùng là quan trọng và chuẩn bị công phu nhất. Muốn nồi nước dùng trong vắt và có vị ngọt thanh, người bán phải mua xương ống về hầm chung với mực khô, tôm khô, khi hầm để lửa nhỏ và phải vớt bọt liên tục. Hủ tiếu Nam Vang ngon phải nấu bằng cọng hủ tíu nhỏ, mỏng, nhưng dai và hơi trong.
2. Nom banh chok
Là “món ăn quốc gia” của người dân xứ Chùa Tháp, Nom banh chok nghĩa là bún gánh cà ri cá, được xem như một thú vui ẩm thực đường phố phổ biến nhất ở đây. Món ăn khiến du khách ấn tượng bởi khi ăn cảm nhận được sự khác biệt của thứ bún Campuchia rất đặc trưng, hơi bở một chút và nồi nước dùng sóng sánh vàng thơm mùi cà ri cá.
Chỉ với 2000 riel (tương đương 10.000 đồng) bạn đã có ngay một tô Nom banh chok chỉ sau 2 phút để thưởng thức. Ảnh: Như Bình
Nước dùng Nom banh chok mang đậm phong cách ẩm thực Campuchia khi sử dụng nguyên liệu chính là mắm cá truyền thống. Qua quá trình chế biến, ướp tẩm và khử mùi tanh của cá bằng những bí quyết riêng, nước sốt mang đến vị thanh đậm đà và hương thơm quyến rũ, đầy mời gọi.
Người dân xứ Chùa Tháp có thói quen ăn Nom banh chok ở bất cứ đâu, trong chợ, trên vỉa hè, lề đường… và thường không chừa lại nước dùng.
3. Bai sach chrouk
Video đang HOT
Bai sach chrouk chính là món cơm thịt lợn luôn có mặt ở các góc phố trên khắp Campuchia vào những buổi sáng sớm. Bai sach chrouk bao gồm cơm trắng ăn cùng thịt heo xắt lát mỏng, ướp đẫm nước cốt dừa hoặc tỏi và nướng trên than hồng. Bạn sẽ ấn tượng ngay từ mùi hương và bị chinh phục bởi vị ngọt thơm tự nhiên của thịt lợn quay. Kèm theo đó là bát nước canh nước luộc thịt gà có rắc hành phi, một chén nhỏ dưa chuột tươi và củ cải đỏ ngâm gừng.
Bạn sẽ tìm thấy trong món ăn này hương vị cơm tấm sườn nướng ở Việt Nam. Ảnh: Saoonline.vn
Bí quyết làm nên sức hấp dẫn cho món ăn chính là món thịt nướng. Thịt được nướng trong một khoảng thời gian vừa phải để chín tới mà không bị khô, tuy nhiên sẽ không có một công thức chế biến chung cho món ăn này, tuỳ theo sở thích của người dùng mà sẽ có nhiều biến thể khác nhau.
Lê Thương
Theo Ngôi Sao
Thưởng thức 4 loại hủ tiếu ở Sài Gòn
Hủ tiếu sư phụ, hủ tiếu sa tế, hủ tiếu bột lọc ... được liệt vào danh sách những món hiếm có khó tìm ở mảnh đất phương Nam.
1. Hủ tiếu sa tế
Hủ tiếu sa tế nai
Hủ tiếu sa tế tôm lạ miệng
Hủ tiếu sa tế là một trong những món ăn quen thuộc của cộng đồng người Tiều. Lạ là món ăn này gần như Sài Gòn mới có bán. Số lượng quán không nhiều (khoảng 10 quán), thường là ở các quận 5, quận 6 hay quận 11.
Nước lèo của hủ tiếu sa tế ngoài vị ngọt thanh của xương hầm còn là sự phối hợp khéo léo của hơn 20 loại gia vị khác nhau. Nhờ vậy, nó mang đủ vị chua, cay, béo, mặn, ngọt.
Hủ tiếu sa tế thường được nấu với thịt nai hay thịt bò, đôi khi là lòng heo. Song thường thấy và được đánh giá cao nhất là hủ tiếu sa tế nai - loại thịt có vị ngọt vượt trội.
Địa chỉ: Hủ tiếu Vân Ký, 144 Cao Văn Lầu, P. 2, Q. 6; 9 Dương Đình Nghệ, P. 8, Q. 11; 52 Ngô Đức Kế, P. Bến Nghé, Q. 1.
2. Hủ tíu dê
Hủ tiếu dê thường được dọn ra hai riêng
Cận cảnh bát hủ tiếu dê
Bạn có thể dùng xen kẽ hai tô hay cho hẳn thịt dê vào tô hủ tiếu để dùng chung
Nếu hủ tiếu sa tế được cho là bí ẩn nhất thì hủ tiếu dê là món khó tìm nhất. Chỗ bán món này đếm không đủ một bàn tay. Đó cũng là lý do, quán nào trụ lại với món này đều được thực khách đóng dấu "ngon".
Để có một tô hủ tiếu dê thơm, ngon và đậm vị, mùi khó chịu của thịt dê phải được xử lý ngay ở khâu chế biến với rượu, dấm... Sau khi xử lý, thịt được ướp với hàng loạt gia vị bí truyền vài giờ. Cuối cùng hầm thịt trên lửa lớn trong 10 tiếng. Thành phẩm là món nước dùng có màu cánh gián, nửa giống cà ri, nửa giống bò kho thoang thoảng mùi sa tế.
Không chỉ chế biến, khâu dọn cho người dùng cũng cầu kỳ không kém. Hủ tiếu phải chọn loại tươi, trụng với nước nóng, cho vào tô, chan lên ít nước dùng. Thịt dê phải để riêng. Nếu để chung, nhiệt độ của thịt dê thì sẽ khiến hủ tiếu sẽ bị bở và ngược lại.
Địa chỉ: 62D Xóm Đất, P. 8, Q. 11; 71 Nguyễn Kim, Q.10.
3. Hủ tiếu bột lọc
Hủ tiếu sườn Vĩnh Long tại Chân Đất
Nếu như bánh hủ tiếu thường làm bằng bột gạo thì hủ tiếu bột lọc được làm bằng bột lọc. Do đó cọng hủ tiếu không có dáng thanh mảnh thường thấy mà vuông vức, rất dễ gắp. Khi nấu chín, hủ tiếu có độ dai mềm riêng. Độ dai khiến thực khách dù ăn no vẫn thòm thèm.
Loại hủ tiếu này đòi hỏi cao kỹ thuật trụng/nấu của người bán, Cụ thể ngâm bao lâu trong nước lạnh để cọng hủ tiếu nở vừa đủ và trụng nước sôi như thế nào để nó không bị nát.
Hiện, Sài Gòn có hai quán kinh doanh hủ tiếu bột lọc. Một là hủ tiếu cật trên đường Trương Định. Một là hủ tiếu sườn Vĩnh Long trên đường Phạm Viết Chánh.
Địa chỉ: 11 Phạm Viết Chánh, Q. 1 và 62 Trương Định Q. 1.
4. Hủ tiếu phá lấu
Có hai loại hủ tiếu phá lấu của người Việt: phá lấu cộng hủ tiếu. Hai là hủ tiếu hồ.
Hủ tiếu phá lấu phong cách Việt có ba dòng. Loại thứ nhất là dùng nước lèo của phá lấu và nêm nếm theo cách của người bán. Loại hai, nước phá lấu có nấu chung với nước dừa. Cuối cùng là dùng nước lèo (như nước để nấu mì, hủ tíu) rồi cắt phá lấu vào. Cả ba dòng hủ tiếu này thường có mặt quanh các trường của Sài Gòn. Giá một tô dao động từ 25.000 - 30.000 đồng.
Hủ tiếu Hồ của người Tiều hay bánh canh Hồ không có nước dùng màu cánh gián thường thấy mà trong vắt, thanh ngọt. Điểm nhấn của dòng hủ tiếu này là bánh hủ tiếu hình vuông và dùng kèm với lòng heo khìa cải chua.
Địa chỉ: 26 Đình Hòa, P. 13, Q. 8; 51 Phan Văn Trị, Q. 5.
Theo Zing
Khám phá những hàng quán trên 50 năm tuổi ở quận 1 Trong sự tấp nập của quận sầm uất nhất, những gánh xôi 50 năm tuổi, những hàng bún nhỏ truyền từ đời này sang đời khác... vẫn tồn tại như ngày xưa, khiến thực khách lưu luyến. Hủ tiếu chùa Chà Thanh Xuân Từ lâu, thực khách Sài Gòn đã quen với vị ngon của quán hủ tiếu Thanh Xuân gần chùa Chà...